Wednesday 5 October 2011

Lm Chân Tín CSsR: Thư Gửi Hồng Y Etchegaray


Sàigòn ngày 8.7.1989

Kính gửi Hồng Y Roger Etchegaray

Đặc sứ của Đức Thánh Cha.

Kính thưa Đức Hồng Y,

Giáo hội Việt Nam sung sướng được đón tiếp Đức Hồng Y thăm viếng trong bối cảnh hiện tại của Đất nước chúng con. Con tin rằng Đức Hồng Y có một sứ vụ đặc biệt, bện cạnh Hội đồng Giám mục và Chính phủ, nhân danh Đức thánh cha Gioan Phaolô II. Vì thế, con mạn phép để trình Đức Hồng Y một số suy nghĩ liên quan đến Giáo hội tại Việt Nam, trong cuộc sống nội bộ cũng như trong các quan hệ với nhà nước.

1. Vấn đề chọn các Giám mục

Chúng con có những Giám mục thánh thiện, nhưng chúng con thiếu những vị lãnh đạo kiên quyết và đồng thời chịu đối thoại, có khả năng điều hành đời sống nội bộ Giáo hội và các quan hệ với Nhà nuớc.

Dân Chúa ước mong việc chọn Giám mục được căn cứ theo tinh thần Vatican II và theo giá trị lãnh đạo tinh thần hơn là theo vẻ đạo đức và ngoan ngoãn của đối tượng. Bằng không, thì không thể có đổi mới cũng chẳng có lãnh đạo. Trong đời sống của Giáo hội người ta dễ bằng lòng với một thứ đạo đức nhất định, không có chiều sâu, trong quan hệ với Nhà nước, người ta để mặc một số linh mục mệnh danh là ‘yêu nước’ xỏ mũi. Nhóm người này hoạt động hết mình cho chế độ hơn là cho Giáo hội.

2. Vấn đề đào tạo linh mục.

Tự do tôn giáo đích thực mặc nhiên đảm bảo cho Giáo hội được tự do chọn các giáo sư và các chủng sinh. Thế mà, hiện nay việc tổ chức các chủng viện phải chịu đủ thứ hạn chế chẳng hạn ‘ấn định tỷ số’ về các chủng sinh, việc tuyển chọn chủng sinh và các giáo sư chủng viện phải lệ thuộc sự chấp thuận của Nhà nước, điều này không hề có liên quan gì đến những ước nguyện chính thống của Giáo hội. Hiện nay, tại Sàigòn, chúng con có một khóa tuyển 50 chủng sinh cho 10 giáo phận phía Nam. Thời hạn ấn định cho khoá này là 6 năm, không có tuyển khoá mỗi năm, mà chỉ có sau khki mãn khoá đầu. Cụ thể, mỗi Giáo phận gửi vào chủng viện 5 chủng sinh học viên. Sau 6 năm, còn lại được những gì? Hai chủng sinh có thể tự ý xin rút lui, vì tự xét thấy không thể giữ được chế độ độc thân chẳng hạn, một anh khác có thể không được phong chức vì không hợp nhãn Nhà nước, một anh khác nữacó thể bị phê phán không đạt tiêu chuẩn của Giáo hội, chỉ còn lại một chủng sinh thôi. Trong thời gian đó có biết bao nhiêu linh mục chết đi vì già, vì bệnh, vì tai nạn. Đức Hồng Y có thể nhận thấy một số đông linh mục ở Sàigòn so với miền Bắc, nhưng rất ít linh mục trẻ. Mười năm hay hai mươi năm nữa, con số linh mục sẽ gần như ở miền Bắc, Hội đồng Giám mục phải đấu tranh cho quyền tự do chiêu sinh, đào tạo và chọn lựa các chủng sinh và các giáo sư.

3. Vấn đề bổ nhiệm linh mục coi xứ

Mãi đến nay, việc bổ nhiệm linh mục chánh xứ gặp rất nhiều khó khăn và những đối xử rất đau lòng của Nhà nước. Mong sao các Giám mục được tự do bổ nhiệm các chủ chăn của dân Chúa.

4. Các vấn đề của các tu sĩ

Các dòng tu nam đã bị bóp nghẹt từ trong trứng qua vụ tịch thu các nhà đào tạo tu sĩ và linh mục của 7 dòng và tu hội: Đa Minh, Bosco, Xitô các sư huynh trường Công giáo các tu sĩ Dòng Đức Mẹ Đồng Công, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Tên. Xin các đức giám mục đòi cho các dòng tu được tự do tuyển mộ và đào tạo các tu sĩ.

5. Vấn đề báo chí Công giáo

Từ sau tháng 4.1975, báo chí Công giáo không còn nữa. Hai tờ tuần báo mệnh danh là ‘Công giáo yêu nước’ chỉ là cặp loa của chế độ. Chúng luôn luôn chỉ trích Giáo hội kịch liệt. Chúng xuyên tạc bóp méo lời Chúa bằng cách giải thích theo yêu cầu chính trị giai đoạn và chỉ loan các tin tức liên quan đến Giáo hội bằng cách nhỏ giọt và một chiều. Ngay cả các giám mục cũng không được phổ biến một thư chung mục vụ nào mà không có sự đồng ý của Nhà nưóc. Năm vừa qua, gần một tháng trước ngày phong thánh tử đạo Việt Nam, Đại Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phải viết đi viết lại đến lần thứ 8 một thư chung mục vụ chỉ có vài trang mà cũng không vừa bụng Nhà nước và cuối cùng các đức giám mục đã phải chia tay nhau mà không có được lấy một lời nào liên quan đến biến cố gan góc trong năm, nếu không muốn nói là của suốt cả lịch sử Giáo hội Việt nam.

Hơn nữa, từ 1975, ngoài bộ Kinh thánh (một ấn bản năm 1976 phát hành 10,000 cuốn và một ấn bản khác mới đâysố lượng ít hơn) và quyển lịch phụng vụ, không có được một ấn phẩm Công giáo nào khác về phía Giáo hội. Sách và tạp chí Công giáo từ nuớc ngoài gửi về đều bị tịch thu. Do đó, chúng con bị cắt đức mọi nguồn thông tin về Giáo hội toàn cầu. Chính toà TGM Sàigòn cũng không nhận được tờ Osservatore Romano nữa.

6. Vấn đề tự do phụng tự

Tự do phụng tự bị cản trở ở các vùng thôn quê, tự do mục vụ của các linh mục (dạy giáo lý, rao giảng) bị hạn chế. Đặc biệt, các linh mục ‘học tập cải tạo’ về luôn luôn bị tước mọi quyền thi hành mục vụ (dâng thánh lễ cho giáo dân, giảng dạy).

7. Vấn đề viện trợ nhân đạo

Chúng con rất mong có viện trợ nhân đạo của Toà thánh Vatican và của các tổ chức bác ái Công giáo trên toàn thế giới. Nhưng muốn cho nhân dân hưởng nhờ được nguồn viện trợ này cần phải thông qua hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam.

8. Vấn đề quan hệ ngoại giao

Việc bình thường hoá bang giao giữa VIệt Nam và toà thánh Vatican cũng rất được hoan hỷ đón nhận vì lợi ích của Giáo hội tại Việt Nam và của nhân dân Việt Nam.

Kính thưa Đức Hồng Y,

Trên đây là vài vấn đề liên quan đến Giáo hội tại Việt Nam mà giải pháp đúng đắng sẽ đem lại một sinh lực mới cho Nước Trời. Con kính đệ trình Đức Hồng Y với tất cả sự đơn sơ và thành kính.

Kính xin Đức Hồng Y nhận lấy những tâm tình con thảo bà ban phép lành cho con.

Stêphanô Chân Tín

38 Kỳ Đồng Tp HCM

(Bản dịch từ Pháp văn)

(trích Lm Chân Tín, Nói Cho Con Người (1975-2001) Thư Nhà - Broadway NSW Australia tr. 65-68)

No comments: