Monday 29 August 2011

Lm Bill O'Shea: Các câu nhiều người hỏi về Kinh Thánh (tiếp theo)

Câu hỏi #31:

Thánh Thư và Thánh Truyền có liên hệ như thế nào? Có hai nguồn Mặc Khải (như chúng con được dạy trong thời tiền-Vatican II) hay chỉ có một mà thôi?

Câu đáp:

Kể từ cuộc Cải Cách, câu trả lời cổ điển của Giáo Hội Tin Lành cho câu hỏi “Mặc khải của Thiên Chúa có thể tìm ở đâu?” là: “Chỉ trong Thánh Thư mà thôi”; nhưng Giáo Hội Công Giáo luôn đáp rằng: “Trong Thánh Thư và Thánh Truyền”.

Đây quả thật là một tín điều của đạo Công Giáo, được chính thức định nghĩa vào thế kỷ 16 do Công Đồng Tri-đen-ti-nô.

Nhưng vấn đề vẫn tồn tại về mối liên hệ đích xác giữa Thánh Thư và Thánh Truyền.

Nếu như có hai nguồn mặc khải, thì sẽ nảy sinh câu hỏi là: Hai nguồn đó giống nhau đến mức nào? Hay là hai nguồn đó hoàn toàn độc lập với nhau? Hay có thể là hai nguồn đó giống y như nhau xét theo một chừng mực nào đó?

Có nhiều cách mà truyền thuyết có thể được liên hệ với những lời được viết thành văn bản của Thiên Chúa. Một số truyền thuyết có thể được viết rõ cụ thể ngay trong các Thánh Thư, trong khi một số truyền thuyết khác chỉ được ám chỉ tới.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là có phải có một khía cạnh của chân lý được mặc khải hiện diện ngoài Thánh Thư và thậm chí không được ám chỉ tới trong Thánh Thư hay chăng. Có một thành phần độc lập như vậy của chân lý mặc khải hay chăng?

Trong thời gian gần đây nhiều cuộc nghiên cứu đã được thực hiện về bản chất của mặc khải, truyền thống, và sự hình thành tín lý.

Người ta đã nhấn mạnh nhiều hơn vào tính chất của Giáo Hội là một cơ chế sống động. Một số lượng ngày càng tăng các thần học gia sẽ giữ lập trường rằng mặc khải của Thiên Chúa được hoàn toàn gói trọn trong Thánh Thư, nhưng mặc khải đó được hiểu theo cách hiểu của Giáo Hội sống động dưới sự hướng dẫn của thẩm quyền giáo huấn của Giáo Hội.

Theo quan niệm này, Thánh Truyền không phải là một tập hợp những chân-lý-không-có-trong-Thánh-Kinh mà Giáo Hội đã lưu truyền từ thời các Tông Đồ cho đến ngày nay, mà là tổng thể chân lý Ki-tô Giáo, được đón nhận, giảng dạy, và lưu truyền trong cộng đoàn Giáo Hội qua các thời đại.

Chính là từ truyền thuyết trong Giáo Hội mà Tân Ước được hình thành.

Có truyền thuyết, có văn bản, nhưng cả hai chỉ là một.

Do đó chân lý Ki-tô Giáo được tìm thấy không phải chỉ riêng trong văn bản Thánh Thư mà cũng không phải chỉ riêng trong Thánh Truyền, nhưng trong sự kết hợp chặt chẽ của cả hai. Chỉ có một nguồn mặc khải, sách Tin Mừng – mà toàn bộ Tin Mừng được truyền đạt trong Thánh Thư và Thánh Truyền, cả hai đều được công nhận trong sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Về quan điểm này, nhiều phản đối đã được đưa ra.

Một trong những phản đối này là về sự hiện hữu của nhiều tín điều của Giáo Hội – chẳng hạn như tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội và tín điều Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời – mà những tín điều này được vạch rõ ra là không có trong Thánh Thư.

Vậy thì phải chăng chúng ta phải nên đi tìm một khẩu truyền độc lập với Thánh Thư để giải thích sự mặc khải thánh thiêng những tín điều này, và để biện minh cho định nghĩa của Giáo Hội về những chân lý đức tin này?

Những ví dụ khác cũng có thể được nêu ra. Chẳng hạn như, có thể nào chứng minh được là tất cả các học thuyết của Giáo Hội về các phép bí tích đều có trong Thánh Thư? Nhất là sự hiện hữu của bảy, và chỉ bảy phép bí tích mà thôi. Đây là một tín lý đức tin dường như chỉ được biết nhờ vào Thánh Truyền.

Và giáo huấn của Giáo Hội rằng 72 quyển sách trong bộ Thánh Thư là kinh điển và được linh hứng, rằng chỉ có những sách đó mới là Lời Thiên Chúa – giáo huấn đó là một chân lý mặc khải không có trong Thánh Thư, điều này một lần nữa dường như là đòi hỏi sự hiện hữu của một truyền thuyết độc lập.

Các thượng phụ trong Công Đồng Vatican II, khi soạn thảo văn bản về Mặc Khải Thánh Thiêng, đã thấy mình phải đương đầu với hai quan điểm khác biệt sắc nét: (1) hai nguồn (Thánh Thư và Thánh Truyền); (2) một nguồn (Thánh Thư, như được diễn giải bởi Thánh Truyền).

Các vị thượng phụ cuối cùng đã không đi đến kết luận cho vấn đề này. Sau nhiều cuộc tranh luận, vấn đề đã được bỏ ngõ, và văn bản chính thức sau cùng đã phản ánh một quan điểm nhân nhượng cẩn trọng.

Trong Điểm 9 của Hiến Chương Mặc Khải Thánh Thiêng (Article 9 of the Constitution on Divine Revelation) có đoạn viết rằng “có một mối liên kết và thông đạt (hiểu ngầm) gần gũi giữa Thánh Truyền và Thánh Thư. Bởi vì cả hai đều tuôn chảy từ cùng một nguồn giếng thánh thiêng, chắc chắn Thánh Truyền và Thánh Thư hòa nhập làm một và phục vụ cho cùng một mục đích”.

Với sự yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, văn bản trên được thêm vào một đoạn cẩn thận như sau: “Không phải chỉ từ Thánh Thư mà thôi mà Giáo Hội rút tỉa được sự quả quyết về tất cả những điều đã được mặc khải”.

Tuy nhiên, điều này không loại bỏ quan điểm rằng toàn bộ mặc khải là, trong một khía cạnh nào đó, được truyền đạt qua Thánh Thư. Nhưng điều này có thể không hẳn là chắc chắn, và quả thật Giáo Hội luôn luôn hiểu và diễn giải Thánh Thư dưới ánh sáng của những truyền thuyết được lưu truyền đến ngày nay.

Có cách gì để phá bỏ sự bế tắc này không? Hiển nhiên là ý nghĩa bản huấn sắc của Công Đồng Tri-đen-ti-nô là quan trọng nhất.

Đúng là mục đích cụ thể của Công Đồng là nhằm định nghĩa sự hiện hữu của các truyền thuyết do các Tông Đồ truyền lại để đối kháng lại với thuyết “chỉ Thánh Thư mà thôi” của phái cải cách Tin Lành theo nghĩa cực đoan mà họ hiểu.

Nhưng vấn đề thực sự là có phải Công Đồng Tri-đen-ti-nô đã chủ ý định nghĩa sự hiện hữu của hai nguồn mặc khải riêng biệt – các sách-viết-thành-văn-bản và các truyền-thuyết-không-được-viết-thành-văn-bản – hay không. Quả thật, Công Đồng Tri-đen-ti-nô tuyên bố chỉ một nguồn, hay “giếng”. Nguồn của toàn bộ chân lý cứu độ là Tin Mừng được mặc khải cho các Tông Đồ.

Công Đồng đã không gọi các sách-viết-thành-văn-bản mà cũng không gọi các truyền-thuyết-không-được-viết-thành-văn-bản là những nguồn mặc khải. Đối với Công Đồng Tri-đen-ti-nô, các quyển Thánh Thư và các lời khẩu truyền đều là những biểu thị của mặc khải, là những điểm tiếp cận với chân lý được mặc khải, những kênh máng thông truyền mặc khải từ một nguồn duy nhất là sự rao giảng của các Tông Đồ về Tin Mừng.

Từ văn bản huấn sắc của Công Đồng Tri-đen-ti-nô, thật là điều bất khả dĩ để nói rằng những chân lý trong hai kênh máng đó là có hoàn toàn giống nhau hay không, hay có phần nào giống nhau, hay hoàn toàn khác nhau.

Có hay không những chân lý được lưu truyền qua hình thức khẩu truyền mà hoàn toàn không được chứa đựng trong Thánh Thư là một câu hỏi mà tôi không nghĩ là có thể được trả lời bằng cách dựa vào Công Đồng Tri-đen-ti-nô.

Mà cũng không có lý chi cả khi dựa vào những tín điều như tín điều Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội hay tín điều Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời để cho rằng Thánh Truyền là một “nguồn” mặc khải độc lập.

Đúng là những thuyết này không thể được thấy là có được nói đến một cách rõ ràng hay được ám chỉ đến trong Thánh Kinh. Nhưng với tất cả lòng thành thật chúng ta phải thú nhận rằng cũng không dễ dàng gì mà lội ngược dòng thời gian trở về thời của các Tông Đồ để truy tìm nguồn gốc của những thuyết này qua một truyền thuyết độc lập bằng cách nghiên cứu lịch sử.

Điều mà chúng ta cần để giải thích những niềm tin đó, là một lý thuyết khả tín về sự hình thành học thuyết, chứ không phải một sự cậy dựa vào một khẩu truyền độc lập.

Mặc khải toàn bộ của Thiên Chúa cho chúng ta được thực hiện không phải bằng lời nói mà bằng con người của Đức Giê-su Ki-tô. Cái Tin Mừng đã được mặc khải cho các Tông Đồ, “nguồn mạch của toàn bộ chân lý cứu độ”, trước hết và trên hết, là một trải nghiệm sống động.

Dĩ nhiên, không lâu sau đó, một tiến trình đã diễn ra nhằm chuyển dịch trải nghiệm sống động đó thành những công thức và những đề xướng để phổ biến cho các tín hữu. Tiến trình chuyển dịch mặc khải sang từ ngữ của loài người này, được khởi sự do chính các Tông Đồ, không bao giờ có thể được gọi là hoàn toàn đầy đủ, và đòi hỏi sự cố gắng liên tục trong việc khám phá ý nghĩa mặc khải một cách sâu sắc hơn.

Tiến trình dần dần am hiểu và hình thành chân lý đã được mặc khải vẫn đang tiếp diễn và sẽ luôn tiếp diễn trong suốt sự tồn tại của Giáo Hội.

Không có điều nghi ngờ chi cả rằng một sự hình thành tín lý đã diễn ra.

Vấn đề là làm cách nào mà Giáo Hội có thể giảng nghĩa mặc khải của Thiên Chúa. Mặc khải đã được gói ghém trong Thánh Thư như thế nào, và Giáo Hội sẽ diễn giải mặc khải và phát triển học thuyết tín lý như thế nào?

Chúng ta bị đối diện với vấn đề về chính bản chất của mặc khải thánh thiêng, và về tiến trình mà Giáo Hội trải qua khi dần dần tiến tới sự am hiểu mặc khải đó.

Mặc khải thánh thiêng không phải được gói trong những lời nói hay đề xướng, nhưng trong những thực tế do Thiên Chúa vén mở cho loài người được biết.

Việc nói rằng Thánh Thư không chứa đựng toàn bộ mặc khải, hay Thánh Thư chỉ là một phần của mặc khải, thì có vẻ là bắt nguồn từ cái sai lầm trong việc liên kết mặc khải quá gần gũi với những văn tự trong một văn bản.

Khi mặc khải được xem là những văn tự viết rõ về một con số hữu hạn các đề xướng, thì bất cứ đề xướng nào không được viết rõ cụ thể trong văn bản, hay không thể được rút tỉa ra một cách hợp lý từ văn bản, đều bị cho là không hề có “trong Thánh Thư” gì cả.

Mặc khải là bao gồm bất cứ những gì mà Thiên Chúa muốn truyền đạt cho con người, và chúng ta phải phân biệt giữa những gì được truyền đạt (communicated) và những gì được viết rõ ra (stated).

Những gì được truyền đạt là vượt khỏi giới hạn của những gì được viết ra hay nói ra, ngay cả trong ngôn ngữ loài người. Ngoài những từ ngữ mà một người sử dụng, chúng ta cũng phải xét đến cá tính của người đang nói, bối cảnh mà những từ ngữ đó được nói ra, giọng điệu trong lời nói, vân vân.

Nếu như những điều đó cần phải được xét tới khi tìm hiểu ý nghĩa câu nói của một con người, thì điều này lại càng đúng hơn biết bao nhiêu khi tìm hiểu ý nghĩa lời nói của Thiên Chúa?

Sự phân biệt này là một điều quan trọng cần lưu ý khi chúng ta nói rằng Thánh Thư chứa đựng toàn bộ mặc khải.

Dĩ nhiên nói như vậy không có nghĩa là tất cả các tín lý đức tin đều được viết thành văn bản trong Thánh Thư, ngay cả một cách ngầm ám. Trái lại nói như vậy chỉ có nghĩa là tất cả các tín lý Công Giáo đều nằm trong phạm vi những gì mà Thánh Thư truyền đạt.

Các câu văn trong Thánh Thư cũng giống như những khung cửa sổ mà Giáo Hội nhìn xuyên qua đó để thấy những gì mà Thiên Chúa đã muốn truyền đạt cho loài người.

Khả năng làm việc này được bảo đảm cho Giáo Hội qua tính chất sứ mạng thánh thiêng của Giáo Hội.

Sự suy tưởng của Giáo Hội không đặt nặng nhiều về những văn tự trong văn bản, nhưng nặng về thực tế, sự thật, được truyền đạt bởi những chứng nhân thánh thư.

Dưới ánh sáng này không có chi ngạc nhiên khi thấy rằng Giáo Hội rút tỉa từ Thánh Thư nhiều điều hơn là những quy luật lý luận của loài người cho phép. Điều này, tôi tin, là những gì đã diễn ra.

Giáo Hội đã rút tỉa các kết luận từ chân lý được mặc khải và đã không phải lúc nào cũng luôn luôn áp dụng các quy luật của nguyên tắc lý luận chặt chẽ, mà trái lại đã áp dụng một trực giác sáng suốt trong việc khám phá mục đích và hành động của Thiên Chúa.

Sự hình thành tín điều không bị ràng buộc bởi các quy luật lý luận của loài người. Tiến trình này là khả dĩ bởi vì, như tôi đã viết, một câu văn có thể truyền đạt nhiều ý nghĩa hơn những gì mà các văn tự tự chúng biểu thị.

Điều này khiến chúng ta có thể nói rằng toàn bộ mặc khải được gói trọn trong Thánh Thư. Thánh Thư là điểm khởi đầu mà từ đó Giáo Hội tiến tới để khám phá những gì Thiên Chúa đã truyền đạt cho chúng ta.

Cá nhân một nhà chuyên môn có thể không rút tỉa được một tín điều nào đó của Giáo Hội từ Thánh Thư. Nhà chuyên môn đó có thể chỉ tìm thấy được một gợi ý hay một ý niệm mơ hồ nào đó, hay thậm chí có thể cũng không thấy được cả những điều đó.

Nhưng điều này không hẳn có nghĩa là tín điều đó không có trong Thánh Thư.

Và vì thế, theo quan điểm này, cái khái niệm về một khẩu truyền chứa đựng những chân lý không có trong Thánh Thư trở nên không cần thiết và vô ích.

Thánh Thư gợi ý những điều mà Giáo Hội dùng thẩm quyền để công nhận, và chỉ có Giáo Hội mới quyết định một chân lý được gợi ra trong Thánh Thư có phải là một phần trong mặc khải của Thiên Chúa hay không.

Thánh Thư phải luôn luôn được đọc theo cách mà Giáo Hội hiểu, và không được đọc theo kiểu văn tự cứng nhắc – văn tự chết.

Giáo Hội và Thánh Thư phải được hiểu là có một mối liên hệ hỗ tương, trong đó Thánh Thư chứa đựng toàn bộ Lời Thiên Chúa, và truyền thuyết sống động trong Giáo Hội truyền bá Lời đó với mức độ thâm nhập rộng lớn hơn và với sự tiến triển xuyên suốt qua các thế kỷ.

Muốn hiểu thì người ta phải bắt đầu từ sự kết hợp giữa Thánh Thư, Giáo Hội, và Thánh Truyền. Điều thật sự quan trọng nhất trong đức tin là Giáo Hội sống động.

Với sự am hiểu này về mặc khải của Thiên Chúa và tiến trình hình thành học thuyết đức tin, tôi lặp lại định nghĩa của tôi rằng Thánh Truyền là “sự diễn giải liên tục, được-Chúa-Thánh-Thần-hướng-dẫn của Giáo Hội về những chân lý đức tin đã được mặc khải (không hẳn là được viết ra) trong Thánh Thư”.

Câu hỏi #32:

Con phải trả lời ra sao khi có người hỏi “Những gì trong Thánh Kinh có thật hay không?”

Câu đáp:

Khi tôi được hỏi câu “Có phải tất cả những gì trong Thánh Kinh đều là thật cả hay không?” thì tôi đáp lại bằng một câu hỏi khác, và mời người hỏi định nghĩa đích xác chữ “thật” của họ có nghĩa là gì.

Nếu người hỏi có ý hỏi rằng “Có phải tất cả những chi tiết trong Thánh Kinh đều là sự thật lịch sử hay không, nghĩa là, có phải tất cả mọi sự được tường thuật trong Sách Thánh là đã xảy ra đúng y như sách đã ghi hay không? – thì câu trả lời đơn giản là “không”.

Nhưng cũng thật sự có khi mà một câu trả lời dứt khoát có thể và phải được đưa ra bởi tất cả những người có lòng tin khi được hỏi rằng: “Có phải tất cả những gì trong Thánh Kinh đều là thật cả hay không?” Câu hỏi này có thể và phải được trả lời một cách dứt khoát, miễn là chúng ta hiểu chân lý thánh kinh theo nghĩa mà Công Đồng Vatican II đã mô tả, nghĩa là, chân lý mà Thiên Chúa đã chủ định diễn tả trong Sách Thánh nhằm mục đích cứu độ chúng ta.

Có lẽ một ví dụ sẽ minh họa rõ nhất cho ý tôi nói.

Khi Đức Giê-su giảng về sự quan trọng của việc yêu mến người thân cận, một người trong số đám đông nghe giảng đã hỏi Đức Giê-su rằng “Ai là người thân cận của tôi?”

Người trả lời câu hỏi đó bằng cách kể câu chuyện một người đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, bị tấn công và bị cướp giữa đường.

Người kể là một thầy tư tế và một thầy lê-vi đã chẳng hề đoái hoài gì đến người bị nạn, nhưng một người Sa-ma-ri đã dừng lại, băng bó vết thương cho người bị nạn, đưa ông ta đến một quán trọ, và trao một số tiền cho chủ quán để gởi người bị nạn trọ ở đó và nhờ chủ quán chăm sóc cho đến khi vết thương ông ta lành hẳn (xem Lu-ca 10:25-37).

Nếu như có ai đặt câu hỏi “Câu chuyện đó có thật không?”, mà chữ “thật” trong câu hỏi có ý nói về sự thật lịch sử, thì tôi sẽ phải thú nhận là tôi không biết.

Có thể Đức Giê-su có biết một vụ mới xảy ra không lâu trước đó – một câu chuyện xảy ra đúng y như lời Người kể, và Người đã dùng câu chuyện đó để làm rõ nghĩa “người thân cận” là ai và “yêu mến người thân cận” nghĩa là gì.

Nhưng cũng rất có thể – với xác suất khả dĩ cao hơn – là với biệt tài kể chuyện của mình, Đức Giê-su đã sáng tạo ra mẩu chuyện đó. Thế nhưng cho dù mẩu chuyện đó có là sự thật lịch sử hay không thì cũng không quan hệ gì cả. Cái chân lý mà Đức Giê-su muốn truyền đạt “nhằm mục đích cứu độ chúng ta” là ý nghĩa thật sự của lòng yêu mến tha nhân, chân lý đó rất khác biệt với sự thật lịch sử.

Chuyện giả tưởng, vì thế, có thể là một phương tiện hữu hiệu và thích hợp để truyền đạt những chân lý tôn giáo sâu sắc.

Lấy một ví dụ khác, cũng tương tự như trên tôi tin rằng quyển Giô-na trong Cựu Ước không nên được xếp vào loại sách lịch sử, mà trái lại nên được xem là một dụ ngôn dài giảng dạy cái chân lý là Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả muôn dân.

Đây chỉ là một vài ví dụ cho ý của tôi khi tôi nói là cái chân lý mà chúng ta phải nên tìm kiếm trong Sách Thánh chính là chân lý mà Thiên Chúa đã linh hứng cho các tác giả thánh kinh thông đạt lại “nhằm mục đích cứu độ chúng ta”.

Điều đó không hẳn là và cũng không nhất thiết phải là chân lý có tính khoa học hay chân lý có tính lịch sử, mà chân lý lịch sử thì lại là chuyện khác nữa.

No comments: