Monday 3 November 2014

Lm Lê Quang Uy DCCT "NGƯỜI ĐÂU GẶP GỠ LÀM CHI ?"



NGƯỜI ĐÂU GẶP GỠ LÀM CHI ?"
Kính thăm cha già Louis Nguyễn Văn Qui, và quý anh chị Gia Đình An Phong,
Một ngày đầu tháng 7 năm nay, con đang dự Công Hội Tỉnh DCCT tại Kỳ Đồng thì được tin có khách tìm con, đông lắm, ngồi đầy cả nhà khách Tu Viện. Đúng lúc được nghỉ giải lao, con vội chạy ra, ngỡ ngàng và mừng vui, tưởng ai, hoá ra là cha Fabiano Lê Văn Hào, Dòng Thánh Bosco, cùng các anh chị Gia Đình An Phong.
Vậy là năm nay nữa, cha lại không thể về với con cái được. Chỉ có mấy phút bàn bạc, con liền đề nghị ngoài việc tĩnh tâm và dâng Thánh Lễ đúng ngày Lễ Thánh An Phong 1 tháng 8 tại Nhà Nguyện Dòng Xitô trên núi Vũng Tàu, Gia Đình mình hãy cùng nhau làm một tập kỷ yếu ghi dấu 50 năm Gia Đình An Phong và mừng thượng thọ cha già Louis 90 tuổi. Thời gian chỉ còn chưa tới một tháng, chắc chắn không thể kịp ra mắt một tập sách hoàn hảo trang trọng, nhưng có được đến đâu ta cứ làm đến đấy, đúng tinh thần của "dân Bụi", miễn là cha già vui, anh chị em mình vui là được, có dịp hồi ôn kỷ niệm xưa mà tạ ơn Chúa, biết ơn cha già và cám ơn nhau…
Vậy là đã hai năm liền con được làm quen, hoà mình vào với Gia Đình, ít là trong ngày mừng Lễ kính Thánh An Phong, cũng là ngày truyền thống kỷ niệm thành lập Gia Đình An Phong. Thật ra, tuy không được ở "thâm niên" với cha, không được làm con của cha như nhiều anh chị tại Vũng Tàu, nhưng con cũng may mắn có được nhiều cơ duyên tuyệt vời với cha.
Kỷ niệm đầu tiên…
Chúa Nhật 26.8.2001, con đưa một thông tin cần trợ giúp khẩn cấp lên tờ báo điện tử mang tên Gospelnet số 23 ( nghĩa là Mạng Lưới Tin Mừng ) như sau:
"Có một em dân tộc ở Kon Tum tên là A Vương, sinh ngày 26.11.1982, là cháu của một chị Nữ Tu Dòng Ảnh Phép Lạ Kon Tum, ngụ tại làng Kon Hra Chot. Em A Vương là một trong những người dân tộc đầu tiên là học sinh giỏi thi đậu liền 2 trường Đại Học Y Tây Nguyên và Đại Học Giao Thông Vận Tải Sàigòn. Vào năm học mới em sẽ phải đóng học phí 1.800.000 đồng cho trọn năm học, tính theo giá bây giờ phải gấp mười lần thế. Gia đình A Vương lại có hoàn cảnh hết sức khó khăn, không thể lo liệu nổi số tiền lớn như thế. Đã gần hết thời hạn quy định, và chắc chắn em sẽ bị nhà trường loại bỏ không thương tiếc…"
Lúc ấy, con chỉ có trong tay đúng 500.000 đồng nên nhờ anh em trong Dòng chuyển ngay lên Kon Tum, coi như một phần nhỏ khích lệ gia đình em A Vương đừng vội nản lòng nhưng cứ kiên trì cậy trông vào Chúa. Như vậy, vẫn còn cần thêm 1.300.000 VND mới đủ !
Báo gửi đi vào lúc 22g buổi tối khuya Chúa Nhật 26.8.2001 bên Việt Nam, không ngờ bên Pháp lúc ấy là 17g chiều cùng ngày, cha già Louis mở chiếc computer cũ kỹ do chính tay các em Bụi Đời Việt Nam bên Pháp tận dùng đồ phế thải lắp ráp, cha nhận được số báo Gospelnet qua Email, đọc thông tin về em A Vương xong, cha gọi điện thoại về Việt Nam cho chị Trần Thị Nghiêm, Gia Đình An Phong tại Vũng Tàu, lúc ấy đã là nửa đêm bên Việt Nam…
Sáng tinh mơ thứ hai 27.8, lúc 6g30 sáng, con vừa dâng Lễ trong Tu Viện xong, một chiếc Honda cũ mèm đỗ xịch trong sân Nhà Dòng, tài xế chắc cũng là dân An Phong, hỏi con có phải là cha Quang Uy không rồi đưa luôn số tiền 1.300.000 VND, bảo là cha Quy từ bên Pháp nhắn anh em Gia Đình An Phong Vũng Tàu lo vụ này, dứt lời anh quành xe phóng luôn, đúng phong cách… Bụi !
Con mừng quá, vào gọi điện thoại ngay, nhờ thầy Trần Xuân Sang, Dòng Ngôi Lời, cũng gốc Kon Tum ( nay đã là Linh Mục truyền giáo bên Paraguay ) tìm cách chuyển khoản ngay số tiền này lên Tây Nguyên. 10g sáng hôm ấy, khi em A Vương đến văn phòng Trường Đại Học Y Tây Nguyên đóng xong 1.800.000 VND, thì không ngờ, cũng là vừa lúc hết thời hạn. Hú vía !
Hiện nay, em A Vương đã là một bác sĩ trẻ Nhi Khoa. Cách đây mấy năm, khi cha già đang về thăm Việt Nam thì ngã bệnh, phải nhập viện cấp cứu. Con có báo tin cho bác sĩ A Vương, A Vương đã tìm cách vào tận nhà thương chào cha để nói lời tri ân. Mười năm trước, nếu cha già đã không chạnh thương và quyết đoán nhanh nhạy, và nếu các anh chị An Phong Vũng Tàu cũng không chạnh thương kèm theo lòng nhiệt thành xốc vác, phóng xe hơn một trăm hai mươi cây số từ khi trời chưa rạng sáng để kịp góp một món tiền lớn, thì em A Vương đã phải dở dang việc học, thiệt thòi cho bản thân, cho Giáo Hội, cho cả cộng đồng dân tộc của em…
Kỷ niệm thứ nhì…
Sau đó mấy tháng, cuối năm 2001, con được dịp lang thang sang Pháp. Cha Qui từ Ermont-Eaubonne gọi điện thoại lên Paris hỏi con có muốn theo cha một chuyến viếng Đức Mẹ Lourdes ( Lộ Đức ) không, con mừng như bắt được vàng, ước mơ bao lâu nay thế là được toại nguyện. Cũng xuất phát từ một lần lâu lắm rồi cha già chạnh thương cưu mang một cô gái Việt ở trại tỵ nạn vượt biên. Bây giờ cô đã định cư tại một nước Bắc Âu, lập gia đình nhưng lại mong mãi mà chưa có con, cô ấy muốn hành hương về Lourdes xin Mẹ Maria ban ơn cho khỏi hiếm muộn, cô không giàu có, chỉ vừa đủ sống, nhưng sẵn sàng lo mọi sự, miễn là có cha già Louis kính yêu cùng đi. Cha già lại muốn cho cha trẻ bên Việt Nam được "ăn theo" chứ cha già biết rõ con chẳng có tiền túi rủng rỉnh đâu mà dám đi một mình.
Từ Paris ba cha con đi xe lửa xuôi xuống miền Nam nước Pháp trong đêm. Đến Lourdes, cha quen biết rộng nên xin trọ được tại một nhà nghỉ bình dân nhỏ bé của AED ( Aide à l'Église en Détresse – Hội trợ giúp các Giáo Hội đang bị bách hại ). Chị phụ trách là một người đặc biệt thánh thiện, chị chỉ ăn mỗi ngày 3 khoanh bánh mì khô với nước lã, còn hơn người Phật Giáo ăn chay trường. Chị gầy tong teo nhưng khoẻ lắm, đi thoăn thoắt. Cả ngày lo mọi sự tại nhà nghỉ thật chu đáo, xong là chị lại mấy phen xải chân cuốc bộ ra cầu nguyện Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức.
Tội nghiệp cha già Louis, năm ấy đã 78 tuổi, trong suốt 3 ngày ở Lourdes vẫn cố gắng ì ạch lặc lè chậm bước theo sau ông cha trẻ 42 tuổi và chị ân nhân 45 tuổi từ nhà nghỉ ra với Đức Mẹ, một ngày ba bận đi đi về về.
Dạo ấy trời đã tàn Thu lập Đông, mưa chỉ còn lâm thâm dai dẳng, mây xám, gió heo may bắt đầu se se lạnh, cây cối đã trụi lá khẳng khiu, lạ thay, tất cả lại làm cho khách hành hương càng cảm thấy tha thiết gắn bó với Mẹ Maria, có những người tận Philippines sang, quỳ gối lết đến với Mẹ cả quãng đường 6, 7 trăm mét từ cổng vào, có người từ bên Đông Âu sang phủ phục xuống nền gạch trước Hang Đá lúc nào cũng ướt đầm nước mưa…
Một hôm, con với cha già Louis đứng hai bên đồng tế với ông cha Tây ngay trong Hang Đá nơi Đức Mẹ hiện ra ngày xưa với chị Bernadette Soubirous năm 1858. Thánh Lễ được truyền trực tiếp trên sóng radio đi tất cả các nước nói tiếng Pháp ( Francophone ) và con được dâng lời cầu nguyện bằng tiếng Pháp cho quê hương Việt Nam.
Với cha già Qui thì có một câu chuyện vừa vui vừa thấm thía. Một hôm cha già dắt con leo dốc lên phía trên Hang Đá Lộ Đức, nơi tọa lạc một Vương Cung Thánh Đường hết sức nguy nga dâng kính Đức Mẹ. Cha mệt quá, thở phì phò, ngồi uệch luôn xuống trước bậc thềm trước cửa Nhà Thờ, còn con thì đứng gần đó ngơ ngẩn dõi mắt ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên cuối Thu với đồi núi chập trùng, sông suối hiền hoà và rừng cây an nhiên.
Bỗng có một bà già chắc cũng trạc tuổi cha Qui bước tới ngay chỗ cha ngồi, chạnh lòng thương vì ngỡ cha là một ông cụ hành khất người Trung Quốc nghèo khổ và khuyết tật, bà mở ví lấy tiền bố thí cho cha, hình như nhiều lắm, cũng đến mấy chục Francs ( lúc ấy chưa đổi Euros ). Cha mỉm cười cám ơn bà cụ bằng tiếng Pháp rất ư là lịch thiệp của dân Tây, xong xuôi cha lồm cồm ngồi dậy, ì ạch chậm rãi bước tới hòm tiền công đức trước cổng Đền Thờ. Bà già Tây há hốc mồm nhìn rồi kêu lên ( đương nhiên bằng tiếng Pháp ) ý là: "Ơ ! Cái ông già này, tôi cho ông chứ có cho Nhà Thờ đâu !" Cha già ôn tồn mỉm cười lần nữa bảo bà: "Vâng, cám ơn, bà đã cho tôi rồi thì là của tôi, tôi muốn cho lại Nhà Thờ là quyền của tôi chứ !" Và cha bỏ tọt luôn số tiền vào hòm công đức trong sự hậm hực bất bình của bà già kia.
Bà kia bỏ đi rồi, cha già mới bảo tôi: "Bên Tây này nó vậy đó, giúp người nghèo, làm việc bác ái cỡ nào họ cũng sẵn sàng, họ coi như một nghĩa vụ xã hội tự nhiên, nhưng bảo giúp cho Giáo Hội thì dứt khoát không, họ bảo Giáo Hội giàu quá rồi !" Con cứ phải ngẫm nghĩ mãi về lời nhận định này của cha. Biết đâu rồi có ngày không khéo Giáo Hội Việt Nam mình cũng sẽ rơi vào bi kịch này khi người ta mất lòng tin tưởng đối với hàng Giáo Sĩ, mất sự gắn bó gần gũi với cả Giáo Hội…
Rời Lourdes về lại Paris, con còn được mấy dịp đi với cha già Louis, ngồi xe hơi do chính cha cầm lái, toàn đồ cũ lắp ráp tái chế nhưng chạy bon bon trên xa lộ, qua mỗi nơi nào đặc biệt cha đều giải thích và kèm theo một câu chuyện lý thú, mở mang trí óc cho ông cha trẻ. Con được đến và ở lại ngồi nhà thị trưởng Ermont-Eaubonne tặng cho cha làm "Biệt Thự Bụi", nuôi đến mấy chục anh chị em Việt Nam đủ "thể loại": sinh viên, bệnh nhân tâm thần nhẹ, người vô gia đình, mỗi người một hoàn cảnh, một tính khí, một khát vọng, họ cùng dâng Thánh Lễ, cùng cầu nguyện, cùng làm việc để mưu sinh, cùng ăn bữa cơm huynh đệ, cùng trùm chăn ngủ chung dưới một tầng hầm, và có cùng một người cha già biết trân trọng và luôn yêu thương từng mảnh đời Bụi trên đất khách quê người…
Truyện Kiều có câu: "Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không ?” Con mang máng nhận ra cũng có một cái "duyên" gì đấy giữa con với cha, giữa con với các anh chị Gia Đình An Phong, để khi cha yếu mệt không về Việt Nam năm ngoái, cha Fabiano Hào đến DCCT có ý xin cha Giám Tỉnh cử một cha tạm thời thay mặt cha già Louis để lo cho Gia Đình An Phong dịp Lễ truyền thống 1 tháng 8, tự dưng con lại lơn tơn đi ra, cha Hào ngỏ ý, con liều lĩnh nhận lời ngay, có lẽ tất cả chỉ vin vào cái "duyên" con từng có được với cha già từ năm 2001 như con vừa kể trên đây…
Vậy, tuy con không phải là dân "Bụi", con vẫn xin cha già công nhận cho con từ hôm nay được làm thành viên của Gia Đình An Phong. Con tin cha không nỡ nào từ chối, cha nhỉ ?
Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT 27.7.2013

No comments: