Sunday 10 March 2013

Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR : Tình Phụ Tử



Anh chị em thân mến,
Tình tiết câu truyện mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng của Chúa nhật Mùng vui lên thật sống động và rất quen thuộc. Làm sao không vui mừng khi nhận ra lòng nhân từ, luôn thương xót của Thiên Chúa, Cha chúng ta.
Vẫn biết là như thế; nhưng khi đọc xong tôi nhận ra một điều là truyện kể không có đoạn kết và để lại một vài câu hỏi như sau:
1/ Cuộc sống của người con thứ rồi sẽ ra sao?
2/ Cậu vui vẻ tiếp nhận lòng thương xót của Cha được bao lâu, và sau này cậu có còn đi hoang nữa hay không?
3/ Người con cả có tiếp nhận lời mời của Cha tham dự tiệc vui mừng ngày trở về của em cậu hay không?
Đó là những câu hỏi mà mỗi người chúng ta cần suy nghĩ để tìm ra một lối sống cho chính mình.
Nhưng đối với Thánh Luca thì các vấn nạn đó không quan trọng. Quan trọng chăng là tin vui mà Ngài muốn loan báo: Tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, đặc biệt là cách cư xử của Đức Giêsu đối với những người tội lỗi là đi tìm họ và quan trọng hơn là mời gọi họ chia sẻ niềm vui với Người.

Chúng ta thường được nghe nói là người con thứ có cuộc sống hoang đàng. Thật sự mà nói, tôi không dám sử dụng cụm từ “hoang đàng” để diễn tả hành vi của cậu,. Hành vi ấy nói lên tính tự nhiên của con người là tìm kiếm cho chính mình một lối sống tự do và rồi sẵn sàng chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Người con thứ không muốn bị trói buộc bởi các luật lệ của tiền nhân và cũng chẳng muốn thụ động trong các tương quan, dù là tương quan gia tộc. Qua ngòi bút của Thánh Luca, chúng ta thấy anh con thứ đã thành công trong việc này: Anh đã mất tất cả, trở thành một kẻ nghèo cùng cực, và rồi không còn gì để mất. Chính lúc anh không còn gì để mất nữa thì anh lại tìm thấy hướng đi lên. Khởi đầu của hướng đi này là sự cảm nhận: anh cảm nhận được bản chất đích thực trong thân phận làm người, đó chính là anh không thể sống một mình, nhưng là sống trong tương quan với người khác, những người trong gia đình, đặc biệt là cha anh. Anh đã nhìn cha bằng cái nhìn của người con trưởng thành và biết suy nghĩ về hoàn cảnh của cha; đó là thông cảm với cha trong các nỗi đau khổ khi phải xa anh. Từ sự cảm thông này anh đã hòa nhập vào con tim và lối suy nghĩ của cha. Với những tâm tình này, anh con thứ đã dọn cho mình một lối về; chính vì thế, anh không ngạc nhiên khi  thấy cha vui mừng khi gặp lại anh, vì đó cũng là niềm vui của chính anh. Thánh Luca đã gọi anh là “huois - người con trưởng thành”; trong khi đó thì người con cả vẫn được gọi là “teknon - trẻ con”.

Tôi cảm phục sự can đảm trên hành trình tìm kiếm của người con thứ; anh đã dám sống thành thật và trọn vẹn với các suy tư của anh. Và khi đã mất tất cả thì anh lại tìm thấy điều quí giá nhất, đó là mối tương quan đích thật của tình cha con. Hành trình nào lại không có những va chạm, đổ vỡ! Cuộc sống nào chẳng có thử thách! Con người nào lại chẳng có tội! ... Có lẽ các điều đó không quan trọng. Điều thiết yếu là chúng ta có đủ can đảm và dùng mọi cố gắng để tìm kiếm một lối thoát trong sự đổ vỡ đó hay không? Cứ can đảm tìm kiếm và thực hiện các dự tính của mình. Thiên Chúa không thua chúng ta đâu, và thế nào Chúa lại không chiếu ánh sáng để hướng dẫn chúng ta!

Cuộc sống của người con cả thật đáng kính trọng. Anh có quyền hãnh diện về các công việc của mình: hầu hạ cha, vâng lời cha và không dám làm một điều gì trái luật. Anh đi tìm vinh dự qua các việc làm. Anh không ngu si như người em của anh, và cũng chẳng dại dột như cha. Anh xây dựng cho mình một chỗ đứng trong tương quan với người khác bằng các việc làm tốt, anh chẳng làm gì sai trái để bị chê bai.

Đời sống của anh thật êm đềm, không một gợn sóng. Nhưng, giờ đây em anh trở về. Cuộc sống của hắn có gì để nói, làm toàn điều sai trái. Vì nó mà danh tiếng của gia đình bị tiêu tan. Anh hai đây chẳng dại gì mà dính vào để bị mang tiếng lây. Niềm vinh dự giữ trọn luật của anh không lẽ lại bị chú em phá đi sao? Không, anh chẳng dại vào nhà để bị mang tiếng ...

Trên thực tế. Tính nết, lối suy nghĩ và phương thức hành động của người con cả nằm trong tôi. Tôi lên án người khác bằng lối nhìn hạn hẹp và thiếu bác ái. Tôi vịn vào lề luật để đoán xét người khác như: anh chàng kia đang bị rối mà dám lên rước lễ. Phải trình cho cha biết để khỏi nhìn cảnh gương mù gương xấu. Chị kia nữa, làm đủ chuyện phi pháp thế mà lại được trọng vọng. Dùng tiền mà mua được Nước Thiên Đàng hay sao?? v.v... Tôi nhìn vào những tật xấu của người khác rồi còn thêm ‘mắm, muối’ cho thêm hành thêm tỏi để hương vị được đậm đà và từ đó những lời kết án của tôi mới có trọng lượng và nhiều người lắng nghe.

Nhưng cuộc sống đâu có giản dị như thế. Sớm hay muộn thì chúng ta cũng gặp những xáo trộn; niềm vinh dự và chỗ đứng mà chúng ta đang xây dựng sẽ bị đảo lộn... Đó có thể là những cơ hội để chúng ta xếp đặt ưu tiên cho cuộc sống. Đến với Chúa, phục vụ tha nhân để tìm kiếm một chỗ đứng trong xã hội hay là vì yêu mến. Bả vinh hoa phù phiếm đó vẫn biết rằng nay còn mai mất. Nhưng lại là con mồi cám dỗ ta quên đi cách chọn lựa căn bản trong mọi mối tương quan: đến với nhau vì yêu nhau chứ không phải để được trọng vọng.

Đời sống và mọi mối tương quan nhân loại giữa người với người không xây dựng trên sự kính trọng, niềm vinh dự vì những thành quả giữ đạo của mình. Nhưng điều căn bản và cũng là nền tảng của cuộc đời tín hữu là tình yêu thương, sự ân cần chăm sóc cho nhau, sẵn sàng làm hòa với nhau....Vì chúng ta sinh ra không phải để làm nô lệ, nhưng làm con và kẻ thừa kế của Thiên Chúa. (Galat 4:1-7) Và nếu là con thì hãy vui hưởng tự do đích thật trong tình yêu của Ngài. “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau...(Galat 5:13)

Hãy tiến vào để thông chia niềm vui với cha và với em.

Điều này quả thật không dễ thực hiện, nhất là đối với những người chưa một lần gặp đổ vỡ hoặc chưa học được kinh nghiệm về sự xáo trộn và vấp ngã trong cuộc sống... Thật vậy, nếu chúng ta không bao giờ phạm tội thì chúng ta cũng không bao giờ cảm nhận được niềm vui  khi được tha thứ. Nói thế không có nghĩa là chúng ta cứ tha hồ phạm tội. Nhưng để chúng ta hiểu được sự vui mừng của Thiên Chúa khi tha thứ cho chúng ta; và Người còn vui mừng hơn khi chúng ta tha thứ cho nhau. 

Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho những ai có đời sống giống như người con thứ. Nhưng chúng ta cần cầu nguyện mãnh liệt hơn cho chính chúng ta là những người đang có lối sống của người con cả.

Cuối cùng, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn là điều tuyệt hảo nhất mà chúng ta cần dựa vào. Tình yêu này chúng ta đã không xin mà có, vì thế hãy ban phát, hãy cho đi nhưng đừng đòi đáp trả.

Lm Joe Mai Văn Thịnh
(trích bài chia xẻ 
Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay ở Trung Tâm Hoan Thiện, 
Melbourne nước Úc
10.3.2013
 



No comments: