"Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi
các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Ðức Giêsu đến,
đứng giữa các ông và nói: "Chúc anh em được bình an !" ( Ga 20, 19
).
Bài Tin Mừng cho Chúa Nhật II Phục Sinh bắt đầu bằng một
trình thuật về sự hiện ra của Chúa Giêsu, tác giả ghi chú rất rõ về nỗi lo sợ
của các môn đệ, và tình trạng đóng kín cửa của những người đang sống trong sợ
hãi. Chúa Giêsu Phuc Sinh vượt qua giời hạn của con người, Ngài hiện diện giữa
các môn đệ cho dù cửa đóng kín, để ban Bình An cho các ông. Sau đó là cánh cửa
căn phòng được mở ra, và cả cánh cửa lòng cũng được mở ra nữa, nỗi sợ hãi không
còn và Bình An ở cùng các ông cho đến ngày vào Thiên Quốc.
Sợ hãi là thuộc tính của con người,
kể từ khi rời khỏi chốn Bình An là vườn địa đàng, con người mang lấy sự bất lực
của thân phận, sợ hãi xuất hiện cư ngụ trong cuộc sống từ sự bất lực, mãnh lực
của sự dữ lợi dụng nỗi sợ hãi để tung hoành. Sự Bình An đến do sự có mặt của
Đấng Phục Sinh, không do bất cứ một yếu tố nào khác. Vẫn những con người đấy,
vẫn với những bộ óc, con tim và da thịt đấy, nhưng nỗi sợ hãi không còn, Bình
An cư ngụ vĩnh viễn. Bình An của Đấng Phục Sinh ban tặng giải thoát con người.
Hôm nay, Chúa Nhật II Phục Sinh, Hôi Thánh tuyên phong
hai vị Thánh của thế kỷ vừa qua, rất gần gũi thân quen với chúng ta, mới hôm
qua đây còn nghe các ngài nói, cười, di chuyển, chúc lành, dạy dỗ, cử hành Bí
Tích, viếng thăm… Hôm nay cửa nướ trời mở ra, chúng ta được chiêm ngắm hai vị
tươi cười bên Đấng Phục Sinh.
Thật là một sự trùng hợp kỳ diệu, cả hai vị xuất hiện
giữa thế gian đếu mang theo sự Bình An của Đấng Phục Sinh. Giữa
sóng gió của nhân loại và của chính Hội Thánh, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Đức
Gioan XXIII đã mang lại bầu khí bình an cho nhân loại, cho thế giới và cho Hội
Thánh. Đầu nhiệm kỳ Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II tuyên bố “Đừng sợ !” và
ngài làm hết cách để cho con người không còn sợ các thế lực trần gian, can đảm
đứng lên đối diện với thử thách. Ngài đã đi dọc lịch sử nhân loại trong nhọc
nhằn nhưng Bình An, con người xuyên thế kỷ ấy luôn là người kiến tạo sự Bình
An.
Chúng
ta đang sống trong tình trạng bấp bênh của thân phận, quyền lực sự dữ bủa vây
“rảo quanh tìm mồi cắn xé”. Lời Chúa và hành ảnh của hai vị Thánh có làm cho
chúng ta vững tin không ? Tại sao chúng ta cứ mãi giam mình trong sợ hãi mà
không can đảm bước ra hít thở bầu khí tự do ? Phải chăng sợ hãi khu trú trong
ta như là dấu hiệu hiển nhiên tố cáo không có sự hiện diện của Đấng Phục Sinh ?
Tại sao nói cái gì cũng sợ, làm cái gì cũng sợ, sợ cái không đáng sợ ?
Lạy
Đấng Phục Sinh, xin đến ban Bình An cho chúng con.
Lm. VĨNH
SANG, DCCT, Chúa Nhật 27.4.2014
No comments:
Post a Comment