Thursday, 7 March 2013

Lm Richard Leonard sj: Sám hối mà chẳng cần cúi mặt




Trình thuật hôm nay, không chỉ diễn tả một sám hối với những tiếc nuối và hận sầu. Nhưng, còn nói lên tình huống sám hối có đổi thay, ngay căn tính. Ngay trong phong cách ta hành xử và nhìn về Đức Chúa, về con người. Về sự vật. Và, trình thuật kêu mời mọi người tái sắp xếp tương quan trong hành xử với Đức Chúa. Với mọi người. Với chính mình. Đổi thay - sắp xếp, mang tính triệt để, rất căn tính. Đem đến những hoán cải cả đời người. 
Nhiều người những tưởng rằng: cứ ăn năn hối lỗi theo chiều hướng trang nghiêm, trầm lặng của Mùa Chay, là đã đủ. Nhưng suy cho kỹ, ta thấy: ăn năn hối lỗi vào Mùa Chay không chỉ gồm mỗi cởi bỏ những sai sót trong quá khứ và có những quyết tâm trong lai thời, mà thôi. Nhưng, còn phải chú tâm vào hiện tại đượm thắm tình người nữa. Chẳng cần tranh cãi, đọc Tin Mừng về “nguời con đi hoang”, ta sẽ thấy lối hành xử đầy nhức nhối của người con thứ, rất sa đà. Bức xúc. Với người Do thái thời Đức Kitô, đó là tình huống ghê tởm. Hoang dại. Tình huống, nói lên một đối chọi giữa tính Nhân Hiền của Cha và sự bê tha của người con thứ sa đà. Xuống cấp.
Tin Mừng về “người con đi hoang”, còn đề cập đến tính cách sa đà đáng sợ của các người con “đã tìm thấy chính mình rồi đánh mất”. Là con của Cha Nhân Hiền, ta cứ hết “lầm lỗi rồi lại lãng quên”. Quên xong, rồi lại sám hối. Lầm lỗi - lãng quên – sám hối, biến thành vòng quay tít mù, cả đời người.
Trình thuật “người con lầm lỗi và lãng quên” cũng nói lên tính Nhân hiền của Cha. Cha Nhân Hiền chẳng bận tâm gì đến lãng quên, của đàn con khi đã biết sám hối. Biết đổi thay. Cha chỉ quan tâm đến thái độ sám hối cùng đổi mới của đàn con trên đời. Nói cách khác, Cha quan tâm đến thái độ hồi hướng trở về của đàn con biết sám hối. Tức, đã biết “thay tên lầm lỗi, lãng quên” bằng đổi mới.
Cha Nhân Hiền không trách móc đàn con của Cha đã lầm lỡ và sai sót. Nhưng, Cha vẫn đứng nơi cửa, mong mỏi từng giờ, chờ đón ngày con hồi hướng, trở về. Rồi, khi con trở về, Cha vẫn không hạch sách, gạn hỏi. Nhưng, rất kiên nhẫn. Rất mừng rỡ, khi thấy bóng dáng con nơi đầu ngõ, Cha chạy đến giang tay đón nhận con nay trở về. Con trở về, không do uy lực bên ngoài thôi thúc. Không còn sự hiện diện của ác thần sự dữ, làm chứng nhân. Con trở về, Cha chẳng cần hối thúc gia nhân lùng tìm, hoặc cưỡng bức. Nhưng, Cha vẫn trông chờ nơi con, một quyết định. Quyết khởi đầu hành trình hồi hướng, với những đổi mới trong tin-yêu, hoan lạc.        
Phần Cha, khi nhìn con hồi hướng trở về, Cha chạy vội về phía trước đón con vào vòng tay ôm, đang chờ sẵn. Cha không lên lớp. Chẳng rầy la. Chỉ truyền cho gia nhân bưng mang đồ quý, đến mừng với Cha. Mừng cho tình yêu đã chết, nay quay về. Rồi từ đó, tình Cha được tiếp nối bằng nhiều tha thứ. Tha thứ rất chân tình. Chân tình, nhưng không cao ngạo như những người-tưởng-rằng-mình-đã-sống-tử-tế. Sống đúng tư cách bậc kẻ cả, rất đàn anh. Của những kẻ tự hào là người tử tế. Chính vì thế, kẻ đàn anh vẫn không đon đả chào mừng người em thân yêu nay quay đầu hồi thướng. Không đon đả, vì anh còn giận dữ. Còn ghen tương, hờn giận. Người anh-tử-tế nhưng vẫn không tỏ dấu đon đả chào đón. Không đón chào, vì anh vẫn không thừa nhận phong cách tử tế dành cho những kẻ xấu, dù là em. Với anh, không thể tỏ bày sự tử tế với những người đã một lần sa đà, phóng đãng.
Chính điều này đã phản chống tính nhân hiền đầy lòng thứ tha của Cha. Bản tính của Cha Nhân Hiền vẫn là thế. Vẫn yêu thương hết mực. Vẫn thứ tha hết lòng. Yêu thương – tha thứ, đã trở thành đặc thù của Cha, ngay từ đầu. Làm Cha, tức đã nhân hiền đầy nghĩa yêu thương, với tha thứ.Thành thử, như đã nói: Cha chẳng quan tâm đến quá khứ lẫn vị lai, của mọi người con. Chí ít, người đó lại là con. Cha chú trọng nhiều đến tương quan giữa các con với Thiên Chúa. đây. Và bây giờ. Tương quan yêu thương – tha thứ là tương quan rất mực giữa đàn con với Đức Chúa là Cha Nhân Hiền. Tương quan ấy không là biểu đồ dẫn chứng rằng mình từng hãm mình, phạt xác vào Mùa Chay. Tương quan ấy cũng không dựa trên biểu đồ chứng thực rằng mình là người công chính tốt bụng từng đọc kinh, xưng tội nhiều lần, đếm không hết. Tương quan rất mực với Cha Nhân Hiền, chỉ có thể minh xác qua các kinh nghiệm thứ tha, tỏ bày với những người em, người con từng lầm lỗi. Cả với người xa lạ, ngoài Đạo. Tương quan yêu thương – hoà giải, là tương quan biết thứ tha hài hoà với những người từng khổ đau, gặp nhiều xung đột nơi cuộc đời. Ở trần thế.
Trình thuật hôm nay, không chỉ đề cao tương quan nhân hiền biết yêu thương - tha thứ đón nhận người em, người con đã đi hoang nay trở về với vòng tay ôm của Đức Chúa. Nhưng, còn là thách thức gửi đến người nghe: hãy biết bảo vệ quyền lợi của kẻ bơ vơ, bị người đời ruồng bỏ. Biết bảo vệ, kẻ lầm lỗi công khai, ở ngoài đời. Biết bảo vệ, người “lầm lỗi thay tên bằng quên lãng”, đã thua cuộc. Những người loanh quanh đâu đó, kiếm tìm bàn tay đỡ nâng từ người anh, người chị, ở khắp nơi. Có tương quan yêu thương – tha thứ là bảo vệ cả những người “đã tìm thấy chính mình, rồi đánh mất”. Những người từng “lầm lỗi thay tên bằng lãng quên”. Người chiến bại trong phấn đấu, chống sự dữ ác thần, mùa Sám hối.
Sám hối Mùa Chay, không chỉ xảy ra nơi tiệc thánh, mỗi tuần. “Sám hối Mùa Chay”, là biết mở rộng vòng tay ôm vồn vã, với tất cả mọi người, từ người nghèo hèn tật bệnh, cho chí những người khổ đau, cô đơn. Sám hối Mùa Chay, là biết mở rộng vòng tay, để sống đời đổi mới, mà ý hướng dụ ngôn “người con đi hoang” hôm nay đã đề nghị.
Tham dự tiệc thánh hôm nay, ta cầu mong sao Tin Mừng giúp ta quyết định, phải sám hối. Quyết sám hối đổi thay, mà “chẳng cần cúi mặt”. Nhất định giùm giúp, đỡ nâng từng người “thay tên lầm lỗi bằng lãng quên”. Cầu và mong sao ta tìm lại được chính mình, dù đã nhiều lần để mất. Mất tự tin. Mất hy vọng vào Cha Nhân Hiền, Đấng hằng tựa cửa ngóng chờ ngày ta hồi hướng, trở về. 

No comments: