Wednesday 31 August 2011

Michael Cook : 7 lý do để vui mừng sau Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid


Có can chi nếu như giới truyền thông chẳng thèm quan tâm đến Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới?

Vào giờ này năm ngoái, Giáo Hội Công Giáo đang phải liếm láp những vết thương của mình sau thất bại lớn nhất trong nhiều năm qua về mặt giao tế với công chúng. Nhiều nhà báo mỉa mai rằng vụ tai tiếng gây ra bởi một số linh mục ấu dâm chính là bước khởi đầu của sự kết thúc của Giáo Hội. Tín đồ của Giáo Hội kinh tởm đến nỗi họ được cho là đang bỏ đạo hết cả.

Nhưng nếu như lối bói lá trà đầy bi quan đó là đúng, thì bạn làm sao giải thích sự hiện diện của hai triệu người trẻ tại Madrid vào cuối tuần qua để nghe một vị Giáo Hoàng người Đức 83 tuổi giảng đạo? Tất cả những người trẻ này đều biết về những hành vi tồi bại của một số các linh mục vô lại nhưng những hành vi đó đã không làm lung lay lòng tin tưởng của họ vào Giáo Hội và vào các nhà lãnh đạo Giáo Hội.

Vậy, nếu như bạn là một người có cảm tình với đạo Công Giáo, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2011 mang lại tràn trề những lý do để hy vọng. Sau đây là 7 trong số các lý do đó.

Thế hệ trẻ kế thừa Giáo Hội

Hai triệu người trẻ tham dự Đại Hội đã thực hiện một cố gắng thật đáng nể để chứng minh niềm xác tín của họ. Mặc dù phần lớn số khách hành hương là đến từ Tây-ban-nha và các nước Pháp, Ý lân cận, có tới hàng trăm hàng ngàn người đã đến từ các quốc gia xa xôi như Úc hay Tân-tây-lan. Khoảng 150 người đến từ nước Nga! Sự hy sinh trong việc phải tốn kém chi phí cho một chuyến hành trình xa xôi và nơi tạm trú thiếu tiện nghi chứng tỏ là họ đoan quyết với việc làm thành viên của Giáo Hội Công Giáo.

Hãy so sánh điều đó để thấy sự tương phản với Hội Nghị Thượng Đỉnh Giới Trẻ Thế Giới do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại New York. Phải thừa nhận là ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon có sức quyến rũ của một cái bắp cải héo úa, nhưng hội nghị đầy ý nghĩa này thu hút chỉ được vài trăm người. Vậy thì tư tưởng của bên nào sẽ được lưu truyền lại cho thế hệ kế tiếp?

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI vạch ra chuẩn mực luân lý

Vào tuần trước Thủ Tướng Anh Quốc David Cameron đã phản ứng với những vụ bạo loạn tại London và những thành phố lớn khác của nước Anh bằng cách gièm pha chủ nghĩa luân lý tương đối. “Điều mà tuần vừa qua cho thấy là cái chủ nghĩa trung lập, chủ nghĩa tương đối về luân lý này là không thể chấp nhận được nữa.” Quả đúng như vậy. Tôi sẽ biếu không cho bạn một bộ dao cắt bít-tết nếu như bạn nêu được tên ai là vị lãnh tụ lớn trên thế giới là người đã đầu tiên đả kích “sự chuyên chế của chủ nghĩa duy tương đối”!

Về phần Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, ngài đã nâng việc bác bỏ tính đúng đắn chính trị thời thượng – là điều làm cản trở sự vươn tới những luân lý cao đẹp - thành một việc làm đáng nể trọng. Hiển nhiên là các nhà lãnh đạo thế giới đang lắng nghe ngài.

Bạn có nhớ lời chào từ giã của Thủ Tướng Cameron dành cho Đức Giáo Hoàng sau chuyến thăm viếng chính thức Anh Quốc của Đức Giáo Hoàng vào năm ngoái hay không? Ông Cameron nói rằng: “Ngài đã thật sự thách thức cả nước chúng tôi phải chỗi thẳng dậy mà suy nghĩ, thưa Đức Giáo Hoàng.” Có vẻ như chính ông Cameron đã chỗi thẳng dậy mà suy nghĩ. Phản ứng của ông đối với các vụ nổi loạn là trích thẳng từ giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Benedict.

Nhóm-chuyên-gia-chỉ-một-người làm việc miễn phí

Một bài khảo luận của nhà phê bình phim ảnh Neal Gabler đăng trên báo New York Times tuần qua đã than tiếc cái chết của sự suy tư sâu sắc như sau: “chúng ta đang sống trong một thế giới càng ngày càng thiếu tư tưởng – một thế giới trong đó các tư tưởng lớn lao, gợi suy tư mà không thể tức thời được biến thành công cụ hái ra tiền thì đều có giá trị nhỏ nhoi đến nỗi dần dần ít có ai chịu nảy sinh những tư tưởng đó và ít có công ty nào chịu phổ biến những tư tưởng đó, bất kể sự hiện diện của liên mạng internet. Những tư tưởng táo bạo hầu như đã bị lỗi thời.”

Điều đó có thể đúng ở New York, nhưng ở Rome thì không. Ông Gabler rõ ràng là chưa đọc nhiều chi mấy về các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI về luân lý, triết lý, mỹ thuật, kinh tế, và trách nhiệm xã hội. Nhưng nhiều người trong số những người trẻ hâm mộ Đức Giáo Hoàng thì đã đọc. Trong một thế giới mà tư tưởng không còn chói sáng lấp lánh nữa, các tư tưởng của Đức Giáo Hoàng nở rộ những khả dĩ tích cực. Mà những tư tưởng đó lại được biếu tặng miễn phí. Vậy bạn có muốn cá là thế hệ kế tiếp sẽ suy nghĩ điều gì hay không?

Một lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

Đức Giáo Hoàng Benedict là người đầu tiên đề cập đến việc này. Với nền kinh tế thế giới đang trên bờ vực thẳm sụp đổ, người ta muốn đi truy tìm nguyên do. Chắc hẳn là cội rễ của cuộc khủng hoảng này là một điều gì đó còn lớn lao hơn cả việc quản trị sai lạc những đòn bẩy kinh tế. Chắc hẳn là ngành kinh tế học không phải chỉ là những con số thống kê và những đồng xu cắc bạc.

Quả thật, Đức Benedict (và các vị tiền nhiệm của ngài) đã nói y như vậy từ lâu. Như Đức Benedict đã bảo các nhà báo trong một buổi họp báo trên chuyến bay từ Rome sang Madrid là: “Trong cuộc khủng hoảng kinh tế lần này chúng ta lại thấy rõ ràng những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng lớn lần trước: rằng chiều kích đạo đức không phải là một điều ngoại tại đối với những vấn nạn kinh tế, mà là một chiều kích nội tại và nền tảng. Kinh tế không thể chỉ hoạt động bằng nguyên tắc tự điều chỉnh theo thị trường vụ lợi, mà còn cần một nguyên tắc đạo đức để hoạt động vì ích lợi của con người.”

Hạ bệ loại tình dục mất nhân cách và chủ nghĩa tiêu thụ

Vấn nạn lớn nhất trong 200 năm qua là: tự do thật sự nghĩa là gì? Là có thể làm bất kỳ điều gì tôi thích? Hay là sống thể theo chân lý? Điều mà xã hội chúng ta đang cung hiến cho giới trẻ là sự tự do tiêu xài vung vít cho đến khi thẻ tín dụng của họ cạn sạch, là lang chạ bất cứ lúc nào họ muốn với bất cứ người nào họ thích, là sống dửng dưng trong chiếc bọt bóng vị kỷ chẳng màng chi tới ai cả. Nhưng quan niệm này làm hạ giá con người, theo lời Đức Benedict. Hạnh phúc chỉ đến từ việc khám phá ra chân lý. Nhiều người trẻ ngày nay đã vỡ mộng với nền văn hóa South Park mà họ đang sống, và những lời của Đức Giáo Hoàng mang lại thật nhiều ý nghĩa đối với bất cứ những ai muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

“Việc khám phá ra Thiên Chúa hằng sống gợi hứng cho giới trẻ và mở mắt cho họ thấy những thách đố trong thế giới mà họ đang sống, với những điều khả dĩ và giới hạn của thế giới đó. Họ thấy lan tràn sự hời hợt nông cạn, chủ nghĩa duy tiêu thụ và chủ nghĩa duy khoái lạc, sự tầm thường hóa tính dục ở khắp nơi, sự thiếu tình đoàn kết tương trợ lẫn nhau, sự thối nát băng hoại. Họ biết rằng, nếu không có Thiên Chúa thì sẽ khó có thể đương đầu với những thử thách này và khó mà sống thật sự hạnh phúc, và vì thế họ đổ tràn lòng hăng say trong việc tìm kiếm một sự sống đích thật. Nhưng, nếu có Thiên Chúa bên cạnh, họ sẽ sở hữu ánh sáng soi đường cho họ tiến bước và sẽ có lý do để hy vọng, họ sẽ không bị giới hạn khi vươn tới những lý tưởng cao đẹp nhất của họ, và điều này sẽ thúc đẩy họ quảng đại dấn thân vào việc xây dựng một xã hội trong đó nhân cách con người và tình huynh đệ chân thật được tôn trọng.”

Chân lý mạnh hơn những tính toán chi ly phức tạp

Diễn từ đáng nhớ nhất của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tại Tây-ban-nha là bài diễn văn cho các giảng sư đại học tại nơi được xem là viên ngọc của ngành kiến trúc Tây-ban-nha, El Escorial. Trong cương vị chính mình từng là giảng sư đại học, Đức Giáo Hoàng đã nói một cách hùng hồn về nhu cầu cung cấp cho sinh viên không phải chỉ những kiến thức về nghề nghiệp chuyên môn mà thôi. “Như Plato đã nói: ‘Hãy tìm kiếm chân lý khi bạn còn trẻ, nếu không thì sau này việc đó sẽ vượt quá tầm tay của bạn.’ Hoài bão cao cả này là món quà quý giá nhất mà quý vị có thể trao cho sinh viên, trao một cách đích thân qua gương mẫu của quý vị. Điều này quan trọng hơn là kiến thức kỹ thuật thuần túy hay các số liệu lạnh lùng và chỉ đơn thuần là những con số.

Các trường đại học, theo Đức Giáo Hoàng, phải là nơi không bị ảnh hưởng của ý thức hệ hay của “quan niệm thực dụng và có tính kinh tế thuần túy – một quan niệm coi con người chỉ đơn giản là một kẻ tiêu thụ mà thôi”. Điều gì có thể quyến rũ giới trẻ hơn là sự tìm kiếm ý nghĩa tối hậu của vũ trụ và sự nỗ lực phấn đấu để hiểu được ý nghĩa của việc làm một con người thật sự? Nếu như có một tư tưởng nào đó bị lỗi thời, thì đó chính là chủ nghĩa thực dụng. Và Đức Giáo Hoàng Benedict đã đưa ra một phương thức để thay thế.

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vẫn còn là bí mật được giữ kín nhất trên thế giới

Một người bạn phóng viên của tôi viết một bài xã luận cho một tờ báo ở Sydney. Nhưng vị chủ bút không muốn đăng. Bạn tôi được vị chủ bút bảo là: “Ba năm trước chúng tôi đã có một bài giống như thế rồi. Vậy là đủ chỉ tiêu rồi.” Báo The New York Times – tờ báo chuyên đăng những bài xã luận ưu tú ở Hoa Kỳ - đã hầu như không tường thuật về Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới gì cả.

Quả thật, đây là một điều quái lạ -- một cuộc tụ họp của 2 triệu người trẻ lại không phải là một tin đáng tường trình hay sao, nhất là sau vụ vài trăm người cùng lứa tuổi đó đã nổi loạn phá hoại London? Chẳng lẽ không có ai đó liên kết những dấu chấm nối liền các sự việc này hay sao?

Nhưng mà cần chi phải than phiền chứ? Giới truyền thông và trí thức chỉ giỏi chú ý tới những điều nổi trên lớp bọt và bong bóng, nhưng lại mù mờ với những luồng nước ngầm ở dưới sâu. Họ có đoán trước được sự gia tăng của những kẻ khủng bố Hồi Giáo, sự sụp đổ của Liên Bang Sô-viết, sự xì hơi của Trái Bom Dân Số, hay Cuộc Khủng Hoảng Tài Chính Toàn Cầu, hay chăng?

Những chuyện lớn nhất chính là những câu chuyện tiềm ẩn. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI biết điều này. Như lời ngài nói với các nhà báo: “Việc gieo trồng của Thiên Chúa bao giờ cũng thầm lặng; việc đó không xuất hiện trong những số liệu thống kê, và những hạt giống mà Thiên Chúa gieo trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới thì tương tự như các hạt giống được kể trong Tin Mừng: một số rơi xuống vệ đường và bị hư mất; một số rơi xuống sỏi đá và bị hư mất; một số rơi vào gai góc và cũng bị hư mất; nhưng một số rơi xuống đất màu mỡ và sinh nhiều hoa trái.”

Không được giới truyền thông chú ý, 2 triệu người trẻ đã lên đường làm một chuyến hành trình – một hành trình sẽ dẫn nhiều người trong số họ tới việc rót tràn trên quê hương xứ sở họ những niềm tin Ki-tô Giáo mà họ tin tưởng sâu sắc. Và rồi dần dần thế giới sẽ thay đổi. Ba mươi năm nữa, giới truyền thông sẽ có một mẻ ngạc nhiên lớn.

mh August 2011

Để tạ ơn và để nhớ lại những ngày ĐHGTTG 2008 ở Sydney.

Nguồn:

7 reasons for good cheer after Madrid

By Michael Cook 22.Aug.2011

http://www.mercatornet.com/articles/view/7_reasons_for_good_cheer_after_madrid/

No comments: