GIÁNG SINH, MẦU NHIỆM CON THIÊN CHÚA
MANG LẤY THÂN PHẬN LOÀI NGƯỜI
MANG LẤY THÂN PHẬN LOÀI NGƯỜI
Mùa Giáng Sinh đã tới, tưng bừng
cuốn hút với những lễ hội phô diễn đầy màu sắc và âm thanh, những chương trình
vui chơi hưởng thụ cuối năm quá hấp dẫn. Đại Lễ Giáng Sinh đã tạo nên một nét
văn hóa hấp dẫn từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, qua nhiều thế kỷ, theo làn
sóng thương mại và chính trị lan nhanh từ các nước mạnh, nước giàu, nước phát
triển sang các nước nhỏ, nước nghèo, nước thuộc địa, nước đang phát triển, mau
chóng làm nên nét văn hóa riêng của các nước chịu ảnh hưởng.
Mùa lễ hội
vui chơi và thụ hưởng trong dịp ghi dấu Chúa Giêsu Giáng Sinh, thật ra là một
sinh hoạt chính đáng đáp ứng được nhu cầu tất yếu của mọi người, cho mọi người
được vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái. Lễ hội Giáng Sinh dần dần trở thành phong
tục tập quán, tồn tại và phát triển qua dòng thời gian và lịch sử của nhiều dân
tộc.
Ngày nay
mùa lễ hội này được cả thế giới công nhận một cách đương nhiên, một số các biểu
tượng tôn giáo được phổ thông hóa và một số biểu tượng tôn giáo khác được biến
đổi cho phù hợp với sinh hoạt xã hội. Tuy nhiên những biến đổi này lại mất đi
căn tính và ý nghĩa của niềm vui Chúa Giêsu được ban cho nhân loại, làm lạc
hướng những tâm tình thiêng liêng của con người khi bước vào Mùa Giáng Sinh,
thí dụ: thay vì ghi trên những tấm thiệp mừng Lễ phải là Merry Christmas, hoặc
Chrismas Season, thì ngày nay người ta dễ nhầm lẫn, không để ý, gởi cho nhau
những tấm thiệp mang dòng chữ Season’s Greetings.
Giáng
Sinh, Giêsu – Ngôi Hai Thiên Chúa đến với nhân loại mang lấy thân phận con
người, trọn vẹn làm người ngoại trừ tội lỗi, gánh chịu tất cả mọi giới hạn của
con người trong không gian và thời gian. Kính Thánh nhiều lần cho chúng ta thấy
rõ thân phận này: Chúa Giêsu mệt mỏi nên thiếp ngủ trên thuyền ( “nhưng Người
vẫn ngủ”, Mt 8, 24 ); Chúa Giêsu buồn giận nên bật khóc ( “Đức Giêsu khóc
thương”, Lc 19, 41 ); Chúa Giêsu thổn thức trước cái chết của bạn thân ( “Đức
Giêsu lại thổn thức trong lòng”, Ga 11, 38 ); Chúa Giêsu chạnh lòng thương kẻ
đói nghèo (“Người chạnh lòng thương”, Mt 9, 36), Chúa Giêsu đói ( “Người thấy
đói”, Mt 4, 2 ) và khát ( “Người di đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ
giếng”, Ga 4, 6 ); Chúa Giêsu khiếp sợ trước cái chết ( “buồn rầu xao xuyến”,
Mt 26, 37 )…
Giáng
Sinh, mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu mang Ngài hạ mình xuống cận kề con
người, ở giữa con người, chính là cơ hội, là khởi đầu cho tiến trình chúng ta
được tham gia vào mầu nhiệm Cứu Rỗi, vì chính Chúa Giêsu cứu chúng ta ngay
trong thân xác con người của chúng ta mà Ngài đã cưu mang, “Xác loài người ngày
sau sống lại”. Khi Chúa Giêsu phục sinh, Người đã phục sinh chính thân xác
con người Chúa đã nhập thể. Mầu nhiệm nhập thể báo hiệu cho chúng ta mầu nhiệm
cứu độ, bản tính con người của Ngôi Hai Thiên Chúa là bảo đảm cho chúng ta được
sống lại và tham dự vào bản tính Thiên Chúa...
Bức Linh
Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp biểu tỏ cho chúng ta rất rõ về hồng ân này. Chiếc dép Chúa
Giêsu mang nơi chân phải tuột ra khỏi chân Ngài, hình ảnh này muốn diễn tả khi
làm người, Chúa đã mang lấy thân phận bất toàn của con người, những bất toàn
như chúng ta vừa có dịp chiêm ngắm qua các đoạn Kinh Thánh nêu trên. Và rồi nơi
những bất toàn đó, bàn tay Mẹ hướng chúng ta đến các dụng cụ nhục hình mà Chúa sẽ
phải chịu, nhưng đồng thời cũng sẽ làm cho chúng ta được phục sinh trong vinh
quang của Thiên Chúa.
Trong Kinh
Thánh Cựu Ước, sách Rút kể cho chúng ta câu chuyện bà Rút, đó là một câu chuyện
cảm động về tình người và lòng trung thực. Trong sách Rút, theo thói tục Do
Thái về quyền bảo tồn giống nòi, người có trách nhiệm và có quyền bảo tồn giống
nòi đã nhường quyền và trao trách nhiệm ấy cho ông Boát bằng một cử chỉ là cởi
chiếc dép của mình mà trao cho ông Boát. Phải chăng Chúa Giêsu trong bức Linh
Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng muốn nói với chúng ta về quyền và trách nhiệm làm mẹ
chúng ta đã được trao cho Mẹ Maria, khi chiếc dép tuột khỏi chân Chúa ?!?
Lm. Vĩnh Sang, DCCT,
12.2014
No comments:
Post a Comment