Friday 5 August 2011

Lm Bill O'Shea: Các câu nhiều người hỏi: Kinh Thánh 11, 12

Thắc Mắc Về Thánh Kinh

Câu hỏi #11:

Bối cảnh lịch sử là gì trong việc chọn lựa các quyển sách trong Cựu Ước được xem là một phần của Thánh Thư Công Giáo, nhưng lại không có trong Thánh Thư Tin Lành, đó là, các quyển Thứ Luật? Dựa theo những nghiên cứu hiện đại về Thánh Kinh, bộ Thứ Luật được cả hai phái Công Giáo và Tin Lành hiểu ra sao?

Câu đáp:

Tính đến thời Đức Giê-su, người Do-thái đã sở hữu một số quyển sách mà họ xem là thánh thiêng, do Thiên Chúa linh hứng. Trước đó chưa bao giờ có một quyết định chính thức nào về việc bộ Thánh Thư của họ bao gồm những quyển sách gì. Những quyển sách này được chấp nhận là thánh thiêng chỉ đơn giản do việc sử dụng lâu dài thành thói quen.

Nếu nói tất cả mọi người Do-thái thời đó đều hoàn toàn nhất trí với nhau về việc này thì cũng không đúng. Ví dụ như, nhóm Xa-đốc chỉ chấp nhận bộ Luật – tức là năm quyển đầu tiên trong bộ Thánh Thư – là lời của Thiên Chúa.

Nhưng tính tới thời của Đức Giê-su thì phái Do-thái Giáo chính thống ở Palestine, được đại diện bởi một hội đồng của người Pha-ri-sêu, đã chấp nhận những quyển sách mà ngày nay gọi là bộ Cựu Ước Tin Lành – là sách Thánh.

Mặc khác, đối với những người Do-thái nói tiếng Hy-lạp sống ngoài vùng Palestine, thì bộ sách thánh đó vẫn chưa được xem là đầy đủ trọn vẹn. Họ tin rằng còn có những quyển sách khác cũng do Thiên Chúa linh truyền.

Kết quả là khi phiên bản tiếng Hy-lạp của bộ Cựu Ước (bộ Thánh Thư Do-thái) được phát hành, phiên bản đó cũng bao gồm thêm bảy quyển sách khác, những quyển này cũng được thấy trong phiên bản Công Giáo của bộ Thánh Kinh ngày nay. Các quyển sách này là: Tô-bi-a, Giu-đi-tha, Ma-ca-bê 1, Ma-ca-bê 2, Khôn Ngoan, Sirach (hay Ecclesiasticus), và Ba-rúc. Người Công Giáo chúng ta gọi những quyển này là “deutero-canonical”, nghĩa là sách “Thứ Luật” hay “Thứ Kinh”, nhưng phái Tin Lành đặt tên cho chúng là “Apocrypha”, nghĩa là “Ngụy Thư” hay “Ngụy Kinh”.

Vào khoảng năm 90 sau Công Nguyên, chừng 60 năm sau cuộc tử nạn của Đức Ki-tô, một nhóm thư lại người Do-thái đã tiến đến việc chính thức quyết định một bộ Thánh Thư trong giáo hội. Họ nhóm họp và chính thức công nhận bộ Thánh Thư Pha-ri-sêu (tức là bộ có ít sách hơn) và không công nhận bảy quyển sách Thứ Kinh đã từng được bao gồm trong Thánh Thư Hy-lạp.

Ki-tô Giáo sau đó phát triển mạnh và lan truyền ra khỏi vùng Palestine vào thế giới nói tiếng Hy-lạp, và vì thế trong thực tiễn thì bộ Thánh Thư Hy-lạp trở thành Thánh Thư của Giáo Hội. Đa số các vị Thượng Phụ của Giáo Hội chấp nhận bộ Cựu Ước theo như trong phiên bản Thánh Thư Hy-lạp, nhưng ở Đông Phương thì có một mức độ do dự rõ rệt.

Chúng ta có thể thấy các tên tuổi lớn của Ki-tô Giáo sơ khởi từng nghiêng về phía phiên bản ít sách hơn – bản của người Palestine.

Tuy nhiên, trong Giáo Hội Tây Phương không có sự phân biệt nào giữa các bộ sách này. Thánh Augustine (vào thời những năm 400) chắc chắn đã chọn bộ thánh thư dài hơn, và ngài đã ảnh hưởng rất nhiều đến quan điểm của Giáo Hội thời sau đó.

Giáo Hội Đông Phương cuối cùng thì cũng nghiêng theo quan điểm của Giáo Hội Tây Phương, và ngày nay Giáo Hội Chính Thống Hy-lạp chấp nhận cùng bộ thánh thư Cựu Ước như Giáo Hội La-mã (tức là 46 thay vì 39 quyển).

Ngoại trừ những sự hồ nghi của các cá nhân hoặc các địa phương cô lập, bộ Tân Ước truyền thống của Giáo Hội được chấp nhận cho đến thế kỷ thứ 16. Sau đó các nhà cải cách Tin Lành phủ nhận bảy quyển Cựu Ước trong vòng tranh cãi, họ cho rằng bảy quyển đó đã được thêm vào sau này, và chỉ công nhận những quyển sách trong bộ Thánh Thư Do-thái.

Họ tin rằng khi làm như vậy là họ đang trở về với một niềm tin nguyên thủy hơn và thuần chất hơn.

Cùng lắm thì ông Martin Luther chỉ nhìn nhận là những quyển sách trong vòng tranh cãi đó là hữu ích và đáng đọc, nhưng ông phủ nhận tính đồng đẳng của bảy quyển sách đó so với các quyển khác trong Thánh Thư.

Ngay cả trong Công Đồng Tri-đen-ti-nô, được tổ chức để chống lại cuộc Cải Cách Tin Lành, một số các Giám Mục đã muốn cho bảy quyển Thứ Luật bị phủ nhận, hoặc ít nhất nếu được công nhận thì cũng chỉ trong chừng mực nào đó mà thôi. Nhưng quyết định sau cùng của Công Đồng Tri-đen-ti-nô vào năm 1546 là chính thức định nghĩa bộ thánh thư kinh điển của Sách Thánh, như được thấy trong bộ Thánh Kinh Công Giáo của chúng ta ngày nay.

Trong khi đó, các Giáo Hội Cải Cách vẫn nghiêng theo bộ luật Cựu Ước Do-thái – mặc dù nhiều người Tin Lành công nhận giá trị tinh thần của những quyển sách trong vòng tranh cãi.

Trong thời gian gần đây, một số phiên bản Thánh Kinh đại kết hay Thánh Kinh “chung”, xuất bản dưới sự bảo trợ của phái Tin Lành, đã có in bảy quyển sách này trong một phần riêng biệt ở cuối bộ Cựu Ước. Nhưng phái Tin Lành không công nhận bảy quyển này là những lời do Thiên Chúa linh truyền, mang tính thẩm quyền ngang hàng với những quyển sách khác trong Thánh Kinh.

Câu hỏi #12:

Khi bàn về Điều Răn “Chớ giết người”, con trai của con lập luận là Thiên Chúa đã vi phạm Điều Răn của chính Người. Nó đưa ra một ví dụ là những người khi ở dưới chân núi có dựng 12 trụ đá đã bị giết chết ở vì họ không có lòng tin trong khi chờ ông Mô-sê đi lên núi lãnh nhận các Lề Luật.

Rồi còn lúc mà ông Mô-sê phải cố gắng thuyết phục những người khác chấp nhận Thiên Chúa mà ông tin. Con không thể giải thích được việc đó, con ước mong có thể giải thích được việc đó, bởi vì con đã luôn luôn tuân giữ các Lề Luật và con ước mong các con của con cũng vậy.

Cứ theo cách mà con của con lập luận, thì có vẻ như Thiên Chúa thật đã vi phạm Điều Răn của chính Người.

Câu đáp:

Tôi nghĩ điều trước tiên cần lưu ý là Mười Điều Răn là một bản tuyên ngôn những bổn phận của một người đối với Thiên Chúa và đối với anh em đồng loại.

Theo như thể thức mà các điều răn này được trình bày, khó mà cho rằng các điều răn này là có tính áp dụng cho chính Thiên Chúa.

Nhưng dù sao đi nữa thì, Thiên Chúa của Ít-ra-en và của Ki-tô hữu được xem là một hữu thể đạo đức, cách hành xử của Người được xem là khuôn mẫu cho cách hành xử của loài người. Người không phải là một nhà độc tài chuyên chế luôn hành động theo cảm hứng thất thường hay theo tính khí tùy tiện. Bao giờ cũng có một động lực đạo đức đàng sau những hành động của Người.

Khi bàn về Điều Răn “Chớ giết người”, chúng ta phải nhớ rằng mối quan hệ giữa Thiên Chúa với loài người thì hoàn toàn khác mối quan hệ giữa loài người với nhau. Thiên Chúa là Đấng ban sự sống, và chỉ mình Người có quyền quyết định khi nào thì sự sống chấm dứt.

Do đó, cũng có lý là chúng ta có thể quy kết trách nhiệm vào Thiên Chúa mỗi khi có một sinh mạng con người bị hủy diệt, và cáo buộc Thiên Chúa đã lấy mạng con người mỗi khi có ai đó qua đời.

Quả thật, đây thường là lời than khóc đau đớn trong những trường hợp mà người trẻ tuổi sớm lìa đời. Thường thì chúng ta chỉ có thể khiêm tốn nhìn nhận rằng ta thiếu khả năng hiểu thấu chương trình của Thiên Chúa, và nói rằng “điều gì Thiên Chúa ban cho, thì Thiên Chúa cũng có thể lấy lại”. Những gì mà tiêu chuẩn của loài người cho là bất công thì không hẳn là bất công trong mắt Thiên Chúa.

Khi chúng ta đọc những sự kiện trong thánh kinh nói về việc Thiên Chúa tiêu diệt những người không có lòng tin hay không có lòng tuân phục, chúng ta cần phải xem xét sâu xa hơn.

Người Do-thái thời xưa không có những hiểu biết về các nguyên nhân phụ thuộc hay tự nhiên như chúng ta ngày nay. Đối với họ, bởi vì Thiên Chúa nắm toàn quyền điều khiển mọi sự, nên tất cả những gì xảy ra thì đều được quy kết vào Thiên Chúa.

Trong cách suy nghĩ của các tác giả thánh kinh, chính Thiên Chúa là người gây ra những trận bão táp, những nạn đói kém hay những nạn dịch hạch; chính Thiên Chúa là người chịu trách nhiệm về những cuộc thắng trận hay bại trận của dân Ít-ra-en.

Sự thịnh vượng của một số người hay sự hủy diệt của một số người khác được xem như là phần thưởng của Thiên Chúa cho lòng trung thành của họ hoặc sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với tội lỗi của họ.

Một điều khác cần lưu ý là các nhà viết thánh kinh đã không làm một việc phân biệt – việc mà các nhà thần học Ki-tô Giáo về sau này đã làm – giữa ý định chủ tâm và ý định cho phép của Thiên Chúa. Thiên Chúa chủ tâm mong muốn điều lành và cho phép điều dữ. Sự phân biệt này giúp chúng ta giải thích một số những sự kiện trong Cựu Ước, mà nếu không thì có thể gây cảm tưởng là Thiên Chúa đã hành động theo cách bất công hay theo cách báo thù.

Nói cách khác, chúng ta phải nhìn nhận là một số những cái chết rất có thể đã là hậu quả của những điều mà chúng ta gọi là nguyên nhân “tự nhiên”, nhưng đã được các tác giả thánh kinh trình bày như là hậu quả trực tiếp của hành động của Thiên Chúa.

Điều này có nguồn gốc từ lòng tin mạnh mẽ của họ về quyền sinh sát tối hậu của Thiên Chúa trong tất cả mọi chuyện của con người.

Khi nói những điều này, chúng ta cần nhớ rằng Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa là Đấng quyết định tối hậu những chuyện sinh tử, và không có một trí thông minh hữu hạn nào của loài người lại có thể tự cho mình cái quyền phán xét những hành động của Thiên Chúa là đúng hay sai.

No comments: