Quà tặng Tin Mừng
VRNs (08.11.2014)
– Ephata 630 – Mấy hôm nay chúng tôi đã nhìn thấy, đã được nâng niu
trân trọng trên tay cuốn “Phúc Âm Bỏ Túi” (PABT) như cách gọi của những
người thực hiện công việc này (www.conggiaovietnam.net). Cách đây không
lâu, Đức Thánh Cha Phanxicô có sáng kiến biếu tặng cuốn Phúc Âm dành cho
mọi người, với khổ nhỏ nên dễ dàng mang theo bên mình để đọc và suy gẫm
(ảnh kèm theo, sách PABT “Vangelo”, bản tiếng Ý, được Đức Thánh Cha
trao tặng vào Chúa Nhật 6.4.2014 sau Kinh Truyền Tin ở quảng trường
Thánh Phêrô). Ở Việt Nam, một số anh chị em tốt lành muốn bước theo Đức
Thanh Cha nên cố gắng thực hiện công việc cho ra đời cuốn PABT bằng
tiếng Việt, và cũng dành để trao tặng mọi người, đặc biệt những anh chị
em vùng sâu vùng xa và có hoàn cảnh khó khăn.
Công việc
này làm chúng tôi nhớ đến một công việc khác trong quá khứ. Giữa những
năm chiến tranh ác liệt trên quê hương đất nước, các vị có trách nhiệm
trong Hội Thánh Việt Nam lúc bấy giờ có sáng kiến “Mỗi quân nhân một Tân
Ước”. Những bản Tân Ước đầu tiên được in ấn ở Hồng Kông (Ảnh sách Tân
Ước cho quân nhân năm 1970, chụp chung với bản PABT năm 2014) đã theo
chân người lính đi khắp mọi nơi, hẳn không thể kể ra hết được những hiệu
quả tích cực trong đời sống thiêng liêng do việc đọc Lời Chúa mang lại.
Những vị thực hiện chương trình này hiện nay đã lần lượt theo nhau về
Quê Trời (Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, cha Giuse Trần Hữu Thanh, cha GB.
Nguyễn Văn Vàng, cha Roco Nguyễn Tự Do…).
Hội Thánh
nói chung, cách riêng Hội Thánh Việt Nam luôn nhắc nhở con cái mình đọc,
suy gẫm và học hỏi Lời Chúa. Có rất nhiều nỗ lực giúp mọi người tiếp
cận với Lời Chúa. Sự phát triển các kênh truyền thông làm tăng thêm
những hoạt động đầy cố gắng và đáng khích lệ này. Dù vậy, giữa bao nhiêu
những bề bộn công việc, một lượng thông tin khổng lồ dày đặc trên các
mạng truyền thông, Lời Chúa xem ra vẫn lẻ loi và tần suất hiện diện còn
hết sức khiêm tốn.
Trong một
lần đi công việc ở một miền quê nọ, mô hình sống đạo cũng tương tự như
mọi miền quê trên đất nước chúng ta, về tối nghe râm ran những lời kinh ê
a ở các khu xóm, Giáo Phận đã dọn ra một số lời kinh có tính cách Giáo
Lý, những “giáo trình” này được truyền về đến tận các khu xóm để mọi
người học hỏi. Thật là một nỗ lực cụ thể và thích ứng với một xã hội
nhỏ không còn thanh niên bao nhiêu, vì phần đông đã kéo nhau ra thành
thị để mưu sinh, thích ứng với một xã hội vùng miền chỉ còn những ông bà
già và con trẻ. Tuy nhiên, khi cố gắng tìm hiểu thêm thì thấy không mấy
nhà có cuốn Kinh Thánh, mà nếu có, rất tiếc là người ta lại chỉ để cuốn
Kinh Thánh trên bàn thờ với một lớp bụi đóng trên bìa sách chứng tỏ lâu
ngày chưa cầm đến.
Chắc chắn
các em nhỏ và các bạn thiếu niên sẽ không “đủ no” khi chỉ được cung cấp
loại “thực phẩm” như “giáo trình” kể trên, những bạn thanh niên Công
Giáo trôi dạt trên các phố thị đông người đầy cạm bẫy sẽ sử dụng loại
lương thực nào để nuôi sống đời sống thiêng liêng của mình? Nếu những
bản văn Phúc Âm được chuyển đến những vùng quê như vậy, nếu trong túi
các bạn thanh niên có bản Kinh Thánh nhỏ bé vừa vặn với cuộc sống lao
động của anh em thì thật hay biết bao! Sáng kiến của Đức Thánh Cha
Phanxicô đã là một khởi hứng tuyệt vời ít là trong môi trường Giáo Hội
Việt Nam hôm nay.
Nỗi trăn
trở của những người thực hiện là làm sao những cuốn “Phúc Âm Bỏ Túi” này
đến được từng gia đình, từng tay các bạn trẻ lao động? Nói chung đến
với mọi tầng lớp dân chúng? Làm sao đế những cuốn PABT này không quanh
quẩn trong những gia đình giàu có, lẫn lộn trong những mớ sách hỗn độn,
trở thành những món quà biếu cho vừa lòng, cho thỏa mãn lòng kiêu hãnh?
PABT phải đến được với mọi người, nhưng những người nghèo, những vùng
sâu vùng xa cần hơn nhiều lắm.
Và cuối
cùng nỗi trăn trở của những người thực hiện là làm sao có nhiều PABT để
chia sẻ đến tất cả những ai thật sự cần thiết. Cầu chúc cho việc làm quý
hóa vô vị lợi này được phúc lành của Thiên Chúa.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 6.11.2014
No comments:
Post a Comment