Saturday 9 March 2013

Lm Frank Doyle sj: “Ta như kẻ hoài nghi, đành bỏ cuộc,



Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay Năm C

“Ta như kẻ hoài nghi, đành bỏ cuộc,
Ngôn ngữ buồn khánh kiệt, cửa tim đau.
Ta vắt cạn, tận cùng trong nỗi nhớ,
Bóng em về, tha thướt quẩn quanh đâu.”
(thơ Vương Ngọc Long)
Lc 15: 1-3, 11-32
            Ngày em về, bóng hình đâu tha thướt nữa. Thướt tha và quẩn quanh, là tình Cha đón em về từ đầu ngõ. Ngài vẫn chờ đón. Vẫn yêu. Tha thiết lắm. Yêu, như tình cha. Tình Chúa. Nào ai bằng.
            Trình thuật hôm nay, thánh Luca cũng diễn tả dụ ngôn về tình cha. Tình Chúa. Rất yêu thương. Dù, em có lỗi phạm. Dù, anh/chị có cứng rắn, chẳng chấp nhận người em, nay cải hối.  
            “Cải hối” đây, lời kêu gọi không chỉ diễn tả tâm tình buồn rầu/tiếc nuối mà thôi, nhưng còn đòi đổi thay rất thâm sâu về hành xử, trong lai thời. Thay đổi tận gốc trong nhận thức về Chúa. Về, con người. Và, về mọi sự. Kêu gọi, là gọi mời ta tái lập tương quan với Chúa. Với Cha. Tái lập tương quan với mọi người và với mình. Là, hồi hướng trở về. Như ngã rẽ đích thực trong đời.   
            Có người nghĩ, rằng: cứ xưng tội cho sốt sắng vào mùa Chay kiêng; hoặc rước Chúa, trước Phục Sinh, là cũng đủ.  Khỏi cần lo. Nhưng, hãy nhớ rằng: xưng thú lỗi phạm vào mùa Chay, không phải để xoá sạch mọi dấu vết sai trái/lỡ lầm trong quá khứ, thôi. Nhưng còn để quyết tâm một đổi mới. Đổi chính đời mình, cho mới mẻ. Đổi, để mình sẽ không tiếp tục hành xử theo như trước. Đổi, để rồi sẽ chú tâm vào cuộc sống với hiện tại. Có tương lai.
            Tiến trình đổi mới vào mùa Chay, là để trở thành đồ đệ đích thực. Của Đức Chúa. Đồ đệ nay đổ mới, sẽ biết san sẻ mọi giá trị thâm sâu. Mọi tầm nhìn. Mọi thái độ của chính mình. Đổi, để như thánh Phaolô/cùng với thánh nhân, ta sẽ có tâm hồn. Có đường lối suy nghĩ, như Chúa dạy.
            Trình thuật, nay còn cho thấy thái độ của Thiên Chúa là Cha, với người con sa đoạ. Thái độ, cho thấy Ngài rất thứ tha. Vẫn hoà giải với những ai có quan hệ mật thiết với Ngài. Cả người con, từng sai phạm. Bê tha. Mắc lỗi rất nhiều.
            Bối cảnh dụ ngôn hôm nay, còn nói rõ: “Các người thu thuế, tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu, mà nghe Lời Ngài giảng giải.” Người Pharisêu, Kinh sư Biệt phái không chỉ xầm xì: “Ông này giao tiếp cả với phường tội lỗi”, nhưng còn nghe. Và thấy chướng. Thái độ của các “cụ” trên, chẳng khác nào các đấng bậc nhà mình. Bấy lâu nay.
            Đối đáp lại, Chúa kể 3 truyện dụ ngôn. Một trong các truyện này, là dụ ngôn về chuyện xử thế giữa Cha/con. Dụ ngôn đầu, về chiên lạc. Về, bà goá mất bạc. Dụ ngôn “người con bỏ đi hoang” hôm nay, là chuyện nói về tình người Cha, tức: đấng bậc hiền lành hiện thân cho Đức Chúa.
            Chẳng ai xa lạ gì về thái độ của người con đi hoang, đòi Cha nhân hiền chia chác gia tài, để mình tha hồ tiêu pha, vung vít. Chia chác, cho ăn chắc. Mà, chẳng chiụ chờ đến lúc cha nằm xuống. Cuối cùng, thì đời người em út sa sút. Bị người đời rẻ khinh. Thậm chí đến cám heo, cùng thức ăn tạp, cũng không đủ.
“Thế mà cha lại giết bê béo mừng nó”, đây là phản ứng của người anh cả. Cũng là, ứng xử của nhiều người. Của thời hiện tại. Có cả ta. Còn lòng Cha, duy nhất chỉ nghĩ là: làm sao kéo con về nơi chốn an lành vẫn dành sẵn, cho con. Cha không trách: “Vì, con xúc phạm đến danh dự của Cha. Của cả gia đình giòng tộc, đáng nguyền rủa.” Nhưng, Cha bảo: “Con ta đã chết, nay sống lại. Đã mất đi, nay lại tìm thấy.” (Lc 15: 24). Cứ thế, Cha vẫn tựa cửa, đứng đó chờ. Chờ con về, lòng Cha vẫn ở tư thế ấy. Lòng Cha, từ ngàn đời. Nào đổi thay.
            Lòng Cha chẳng đổi thay. Không dùng áp lực. Cũng không cần gia nhân. Không cần cảnh sát. Không. Vì thương con, Cha vẫn chờ. Về với Cha hay không, còn tùy con. Do con. Phần Cha, Cha nay vẫn ngập tràn tình thương xót. Thương, cho vận nghèo. Xót, cho phận bèo. Của con. Nên, Cha vẫn đi bước trước. Vẫn đứng đầu ngõ, mà chờ con. Chẳng đòi hỏi lời con xin lỗi.
            Tình Cha là thế. Nếu con hiểu lòng Cha hơn, hẳn là con sẽ biết: Cha chẳng cần gì lời hùng biện. Cầu van. Mà lập tức, Cha ra lệnh cho gia nhân giòng tộc, hãy đem mọi của ngon vật lạ Cha trân trọng, đem ra mà thết đãi, con trở về. Thết đãi với niềm vui tươi. Hoà giải. Thết và đãi, vì nay con biết hồi hướng, về với Cha.
            Hành xử của Cha, là để đáp trả lời xầm xì của đấng bậc mô phạm, của mọi thời. Xầm xì rằng, Cha giao tế cả với phường tội lỗi. Hoang tàng. Tệ nạn. Cha chẳng cần lời biện minh, với giải oan. Cha chỉ muốn tỏ bày để con biết những tình tiết thân thương, mà tuân giữ. Và thực hiện. Với mọi người.     
            Và lúc này, người anh cả xuất đầu lộ diện. Không hiểu. Và, bất ưng. Vì đã tuân thủ mọi luật lệ, cùng giới răn. Đổi lại, là “công cốc”. Chẳng bù cho thằng em bê tha, la cà, cùng phường tội lỗi. Lại được đối xử tốt. Anh cả, làm sao hiểu lòng Cha hiền từ. Hay tha thứ. Anh chẳng thể nào hiệp thông vui mừng với Cha Già đầy lân tuất. Nên, anh từ chối không vào nhà, với Cha. Với mọi người. Cứ, làm người xa lạ. Phiền hà. Bực tức.
            Đối với anh, Tình Chúa là Cha, cũng chỉ là tình tiết bất công. Kỳ thị. Rất nhiễu loạn bởi cái-gọi-là Tình Yêu. Thương xót. Lẫn thứ tha. Tha thứ, không giới hạn. Thứ tha, vô điều kiện. Hoà giải/hoà hợp của Ngài, là giải hoà không định mức. Chẳng so đo. Kèo nài. Phân bua.
            Tình Cha thương, Ngài đâu xét nét việc con làm, trong quá khứ. Tình Ngài tha thứ, cũng chẳng ưu tư chuyện tương lai. Ngài chỉ xét, tương quan con có còn với Chúa. Với Cha. Với cộng đoàn, hiện tại con chung sống nữa không?. Dù, chỉ là tương quan rất ngắn. Rất hạn hẹp. Như, cảnh tình người trộm lành. Ở cạnh Chúa. Trên thập tự. Như, người nữ phụ đổ dầu thơm lau chân Chúa. Vì quá thương Ngài.
            Về tương quan, giữa Thiên Chúa và loài nguời. Giữa người người. Với nhau. Nhất nhất, đều ngang qua, một kinh nghiệm. Kinh nghiệm về tha thứ. Của Thiên Chúa. Kinh nghiệm, để ta học đòi bắt chước, mà xử thế. Với nhau. Học đòi tha thứ, không hạn chế. Tha thứ, cả những người mang nặng những tình tiết của xung khắc. Rẽ chia, trong đời mình.
            Tham dự Tiệc Lòng Mến hôm nay, ta cảm tạ Thiên Chúa vẫn sẵn sàng thứ tha cho ta. Ngài không những chỉ thứ tha mà thôi, nhưng Ngài còn mừng đón mọi người quyết hồi hướng, về lại với Ngài. Tuy nhiên, ta sẽ không dừng lại ở đó, để chỉ cám ơn suông. Nhưng còn phải học hỏi bắt chước Ngài mà xử thế với mọi người, cùng một cách. Như lời cầu Chúa dạy ở kinh lạy Cha: “Xin tha cho con mọi lỗi lầm con mắc phải, cũng như con từng thứ tha những người có lỗi đối với con.”
            Tham dự Tiệc thánh, ta nguyện bắt chước Chúa, mà xem xét cung cách người người đang xử thế. Với nhau. Ở đây. Bây giờ. Không xét nét nỗi sầu buồn/đớn đau, thời dĩ vãng. Nhưng, học hỏi nơi Chúa, để có quan hệ bình thường, với mọi người. Làm thế, ta không những giải quyết được mọi bất hoà giữa ta với những người mình thù ghét. Làm thế, cuộc sống mọi người, cũng như ta, sẽ là cuộc sống tràn đầy bình an. Hài hoà. Đôi bên đều thắng lợi. An vui. Hoàn tất.      
            Trong tinh thần bắt chước Chúa đối xử tốt với mọi người, ta lại sẽ vui lên mà ca hát. Hát rằng:

                        “Tôi quyết từ nay yêu Chúa trong tình đằm thắm.
Muốn để đền bù lại cõi đời bạc đen. (Hoài Đức/Nguyễn Khắc Xuyên-Cao Cung Lên)
           
Quyết yêu Chúa. Tình đằm thắm. Đền bù lại, cõi đời đen bạc. Không như “kẻ hoài nghi, đàn bỏ cuộc”. Mà như, người anh/người chị nơi Nước Trời ở trần gian, mình vẫn sống. Vui tươi. Hài hoà. Êm ấm. Suốt cuộc đời.

No comments: