Wednesday 20 March 2013

Lm Vũ Khởi Phụng CSsR: Khi người bắc cầu đã qua bờ bên kia (tiếp theo)



KHI NGƯỜI BẮC CẦU ĐÃ QUA BỜ BÊN KIA… ( Kỳ cuối )

Từ nay khi nói đến những gì diễn ra ở Vatican, ta có thể gọi đó là “tiền triều”. Mật Nghị bầu tân Giáo Hoàng đã khai mạc. Vài hôm nữa sẽ bắt đầu một triều đại mới. Dư luận thế gian bàn tán khá nhiều, nhiều đến độ nhàm chán, về những gì sẽ thay đổi trong Giáo Hội. Việc Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI từ nhiệm, rồi Hội Thánh đi tìm vị Giáo Hoàng mới, là một cơ hội để cho các nhà truyền thông, báo viết, báo mạng, truyền thanh, truyền hình, mạng xã hội, v.v… đào xới đủ kiểu những vấn đề Hội Thánh phải đối mặt.
Không ai phủ nhận đó là những vấn đề rất gây nhức đầu. Đa số là những vấn đề không lấy gì làm đẹp đẽ. Người ta được dịp tung đi tung lại nạn lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và những vụ báo che tội lỗi. Người ta úp mở về những vụ mờ ám liên quan đến Ngân Hàng Vatican, và những “đấu đá” nội bộ. Người ta phê bình nghiêm khắc về cách thức quản trị của Tòa Thánh, người ta nói ngày nay ở Vatican quá lạc điệu so với sự biến chuyển của xã hội, ngày càng trở nên cổ hủ, lỗi thời.
Châu Âu, xét về mặt lịch sử, là vùng đất đã được Giáo Hội nhào nặn, đã là căn cứ địa vững chắc của “nền văn minh Kitô Giáo” qua bao thế kỷ, thì nay đang thế tục hóa tràn cung mây, các Nhà Thờ vắng vẻ, người ta thờ ơ với Chúa. Châu Mỹ Latinh, nơi tập trung gần một nửa số tín đồ Công Giáo thế giới, thì đang chịu sự cạnh tranh ráo riết của các nhánh Tin Lành ( kiểu các nhóm Ngũ Tuần ) linh động hơn, năng nổ hơn so với một Công Giáo có phần lề mề hình thức, khiến cho tỷ lệ Giáo Dân Công Giáo giảm đi trông thấy, người ta lại bảo Giáo Hội lo mà đi với thời đại, phải cho phép phá thai, phải chấp nhận hôn nhân đồng tính v.v… Nếu không thì chỉ có lụi tàn, đừng mong ngóc đầu dậy.
Có người làm nhà “tiên tri báo họa” đã thấy ngày tận số của Giáo Hội trong tương lai không xa. Nghe dễ sợ thật, chỉ trừ một điều là những lời tiên tri như thế, trước đây cũng đã nghe dăm ba lần là ít, chờ mãi không thấy thành sự thực. Nói thẳng ra, những vấn đề khó khăn là có thực. Có thực nên mới thành vấn đề. Chẳng thể quay mặt nhìn đi chỗ khác, làm như… không có thái độ như thế sẽ là đại họa.
Hôm mới đây có một bài báo ở Châu Âu kê khai đủ loại tệ nạn về tiêu cực đang gặm nhấm Giáo Hội và nhận định Giáo Hội ngày nay như một căn nhà rệu rạo ọp ẹp. Có một độc giả đã phản hồi ngộ nghĩnh rằng căn nhà vốn đã rệu rào ọp ẹp hai ngàn năm nay rồi ! Ý bạn đó muốn nói rằng thời nào, đời nào, mà Giáo Hội chẳng phải vướng bận lao đao vì những vấn đề khó khăn, đôi khi là những khủng hoảng chết người !
Chúa đến để kêu gọi những người tội lỗi, tâm Chúa là tập thể những người tội lỗi nghe Lời Chúa gọi mà dẫn nhau lôi thôi lếch thếch cùng đi theo. Đã vậy lại còn bị những lưu thù nghịch từ bên ngoài đánh cho tơi tả ! Nhưng mầu nhiệm là ở chỗ đã đi như thế hai ngàn năm rồi mà không chết, không tan đàn. Ăn uống cái gì, thở khí trời nào mà sống lâu thế, dai thế !
Đúng là ở giữa loài người có cái gì đó mà người đời không thấy. Phần lớn những phân tích tình hình Giáo Hội trên các phương tiện truyền thông quốc tế trong những ngày này thường suy nghĩ dựa theo những mô hình mượn của sinh hoạt chính trị, hoặc những thẩm định có tính cách xã hội, tâm lý thường tình, hoặc những nếp văn hóa thời nay mới sáng tạo. Dựa theo những quan điểm đó cho ta nắm bắt một vài mẩu sự thật về Giáo Hội. Nhưng chỉ là vài mẩu thôi. Cái toàn cảnh, và nhất là cái gốc rễ, cái căn nguyên làm nên Hội Thánh thì chưa nắm được đâu.
Hãy nhìn 115 vị Hồng Y xếp hàng bước vào Mật Nghị ! Từ khung cảnh trang phục, có vẻ cổ xưa quá, đa số lại là các cụ già, giá trẻ hơn tí nữa sẽ tạo nên một hình ảnh năng động hơn hẳn, nếu cao tuổi thì nên có phong thái tiên phong đạo cốt hơn chút nữa được không ? Có thể trong số đó không phải toàn những trí tuệ siêu việt, nói gì làm gì cũng sáng suốt ! Thậm chí có vị bước chân vào Mật Nghị mà sau lưng dư luận gán cho những tai tiếng nọ kia, lỉnh kỉnh. Xét ra, đó là những con người, không phải siêu nhân ! Cho nên người đời cũng coi mặt mà bắt hình dong, cũng phân chia các vị ra phe này phe nọ.
Thôi được ! Nhưng còn một điều dư luận ít có khả năng phân tích: Các vị đi vào Mật Nghị mà cùng nhau hát trầm trầm: “Veni, Sancte Spiritus ! Thánh Thần, xin hãy đến !” Và không chỉ hát vì đó là nghi thức, các vị hát với tất cả Lòng Tin. Những tính toán, so sánh của các vị về ứng cử viên này hay ứng cử viên khác là có thật, nhưng bên trên đó, và quan trọng hơn nhiều, là cái Đức Tin chung, lớn hơn mỗi người, và nối kết không chỉ mọi người ấy với nhau, mà với chính Chúa Kitô mà mình tôn thờ và hướng tâm đối diện trong những ngày này.
Điều đó tạo nên một yếu tố vô hình mà thế gian không thấy, nó giải thích vì sao khá nhiều lần trong quá khứ, các Mật Nghị đã đưa đến kết quả ngoài dự đoán của nhiều người. Tại sao hồi 1958 cụ Roncalli lại được tôn phong để thành Chân Phước Gioan Phaolô XXVI của Công Đồng Vatican II năm nay ta mừng Kim Khánh ? Tại sao hồi 1978, một Giám Mục Ba Lan lại được tôn phong để Hội Thánh có Chân Phước Gioan Phaolô II ? Tại sao đến 2013, v.v… ? ( Bức ảnh chụp hi hữu: hội ngộ cùng lúc cả 3 Giáo Hoàng: Đức Gioan-Phaolô 2 bắt tay Đức Beneđictô 16 và Đức Phanxicô 1 thì đứng giữa ).
Và vị nào sẽ đắc cử cũng thế. Dư luận phân tích rồi dự đoán vị Hồng Y này ở Italia, vị kia đến từ Canada, vị khác từ Brazil ( đối với nhiều người Việt Nam, nói đến Brazil chỉ nghĩ đến bóng đá ! ). Vị người Ghana kia có thể làm lên lịch sử vì là người da đen đầu tiên kế vị Thánh Phêrô, hay vị Hồng Y rất hấp dẫn của láng giềng Philippines sẽ là người Á Đông da vàng đầu tiên, mắt xích thứ 266 trong triều đại những Mục Tử của Hội Thánh Lữ Hành ?
Bất luận người đó là ai, bất luận người ta phân tích những tương quan địa lý chính trị, những chiến lược sách lược tôn giáo như thế nào, vị nào đắc cử thì cũng sống trong một thực tại vô hình với thế gian: đó là một con người đã được Đức Tin vào Chúa Kitô xâm chiếm, và Đức Tin ấy sẽ quyết định hướng đi Dân Chúa trong thời gian sắp tới, chứ không phải là vô số những bình luận và đồn đoán của chợ đời ! Nói cách khác, người đời, hoặc nói như Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn là “thói đời” thường hay nhìn những nét tương phản của hai triều đại Giáo Hoàng kế tiếp. Nhưng một chân lý sâu xa hơn trong Hội Thánh lại cho ta nhìn ra sự liên tục truyền từ đời này sang đời kia trong suốt hành trình của Dân Chúa.
Điều này đưa ta trở về với Đức Benedicto XVI. Trong buổi gặp gỡ để từ biệt cộng đồng Dân Chúa ngày 27.2.2013, trước 150.000 người, ngài đã hồi tưởng lại 8 năm trong sứ mệnh mục tử tối cao “có những lúc rất vui mừng hạnh phúc”, nhưng cũng có những lúc không dễ dàng gì, sóng to gió ngược như vẫn có trong suốt lịch sử Hội Thánh, và Chúa thì như ngủ say, nhưng lúc nào tôi cũng biết rằng con thuyền Hội Thánh không phải là của tôi, không phải là của chúng ta, nhưng là con thuyền của Chúa và Chúa không để cho thuyền đắm…”
Thế đấy, có một sự liên tục giữa những người đồ đệ trên con thuyền năm xưa chao đảo trên biển hồ Galilê với vị Giáo Hoàng 20 thế kỷ sau. Cái liên tục trong thâm tâm các đồ đệ ấy giải thích ở tầng sâu nhất về những khó khăn, thử thách mà Hội Thánh phải chấp nhận ở thế gian này. Không phải là không có những khuyết điểm, thiếu sót, mù tối trong lòng Dân Chúa, và nhiều khi cả nơi các đấng bậc trong Hội Thánh nhưng sau khi đã trừ hao các nhân tố tiêu cực ấy, rồi đi đến cùng kỳ lý, thì vẫn còn cái niềm tin vô hình ấy khiến cho Hội Thánh tất yếu gặp các trở ngại. Thánh Phêrô thì bị giam cầm, đòn vọt bên Do Thái, rồi bị hoàng đế Nero giết chết ở Rôma. Đức Benedicto XVI thì bị người của thế kỷ 21 chống báng, đả kích, thậm chí bôi nhọ. Chính cái niềm tin ấy giải thích con thuyền của Hội Thánh có thể tơi tả, nhưng không thể chìm.
Nói đúng hơn, khi nó bị tơi tả là lúc những gì trên thuyền có thể chìm được ( cũng khá nhiều thứ ) thì cho chìm luôn, để chỉ còn lại cái không thể chìm.
Nếu không ngại đưa tình cảm của con người vào cõi huyền nhiệm, có thể áp dụng cho Đức Tin và Hội Thánh ý thơ của Xuân Quỳnh trong “Thuyền và biển”:
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông dường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu.
Nhìn lại thời gian ở ngôi khó nhọc của Đức Benedicto XVI, ta cảm nhận ra vì sao một con người, sống bằng nội tâm, bằng trí huệ, một con người không thích những sự ồn ào của thế gian, lại cứ hiền hòa đứng mũi chịu sào trong suốt tám năm làm đèn thắp trên giá, làm thành xây trên núi, giữa những tấn công bão táp của thế gian.
Ngay từ ngày đầu đã thế. Theo lời ngài kể với tác giả Peter Seewald, trong tác phẩm “Ánh sáng thế gian”, thì trong Mật Nghị năm 2005 bầu người kế vị Đức Gioan Phaolô II, “đột nhiên tôi giáp mặt với một nhiệm vụ lớn quá thể. Đối với tôi đó là một cơn chấn động… Tôi đã liên tưởng đến chiếc máy chém; bây giờ lưỡi máy chém đang phập xuống, chém đúng cổ mình… Tôi cứ tưởng chức vụ đó không dành cho tôi. Thật ra tôi nghĩ thiên bẩm của tôi là làm giáo sư Thần Học. Nhưng, như tôi đã nói, trong lời “xin vâng” căn bản ( khi thụ phong Linh Mục ) đã tiềm tang ý hướng là sẵn sàng tuân theo ý Chúa điều động, vậy thì biết đâu có ngày tôi sẽ phải làm những điều mà niềm riêng tôi không muốn làm. Còn vì lý do gì mà Chúa lại khiến tôi làm như vậy, thì chỉ có phó thác cho Chúa mà thôi !”
Từ đó ngài phải giáp mặt với thế gian nhũng nhiễu này. Ngài làm đủ cách để thế gian hiểu rằng Thiên Chúa là lòng yêu mến, rằng chúng ta được cứu thoát trong niềm hy vọng cậy trông, ngài muốn bày tỏ lòng yêu mến trong chân lý với hết mọi người. Dù người thế gian có la hét bai biếm thế nào thì vẫn một nội dung ấy đầy hồn. Cứ an bình mà thổ lộ tâm can của người đã sống chìm ngập trong Đức Tin.
Peter Seewald nhận xét: “Ngài là hiện thân của một trí huệ mới trong cách tế nhận và bày tỏ các mầu nhiệm Đức Tin, ngài là một nhà Thần Học, nhưng ngài bênh vực Đức Tin của kẻ bình dân, đối diện với tôn giáo của những bậc giáo sư vốn lạnh tanh như tro nguội. Với sự thanh thoát, thanh nhã đặc biệt, với những khả năng nhập vào uyên thâm, khiến cho những điều nghiêm cẩn trở nên nhẹ bổng, mà vẫn không mất phần mầu nhiệm, không tầm thường hóa sự thánh thiêng. Ngài là một nhà tư tưởng biết cầu nguyện, đối với ngài mầu nhiệm Chúa Kitô định hình cho cả đất trời vũ trụ và lịch sử nhân sinh. Ngài là một người yêu mến con người. Hỏi ngài rằng: “Có bao nhiêu con đường đưa đến Thiên Chúa ?”, thì ngài không cần suy nghĩ nhiều mà trả lời ngay: “Có bao nhiêu người thì bấy nhiêu đường”.
“Có bao nhiêu người thì bấy nhiêu đường”. Nỗi khổ của ngài là có quá nhiều người đi ngược đường. Niềm vui của ngài là có rất đông người đã bắt được tần số độc đáo này, để cùng ngài chung đường. Họ tề tựu đông đảo để nghe ngài giáo huấn, họ tìm đọc các tác phẩm của ngài khiến sách ngài viết trở thành “Best Sellers”, họ vui niềm vui âm thầm của ngài. Hoặc như những ngày cuối ngài ở ngôi Giáo Hoàng, họ bừng dậy thành ngọn sóng thần mến yêu nồng ấm. Đối với vô số người như vậy, ngài đã bắc cầu thành công. Ngài có thể hát những lời như Phạm Duy ( nhưng với ngài đó là trên giai điệu của Mozart ):
Đường đi đã tới
Lòng dân đã nối
Người tạm dừng bước chân vui, người ơi !
Cho nên giữa bao sóng gió của tám năm trên ngôi vị Giáo Hoàng, Ngài vẫn tìm được thì giờ viết bộ sách “Giêsu Nazareth”, tác giả ký cả tông hiệu lẫn thế danh: “Joseph Ratzinger, Benedicto XVI”. Đó là Đức Tin truyền đời của Hội Thánh mà cũng là hành trình của một đời người đi tìm “tôn nhan Chúa”.
Thời gian chảy như thác lũ, chẳng bao lâu mà đã tám năm. Cuối tháng 12 vừa qua, ngài cho xuất bản tập cuối của tác phẩm. Đến lúc ấy thì trong thâm tâm ngài đã cảm thấy “Chúa bảo tôi lên núi cao hiến mình hơn nữa để cầu nguyện và suy ngắm. Nhưng như thế không có nghĩa là bỏ Giáo Hội mà đi, trái lại là khác. Nếu Thiên Chúa gọi tôi làm như thế là vì tôi có thể tiếp tục phục vụ Hội Thánh, với cùng một tình yêu nồng nàn như tôi đã tìm cách làm cho đến lúc đó, nhưng từ nay làm một cách thích hợp hơn với tuổi tác và sức lực của tôi.”
Trong những ngày cuối, ngài nói: “Tôi sẽ không phải là Giáo Hoàng nữa nhưng là một giáo lữ bắt đầu đi vào chặng cuối của chuyến hành hương giữa thế gian”. Đức Benedicto XVI rời khỏi Vatican chiều ngày 28 tháng 2. Thế gian lại bổ nhào vào những dự đoán về người kế vị, với đủ mọi kiểu tính toán. Chúa Nhật vừa rồi, các vị Hồng Y chia nhau đi dâng Thánh Lễ ở các Nhà Thờ Rôma. Người ta hết sức tò mò săn đón những vị được coi là có khả năng sắp lên ngôi. Người ta đua nhau nêu những câu hỏi xem các vị trả lời thế nào, phản ứng làm sao.
Đức Hồng Y Peter Erdo, người Hungary, chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục Châu Âu, trả lời: “Đến lúc rồi đây. Chúng ta phải đứng dậy, ngẩng cao đầu lên và nếu chúng ta không tìm được con đường để về nhà, thì phải hỏi các bậc tiền nhân đi đường nào cho đúng. Đường đó chính là Chúa Kitô. Nhiệm vụ của Hội Thánh là loan báo Chúa Kitô cho mọi người”.
Người ta lại đi tìm Đức Hồng Y Scola, người đang được đánh giá là có nhiều triển vọng. Chỉ nghe thấy ngài cầu nguyện trong Thánh Lễ: “Xin ban cho chúng con một vị Mục Tử thánh thiện để xây dựng Hội Thánh bằng chứng tá cả một cuộc đời”.
Hay là đi hỏi dò Đức Hồng Y Ouellet, người Canada ? Ngài đề nghị: ta hãy cầu nguyện “để Chúa Thánh Thần hướng dẫn cho các Hồng Y tìm thấy người Thiên Chúa đã chọn rồi”.
Nay mai, Mật Nghị Hồng Y sẽ tìm ra “người Thiên Chúa đã chọn rồi”. Vài tuần nữa trong đêm Vọng Phục Sinh, Hội Thánh lại thắp lên cây nến mới, biểu tượng cho Lòng Tin vào:
“Chúa Kitô hôm qua và hôm nay
Khởi nguyên và Cánh thành
Alpha và Omega
Thời gian là của Người, vĩnh hằng là của Người…”
Lm. VŨ KHỞI PHỤNG, DCCT, 13.3.2013

No comments: