Tuesday, 12 March 2013

Lm Nguyễn Thể Hiện CSsR: Người Cha Nhân Hậu



Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng." Đức Giêsu bèn kể cho họ một loạt ba dụ ngôn, trong đó, dụ ngôn dài nhất chính là câu chuyện về người cha và hai người con mà Hội Thánh đọc hôm nay ( Lc 15, 11 32 ). Trong bài suy niệm này, chúng ta sẽ tập trung chú ý vào cách hành xử đầy lòng yêu thương nhân hậu của người cha đối với người con hoang đàng ( cc. 11 24 ).
“Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa” ( cc. 11 – 13a ). Phần thứ nhất của câu chuyện mô tả việc cậu con trai thứ rời xa cha mình. Tuy nhiên, cần phải nói ngay rằng sẽ là sai lầm nếu coi việc cậu xin chia gia tài và lên đường đi xa là dấu hiệu của một sự xuống cấp về đạo đức. Người con trai thứ này lên đường không phải trong tư thế một đứa con phản loạn, mà là trong ước muốn sống độc lập ở phương xa. Thực tế tại xứ Palestina đương thời cho thấy có rất nhiều người buộc phải di cư đến các xứ sở khác để sinh sống. Trong khi dân số Do Thái ở Palestina khi ấy không quá nửa triệu người, số người Do Thái ở hải ngoại là hơn 4 triệu. Vì thế, việc người con thứ trẩy đi phương xa là một việc dễ hiểu đối với các thính giả của Đức Giêsu và các độc giả của Thánh Luca. Đàng khác, cũng là bình thường việc người con trai thứ, vì không phải là con trưởng, đi tìm một vận may xa xứ. Đối với người nghe là người Do Thái hay người Hy hoá, vấn đề chia của thừa kế như trong câu chuyện này cũng là điều dễ hiểu. Trong dụ ngôn, người cha cũng chẳng ngăn cản gì người con thứ, trái lại, ông còn thực hiện đúng như anh ta xin. Ông tuyệt đối tôn trọng tự do của con trai mình.
Anh con trai đã gom góp tất cả của cải phần mình và trẩy đi phương xa. “Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình” ( c. 13b ). Tình cảnh bi đát và đáng phàn nàn bắt đầu từ đây: anh sống phóng đãng và phung phí tài sản. Câu 30 sẽ nói rõ: anh ta phung phí tài sản với bọn điếm. Anh sống vô luân. Anh sử dụng tài sản thừa kế ( không phải do anh làm ra ) một cách phung phí và phóng đãng. Anh tiêu sạch mọi thứ mà cha đã cho anh. Anh lâm vào một tình trạng bi thảm về đạo đức và bi đát về xã hội. Và tình hình càng trở nên bi thảm do bởi một yếu tố khách quan: “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu” ( c. 14 ).
Và chính từ điểm này, anh bắt đầu rời xa Lề Luật và tôn giáo của dân tộc mình. “Anh ta đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo” ( c. 15 ). Anh ta ở đợ cho một người ngoại ( người này là ông chủ đàn heo, nên chắc chắn không phải là người Do Thái ), và như thế là luôn luôn ở trong tình trạng ô uế xét theo quan điểm người Do Thái. Ông chủ sai anh đi chăn heo. Đối với người Do Thái, heo là loài thú vật hết sức ô uế ( x. Lv 11, 7: “Con heo, vì nó có chân chẻ làm hai móng, nhưng không nhai lại: các ngươi phải coi nó là loài ô uế” ) và người Do Thái coi kẻ chăn heo là kẻ bị chúc dữ. Vậy, tình cảnh tôn giáo của người con thứ đã trở nên hết sức tồi tệ. Nhưng chưa hết: “Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho” ( c. 16 ). Thậm chí heo còn được coi trọng hơn anh ta !
Rõ ràng là không thể có hình ảnh nào “đắt” hơn để diễn tả tình trạng xuống cấp bi đát của người con thứ xét về phương diện tôn giáo cũng như xã hội. Tình trạng bi đát đó xảy đến khi anh lưu lạc nơi một xứ sở xa xăm. Các chi tiết miêu tả đều rất đáng chú ý, nhắc chúng ta nghĩ đến những đường nét chính yếu trong thân phận của những kẻ tội lỗi: cuộc trẩy đi phương xa như gợi ý về cuộc đi xa khỏi Thiên Chúa; tình cảnh túng thiếu và khốn cùng gợi ý về sự đánh mất vinh quang của con người – hình ảnh của Thiên Chúa; sự thường xuyên tiếp xúc với đàn heo, những con vật ô uế ( theo nghi tiết ), là biểu tượng cho sự chết mà kẻ tội lỗi phải chịu.
Người con hoang đàng đã rơi xuống đáy vực thẳm, và “bấy giờ anh ta hồi tâm” ( c. 17a ). Đó là điểm khởi đầu của cuộc hoán cải. “Anh tự nhủ: Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!” ( c. 17b ). Trong tình trạng đau khổ và cô đơn tột cùng, anh độc thoại, một mình nói với chính mình. Anh không dám nghĩ đến tư cách là con của mình, mà chỉ dám so sánh mình với người làm công của cha mình. Đứa con đi hoang bắt đầu thấm thía sự mất mát lớn lao của mình.
Anh tiếp tục tự nói với mình: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy” ( cc. 18 – 19 ).
Thưa cha, con thật đắc tội”: Ta gặp thấy ở đây như âm vang lời thú tội mà ngôn sứ Giêrêmia đã đặt trên miệng Ephraim: “Sau khi phạm tội, con hối tiếc ăn năn. Sau khi đã hồi tâm, con đấm ngực tự giác. Con xấu hổ thẹn thùng, vì mang nỗi nhục nhằn của tuổi thanh xuân” ( Gr 31, 19 ). Cậu con trai hoang đàng đã ý thức về tội lỗi của mình. Anh quyết định trở lại với cha, cho dù anh biết rõ mình không còn chút quyền làm con của cha. Anh chỉ còn mong một điều: được đối xử như một người làm công. “Con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Tâm trạng của người con hoang đàng lúc này rõ ràng là tình cảnh của một tội nhân không xứng đáng tiến dâng hy lễ ( x. Lc 18, 13: “Người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” ), một chỉ còn biết chờ đợi lòng trắc ẩn của người khác. Anh không dám chắc cha mình sẽ đối xử thế nào khi nhìn thấy tình cảnh hoàn toàn trống rỗng của anh.
 Thế rồi anh đứng lên đi về cùng cha” ( c. 20a ). Anh bước vào giai đoạn thứ hai của cuộc hoán cải: thực hiện trong thực tế những suy nghĩ và quyết định của mình.
Câu chuyện đột ngột chuyển sự tập trung chú ý vào cách hành xử của người cha. Kể từ lúc này, những hành động của ông sẽ chiếm vị trí chính yếu. “Anh còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ và hôn anh thắm thiết” ( c. 20b ). Tất cả đều là sáng kiến của người cha. Và tất cả đều cho thấy tình yêu nhưng không và mãnh liệt mà ông dành cho người con hoang đàng. Ông thấy người con từ khi anh còn ở đằng xa; ông không đặt vấn đề tại sao cậu quay về, vì chưa bao giờ ông hết yêu thương cậu con trai thứ của mình, trái lại luôn luôn mong mỏi được gặp cậu. Ông chạnh lòng thương cậu. Động từ “chạnh lòng thương” vốn là động từ đặc biệt để diễn tả tâm tình của chính YHWH đối với người nghèo và của chính Đức Giêsu đối với những con người khốn cùng ( Mc 1, 41; 6, 34; 8, 2; Lc 7, 13; xem thêm Lc 10, 33 ). Ông chạy ra, cho dù đây là một hành động không phù hợp với tuổi tác, vị thế và uy quyền của ông. Ông ôm cổ cậu con trai và vì vậy ông đã ngăn cản không cho cậu kịp quỳ mọp xuống dưới chân ông. Ông hôn cậu thắm thiết, dấu chỉ của sự tha thứ và thông hiệp sâu xa, bất chấp tình trạng ô uế của một anh chàng chăn heo thường xuyên tiếp xúc với giống vật ô uế và với những người ngoại bị coi là không thanh sạch theo quan điểm của Lề Luật.
Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” ( c. 21 ). Người con cất tiếng thưa với cha những điều anh đã chuẩn bị và suy nghĩ từ rất lâu. Nhưng anh đã không nói: “Xin cha coi con như một người làm công cho cha vậy” như anh đã từng dự định sẽ nói. Tại sao ? Chắc chắn không phải vì anh không có thời gian để nói, bởi lẽ cha anh hẳn sẽ rất kiên nhẫn nếu không nói là vui sướng được nghe anh nói, dù anh nói bất cứ điều gì. Thực ra, anh không thể nói phần cuối cùng của những lời đã chuẩn bị, vì những gì người cha vừa làm cho anh đã khiến cho những lời ấy không còn phù hợp.
Như để đáp lại lời xưng thú của người con hoang đàng, người cha quay sang bảo với các đầy tớ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng !” ( cc. 22 – 23a ).
Trước hết, người cha truyền lệnh thực hiện ba hành vi mang tính biểu tượng, chứng tỏ người cha phục hồi cho người con hoang đàng quyền tự do và quyền làm con mà anh ta đã đánh mất. Chiếc áo đẹp nhất là chiếc áo choàng lễ hội ( stolê ) chứng tỏ phẩm giá cao quý của người mặc nó; chiếc nhẫn mang ấn cho thấy người con đã được phục hồi tư cách làm con và có quyền bính trên gia nhân trong nhà; đôi dép là dấu hiệu của một người tự do ( vì nô lệ không được mang dép ).
Tiếp đó, ông ra lệnh bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để mở tiệc ăn mừng. Con bê đã được vỗ béo ( chứ không phải chỉ là con bê béo trong đàn gia súc ) là con bê được chuẩn bị cho ngày đại lễ. Bữa tiệc ăn mừng này đánh dấu sự hợp nhất vừa tìm lại được của gia đình. Bữa tiệc là dấu hiệu của niềm hân hoan và của sự thông hiệp. Niềm vui được chia sẻ và nhân rộng.
Người cha tuyên bố lý do của ba hành động biểu tượng và của việc tổ chức bữa đại tiệc như sau: Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy ( c. 24 ). Việc người con hoang đàng trở về được người cha nhân hậu coi là một sự kiện rất quan trọng và có ý nghĩa đối với ông: ông coi đó là một cuộc hoàn sinh đứa con đã mất.
Tác giả sách Tin Mừng muốn gửi đến chúng ta một số thông điệp quan trọng:
1. Qua hàng loạt chi tiết rất cảm động nơi hình ảnh và hành động của người cha nhân hậu, câu chuyện muốn khắc hoạ cho chúng ta dung mạo đặc biệt của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu mến những con người tội lỗi bằng một tình yêu tuyệt vời. Người như thể quên mất phẩm giá và tư thế uy nghi của Người. Sự nhân lành của Người đã được thi thố qua những dáng vẻ, thái độ và hành xử rất “yếu đuối”. Người tuyệt đối tự do trong việc diễn tả sự siêu việt và tình yêu thẳm sâu của Người nơi những cách hành xử có vẻ yếu đuối ấy. Nhưng chính tình yêu ấy đã là yếu tố quyết định làm cho người con hoang đàng đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
2. Theo cách hiểu thông thường đương thời, hối cải bao hàm nỗ lực của con người ( ăn chay, bố thí, hãm mình khổ hạnh ) để chứng tỏ sự nghiêm túc của tâm tình ăn năn sám hối. Đối với Đức Giêsu, hối cải chính yếu là một niềm hoan lạc trào vọt lên từ cuộc hạnh ngộ với chính Thiên Chúa là Đấng luôn ban ơn tha thứ.
3. Trong dụ ngôn về người cha nhân hậu và người con hoang đàng trở về này, tác giả Tin Mừng quả thật đã có đề cập đến tình trạng bi thảm của người tội lỗi và những bước cần thiết của cuộc hoán cải: hồi tâm và hướng lòng về với Thiên Chúa. Nhưng con người không thể tự cứu độ chính mình, như người con hoang đàng không thể tự phục hồi phẩm giá của mình và quyền làm con mà mình đã đánh mất. Chính Thiên Chúa là Đấng tha thứ và phục hồi phẩm giá cho con người. Phần mình, khi mở ra hướng về với Thiên Chúa từ vực thẳm khốn cùng của mình, con người đang sẵn sàng để cho Thiên Chúa cứu độ bằng ơn tha thứ, ơn cho làm con của Người và ơn được hiệp thông sâu xa với Người.
Lm. NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

No comments: