Các trình thuật Thương
Khó trong các sách Tin Mừng kể lại cho chúng ta những biến cố rất cảm động liên
quan đến cuộc Vượt Qua của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô. Trong suốt Tuần
Thánh, chúng ta sẽ có nhiều dịp suy niệm về các biến cố đó.
Nhưng
đâu là tâm tư sâu kín của Chúa Giêsu làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các biến
cố xảy ra ? Đức Giêsu đón nhận và trải qua các biến cố của cuộc Thương Khó với
thái độ căn bản nào ?
Bài đọc II của Chúa
Nhật Lễ Lá hôm nay hé lộ cho chúng ta phần nào tâm tư đó của Chúa Giêsu: sự
vâng phục tuyệt đối của Đức Giêsu đối với Cha. Thánh Phaolô viết: “Đức Giêsu Kitô đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi
phải chết, và chết trên cây thập tự” ( Pl 2, 8 ). Đây chính là chìa
khoá giúp chúng ta đi vào mầu nhiệm mà Thánh Luca trình bày trong trình thuật
Thương Khó được công bố trong Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay.
Vì thế, sẽ thật hữu
ích nếu chúng ta dành vài phút suy niệm về Pl 2, 8.
1. “Đức Giêsu Kitô đã hạ mình xuống”
Không phải chỉ trong
cuộc thương khó Đức Giêsu mới hạ mình xuống. Thực ra, đó là mầu nhiệm căn bản
mà Người sống từng giây từng phút. Nhưng hơn lúc nào hết, mầu nhiệm đó được
chúng ta chiêm ngắm cách rõ nét trong cái chết thập giá đau đớn và ô nhục của
Người.
Động
từ “hạ mình xuống” ( tapêinôo )
có thể mang sắc thái tiêu cực khi chỉ một sự hạ mình xuống trước mặt người
khác, khiến mình đánh mất phẩm giá của chính mình. Nhưng đồng thời, động từ này
cũng có thể mang sắc thái hết sức tích cực khi diễn tả thái độ của con người
chúng ta trước Thiên Chúa, nhất là trong việc cầu nguyện và phụng tự. Những gì
được nói ở cuối câu 8 và trong những câu kế tiếp buộc chúng ta phải hiểu sự hạ
mình được nói đến ở đây theo cả hai nghĩa tích cực và tiêu cực. Đó là một sự hạ
mình tích cực, bởi lẽ nó được đặt trong tương quan với Thiên Chúa. Nhưng đó
cũng là một sự hạ mình tiêu cực trong cái nhìn nhân loại, bởi lẽ đó là sự hạ
mình trong cái chết ô nhục trên thập giá.
Mầu nhiệm mà Hội Thánh
tưởng niệm và cử hành trong Tuần Thánh chính là mầu nhiệm hạ mình này của Chúa
Giêsu, trong điểm mạnh mẽ và tuyệt hảo nhất của mầu nhiệm. Người hạ mình vâng
phục Thiên Chúa. Người hạ mình trong hiến lễ tuyệt đối, hiến dâng chính mình
cho Thiên Chúa trong hy lễ Thập Giá. Nhưng đồng thời đó cũng là mầu nhiệm Chúa
Giêsu hạ mình xuống trước mặt nhân loại, chấp nhận mang lấy nơi mình những đớn
đau và ô nhục khiến Người trở thành như một kẻ bị nguyền rủa và khinh khi nhất
trong nhân loại này. Tính cách “kép” của mầu nhiệm Đức Giêsu hạ mình xuống là
điều cần phải được ý thức và duy trì trong mọi cuộc cử hành việc tưởng niệm
cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, cách riêng trong Tuần Thánh này.
2. “Vâng lời cho đến nỗi phải chết, và chết trên
cây thập tự”
Đây là mệnh đề cho
biết cách thức Đức Giêsu sống mầu nhiệm “hạ mình xuống” của Người. Đức Giêsu hạ
mình như thế nào? Đâu là điểm căn cốt trong mầu nhiệm “hạ mình xuống” đó? Thưa:
“Người đã vâng lời cho đến nỗi phải chết”. Và đó là một sự vâng phục kéo dài
trong suốt cuộc sống Người và đạt đến đỉnh điểm trong mầu nhiệm Thương Khó của
Người.
Đáng
chú ý là ở đây Thánh Phaolô chỉ nói về “độ dài” ( nếu có thể nói như thế ) và
về “cường độ” của sự vâng lời của Đức Giêsu Kitô, chứ không nói Đức Giêsu vâng
lời ai và vâng lời như thế nào. Đức Giêsu sống mầu nhiệm vâng lời này suốt đời
và trọn vẹn. Nhưng Người vâng lời ai ? Vâng lời Thiên Chúa và/hoặc con người ?
Chắc chắn sự vâng lời được nói đến ở đây phải là sự vâng lời Thiên Chúa ( nếu
không, những gì được nói ở Pl 2, 9 – 11 sẽ trở thành vô nghĩa ). Nhưng vấn đề
là ở đây Thánh Phaolô có muốn nói đến sự vâng phục đối với con người hay không ?
Theo nhiều nhà nghiên cứu, có lẽ có.
Theo
cách Thánh Phaolô sử dụng từ ngữ chỉ sự vâng lời, quả là đúng đắn khi nói rằng
sự vâng lời của Đức Giêsu được đề cập đến ở đây có đối tượng trước hết là chính
Thiên Chúa nhưng đồng thời cũng diễn tả sự vâng lời con người. Khi cố ý không
xác định hiển ngôn đối tượng của sự vâng phục, mệnh đề “vâng lời cho đến nỗi phải chết” ( mà
chúng ta đang suy niệm đây ) muốn nhấn mạnh và đề cao trước hết chính sự vâng
lời của Chúa Giêsu, sự kéo dài và sự mạnh mẽ triệt để của sự vâng phục đó.
Trong suốt cuộc đời,
cách riêng trong cuộc Thương Khó, Đức Giêsu luôn sống một cách triệt để sự vâng
phục đối với Thiên Chúa. Đó là khía cạnh thứ nhất và khía cạnh chính yếu trong
mầu nhiệm vâng phục của Đức Giêsu mà Hội Thánh cung chiêm cách đặc biệt trong
Tuần Thánh này. Đồng thời, đó là sự vâng phục trong thân phận tôi đòi. Không có
một khoảnh khắc nào Đức Giêsu không sống trong một sự liên đới trọn vẹn với thân
phận tôi đòi và hèn hạ của người nghèo, huống nữa là trong cuộc Thương Khó của
Người.
Mầu
nhiệm mà Hội Thánh tưởng niệm và cử hành trong Tuần Thánh này cách đặc biệt,
chính là mầu nhiệm của sự vâng phục trọn vẹn đó của Đức Giêsu. Người hoàn toàn
hiến mình vâng phục Thiên Chúa trong hy lễ thập giá. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều
đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” ( Hr 5, 8 ). Người trọn
vẹn liên đới với thân phận những con người nghèo khổ và bị khinh khi giữa thế
gian, những con người phải hoàn toàn tuỳ thuộc người khác.
Cái chết thập giá được
trình bày như là đỉnh điểm của mầu nhiệm hạ mình. Đức Giêsu Kitô đã hoàn toàn
trút bỏ vinh quang, hoàn toàn trút bỏ tất cả những gì là vẻ uy nghi của một vì
Chúa. Người chấp nhận bị loại trừ và bị nhục mạ đến cùng cực trong cái chết
thập giá. Cái chết thập giá là cực điểm của hành trình vâng phục của Con Thiên
Chúa. Người đã đi đến tận cùng của đời sống vâng phục khi đón nhận cái chết hổ
nhục nhất: “Đức Kitô đã chuộc chúng ta cho
khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền
rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ !” (
Gl 3, 13 ).
Như thế, từ địa vị
Thiên Chúa vinh quang, Đức Kitô đã đi xuống tận cùng thân phận của người nô lệ để
cứu độ con người bằng cách chữa lành thái độ bất phục tùng của con người. “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không
vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất
đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính”
( Rm 5, 19 ).
Thật ra, mầu nhiệm hạ
mình vâng phục chính là mầu nhiệm căn bản và chính yếu trong toàn bộ cuộc đời
Đức Giêsu. “Khi vào trần gian, Đức Kitô
nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa
cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây,
con đến để thực thi ý Ngài” ( Hr 10, 5 – 6 ). Khi bước vào cuộc
thương khó, Người thưa với Chúa Cha: “Lạy
Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con,
mà làm theo ý Cha” ( Lc 22, 42 ).
Vì thế, chúng ta sẽ
không thể hiểu được trình thuật Thương Khó được công bố trong bài Tin Mừng hôm
nay, nếu không chú ý đến mầu nhiệm vĩ đại đó.
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT
No comments:
Post a Comment