Tuesday 23 August 2011

Lm Chân Tín CSsR: Về cuốn phim “Người mang mật danh K.213”


Kính gửi

Ông Phạm Hùng, Bộ trưởng Nội Vụ

Ông Cao Đăng Chiếm, Giám đốc Công an miền Nam

Ông Lê Thanh Vân, Giám đốc sở Công an Tp HCM

V/v: Phim Người mang mật danh K.213

Thưa Quý Anh,

Chúng tôi là linh mục Chân Tín, nguyên chủ nhiệm tạp chí Đứng Dậy và Uỷ viên Ban Chấp Hành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp HCM và Nguyễn Ngọc Lan, nguyên chủ bút tạp chí Đứng Dậy xin gửi đến Quý Anh ít nhiều cảm nghĩ của chúng tôi về cuốn phim Người mang mật danh K.213 sẽ được đưa ra chiếu tại 16 rạp trong thành phố vào dịp Tết sắp tới (báo Sài Gòn Giải Phóng, 29.1.1986, t.4: chương trình phim Tết Bính Dần 1986”).

Sở dĩ chúng tôi phải làm bận tâm Quý Anh về một sản phẩm văn hoá, là vì cuốn phim nói trên, trong suốt quá trình của nó, đã nhiều lần sử dụng danh nghĩa Bộ Nội Vụ hay ngành Công An. Như:

1) Cuốn truyện làm gốc cho truyện phim là cuốn Dấu vết tội ác đã do Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh và Phòng Công tác Chính trị Công an Tp HCM xuất bản, chưa kể là để “Kính tặng Lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam tròn 40 tuổi 19.8.1985” (nhưng trong thư này chúng tôi không có ý kiến về cuốn truyện mà chỉ xin có ý kiến về cuốn phim, vì nói cho ngay, vấn đề chúng tôi muốn đề cập tới thì chỉ trong cuốn phim mới trở thành trầm trọng, hơn trong cuốn truyện rất nhiều).

2) Cuốn phim thành hình đã được chiếu chiêu đãi một tuần trước tại rạp Thăng Long với những giấy mời mang “Giám đốc Sở Công an Tp HCM”.

3) Bài viết đề cao cuốn phim ký tên Mai-Vũ, đã được gửi đăng báo Đoàn Phim thì đã được gửi đến với bì thư in “entête” Bộ Nội Vụ. Vì những sự việc như thế, chúng tôi thiết tưởng cuốn phim hay dở, tốt xấu, sẽ có tác dụng thế nào, cũng đáng cho Quý Anh quan tâm.

Ngay trong thời gian thực hiện, cuốn phim đã từng gây dư luận xôn xao trong giới đồng bào Công giáo. Nguyên đó là đoàn phim đã mượn Đại Chủng viện Tp HCM một thời gian để làm cảnh trí. Đồng bào Công giáo không thể không thấy là chuyện trớ trêu (để khói nói là chuyện “chơi cha”) khi người ta mượn khung cảnh Đại chủng viện, nơi đào tạo bao nhiêu linh mục, để quay một cuốn phim dễ được đoán biết là không tốt đẹp gì cho giới Công giáo . Do đó, toà Tổng Giám mục ở Tp HCM đã từng bày tỏ sự lo ngại của mình với Mặt trận Tổ quốc Thành phố. Nhưng theo lời giám mục Phạm Văn Nẫm nói với chúng tôi vào khoảng tháng tám 1985 thì Mặt trận Thành phố lúc đầu cũng đã tỏ ý bất bình về chuyện quay phim như thế, rồi mươi ngày sau lại trấn an toà Tổng giám mục vì cho rằng không có gì đáng ngại hết. Có thể lúc đó, ai cũng chỉ quan tâm tới những cảnh đồi truỵ có thể lấy Đại Chủng viện làm khung cảnh thôi.

Cuốn phim thành hình quả là không có –hay không còn- những cảnh đồi truỵ để phải đặt thành vấn đề. Nhưng vấn đề lại nổi cộm lên ở mặt khác và theo chúng tôi trộm nghĩ, trầm trọng hơn rất nhiều.

Phim Người mang mật danh K.213, do xí nghiệp phim truyện Việt Nam thực hiện, ngay từ danh xưng của nó đã nhằm trình bày vụ án Mai Văn Hạnh. Trong thực tế của cả vụ án này, qua tất cả các bài báo, bài ký, các cáo trạng và lời buộc tội của Toà án, đã không hề có dính dấp gì tới Công giáo. Trong khi đó, giới đạo Cao Đài đã được nói tới khá nhiều. Thế mà, trong cuốn phim thì ngược hẳn lại, tuyệt nhiên không có gì liên hệ tới đạo Cao Đài, nhưng từ đầu tới cuối, cuốn phim đã lôi những nhân vật Công giáo vào nội vụ, từ một linh mục cho tới ông “bõ” (trong này gọi là ông “từ”), bà phước đều bị hoá phép thành thủ lãnh và những phần tử nội địa của tổ chức phá hoại của Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Tuý.

Chúng tôi hoàn toàn có thể hiểu được việc cuốn phim không đề cập tới giới Cao Đài vì những lý do này khác có thể rất chính đáng. Nhưng chúng tôi, và chắc hẳn tất cả những người Công giáo bình thường cũng đều cảm nghĩ như vậy, càng không thể nào hiểu nổi tại sao cuốn phim lại tự dưng ghép những người Công giáo vào vụ Mai Văn Hạnh, hoá phép biến họ thành những phần tử nội địa chủ yếu của tổ chức phá hoại kia. (*)

Sự gán ghép này lại còn được tô đậm hết cỡ. Nhóm làm phim đã biến những biểu tượng cao quý nhất trong tình cảm và lòng tin của các tín hữu Công giáo thành những dụng cụ ghê tởm. Thánh giá có cánh ngang rút ra được như một cái ngăn kéo để giấu hồ sơ vào tâm. Tấm ảnh đạo xé đôi để hai tên phản động ráp lại ăn khớp mà nhận ra nhau. Tượng Đức Mẹ trở thành cửa che, chấn một đường hầm bí mật. Chỗ xưng tội bị biến thành nơi trao đổi tín hiệu phản động, vv…

Làm sao không phải tự hỏi nhóm làm phim đã có ý đồ gì với những chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, những màn bôi bác một cách phải nói là thô bạo các biểu tượng tôn giáo và vô cớ xúc phạm tâm tư tình cảm của đồng bào Công giáo như vậy. Một lần nữa, chúng tôi xin phép lặp lại, chúng tôi hoàn toàn có thể hiểu được việc cuốn phim không đề cập tới giới Cao Đài. Nhưng với lối gán ghép vô cớ và xuyên tạc, bôi bác thô bạo như trên, cuốn phim chỉ có thể khắc sâu vào tâm trí đồng bào Công giáo cái ấn tượng mình chỉ là một thứ “dê tế thần”, ai lôi ra tế, lúc nào lôi ra tế cũng được và một cách vô tội vạ.

Thưa Quý Anh,

Chỉ trình bày sơ qua như thế, Quý Anh dư hiểu tại sao có lá thư này gởi tới làm bận rộn Quý Anh vào lúc cuối năm. Chúng tôi không mong gì hơn là chính Quý Anh thu xếp được chút thì giờ để xem cuốn phim mà có ý kiến chính xác hơn.

Chúng tôi chỉ xin thưa thêm với Quý Anh là chúng tôi viết mấy giòng này với những thiết tha của những người dân Việt Nam đối với cuộc sống an hoà tốt đẹp, nhờ những quan hệ lành mạnh, trong sáng và công bằng. chân thực trên Đất nước chúng ta, hơn là với tư cách những người Công giáo. Nếu chuyện bôi bác Công giáo chỉ là chuyện có tác dụng liên hệ tới riêng Công giáo mà thôi thì chúng tôi đã không phải lo ngại lắm và đã chẳng dám làm bận tâm Quý Anh. Đức Yêsu mà còn bị bôi bác, lên án và chết trên thập giá huống hồ những tín hữu Kitô giáo chúng tôi vốn chỉ là những con người bình thường, không thiếu khuyết điểm, có thể phạm đủ thứ tội như chúng tôi vẫn tự ý công khai xưng tội ở mỗi buổi đầu thánh lễ, thì có bị bôi bác ít nhiều như đã quen suốt hai mươi thế kỷ đã qua, chỉ là chuyện bình thường thôi, chuyện không có gì để làm ầm ĩ cả, như tựa đề một cuốn phim cũ.

Nhưng với những thiết tha của những người dân Việt Nam như chúng tôi, chúng tôi không khỏi xót xa và lo buồn trước sự xuất hiện và sắp được phổ biến của một cuốn phim trái với lẽ công bằng, sự chân thật và đầy ác ý như thế. Nó sẽ xây dựng và xây dựng gì đây hay chỉ là vẩn đục bầu không khí giữa mọi giới đồng bào nói chung, không có tín ngưỡng, có tín ngưỡng, tôn giáo này, tôn giáo khác với nhau! Nó sẽ củng cố hay phá hoại sự tin cậy phải có của giới đồng bào Công giáo nói riêng đối với Nhà nước! Rồi đây giả như còn có những vụ thực sự dính dấp tới người Công giáo như vụ Vinh sơn thì giới đồng bào Công giáo sẽ chỉ thêm bán tín bán nghi hay hoàn toàn ngờ vực khi mà một vụ như Mai Văn Hạnh đã rõ ràng là không có dính dấp của người Công giáo lại có sự gán ghép quái đản và thô bạo như phim Người mang mật danh K.213 đã làm từ đầu chí cuối. Như vậy với mười hay trăm triệu đồng chăng nữa có thể thu hoạch được, cuốn phim sẽ chỉ có “lợi” theo nghĩa tiền tài và “tư bản” nhất, và dĩ nhiên là lợi bất cập hại mà thôi.

Nhân dịp đầu xuân Bính Dần sắp tới, chúng tôi xin gửi đến Quý Anh những lời chúc nguyện nồng nhiệt nhất của chúng tôi. Những cảm nghĩ được trình bày với Quý Anh như trên âu cũng là một thứ quà Tết thiết thực nhất mà chúng tôi có được để kính biếu Quý Anh cùng với những tình cảm chân thành của chúng tôi.

Lm Chân Tín – Nguyễn Ngọc Lan

Tp HCM, ngày 31/01.1986

Bản sao kính gửi để “kính tường”

-Ông Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành Ủy Tp HCM

-Ông Phan Văn KHải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp HCM

-Đức Cha Nguyễn Văn Bình, Tổng giám mục giáo phận Sài gòn.

(*) Về sự kiện “không có gì dính dấp tới Công giáo”, thì nói cho đúng hơn phải trừ một ảnh của Duy Thành đã xuất hiện trên báo Quân Đội Nhân Dân đề ngày 17.2.85 mà không đi kèm một bài nào trên trang báo hết. Tấm ảnh ghép lại với nhau năm ảnh loại ảnh căn cước của linh mục Nguyễn Đình Thi và bốn cộng tác viên của ông để đặt vào bên cạnh ảnh Mai Văn Hạnh, với giòng in bên dưới: “Những tên gián điệp hoạt động trong kế hoạch “hậu chiến” của CIA ở VN đã bị bắt”. Lm Thi là sáng lập viên của phong trào và tờ báo Công giáo và Dân tộc từ trước năm 1975 ở Paris, và cũng như nhóm cộng tác viên của ông, vẫn sống bên Pháp, nên có gì chăng nữa thì vẫn không phải là “nội địa” được.

No comments: