Sunday, 9 November 2014

Khải Triều Nguyễn An Tôn Nhân sự kiện cuốn Phúc Âm Bỏ Túi



Nhân sự kiện cuốn "Phúc Âm Bỏ Túi" ( PABT ) vừa được các anh em Công Giáo Việt Nam ( www.conggiaovietnam.net ) phát hành và trao tặng cho các vùng sâu vùng xa, bài viết giới thiệu của Lm. Vĩnh Sang đăng ở đầu số báo Ephata này có nhắc đến chương trình "Mỗi Quân nhân một Tân Ước". Ephata xin đăng lại một chia sẻ của tác giả Khải Triều Nguyễn An Tôn về cha Nguyễn Tự Do, người khởi xướng và thực hiện chương trình này…
Lm. RÔCÔ NGUYỄN VĂN TỰ DO:
MỘT CHIẾN SĨ TIN MỪNG KHÔNG CÒN NỮA !
image023Liên tiếp trong hai ngày 5 và 6.3.2011, tôi nhận được tin: Cha Tự Do mất rồi ! Một người bạn khác thì gọi điện hỏi tôi về tiểu sử của ngài. Ngay khi nhận được tin báo lần thứ nhất, tôi đã liên lạc với gia đình của ngài ở Giáo Xứ Tân Phú và được biết là Nhà Dòng đã lập tức đưa thi hài của ngài về với cộng đoàn của ngài, DCCT Việt Nam, trên đường Kỳ Đồng, quận 3, Sàigòn ( Di ảnh cha Nguyễn Tự Do ).
Khi tôi tới Dòng Chúa Cứu Thế viếng xác ngài và dự một Thánh Lễ cầu nguyện cho linh hồn Rôcô, bởi cộng đòan Tình Thương do ngài tập hợp từ nhiều năm nay để làm công tác từ thiện tại những trại phong trên cả nước mà họ đăng ký trước, một bản tiểu sử của ngài, do Văn Phòng Tỉnh DCCT Việt Nam lập, dán trước cửa phòng quàn thi hài, trên đó có ghi nhận:
“Cha Rôcô Nguyễn Văn Tự Do được gọi về Nhà Cha lúc 17g00 ngày 5.3.2011, hoàn tất hành trình 83 năm ở trần gian, 60 năm Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, 55 năm thi hành sứ vụ Linh Mục.
Trong 60 năm làm Tu Sĩ DCCT, điểm nổi bật ta có thể thấy nơi con người cha Rôcô Tự Do là: ngài tha thiết với cuộc sống của Nhà Dòng, cách riêng Tỉnh Dòng Việt Nam. Bằng những ơn riêng Chúa ban cho ngài, ngài đã không ngừng thu thập một cách chi tiết các biến cố trong Tỉnh Dòng, nhất là thời các cha thừa sai Canada cống hiến cho sự nghiệp thiết lập Dòng tại Việt Nam. Các công trình biên sọan của ngài có một giá trị bảo tồn rất quan trọng cho các thế hệ mai sau của Tỉnh Dòng. Ngài cũng biết sử dụng những ơn riêng Chúa ban để phục vụ Tin Mừng một cách hết sức hiệu quả trong lãnh vực truyền thông, cụ thể là chương trình “Mỗi quân nhân một Tân Ước” và Trung Tâm ATAS.”
Có thể nói, buổi sáng ngày quân nhân Công Giáo chúng tôi, khoảng 3.000 người, thuộc các đơn vị Bộ Binh, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Không Quân, Hải Quân… đã về Nhà Thờ Đồng Tiến để tham dự Thánh Lễ và được trao tặng mỗi người một cuốn Tin Mừng thu nhỏ do Lm. Nguyễn Thế Thuấn, DCCT dịch, là một sự kiện rất lớn, nếu không nói là một biến cố lớn của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam từ trước cho tới lúc đó, chúng tôi được nhìn thấy tận mắt hàng trăm ngàn cuốn Tin Mừng như thế, nhất là chúng tôi lại là đối tượng có một không hai trong việc trực tiếp nhận sách Tin Mừng từ tay các vị Mục Tử. Tôi thấy các bạn hữu tôi, khi nhận được sách Tin Mừng, người nào cũng rất phấn khởi, vui và nhẹ nhàng đưa sách lên miệng hôn. Có người nói: “Sách đẹp quá !” Người khác thì nghiêm trang hơn, nói: “Bạn hôn sách đẹp hay là hôn Lời Chúa ?”
Đấy là dấu ấn lần đầu tiên trong đời một Kitô hữu của tôi và chắc chắn cũng là lần đầu tiên trong đời những quân nhân Công Giáo khác, một dấu ấn không thấy phai mờ từ ngày đó, khoảng cuối những năm 1970. Thời gian này cha Tự Do là Tuyên úy QLVNCH, phụ tá Trưởng khối Giáo Vụ, lo phát thanh, báo chí, truyền hình… tại Nha Tuyên Úy Công Giáo.
Tuy nhiên, chiến dịch “mỗi quân nhân một Tân Ước” Cha Tự Do khởi xướng, không được thuận buồm xuôi gió đâu, ngay trong thành phần Giáo Sĩ. Ngài bị chống đối, hiểu lầm và còn bị xúc phạm danh dự. Trong cuốn Niềm Vui Vĩ Đại – Hồi ký 50 năm Linh Mục – 1956-2006, cha Nguyễn Tự Do đã kể lại sự việc này như sau:
“Không phải hết mọi người đều hưởng ứng và hợp tác. Chiến dịch phải đương đầu với bao khó khăn, nhiều “cám dỗ”. Nhiều lời nói xuyên tạc, nhiều lập trường khác luôn tạo những khó khăn lắm khi khó vượt khỏi. “Người Công Giáo Việt Nam không thể đọc Kinh Thánh được, họ chưa đủ trình độ…; mấy ông DCCT chỉ bày trò”, “làm tiền”, “họ sẽ in sách nhưng vài ngàn cuốn thôi còn tiền thì…”
image024Tôi không hiểu được tại sao người ta lại có thể “sáng chế” ra những điều kỳ lạ như thế đến mức mà chỉ nghĩ tới cũng đã phải xấu hổ. Có một số các vị muốn lấy hết số tiền chiến dịch để “mua lại” một số sách Kinh Thánh bằng hình vẽ của một tác giả nào đó. Có những vị không hề phát động chiến dịch trong đơn vị mình. Có mấy Nhà Thờ không cho chúng tôi đến giảng, nói rằng họ tự làm lấy, nhưng không bao giờ chúng tôi nhận được món tiền nào từ đó.
“Trong những lời phê phán, suy đoán có tính cách “bất đồng nhuốm mầu phá hoại đó”, có những điều xúc phạm đến cá nhân tôi, đến các cha hợp tác và đến cả DCCT, cả tập thể Linh Mục” ( Dẫn từ cuốn: Niềm Vui Vĩ Đại – Hồi ký 50 năm Linh Mục, tr. 34 ).
Nhưng có điều làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên là, những điều cha Nguyễn Tự Do kể lại trên đây không phải chỉ xảy ra bên ngoài Nha Tuyên Úy Công Giáo, song là từ chính nơi đây, từ quyền thế cao nhất của Nha này. Cha Tự Do viết tiếp:
“Đáng lẽ mọi sự đã “xuôi chèo” khi nhiều lần Nha Tuyên Úy Công Giáo “đòi” Bộ Tổng Tham Mưu giải ngũ tôi hay ít là đưa tôi đi một đơn vị tác chiến xa Sàigòn. Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn đã tự tay viết thư cho Trung tướng Tổng cục Trưởng Tổng Cục CTCT Trần Văn Trung với chỉ thị: “Không được giải ngũ Linh Mục Nguyễn Tự Do nếu không có sự đồng ý của Giám Mục đặc trách.” ( nt. )
Viết đến đây, bỗng dưng tôi không thể viết thêm được gì nữa, mặc dù còn có nhiều công trình mà cha Nguyễn Tự Do đã hoàn thành, như cuốn Hành Hương Công Giáo Việt Nam phổ biến năm 2009. Đây là một cách viết lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam của ngài, hướng về sứ vụ truyền giáo và đời sống tâm linh, mà tôi nghĩ rằng người Kitô hữu nào cũng cần có trong cuộc đời làm con Chúa của mình. ( Ảnh chụp cha Nguyễn Thế Thuấn, DCCT, tác giả bản dịch sách Tân Ước được in trong chiến dịch "Mỗi Quân Nhân một Tân Ước ).
Tôi không viết thêm được chính là vì những lời cha Tự Do viết về những điều tưởng chỉ có nơi người trần tục, không ngờ một chiến địch “mỗi Quân Nhân một Tân Ước” cần thiết như vậy, lý tưởng như vậy, tuyệt vời như vậy mà một vài Linh Mục thời đó, lại có những suy nghĩ như của một số người bên ngoài Giáo Hội, luôn tìm cách gây nghi kỵ và chia rẽ nội bộ Công Giáo.
Chắc chắn những lời lẽ và cách xử sự như vậy trong vấn đề phổ biến Kinh Thánh mà cha Tự Do và một số cha trong DCCT, như cha Nguyễn Văn Vàng, cha Trần Hữu Thanh… đã hợp tác và giúp đỡ ngài, là một điều đáng buồn và không thể có. Nhất là, chiến dịch “mỗi Quân Nhân một Tân Ước” được thực hiện sau khi Công Đồng Vatican II kết thúc được gần mười năm rồi. Không lẽ những văn kiện đặc biệt của Vatican II như VUI MỪNG VÀ HY VỌNG, GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY, đã không được các vị đó để mắt tới !
Nhắc đến việc trên đây liên quan đến cha Nguyễn Văn Tự Do DCCT, nhân sau ngày ngài nằm xuống, không phải để ca tụng ngài hay chống đối những ai đã chống đối việc làm mang tinh thần truyền giáo của ngài. Nhưng trước hết vẫn là một việc làm “ăn năn” khi Mùa Chay năm 2011 vừa bắt đầu với Lễ Tro, Thứ Tư ngày 9.3.2011.
Khải Triều NGUYỄN AN TÔN
(
http://www.nhomai.vn/forum/archive/index.php/t-10597.html )

No comments: