Monday 24 October 2011

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Chuyện Nhà Tp HCM


Karl Marx đã tiên đoán

SàiGòn Giải Phóng hai hôm trước, 8.8.2000 lại phải than: “Internet VN sau gần 3 năm hoạt động: phong phú các dịch vụ nhưng số thuê bao chưa cao”. Cụ thể là hiện nay “cả nước chỉ có 70,400 thuê bao. Tính trên đầu người chỉ đạt tỷ lệ 0,07% (…) Theo thống kê của các nhà kinh doanh, đối tượng sử dụng Internet hiện mới tập trung phần lớn ở khối doanh nghiệp. Khu vực hành chánh sự nghiệp, khối Giáo dục – Đào tạo, hai khu vực được coi là sử dụng dịch vụ này nhiều nhất khi Việt Nam bắt đầu triển khai Internet thì đến nay cũng chỉ mới chiếm khoảng 2% tổng số thuê bao.”

Người ta bắt đầu bi bô về kinh tế thời đại là “kinh tế tri thức” và “đông lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển kinh tế hiện nay trên thế giới chính là công nghệ thông tin”. Cũng “không thể bưng bít thông tin được” (Gs Đặng Hữu). Nhưng trong thực tế vẫn sợ thông tin và chỉ biết tìm cách né tránh, trốn chạy.

Chẳng qua vì mê tín chủ nghĩa Mác-Lê và cố bảo vệ Đảng. Gs Đặng Hữu, trưởng ban Khoa giáo trung ương viết về “kinh tế trí thức” trên hai số SGGP gần đây rồi trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật 6-12.8.2000. Lm Nguyễn Thái Hợp đã từng nhấn mạnh là khi mà các sản phẩm ngày nay làm bằng 70% tri thức và chỉ với 30% nguyên liệu và lao động thì chủ nghĩa Mác-Lê chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Vấn đề xã hội ngày nay không phải là bóc lột sức lao động mà là “loại trừ”. Đăng Hữu trả lời phỏng vấn đăng trên báo SGGP (28.7.2000, “Hướng vào nền kinh tế tri thức: Đón đầu hay lỡ nhịp”) đã không muốn thấy như vậy. Ông dư biết là “sự chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp thực chất là chuyển từ lao động thủ công sao lao động máy móc, từ kinh tế lao động sang kinh tế tài nguyên. Sự chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức là sự chuyển từ kinh tế dựa vào lao động và tài nguyên sang nền kinh tế dựa vào lao động và tài nguyên sang nền kinh tế dựa vào trí tuệ con người là chính (…)”. Nhưng ông lại không thấy hiện tượng “loại trừ” mà cứ nhất định lạc quan theo… định hướng xã hội chủ nghĩa! “Sẽ đi tới một xã hội tự động hoá toàn bộ, không có công nhân làm việc, đó phải chăng là tiền đề vật chất cho một xã hội trong đó con người được hoàn toàn giải phóng, được hoàn toàn tự do, làm việc theo khả năng, hưởng theo nhu cầu? Là xã hội cộng sản chủ nghĩa mà K Marx đã tiên đoán.”

Cứ cố vớt cát cho uy tín của thầy bói đa năng K. Marx nên trên báo Tuổi Trẻ, không còn biết ông nghĩ gì nữa. Trước vận hội Kinh tế tri thức, một thế mạnh của Việt Nam là “chúng ta có chế độ XHCN mà bản chất của nó là giải phóng mọi khả năng sáng tạo của con người”. Ngay sau đó những thách đố to lớn cũng đang đặt ra lại có chuyện “thuộc về chủ quan của chúng ta, là năng lực quản lý còn yếu, chúng ta chưa đủ sức giải phóng các khả năng sáng tạo…” Sau gần nửa thế kỷ cố thực hiện “bản chất” chế độ xã hội chủ nghĩa!

Chẳng qua trước sau như một, người ta chỉ loay hoay lo mỗi việc” “Chúng ta cần phải tính toán kỹ lại làm thế nào để phát triển lực lượng sán xuất trong điều kiện chúng ta nắm vững chính quyền, chế độ chúng ta có Đảng lãnh đạo.” (Tuổi Trẻ sđd)

Cứ như thế thì sẽ còn “lỡ nhịp” chán chứ không phải là “đón đầu”.

Gs Nguyễn Ngọc Lan

(trích Thư Nhà số 1 năm 2001, trang 19)

No comments: