Monday 22 August 2011

AI CŨNG LÀ NGƯỜI THÂN CỦA TÔI.

Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR

Tôi được nghe kể rằng có một nhóm trẻ bên Mỹ đã hỏi Mẹ Teresa thành Calcuta: “Chúng con phải làm gì để giúp những người nghèo bên Ấn Độ”. Mẹ nhìn họ từ tốn trả lời: “Các con không cần phải đi tìm người nghèo ở đâu xa. Họ hiện diện ngay bên cạnh và cùng đồng hành với chúng con”.

Câu trả lời của Mẹ Teresa làm tôi nhớ lại câu nói đã đi vào lịch sử của cố Tổng Thống John Kennedy: “Các bạn đừng hỏi tổ quốc sẽ làm gì cho các bạn; nhưng hãy hỏi các bạn sẽ làm gì cho tổ quốc”. Câu nói thời danh này đã giúp ông thắng cử.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đừng hỏi tha nhân sẽ làm gì cho tôi; nhưng tôi sẽ làm gì cho tha nhân. Nhưng tha nhân là ai? Và ai là tha nhân? Hoặc ai là người thân của tôi? Câu hỏi nghe tuy đơn giản nhưng hóc búa.

Có người cho rằng người thân của họ là những người cùng một huyết thống trong gia tộc: ông bà, cha mẹ, vợ chồng con cái, cháu chắt, v.v… Đúng vậy, và nếu người nhà mình mà mình không yêu, không sống tử tế thì làm sao yêu người khác được.

Nhưng, chúng ta được mời gọi sống và vượt lên trên tiêu chuẩn nói trên. Giả như chúng ta chỉ yêu những người trong gia đình, những người cùng chí hướng hay những ai đã đối xử tốt với mình thì chúng ta đâu hơn gì những người khác. Và như thế làm sao chúng ta có thể làm men, muối và ánh sáng cho nhân lọai được. Nhưng ai là người thân của tôi?

Câu hỏi hóc búa vẫn còn đó. Vấn nạn này đã được người thông luật đặt ra chất vấn và thử Đức Giêsu. Ngài đã dùng dụ ngôn, mà chúng ta hay gọi là dụ ngôn người Samaria nhân hậu, để trả lời ông ta:

"Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiều, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác". Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy". (Luca 10: 30-37)

Người thông luật trả lời thật là chí lý. Kẻ thực thi lòng thương xót, thực hiện việc bác ái là người thân cận của kẻ đang sống dở chết dở. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây không phải là chuyện lý lẽ. Lời xác định của Đức Giêsu làm cho chúng ta suy nghĩ. Ông hãy đi và làm như vậy.

Người thông luật dĩ nhiên là người có học và thông hiểu giáo lý trong đạo. Nhưng hiểu mà làm gì nếu không biết đem ra thực hành. Đó là điều Đức Giêsu nhấn mạnh ở đây. Ngôn hành hợp nhất. Lời nói mà không đi đôi với việc làm thì cuối cùng cũng là phèng la chũm chọe. Cũng bị liệt vào hàng ngũ của những kẻ “giả hình” mà thôi.

Quả thật theo trình tự của văn mạch. Sau khi nghe câu trả lời của người thông luật thì, dù muốn hay không, Đức Giêsu cũng cần có ý kiến về câu trả lời của ông ấy. Nhưng Ngài lai nói “hãy đi và làm như vậy”. Khi nói thế Đức Giêsu muốn cho chúng ta biết ý muốn của Ngài. Việc xác định ai là người thân của tôi không nằm trong phạm vi tìm kiếm về mặt lý thuyết. Nhưng điểm quan trọng là thái độ và cách sống của chúng ta. Đây không phải là tiêu chuẩn để xác định ai là người thân của mình; nhưng đúng hơn đó là tiêu chuẩn để xác định mình có là người thân của người khác hay không? Người thân cận là người có lòng thuơng xót, biết động lòng thương, biết rung động trước nhu cầu của người khác. Một khi mà hành trang trong cuộc sống của chúng ta còn thiếu những khí cụ như tình yêu, lòng thương xót, thông cảm và tha thứ cho nhau, … thì mình vẫn xa lạ với chính mình và chưa là người thân của ai hết.

Việc áp dụng lời mời gọi “hãy đi và làm như vậy” của Đức Giêsu hôm nay không phải là điều dễ thực hiện. Lớn lên trong nền giáo dục suy tôn chủ nghĩa cá nhân và dậy cho người ta chỉ biết nghi ngờ. Đúng là vàng thau lẫn lộn… Cuối cùng, chẳng còn biết tin vào ai thì việc xác định ‘người thân’ càng khó khăn hơn.

Tôi còn nhớ cố linh mục Nguyễn văn Đồi đã chia sẻ một câu truyện ‘nửa khóc nửa cười như sau: Theo thông lệ, mỗi sáng thứ 2 hàng tuần cha Đồi lên ca trực tại văn phòng mục vụ của cộng đồng. Đang phom phom lái xe, ngài chợt nhìn thấy bên vệ đường có một chị - ngực ôm con dại, tay dắt con thơ còn tay kia đang vịn vào chiếc xe đẩy một cháu khác – . Chị vẫy tay xin quá giang. Ngài động lòng thương, dừng xe để chở chị và các cháu. Đến một nơi kia. Chị xin xuống. Ngài mở cốp xe để chị lấy chiêc xe đẩy, sau đó tiếp tục lái xe lên văn phòng. Khi đến nơi, Ngài mời các bác trong ban đếm tiền ra phụ với Ngài xách những giỏ tiền mà giáo dân đã dâng cúng trong những Thánh lễ cuối tuần. Đếm đi đếm lại vẫn thiếu mất mấy túi. Ngài kiểm lại những bao tiền với danh sách của các giáo đoàn trong cộng đồng… vẫn thiếu mất mấy bao…. Lúc đó mới biết là các bao tiền tuy không cánh nhưng lại biết bay.

Đã bao nhiêu người chỉ vì tốt bụng mà phải mang họa vào thân. Thậm chí có nhìều người tan cửa nát nhà cũng vì bác ái. Truyện ‘Lưu Bình – Dương Lễ’ nêu cao sự giúp đỡ trong tình bạn và nghĩa thủy chung thường thấy ở đạo nghĩa bên Đông Phương giờ đây cũng chỉ là những truyện cổ tích mà thôi. Thật khó áp dụng trong hoàn cảnh xã hội ngày nay.

Người Samaria vốn bị liệt vào hàng ngoại giáo, sống ngoài luồng. Nhưng vì có lòng nhân hậu, trái tim biết rung cảm trước những khổ đau của tha nhân, biết ‘động lòng thương’ nên ông ta đã trở thành mẫu mực cho những ai tự nhận mình là môn đệ của Đức Giêsu.

Trong vuơng quốc của Đức Giêsu thì tất cả đều bình đẳng, không phân biệt giai cấp. Không ai bị lên án. Tất cả đều có chỗ đứng và không ai bị loại ra ngoài. Họ có chung một mẫu số là ‘động lòng thương’. Đó là nền tảng duy trì các mối tương quan và là sợi dây nối kết họ thành cộng đoàn. Đối tượng của họ không hạn hẹp trong mối quan hệ huyết thống, nhưng được mở ra cho tất cả mọi người. Thế giới của họ rất rộng, vì đối với họ thì ai cũng là người thân.

Người thân cận nhất của họ lại là chính bản thân họ. Thay vì sầu não, buồn phiến và cứ bị dằn vặt về những lỗi phạm được xét dựa vào tính khắc kỷ và những tiêu chuẩn khắt khe cuả lề luật. Họ nên mở ra để đón nhận tình thương yêu của Thiên Chúa để sống vui tươi hơn. Chúa rất hài lòng đồng bước với những yếu hèn phát sinh từ sự mỏng dòn của thân phận làm người.

Vẫn biết yêu thương mình đã khó. Nhưng được làm môn đệ của Chúa là một hồng ân, và sống trong kho tàng của nguồn suối yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi ra khỏi chính mình để yêu thương người khác. Đây chính là mẫu mực Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi trao đổi lòng mến cho nhau và cho nhân loại. Tình yêu chỉ trở nên sung mãn khi chúng ta dám ra khỏi mình. Và cũng chỉ trong tình trạng sống như thế thì Thiên Chúa mới có cơ hội ‘bơm’ tình thương của Ngài vào trong ta. Bao nhiêu gương sáng để ta noi theo: Thánh Maximilian Kolbe đã ‘động lòng thương’ hoàn cảnh và trách nhiệm đối với con cái của người bạn tù, nên Ngài đã tình nguyện chết thay anh ta. Á Thánh Teresa Calcuta đã hy sinh cuộc sống thầm lặng với đầy đủ tiện nghi của một nữ tu dòng kín để lao thân già đi đến mọi hang cùng ngỏ hẻm để biểu lộ lòng thưong yêu của Thiên Chúa dành cho những người tất bạt, bị bỏ rơi bên vỉa hè.

Tôi không phải là Chúa. Tôi cũng không phải là Maximilian Kolbe hay Teresa thanh Calculta hay bất kỳ một vị Thánh nào. Tôi chỉ là một phàm nhân. Đó có thể là lý lẽ, biện luận nhằm trốn né trách nhiệm đã được trao ban. Hãy nhìn chung quanh, ngay trong cảnh sống của gia đình mình. Nếu anh hay chị biết ‘động lòng thương’ đến các nỗi đau khổ, đắng cay, cô đơn của những người chung quanh thì chúng ta có rất nhiều cơ hội để trao ban. Vẫn biết là chẳng ai giống ai. Mỗi người đều có suy nghĩ và sở thích khác nhau và có lẽ cách yêu của mỗi người cũng khác nhau. Nhưng có lẽ chúng ta đều có mộ điểm chungb là những gì mình muốn thấy nơi người mình yêu, thì hãy tự làm cho họ trước đi đã. Biết đâu vì việc làm của mình, mà người kia sẽ làm theo.

Ra khỏi mình để đến với người khác là khởi điểm của hành trình ‘hãy đi và làm như vậy’. Đó là con đường duy nhất để tôi làm chứng cho nhân loại biết tất cả đều là người thân của tôi.

Thật vậy, chúng ta hãy trở lại với trình thuật của dụ ngôn. Người thân cận không phải là người nửa sống nửa chết, nằm bên vệ đường, đang cần được chăm sóc. Nhưng là người Samaria biết ‘động lòng’ trước cảnh khốn cùng của kẻ bị (cuộc đời) cướp đi gần như tất cả những gì ông có.

Không chỉ là người Samaria mà thôi. Ngay cả chúng ta nữa. Nếu ai ai cũng có tấm lòng như thế thì dù bất cứ ai coi họ là kẻ thù, nhưng với họ thì chẳng ai là kẻ thù hết. Tất cả đếu là người thân yêu của họ. Tất cả những người mà họ gặp trên hành trình sống đều là đối tượng để họ ban phát và ‘động lòng thương’. Đây chính là khoản luật cao trọng mà Đức Giêsu đã dậy Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn thứ nhất, là: ngươi phải yêu người như chính mình”. (Mt 22,37-39)

Và qua việc ‘động lòng thương’ chúng ta sẽ ‘sờ thấy’ Đức Chúa, như trong trình thuật mà Thánh Matthew đã mô tả về ngày quang lâm của Đức Chúa:

“… Bấy giờ Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm". bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?" Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy". (Mt 25: 34-40)

Vì vậy, hãy ra đi và ‘động lòng thương’. Ai ai cũng là người thân của mình. Gia đình của họ bao gồm những người được kể trong trình thuật nói trên.

Sydney, 22.08.2011

Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR

Cảm hứng từ hai buổi gặp mặt

ngày 13 và 16.08.11 vừa qua

tại Cecil Hills và Baulkham Hills, NSW Úc

No comments: