Thursday 11 August 2011

Lm Frank Doyle sj: Say sưa lượn sóng

Chúa Nhật 20 Thường Niên Năm A

“Khi say sưa với lượn sóng triền miên”

khi nhận lấy trong thâm tâm cay nghiệt,

giọng hờn đau trăm vạn nỗi niềm riêng.

Ta muốn vớt ai ra ngoài sóng điện,

để nhìn xem sắc mặt với làn da.”

(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mt 15: 21-28

Say sưa lượn sóng. Thâm tâm cay nghiệt, trăm vạn nỗi niềm riêng. Niềm rất riêng, có là nỗi niềm Chúa nhắn nhủ. Ở trình thuật, thánh sử ghi hôm nay.

Trình thuật hôm nay, thánh Mát-thêu ghi lại sự kiện Đức Giê-su tiến vào vùng lãnh thổ không thuộc người Do Thái. Đây là việc Ngài ít khi làm. Tyre và Xi-đôn, là hai thủ phủ nằm cạnh biển dọc bờ duyên Địa Trung Hải. Ngày nay thuộc nước Li-băng, Trung Đông. Khác với các thành phố được Tin Mừng ghi, có Chúa ghé, nhưng không còn thấy trên bản đồ, hai thị trấn này vẫn nở rộ.

Thật bất ngờ, khi ta thấy xuất hiện người nữ phụ của xứ Ca-na-an. Bà đến với Chúa trong kêu gào, rất đáng thương. Đáng thương, là vì người Ca-na-an luôn kình chống Do Thái, vẫn bị coi là người ngoài. Ngoài Đạo. Ngoài luồng. Ngoài cả truyền thống gọn gàng, rất lễ nghi. Nhưng, chuyện này không làm cho nữ phụ nọ thêm nao núng. Chí ít, là khi tăm tiếng Thầy được nhận biết, ở khắp nơi.

Lạy Ngài! là Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương. Con gái tôi bị quỷ ám, thật khốn khổ, ở đây nữa, chẳng biết con gái bà có bị mà thuật ám ảnh, thật hay không. Hoặc, tật đó chỉ là căn bệnh kinh niên, khó chữa. Nhưng, sở dĩ bà kêu cứu vì bà rất lo âu. Hãi sợ. Và, tuyệt vọng. Vì, chẳng còn biết níu kéo những ai để đỡ đần. Ủi an. Nhưng bà vẫn tin tưởng. Như Đức Chúa từng nói vào buổi Tạ từ, chiều hôm ấy: “Không có Thầy, anh em chẳng làm nên chuyện.”

Niềm tin tưởng của người nữ phụ vẫn có, dù là người ngoài Đạo, đã nói lên thiên tính của Đức Chúa. Ngài đích thực là “Con vua Đa-vít”. Như thế có nghiã, là: người mẹ hiền khốn khổ kia, đã thấy được nơi Đức Giê-su, Đấng-làm-Người trên mức bình thường. Đấng, tuy là Người, nhưng rất đặc biệt. Và, danh xưng “Con vua Đa-vít” mà bà tuyên dương hôm ấy, đã hàm ngụ đặc trưng Thiên Sai, của chính Ngài.

Dù đã nghe, nhưng Đức Giê-su chừng như vẫn làm ngơ. Làm như thể, người nữ phụ không có đó. Đây, cũng là cảm giác mà nhiều người lâu nay vẫn có, mỗi khi nguyện cầu cùng Chúa. Nhiều người, vẫn cứ tưởng là Chúa chẳng mấy đoái hoài, đến lời mình kêu. Đây, còn là tâm trạng của các môn đệ Chúa, đã lo âu khi cuồng phong ùn ùn kéo đến; thế mà, Chúa vẫn yên và vẫn ngủ trên thuyền, chẳng động tĩnh. “Không đáp lấy một lời.” (Mt 15: 23)

Và, lý do tưởng chừng như Chúa chẳng đoái hoài, đó chính là: “Thầy chỉ được sai đến với các chiên con lạc bước, của Israel mà thôi.” (Mt 15: 24). Thật sự, thì sứ vụ của Chúa hầu như chỉ tập trung cho dân Ngài. Như ta biết, sách Công vụ có đề cập, là: các tông đồ cũng không biết điều đó, ngay từ đầu. Nên cứ chờ mãi, cho đến khi các thánh nhận ra rằng: ‘người-ở-ngoài’ cũng được phép ứ tràn Thần Linh Chúa. Cũng được mời chào: hãy dấn bước ra đi, theo chân Ngài.

Bài đọc 1, ngôn sứ Isaia có nói trước việc này, khi ông bảo: “Người ngoại bang gắn bó cùng Đức Chúa, hầu phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cũng trở nên tôi tớ Nguời.” (Is 56: 6). Và vì thế, nữ-phụ-ngoài-Đạo nọ vẫn không bỏ cuộc. Bà quyết tâm mon men đến gần Ngài, mà thưa: “Hỡi Ngài, xin thương giúp!”. Thêm điều nữa, lời Chúa đáp trả xem ra hơi phũ phàng: “Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho đàn chó nhỏ!” (Mt 15: 26). Cụ thể hơn, ở một đoạn khác Ngài có nói với tông đồ: “Của thánh, đừng đem cho chó; châu ngọc chớ bỏ trước bầy heo.” (Mt 7: 6)

Quăng cho chó”, là cụm từ được người ngoài Đạo, vào thời của Chúa, vẫn thông dụng. Với người Do Thái, “bầy chó nhỏ” vẫn được coi là loài ô uế. Nhớp tạp. Chúng ăn bất cứ thứ gì, ta ném vứt. Gồm trong đó, có heo/lợn loài hôi tanh. Là, giống thịt thà, chỉ đáng bỏ. Với người Do Thái, người-ngoài-Đạo cũng chẳng sạch hơn loài chó. Nhưng, vấn đề ở đây còn tuỳ âm giọng, của người nói. Có thể, đây là lời cao ngạo, đầy miệt thị. Là, kẻ cả. Trịch thượng. Nhưng, qua những gì ta biết về Đức Chúa, nghĩa bóng Ngài nói ở đây, hàm ngụ tư tưởng hoàn toàn khác hẳn. Có thể, đây chỉ để xét nghiệm niềm tin tưởng của người nữ phụ, về những gì bà nghe biết, mà thôi.

Và, từ lời ứng đáp đầy tin tưởng của người nữ ấy, đã chinh phục được lòng xót thương của Chúa: “Này bà, lòng tin của bà thật lớn.” (Mt 15: 28). Và, vì lòng gan dạ sắt của bà, nên Chúa đã đáp lại một cách tích cực: “Bà muốn sao, sẽ được vậy.”

Bài đọc hôm nay, đem đến cho ta nhiều bài học. Trên hết và trước hết, vẫn là: niềm tin yêu phó thác trọn vẹn vào sự thương yêu - đùm bọc của Chúa. Nếu nhìn từ ngoài, ta cứ tưởng đây như một thất bại. Chán chường. Tuyệt vọng. Thứ đến là bài học về sự liên lỉ trong nguyện cầu. Đây cũng là bài học, mà đôi lúc ta vẫn nghĩ: cũng chẳng được như ta trông mong. Thật ra, vì tuyệt vọng, ta thường muốn xem Chúa muốn gì ở nơi ta mà quên mất là cần cầu nguyện liên lỉ để biết ta cần ở nơi Chúa.

Bài học quý giá hôm nay cần học là ta chớ nên trông ngóng những gì ta mong ước mà hãy chỉ nên ao ước những gì mình cần có trong an bình và yên ổn, qua việc kết hợp với Chúa, rất trọn vẹn. Lòng trông đợi ta cần hơn cả, vẫn là cầu mong cho ta được thực hiện những điều Ngài mong muốn. Nói khác đi, ý định của Chúa và ý muốn của ta vẫn phải trở nên một. Thật tương hợp. Rất ăn khớp.

Thêm điều nữa: Tin Mừng hôm nay xác nhận về lòng thương xót của Đức Chúa. Xót thương ấy, nay trải dài cho hết mọi người. Cả những người biết tin yêu. Biết phó thác nơi Ngài mà chẳng cần hỏi người ấy là ai. Ở trong, hay ở ngoài. Hiện ở đâu. Bên Tây hay bên Tầu. Điều này, ngôn sứ Isaya đã quả quyết, nơi bài đọc: “Những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, và những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. (Is 56: 6-7). Lời sấm này, lại do người Do Thái viết cho người-ở-ngoài, được tín hữu Đức Kitô gửi đến với người có thiện tâm. Và hảo ý. Với Chúa. Với muôn người.

Là thành viên cộng đoàn, ta được biết và tiếp cận với tình thương yêu vỗ về, của Đức Chúa. Nhưng kèm theo, vẫn có bổn phận, là: chứng tỏ cho mọi người thấy, cả người-ở-ngoài lẫn người ở trong, về đường lối. Về, cách ta sống. Ăn nói. Và, hành động sao cho phù hợp với tình thương yêu, Chúa khuyên dạy. Nhất nhất, mọi lời nói và sinh hoạt đều nên phản ánh lòng thương xót Chúa, đã chứng tỏ cho mọi người. Ở trong, cũng như ở ngoài. Trong nhà Đạo. Ở ngoài đời.

Dưới mắt Chúa, không ai bị coi là “lũ chó nhỏ” hoặc “heo/lợn” yếu kém, ở bên dưới. Và, các mảnh vụn thức ăn rơi từ bàn ngồi của chủ, chính là Lời Chúa. Là, tình thương yêu Ngài ban phát,. Mảnh vụn rơi vãi, không là mẩu bánh dành cho loài chó nhỏ, nhưng là những gì cao quý Chúa dành để, cho mọi người. Không luật trừ. Không ngoại lệ, phân biệt. Không kỳ thị, bỏ rơi.

Trong tinh thần nhận đón Tin Mừng Chúa gửi đến, ta cứ vui lên mà cất lời ca hôm trước:

“Tuôn ra thế giới mịt mù

Ta về bao la, trôi suôi theo dòng tinh tú (u... ú)

Êm êm người dệt bài thơ

Nâng ta trong lưới mơ hồ

Ta về lòng người bỡ ngỡ

Khóc cười như bé bơ vơ

Ta theo đường mộng còn lưa.

Hương đưa vào nẻo ngàn thu. Người về tay ngà thương nhớ

Kêu ta bằng một lời ru”. (Phạm Duy – Mộng du)

Tuôn ra thế giới mịt mù. Không như một mộng du. Nhưng, là vào nẻo ngàn thu. Ở nơi đó, có người anh người chị đang trông chờ. Trông chờ, ta đem Chúa đến với tất cả. Có lòng xót thương ân cần. Có chữa lành. Thân thương. Đùm bọc. Của Nước Trời.

Lm Frank Doyle sj

No comments: