GIA ĐÌNH
AN PHONG:
GIA ĐÌNH CỦA NHỮNG NGƯỜI
KHÔNG GIA ĐÌNH
Con người
sinh ra, ai cũng có cha, có mẹ, có một gia đình... Không có ai từ đất nẻ mà
chui lên... Nhưng vì hoàn cảnh, vì xã hội, vì giáo dục v.v... có một số người
kém may mắn, mất hoặc xa cha mẹ sớm, nên phải sống lang thang, không gia
đình... Đó là trường hợp các em mà người ta gọi tắt là bụi đời; nghề sinh sống
của các em thường là đi đánh giầy...
Lúc đó,
năm 1963, tôi làm quản lý trong Dòng Chúa Cứu Thế ở Rạch Dừa, Vũng Tàu. Trong
những lúc đi chợ cho Nhà Dòng, tôi có dịp gặp nhiều em đánh giầy, và lần lần
quen thân với các em...
Một hôm,
tám em đánh giầy tới xin tôi ở... Tôi cười và nói: "Bộ tụi con muốn đi tu
hả, nhà này là một Tu Viện mà ?" Các em trả lời: "Không, tụi con muốn
ở với cha"... Ở với cha mà không chịu đi tu: đó là cả một vấn đề. May
phước tôi làm quản lý Nhà Dòng, nên có một khu riêng dành cho gia nhân, những
người giúp việc cho Nhà Dòng. Để tám đứa ở chung với những gia nhân đó,
trong bụng tôi nghĩ thầm: ở đây buồn chết, chúng nó ở ít ngày rồi sẽ đi sống
lại ngoài chợ, vui nhộn hơn...
Dè đâu,
chúng nó không đi, mà còn rủ thêm các đứa khác đến ở... Thấm thoát, con số lên
tới hơn hai chục. Bấy giờ "Chúa mới can thiệp vào vấn đề".
Trước mặt
Nhà Dòng là một phi trường. Phi cơ và trực thăng của quân đội Mỹ bốc lên đáp
xuống liên lỷ, làm các Cha dạy học ở Đệ Tử Viện, không dạy được. Các Cha phàn
nàn với Cha Bề Trên Giám Tỉnh, và Cha Bề Trên Giám Tỉnh mới giải quyết: đưa Nhà
Đệ Tử lên Sàigòn.Thế là cả Nhà Dòng và Nhà Đệ Tử ra đi di tản, để lại mấy chục
em bụi đời. Và tôi ở lại với các em...
GIA ĐÌNH
AN PHONG bắt đầu tự túc: nuôi gà để nuôi nhau; khởi sự với hai mươi con, đến
ngày 30 tháng 4 năm 1975, số gà lên tới hơn 6.000 con, và từ trước đến lúc đó
đã ăn không biết bao nhiêu và đã bán biết bao nhiêu... Bàn tay của Chúa thấy rõ
ràng. Chúa sinh Chúa dưỡng.
Nhờ đường
lối Chúa soi sáng mà số các em mỗi ngày mỗi tăng thêm. Tôi nói với các em: Chúa
dựng nên con người và cho hoàn toàn tự do. Cho nên trong nhà của mình, chúng
con muốn làm gì thì làm. Đứa nào muốn đi học, cha cho đi học. Đứa nào muốn học
nghề, cha cho học nghề. Còn đứa nào muốn ở không chơi, không làm gì hết, vẫn cứ
được như thường. Không làm gì hết mà đến bữa ăn, có quyền đến ăn như mọi người,
vì mình là đứa con trong nhà thì mình có quyền ăn, còn làm việc là chuyện khác.
Nghe vậy, đứa nào cũng thích, và tụi nó mới rủ nhau đến ở càng ngày càng
đông...
Một
hôm, mấy anh lớn có ý kiến giáo dục hay, mới bàn với tôi. Chúng con muốn chia
nhóm. Chia nhóm là làm sao ? Tất cả tụi con đều là bụi đời. Vậy thì mấy em nhỏ,
đi học, là nhóm "Bụi Non". Còn các anh lớn, học nghề, là nhóm
"Bụi Già". Còn mấy anh em không làm gì hết là nhóm "Bụi Cà
Nhỏng" ! Nói rồi và làm liền... Mấy anh em nhóm "Cà Nhỏng" hơi
quê xệ một chút. Nên từ từ rồi mấy anh em đó gia nhập nhóm "Bụi Học
Trò" hay "Bụi Học Nghể"... Thế là ý kiến giáo dục của mấy anh
lớn đã thành công mỹ mãn.
Lúc ấy, cơ quan viện trợ Công Giáo Mỹ có cho bột mì, làm
bánh mì cho học sinh nghèo. Tôi mới kêu một ông thợ làm bánh mì người Trung
Hoa, Chú Hai. Chú Hai xây một cái lò củi nướng bánh mì. Tôi nói với các em: đứa
nào muốn học làm bánh mì thì đi với Chú Hai. Một số mấy anh lớn đi với Chú
Hai... Tôi cũng có mướn hai ông thợ máy: anh Hai và anh Ba. Tôi nói với các em:
đứa nào muốn học nghề thợ máy sửa xe hơi thì đi với anh Hai, anh Ba... Thế là
mấy tháng sau, trong nhà có hai băng thợ làm bánh mì và thợ máy sửa xe hơi...
Như thế là GIA ĐÌNH AN PHONG đã khai trương Lò Bánh Mì AN PHONG và Garage AN
PHONG, thêm phương tiện nuôi sống các em.
Với thời gian, theo đường dây Radio-Á Rập, GIA
ĐÌNH AN PHONG và xe camionnette Peugeot 404 của cha Qui được các em đánh giầy
chẳng những ở Vũng Tàu mà cả Sàigòn-Chợ Lớn biết và nhận diện. Các em rủ nhau
vô ở càng đông... Một hôm tôi đi chợ ở Chợ Lớn. Đi chợ xong, trở lại xe, tôi
thấy mười một em với thùng giầy trên tay, ngồi sẵn trên xe: các em ngồi chơi vì
biết là xe của cha Qui. Tôi ngó các em, các em nhìn tôi cười, chào nhau. Tôi
mới buột miệng hỏi các em: "Cha đi về Vũng Tàu nè, đứa nào muốn đi Vũng
Tàu tắm biển vài ngày rồi trở về Chợ Lớn lại, cha sẽ chở về... Các em dòm nhau,
hỏi ý kiến, rồi bảo nhau: Mình phải đi trả thùng giầy cho "anh nuôi"
đã... Mỗi em có "anh nuôi" và thùng giầy riêng của anh đó. Mấy em
nhanh chân, nhẩy xuống xe và trong mấy phút, chạy trở lại, nhẩy lên xe, ngồi
gọn gàng, vui cười khoái chí...Thế là 11 em
đánh giầy ở Chợ Lớn, không cần tính toán lâu, bắt đầu đi Vũng Tàu tắm biển...
Thứ hai tuần sau, tôi có dịp lên Sàigòn. Tôi gọi 11 em hôm trước đến và hỏi:
"Cha đi Sàigòn đây, tụi con muốn về thì lên xe". Các em ngó nhau,
cười và đồng thanh: "Không, tụi con không về, tụi con ở lại đây với
cha..." Vậy là GIA ĐÌNH AN PHONG tăng số thêm 11 người nữa... Cùng
với các em bụi đời, có nhiều gia đình nghèo, cũng đến xin ở. Dần dần số những
người này cũng lên đến mấy chục gia đình...
Lại có
những em sơ sinh: cha mẹ sinh ra, rồi không thể nuôi được, đem đến gởi GIA ĐÌNH
AN PHONG nuôi giúp. Hoặc các bà mẹ ôm con ra ngoài chợ, rồi nhờ các bà biết
đường giây, ẵm vào GIA ĐÌNH AN PHONG giùm... Thành phần thứ ba này gia tăng
cũng nhanh; cuối cùng trong nhà cũng được ba phòng, mỗi phòng 40 chục cái
nôi... Cùng với các em, Chúa cũng gởi mấy bà, mấy chị đến tình nguyện nuôi các
em... Việc của Chúa làm bao giờ cũng lạ lùng...
Thêm
các gia đình nghèo và các em sơ sinh, thì thêm miệng ăn. Chúa lại gởi quân đội
Mỹ, Úc đem đồ giặt đến: GIA ĐÌNH AN PHONG lại thêm nhà giặt ủi để nuôi sống
nhau... Tạ ơn Chúa.
Nhờ Chúa
soi sáng và dẫn dắt, đường lối làm việc trong GIA ĐÌNH AN PHONG tóm tắt trong
một câu: "Tôn trọng tự do và yêu thương lẫn nhau". Cho nên GIA ĐÌNH
AN PHONG không từ chối một người nào đến xin giúp đỡ. Kết quả: ngày 30 tháng 4
năm 1975, con cái Chúa, tính ra được: hơn 300 em bụi đời, hơn 100 ông bà gia
đình nghèo, và hơn 100 em bé cô nhi...
Đó là
tiểu sử ngắn gọn của GIA ĐÌNH AN PHONG, hôm nay được gởi lên mạng internet. Hy
vọng ông bà anh chị nào đã sống cùng nhau thời gian ngắn dài nào đó, tìm dịp về
gặp lại nhau, chia sẻ vui buồn với nhau. Liên lạc với GIA ĐÌNH AN PHONG ở Pháp:
Lm. Nguyễn Văn Qui, 11 rue des Bornes – 95120 Ermont – France.
Lm. Louis NGUYỄN VĂN QUI, DCCT
No comments:
Post a Comment