Friday 29 March 2013

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Mt 5: 33-37





Về lời thề:
Câu 33 trưng lời Cựu Ước về lời thề nói chung (L 9: 12 chớ bội thề) và về việc giữ lời khấn (Ds 30: 3; Tl 23: 22tt; Tv 50 (49) 14)

Xét về tính cách phản đề: không đối đáp sát nhau vì nghĩa câu 33 này không đem trực tiếp về lời thề.
-Chiếu theo Lề luật, “thề” là một điều nhất thiết phải có trong thủ tục của toà án. Trong thế giới Do thái đương thời đó, “thề” cũng là mỗt yếu tố của sinh hoạt thường nhật, đến đỗi bất cứ quả quyết nào cũng có thể kèm thêm một lời thề để chứng thực. Các luật sĩ cũng đã cố gắng đi ngược lại  cái lạm dụng đó: lời thề buột miệng dễ dàng và không giữ sẽ bị phạt bằng đánh đòn. Và trước khi tuyên thệ ở toà án, thường người ta có lời cảnh cáo về tội và hình phạt cho ai thề một cách nhẹ dạ.

-Chúa Yêsu, theo tư cách Đấng đem lại một trật tự mới, tức là sinh hoạt trong Nước Thiên Chúa, thì tuyên bố: trong khuôn khổ sinh hoạt mới này, lời thề không còn lý do nữa. Lời thề vốn có chẳng qua vì người ta nghi-hoặc lòng thành của nhau. Chúa Yêsu không chỉ tránh lạm dụng lời thề, nhưng phủ nhận lời thề: Hiện bây giờ, ai thuộc về Nước Thiên Chúa được thấy đời mình và hành vi của mình có lý do và sức mạnh là Nước Thiên Chúa , tất nhiên không còn được sống như thể mình còn phải lụy phục đời hiện tại, dưới quyền ma quỉ, cha của sự dối trá. Nơi kẻ đó, mọi sự nhất nhất đều phải thành thật. Người ta đã muốn hạn chế trong việc áp dụng lời Chúa Yêsu: như thể không cấm lời thề quả quyết có thực một cái gì, mà là đem về lời thề hứa  -hoặc người ta chỉ hiểu rằng Chúa Yêsu khước từ những kiểu thề thốt thông dụng giữa người Do thái thời ấy.
Nhưng đó là giải nghĩa: Chúa Yêsu ra một điều răn mới cho môn đồ: họ phải thành thật đến nỗi không còn cần một lời thề nào nữa để bảo đảm lời họ nói: điều đòi hỏi là một lòng thành thật vô điều kiện.

34b-36: Những thí dụ.
Chúa Yêsu gợi đến những cách tránh Danh Thiên Chúa, nhưng mục đích là cho lời nói có một bảo đảm tương tợ như chính việc kêu Danh Thiên Chúa. Thói tục đó lộ ra một sự không thành thật (coi thêm Mt 23: 16-22).

37a/ So sánh với Yc 5: 12 (Yacôbê):
Thề thốt không có lý do trong cộng đoàn tín hữu. Thề, nên cần thiết khi sự thành thật không còn là qui luật cho mọi lời nói. Nhưng, nơi những kẻ đã chịu lấy Nước Thiên Chúa, thì lời nói hằng đi với sự thật, đã thế thì một khi “có” hay “không” cũng đã đủ.

37b/ “do tự ác tà”:
Có thể, là “cho kẻ dữ” (tức là ma quỉ), hoặc là “do sự dữ”. Quả quyết mà đi quá, “có/không” là do tự ảnh hưởng của ma quỉ, hay là hậu quả của sự dữ chưởng trị sinh hoạt thế gian. Quyền lực của sự dữ, Chúa Yêsu tỏ cho ta thấy ngay nơi sự thiếu thành thật, tức là điều làm cho sự tin cậy giữa người với người bị tổn thương. Ý muốn của Thiên Chúa, Chúa Yêsu chuyển đến cho ta là: Thiên Chúa muốn người ta phải thành thật một cách vô điều kiện.

Tóm tắt các phản đề trên:
Người ta sống trong Nước Thiên Chúa, tức là tự cái sâu thẳm của lòng người ta, người ta đã nhận vương quyền của Thiên Chúa trên mọi sự, cách riêng trên đời mình; và người ta chỉ nhắm một điều là sống theo ý của Thiên Chúa. Thánh ý đó, là sinh sống trong lòng nhân lành, trong sự thành thật, trong sự lướt thắng tham muốn dục vọng mình và kính cẩn đối xử với kẻ khác một cách trang nghiêm. Trước thánh ý đó của Thiên Chúa, mọi cách giải từng nố để châm chước mà tránh né đòi hỏi của chính Thiên Chúa, phải vạch mặt ra là một sự giả hình, làm hoa mắt mình để xoa dịu lương tâm, là đã làm thoả mãn ý của Thiên Chúa. Một trật, những qui định luật pháp về sinh hoạt nhân loại đã được lướt xa rồi, và không còn giá trị cho những ai ở trong Nước Thiên Chúa. Các điều đó cần thiết trong phạm vi của chúng, giá trị tạm thời của trần gian, nhưng một khi ai đã đứng trong Nước Thiên Chúa, đứng trước ý muốn vô điều kiện của Thiên Chúa, thì mọi sự đã ra khác cho người ấy.                                                                           (còn tiếp)                                
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

No comments: