Friday 12 August 2011

Lm Bill O'Shea: Các câu nhiều người hỏi về Kinh Thánh (tiếp theo)

Câu hỏi #17:

Trong mục Vấn Đáp hàng tuần, Cha dựa vào sự “bình luận hình thức văn thể” rất nhiều khi diễn giải Sách Thánh. Điều này đưa đến một cảm tưởng là việc học hỏi cách tương xứng về văn phong của các tác giả thánh kinh, cộng thêm sự am hiểu những hình thức văn thể của thời đại xa xưa đó, là những khía cạnh quan trọng nhất trong việc diễn giải Thánh Kinh ở thời đại ngày nay.

Chắc hẳn Cha hiểu rằng rất nhiều tín hữu Ki-tô Giáo sùng đạo, với nhiều mức độ khác nhau về khả năng học vấn, nhiều mức độ khác nhau về tri thức, và cũng quan trọng như vậy, với nhiều tính khí khác nhau, đều đơn giản là không quan tâm tới, và cũng không cần nhờ tới sự giúp đỡ của sự “bình luận hình thức văn thể” để có thể hiểu được Thánh Kinh. “Bình luận hình thức văn thể” có thể là hữu dụng cho một số ít học giả, nhưng, nói chung thì nó không có ý nghĩa gì đối với đa số quảng đại quần chúng.

Trong thời tiền-Vatican II, chúng con được dạy rằng nếu muốn tìm hiểu Thánh Kinh sâu sắc hơn, thì chúng con nên tìm đến Ban Huấn Giáo của Giáo Hội.

Câu đáp:

Tôi không thể nào trả lời cặn kẽ cho tất cả những điểm mà bạn đã nêu ra trong thư của bạn. Tôi phải nói rằng cách bạn hiểu Sách Thánh khác xa cách của tôi đến nỗi tôi không thể tìm thấy chút tương đồng nào giữa chúng ta.

Tôi muốn đưa ra hai luận điểm. Trước hết, ẩn sau tất cả những điều bạn nói đều có ý cho rằng phương cách mà tôi dùng để diễn giải và giảng dạy Sách Thánh là một điều chỉ được áp dụng riêng cho một số người, một điều chỉ nên dành riêng cho các buổi hội thảo của các học giả hàn lâm viện, một điều mà những Ki-tô hữu trung bình không nên biết tới.

Cách diễn giải Thánh Kinh mà tôi sử dụng là cách đã được dạy cho các ứng sinh linh mục trong ít nhất là 20 năm qua, không phải chỉ để giới hạn trong giới tu sĩ hay giới học giả, mà là để thông truyền cho tất cả mọi người Công Giáo trong việc rao giảng và giảng dạy.

Ẩn ý thứ hai trong thư của bạn là việc bình luận thánh kinh cách khoa học lại có vẻ đối nghịch với Ban Huấn Giáo của Giáo Hội, hay đối chọi với thẩm quyền giáo huấn của Giáo Hội. Điều này đơn giản là không đúng sự thật.

Giáo Hội đã chính thức chấp nhận phương cách diễn giải Thánh Kinh theo cách này trong một Huấn Thị quan trọng được ban hành vào năm 1964 do Ủy Ban Thánh Kinh tại Rô-ma về Sự Thật Lịch Sử trong các Sách Thánh. Tôi đề nghị bạn tìm bản Huấn Thị này và nghiên cứu kỹ lưỡng Huấn Thị đó.

Một cách thật ngắn gọn, bản Huấn Thị nhắc nhở chúng ta rằng có ba giai đoạn rõ rệt trong việc hình thành các bộ Tin Mừng.

Đầu tiên là giai đoạn có tính lịch sử – về những lời lẽ và hành động của Đức Giê-su. Kế đến là giai đoạn quan trọng nhất của việc truyền bá Tin Mừng.

Trong khoảng thời gian từ cái chết của Đức Giê-su vào năm 30 sau Công Nguyên đến lúc bộ Tin Mừng đầu tiên được viết xong thành văn bản (Tin Mừng theo thánh Mác-cô) vào năm 65 sau Công Nguyên, Tin Mừng về Đức Giê-su được loan truyền bởi các Tông Đồ, các nhà truyền giáo, và các giáo lý viên.

Khi làm việc đó họ chọn lựa những câu nói của Đức Giê-su và những mẩu chuyện về Đức Giê-su có liên quan đến nhu cầu của các cộng đoàn của họ – các lớp giáo lý, các lớp phụng vụ, việc bênh vực cho các tín lý Ki-tô Giáo, vv.

Thứ ba và sau hết là giai đoạn các bộ Tin Mừng được viết ra thành sách. Trong một giai đoạn dài khoảng 30 năm từ năm 65 đến năm 100 sau Công Nguyên, các Thánh Sử đã làm việc độc lập với nhau dựa theo các truyền thuyết đã được lưu truyền. Việc họ làm được Ủy Ban Thánh Kinh diễn tả bằng những từ ngữ là “chọn lọc, tổng hợp, và giải thích (Tin Mừng)”.

Mỗi Thánh Sử lưu lại dấu ấn của riêng mình trên những truyền thuyết đó, họ diễn giải các truyền thuyết đó theo khuynh hướng thần học của chính họ và ở một mức độ nào đó đã sử dụng tính sáng tạo của họ.

Kết quả là mỗi tác giả Tin Mừng đã ghi lại sự diễn giải đức tin của riêng cá nhân chính họ về cuộc đời và cuộc giảng dạy của Đức Giê-su. Đây chính là bản chất của các sách Tin Mừng – đó là những diễn giải đức tin về con người và việc làm của Đức Giê-su Ki-tô. Mỗi sách Tin Mừng đều có những đặc điểm riêng của nó.

Giai đoạn thứ nhất – hay giai đoạn lịch sử (những gì Đức Giê-su đã thật sự nói và làm) – không phải là giai đoạn thứ ba (các văn bản Tin Mừng ghi lại những giáo huấn và hoạt động của Đức Giê-su).

Các sách Tin Mừng, vì thế, được đặt nền tảng vững chắc trên các sự kiện lịch sử (giai đoạn thứ nhất), nhưng các sách đó không phải là các quyển tiểu sử hay những văn kiện lịch sử nghiêm nhặt, hiểu theo nghĩa hiện đại của các từ ngữ này.

Một số người có thể cho rằng đó là một sự làm giảm giá trị lời Thiên Chúa, nếu như phải thừa nhận rằng không phải cứ mỗi khi các Tin Mừng tường thuật “Đức Giê-su nói rằng …” thì có nghĩa là chúng ta có một câu đúng y nguyên văn từng chữ mà Đức Giê-su đã nói. Điều này đặc biệt đúng với quyển Tin Mừng theo thánh Gio-an, là quyển cuối cùng được viết thành văn bản (vào khoảng năm 95 sau Công Nguyên, hơn 60 năm sau cái chết của Đức Giê-su). Ví dụ như, nếu đặt giả thuyết là nhân vật Giê-su lịch sử có thể không hẳn đã nói rằng “Trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu” thì giả thuyết đó đối với một số người có thể là có vẻ báng bổ bất kính, nhưng nếu chấp nhận ba giai đoạn của việc hình thành các bộ Tin Mừng thì giả thuyết đó có thể khả dĩ.

Các bộ Tin Mừng, tôi lặp lại, là những diễn giải đức tin về cuộc đời và cuộc giảng dạy của Đức Giê-su, và trong một chừng mực rộng lớn hơn các quyển sách đó phản ánh đức tin của cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi vào những lời nói và hành động thật sự của Đức Giê-su.

Tôi tin tưởng là cách hiểu Tin Mừng như vậy sẽ khai mở thêm những tư tưởng mới về sự phong phú của Tin Mừng.

Nếu như có bất kỳ cách hiểu Tin Mừng nào mà làm hạ giá lời Thiên Chúa, thì tôi nghĩ đó là cách đọc và diễn giải Tin Mừng theo kiểu văn tự cứng nhắc. Cách như vậy sẽ làm mất đi rất nhiều thông điệp của Tin Mừng. Cách đó sẽ dẫn chúng ta đến một sự am hiểu hạn hẹp về chân lý thánh kinh, và đây chính là điều mà Công Đồng Vatican II đã tìm cách sửa đổi lại qua lời giải thích của Công Đồng về loại chân lý mà chúng ta nên tìm kiếm trong Sách Thánh.

Tôi đã giảng dạy phương cách diễn giải Thánh Kinh dựa vào hình thức văn thể trong các buổi hội thảo dành cho giáo dân trong nhiều năm qua. Tôi chưa thấy là cách đó vượt khỏi khả năng thông hiểu của họ. Trái lại họ còn thấy là cách đó rất phóng khoáng.

Nhưng lý do chính mà tôi bảo vệ phương cách diễn giải Lời Chúa theo kiểu này là vì đó là cách đúng đắn. Và nếu như đó là cách đúng đắn, thì phương cách đó không nên chỉ giới hạn trong những cuộc thảo luận của giới thần học gia.

Mỗi tín hữu Công Giáo đều có quyền được biết cách diễn giải Thánh Kinh nào là cách được Giáo Hội chấp thuận, và vì thế có quyền được khám phá trọn vẹn sự phong phú của Lời Thiên Chúa.

Câu hỏi #18:

Con đọc phần trả lời của Cha (trong mục Vấn Đáp ngày 24/06/1984) về các Tin Mừng và hình thức văn thể với sự chú ý đặc biệt.

Nhiều đoạn trong phần trả lời đã gợi nhiều suy nghĩ đối với con, chẳng hạn như đoạn “nếu đặt giả thuyết là nhân vật Giê-su lịch sử có thể không hẳn đã nói rằng ‘Trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu’ thì giả thuyết đó đối với một số người có thể là có vẻ báng bổ bất kính, nhưng nếu chấp nhận ba giai đoạn của việc hình thành các bộ Tin Mừng thì giả thuyết đó có thể khả dĩ.”

Chữ “lịch sử” mà Cha dùng đã khiến con nghĩ ngợi nhiều. Nhưng khi đọc đến chữ “khả dĩ” thì con cảm thấy nhẹ nhõm.

Có thể là chữ “lịch sử” của Cha làm cho con hơi bị rối trí. Con chọn để tin là Đức Giê-su đã thật sự nói những chữ trong câu đó.

Câu đáp:

Khi tôi dùng chữ “lịch sử” để nói về Đức Giê-su tôi chỉ đơn giản là đang nói đến ông Giê-su thành Na-da-rét trong giai đoạn hiện hữu trên thế gian của ông ta, và những gì ông ấy đã thật sự nói và thật sự làm trong thời gian ông ở thế gian.

Tôi không nói về Đấng Thiên Chúa Phục Sinh, hay về sự mặc khải mà sau đó Người đã thông truyền cho Giáo Hội qua Đức Chúa Thánh Thần.

Chúng ta phải nhớ rằng quyển Tin Mừng của thánh Gio-an được viết thành văn bản hơn 60 năm sau cái chết của nhân vật Giê-su lịch sử.

Vì vậy đó là điều phi lý nếu kỳ vọng tìm được một trình thuật đúng y nguyên văn tất cả những gì Đức Giê-su đã nói, hay một văn bản ghi lại chính xác tất cả những gì Đức Giê-su đã làm một cách tỉ mỉ đích xác.

Nếu bạn so sánh Tin Mừng của thánh Gio-an với các bộ Tin Mừng được viết sớm hơn, bạn sẽ thấy một sự khác biệt rõ nét trong phong cách giảng dạy được cho là của Đức Giê-su, và thậm chí trong cả nội dung các cuộc đàm luận của Người.

Thay vì cách giảng dạy đơn giản qua những dụ ngôn mà ta thấy trong các Tin Mừng Nhất Lãm, trong Tin Mừng thánh Gio-an ta thấy những bài giảng dài và nặng tính thần học.

Ví dụ như, hãy so sánh Bài Giảng Trên Núi trong chương 5-7 của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu với những lời từ giã của Đức Giê-su trong Tin Mừng theo thánh Gio-an (chương 14-16), thì bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì.

Món quà linh hứng của Thiên Chúa không bảo đảm sự chính xác về mặt văn thể trong những từ ngữ của Đức Giê-su.

Không có lý do gì để tin là khi Thiên Chúa linh hứng cho các Thánh Sử viết Tin Mừng thì Người có ý định soi sáng cho họ biết những từ ngữ đích xác do chính miệng Đức Giê-su thốt ra.

Điều mà ơn linh hứng quả thật có bảo đảm, là sự thật trong sự diễn giải của họ về con người và công trình của Đức Giê-su Ki-tô.

No comments: