Tuesday 2 August 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Kinh Thánh & Mặc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)


LỜI RAO GIẢNG TIÊN KHỞI

B. TRONG CÁC THƯ THÁNH PHAOLÔ

Bây giờ, nếu chúng ta lấy những tuyên tín rải rác trong các thư của Phaolô, và những khúc thuộc truyền thống sẵn có trong Hội thánh mà Phaolô còn giữ lại trong các thư như: 1C 15: 1t; Ga 1: 4; Rm 10: 8t; 14: 10; 2C 5: 10/Rm 2: 16/1C 4: 5/1Th 1: 9-10… ta thấy Kerygma của thánh Phaolô cũng gồm tóm trong việc tuyên bố về các sự kiện “Chết và sống lại” của Chúa Kitô trong nhỡn giới Cánh chung. Tính cách cánh chung cho thấy tầm quan trọng của sự kiện. Các sự kiện đó, đánh dấu việc chuyển hướng đi từ “thời hiện tại xấu xa” (Ga 1: 4) qua “những ngày sau hết” (Hr 1: 2), tức là “thời sẽ đến” (nghĩa là thời viên thành). Tầm quan trọng được nhấn đến trong Lời quả quyết Chúa Kitô chết và sống lại theo lời Kinh thánh (1C 15, et). Viên thành, tức là những lời tiên báo của các tiên tri đã thành tựu, đã ứng nghiệm, và như thế “thời sẽ đến” đã rạng! Ngày của Yavê đã đến. Mà mọi sự, đó là nơi sự chết-sự sống lại của Chúa Kitô. Nhờ bởi biến cố đó mà tín hữu được giải thoát khỏi “thời hiện tại xấu xa” này. Thời mới đã có đó, trong thời ấy, Chúa Kitô –là Chúa- Ngài sẽ đến lại để kết thúc mọi sự như Đấng phán xét, và cứu thoát. Các thư, không cho ta biết tất cả Kerygma của Phaolô, nhưng những gì chúng ta nhận thấy như điều giả thiết tất nhiên phải có trong mọi hoạt động xây dựng cộng đoàn tín hữu lại sát với biểu thức về Lời rao giảng chúng ta đã rút ra được tự các bài giảng trong Công vụ:

-Các lời tiên tri đã ứng nghiệm, thời mới đã khai mạc với Chúa Yêsu.

-Ngài đến bởi giòng giống Đavít

-Ngài đã chết theo lời Kinh thánh, để cứu ta khỏi thời hiện tại xấu xa.

-Ngài đã bị chôn cất

-Ngài đã sống lại ngày thứ ba theo lời Kinh thánh

-Ngài đã được tôn lên bên hữu Thiên Chúa, như Con Thiên Chúa, Chúa kẻ sống và kẻ chết.

-Ngài sẽ đến lại như Đấng phán xét và cứu thế.

Vậy so sánh như trên, chúng ta thấy được rằng Kerygma trong Công vụ (tức là Kerygma tiên khởi của các Tông đồ tại Yêrusalem) không khác biệt với Kerygma của Phaolô mấy tí: từ hai thứ văn kiện này, chúng ta rút ra được những nét chính của lời rao giảng chung cho Hội thánh tiên khởi:

Kerygma diễn ra ba chiều của ơn cứu rỗi:

-Hiện tại cho diễn giả cũng như cho thính giả là hoạt động của Thánh Thần (Cv lấy ngữ ân là một điểm đặc sắc).

-Quá khứ: biến cố đã xảy ra nơi Chúa Yêsu thoáng qua thì nói đến sự nghiệp lúc sinh thời, nhưng cốt yếu là sự chết và sự sống lại.

-Vị lai (ít nói đến) là thời Chúa đến phục hồi lại mọi sự, phán xét và cứu thoát.

Nhưng điều cốt thiết khi trình bày là khung cảnh trong đó các sự kiện được đặt vào: ý định của Thiên Chúa như thấy trong các sách Kinh thánh Cựu Ước. Không phải là chứng Kinh thánh làm cho biến cố nói đến có thực, vì biến cố là điều không lấy lẽ mà tạo ra được: đó là điều xác tín bởi được chứng kiến. Bởi đó, các tông đồ tuyên bố sự kiện, chứ không phải minh chứng sự kiện. Nhưng sự kiện có ý nghĩa thế nào là do khung cảnh, trong đó sự kiện được nhìn thấy nhờ điều đã qua và sẽ đến: cũng như vị trí của một vật là kinh tuyến và vĩ tuyến, nay thông thường nhờ trước và sau: vị trí có xác định được tức là vật kia có một hướng, một ý nghĩa. Cũng vậy, sự kiện Yêsu Nazarét mà hiểu được là do Thánh sử ghi lại trong Cựu Ước.

(còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR

(trích tài liệu giảng dạy phỏ biến nội bộ)

No comments: