ĐÁ ƠI, CÓ ĐAU KHÔNG ?
Buổi chiều thứ tư 20 tháng 3, trước
ngày khai mạc Triển Lãm Mỹ Thuật về đề tài “Sự Sống” tại Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng
Cứu Giúp Sàigòn, tôi ra thăm xem công việc chuẩn bị đến đâu rồi. Một cảnh tượng
trớ trêu, Bùi Thị Thắm, một sinh viên lớp Sơn Mài 5, mắt đỏ hoe ngồi bệt xuống
đất ngay bên cạnh tác phẩm “nghệ thuật sắp đặt” của mình mà… cười ngất ! Hỏi ra
mới biết, công đoạn sau cùng để hoàn tất tác phẩm “Đá ơi, có đau không ?”, Thắm
đã phải bôi màu đỏ vào hai bàn chân mình rồi bước lên những phiến đá san hô đã
sắp đặt, làm thành tác phẩm “Đá ơi, có đau không ?” với những dấu chân đỏ màu
máu. Đúng lúc ấy có người khách vô tình ghé thăm cứ tưởng Thắm bị tai nạn nghề
nghiệp chảy máu, vội vàng can thiệp, định đưa Thắm đi bệnh viện cấp cứu. Khi vỡ
lẽ, Thắm và bạn bè, cả vị khách nhiệt tình tốt bụng ấy đều phì cười, thế nhưng
cảm xúc về một nỗi đau của nhân sinh vẫn còn đọng trên đôi mắt người nghệ sĩ,
mắt Thắm ứa lệ.
Đã có những lời
đồng cảm được ghi trong lưu bút của cuộc triển lãm, một nỗi đau buốt trong trái
tim của những con người biết đau, một nỗi quay quắt về một tình trạng tội ác
ngày ngày diễn ra âm thầm nhưng vô cùng mãnh liệt trên quê hương đất nước thân
yêu này, tệ nạn nạo phá thai làm băng hoại nhiều thế hệ. ( Ảnh chụp hai tác
phẩm theo nghệ thuật sắp đặt trong Triển Lãm: “Đá ơi, có đau không ?” của bạn
Bùi Thị Thắm, và “Tiếng kêu” của Nữ Tu Huyền Trân, Dòng Mến Thánh Giá Phan
Thiết ).
Sở dĩ tôi nói
“nhiều thế hệ” là vì hậu quả của nó không chỉ dừng lại nơi bản thân người phá
thai ( người mẹ hay
người cha của thai nhi ), nhưng trong tương quan với mọi thành viên của gia
đình các đương sự ( sự can thiệp của gia đình dẫn đến tội ác ), tương quan với
mọi thành phần trong xã hội ( sự cộng tác của những nhân viên y tế và dịch vụ
), và di lụy của nó cho cuộc đời của những con người tham gia vào tội ác này (
nạn nhân cũng như người tham gia ca phá thai ).
Phá thai không chỉ giết chết mạng
sống một con người ( thai nhi ), không chỉ tàn phá cơ thể một người nữ ( thai
phụ ), không chỉ gây chấn thương tâm lý cho cả hai ( cha và mẹ thai nhi ), họ
bị dằn vặt suốt đời về hình ảnh thai nhi bị phá, không chỉ đánh mất sự hướng
thượng của đời sống tinh thần, nhưng điều kinh khủng là làm họ mất khả năng yêu
thương. Đứa con là kết quả của sự yêu thương, là một mối tương quan nhân sinh
không thế chia cắt, nay dứt bỏ nghĩa là kết thúc, không còn khả năng yêu thương
và không còn khả năng thiết lập các mối quan hệ khác nữa. Chúng tôi đã được gặp
rất nhiều phụ nữ sau phá thai, họ bị tổn thương đời sống yêu thương cùng tột,
họ mất khả năng làm người đến độ cùng quẫn, chúng tôi kinh nghiệm một điều là
chỉ có Chúa Giêsu Kitô, đến với Ngài, chính Ngài sẽ chữa lành và phục hồi tâm
linh cho họ.
“Mọi người đều có quyền
sống. Không ai được phép tước đoạt sự sống của người khác, từ khi thành thai
đến khi chết. Nhà Nước có nhiệm vụ bảo vệ Sự Sống con người. Mọi người đều có
quyền bảo vệ sự sống của mình”. Đó là lời đề nghị số 3 trong mục thứ nhất, Quyền con người
thuộc bản “Nhận định và góp ý bản dự thảo hiến pháp” của Hội Đồng Giám Mục Việt
Nam ( 1.3.2013 ).
Lời nhận định và lên tiếng đanh thép
của các Giám Mục Việt Nam tỏa lan như ánh sáng chiếu soi vào
đêm đen u tối, chấm dứt những thái độ hèn nhát, nhập nhằng, thỏa hiệp.
Tôi nhớ lại những ngày tổ chức Đai
Hội Dân Chúa tại Sàigòn ( tháng 11 năm 2010 ), sau một ngày làm việc, một nữ
bác sĩ đến từ Pleiku gặp tôi bày tỏ nỗi uất ức của chị, trong cuộc họp tổ chị
phát biểu về tệ nạn phá thai và đề nghị Đại Hội Dân Chúa lên tiếng, nhưng người
tổ trưởng và tổ phó bác bỏ ý kiến của chị và cho rằng đây là vấn đề “nhạy cảm”
không nên đề cập đến ! Cần nói rõ: hai ông “tổ” này đều là Linh Mục. Chị buồn
và nói với tôi: “Có lẽ các cha là đàn ông nên không thấy cái đau của phụ nữ” !
Tôi chia sẻ với chị: “Không phải cái gì đúng cũng đều được chấp nhận, chị phải
kiên nhẫn, cầu nguyện và đợi chờ, chờ cái đúng có được thời gian”.
Nghe nói trong cuộc họp khoáng đại
cuối Đại Hội, chị cũng tranh được micro phone để lên tiếng về tội ác này. Hôm
nay đọc bản “Nhận định và góp ý dự thảo hiến pháp” của Hội Đồng Giám Mục Việt
Nam, tôi chưa có cơ hội gặp chị để chia sẻ, chắc chị vui và bắt đầu thấy yên
tâm lắm.
Trong hơn sáu
mươi tác phẩm bằng đủ các thể loại và chất liệu được trưng bày tại cuộc triển
lãm “Sự Sống”, tôi còn chú ý đặc biệt đến hai bức tranh chì màu đề tên tác giả
là: Các em thiếu nhi lớp năng khiếu nghệ thuật “Chân Tín”. Cả hai bức diễn tả
nét hồn nhiên trong sáng của trẻ thơ, tác phẩm do chính các em thực hiện. Hỏi
ra tôi được biết, bạn Lê Anh Đức, một sinh viên lớp Sơn Mài 3, đã tự nguyện mở
lớp năng khiếu hội họa cho các em thiếu nhi ( nhỏ nhất 3 tuổi, lớn nhất 13 tuổi
), nhiều em còn là trẻ bị khiếm thính, không nghe không nói được nhưng vẽ đẹp
và có chiều sâu, anh đã lấy luôn tên cha già Chân Tín, DCCT, đặt cho lớp học.
Hỏi lý do, Đức nói: “Con nhận được nơi cha già tinh thần bảo vệ quyền sống của
con người”.
Có những giờ phút vắng lặng của cuộc
triển lãm, người ta bắt gặp những tâm hồn thinh lặng trầm lắng bên tác phẩm “Đá
ơi, có đau không ?” Có lời thì thầm nào đó trong hơi gió chiều hè, ẩn sâu dưới đáy
lòng: “Quả tim ơi ! có đau không ?”
Cám ơn Thắm và các bạn.
Lm. VĨNH SANG, DCCT
No comments:
Post a Comment