Friday 19 August 2011

Lm Bill O'Shea: Các câu nhiều người hỏi về Kinh Thánh (tiếp theo)

Câu hỏi #23:

Nếu như cho rằng các sách Tin Mừng là “diễn giải đức tin” của những truyền thuyết có thể thiếu chính xác được lưu truyền giữa các Ki-tô hữu tiên khởi, và các sách đó có thể đã không tường thuật chính xác những gì Đức Giê-su đã nói và làm, vậy thì các sách Tin Mừng trở thành không gì hơn là những phương tiện cho việc suy diễn và bàn tán.

Có hai tập sách nhỏ dễ đọc là những hướng dẫn đáng tin cậy cho việc này: The Study of Sacred Scripture (Tìm Hiểu Thánh Thư), do Đức Cố Hồng Y Taguchi (nhà xuất bản ACTS) và What does the Church really say about the Bible? (Giáo Hội thật sự hiểu gì về Thánh Kinh) do Edith Myers (nhà xuất bản Wanderer).

Đức Hồng Y Taguchi (trang 19) tuyên bố rằng tất cả những điều có vẻ là trình thuật lịch sử thì nên được hiểu theo nghĩa đen của văn tự, trừ phi có đầy đủ chứng cớ tỏ tường để chứng minh ngược lại; Đức Hồng Y cũng nói rằng Giáo Hội tin tưởng vững chắc vào tính lịch sử xác thật của văn tự trong các sách Tin Mừng.

Ngoại trừ các đoạn khó hiểu, Sách Thánh phải được hiểu như nhau đối với một tín hữu Công Giáo bình thường cũng như đối với một học giả chuyên diễn giải Thánh Kinh.

Tác giả Myers (trang 14), khi đề cập đến sách Tin Mừng theo thánh Gio-an, đã nói Ủy Ban Thánh Kinh khẳng định là những lời đàm thoại của Đức Giê-su được tường thuật trong sách đó đích thật là những từ ngữ mà Đức Giê-su đã dùng chứ không phải là những từ ngữ do người viết sách sáng tác ra, và Ủy Ban Thánh Kinh xác nhận tính lịch sử xác thật của văn tự trong bốn bộ Tin Mừng.

Câu đáp:

Có một mức độ lúng túng rõ rệt trong ngôn ngữ mà bạn dùng. Vì vậy bạn mới nói các sách Tin Mừng là “diễn giải đức tin của những truyền thuyết có thể thiếu chính xác được lưu truyền giữa các Ki-tô hữu tiên khởi”.

Sự thật thì chính các truyền thuyết mới là diễn giải đức tin về những lời nói và hành động của Đức Giê-su.

Tin Mừng đã được truyền bá trước khi các sách Tin Mừng được viết thành văn bản.

Giáo Hội thật ra không tin vào “tính lịch sử xác thật của văn tự trong bốn bộ Tin Mừng”, nếu như điều đó có nghĩa là các sách Tin Mừng thuật lại cho chúng ta đúng y nguyên văn từ ngữ của Đức Giê-su.

Người ta chỉ cần so sánh những trình thuật khác nhau về lời nói của Đức Giê-su trong các sách Tin Mừng khác nhau thì cũng đủ để đạt tới kết luận hiển nhiên này.

Mặt khác, các học giả Công Giáo đúng là có chấp nhận sự thật lịch sử trong các sách Tin Mừng.

Chúng ta tin là các sách Tin Mừng đúng là thuật lại cho chúng ta “sự thật trung thực về Đức Giê-su”, nhưng nói như vậy không có nghĩa là các sách Tin Mừng thuật lại cho chúng ta nguyên văn từng chữ một của tất cả những điều Đức Giê-su đã nói, hay một trình thuật rõ như ảnh chụp lại tất cả những gì Đức Giê-su đã làm.

Bạn dẫn chứng là tác giả Edith Myers thuộc nhà xuất bản Wanderer (một tổ chức rất bảo thủ của giới các nhà xuất bản Công Giáo Hoa Kỳ) đã nói rằng Ủy Ban Thánh Kinh Rô-ma khẳng định là những lời đàm thoại của Đức Giê-su trong Tin Mừng Thánh Gio-an “đích thật là những từ ngữ mà Đức Giê-su đã dùng chứ không phải là những từ ngữ do người viết sách sáng tác ra, và Ủy Ban Thánh Kinh xác nhận tính lịch sử xác thật của văn tự trong bốn bộ Tin Mừng.”

Những huấn sắc này của Ủy Ban Thánh Kinh được ban hành trong khoảng thời gian giữa những năm 1905 và 1915. Đoạn văn bản đề cập đến Tin Mừng Thánh Gio-an xuất hiện vào tháng Năm năm 1907.

Sử dụng những đoạn văn bản này vào năm 1990 là gạt bỏ cả ba phần tư của một thế kỷ tiến triển trong việc nghiên cứu và học hỏi thánh kinh.

Nhiều huấn sắc cũ của Ủy Ban Thánh Kinh nay chỉ còn không gì hơn là chút ít giá trị lịch sử. Những huấn sắc này đã bị hủy bỏ và được thay thế bởi những huấn sắc mới về sau do chính Ủy Ban Thánh Kinh ban hành, do Tông Huấn Divino Afflante Spiritu (Linh Hứng Bởi Chúa Thánh Thần) của Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII, và do Công Đồng Vatican II.

Các huấn sắc cũ phải được xem xét dựa theo một bản Đính Chính được ban hành vào năm 1955 bởi vị trưởng ban thời đó của Ủy Ban Thánh Kinh.

Bản Đính Chính này tuyên bố là các học giả thánh kinh được “toàn quyền” diễn giải những huấn sắc trước đó, miễn là không có nghi vấn gì về tín lý hay luân lý.

Thời nay ít có vị học giả Công Giáo nào mà lại dựa vào những huấn sắc do Ủy Ban Thánh Kinh ban hành vào những năm đầu của thế kỷ 20.

Áp dụng những lời trong bản đính chính của Ủy Ban Thánh Kinh vào sách Tin Mừng của Thánh Gio-an, không có vấn đề gì về mặt tín lý hay luân lý.

Câu hỏi #24:

Các hội đường ở thôn làng khác với Đền Thờ ở Giê-ru-sa-lem như thế nào? Con cứ đinh ninh rằng thân phụ của thánh Gio-an Tẩy Giả là thầy tư tế ở làng trong hội đường địa phương. Chắc hẳn là ông đã không cứ mỗi ngày Thứ Bảy thì lại đi lên Giê-ru-sa-lem rồi trở về làng chứ?

Câu đáp:

Chỉ có một Đền Thờ ở Ít-ra-en, và Đền Thờ đó ở Giê-ru-sa-lem.

Đền Thờ đó được người Do-thái cho là nơi duy nhất trên địa cầu có Thiên Chúa đích thật – Thiên Chúa của dân Ít-ra-en – hiện diện. Chính ở nơi đó mà Thiên Chúa ngự trị, hiện ra với dân Người, và thâu nhận hy lễ và tế lễ của họ.

Các nghi lễ tôn giáo hay phụng vụ trong Đền Thờ là phận vụ của các tư tế, thượng tế, và các bậc khác nhau trong hàng tư tế.

Trong Do-thái Giáo, yếu tố trọng yếu của việc phụng tự là hy lễ, và các tư tế có nhiệm vụ đại diện dân chúng dâng hy lễ lên Thiên Chúa mỗi ngày trong Đền Thờ.

Các Hội Đường thuộc một cơ chế hoàn toàn khác hẳn với một mục đích và hoạt động hoàn toàn khác hẳn. Nghi thức phụng vụ ở hội đường không bao gồm hy lễ, và các tư tế không có vai trò chủ động hay quyền hạn nào trong nghi thức phụng tự ở hội đường.

Hội đường là nơi để người ta hội họp hay tụ họp trong các nghi thức tôn giáo dựa trên Lời Thiên Chúa.

Vào thời của Đức Giê-su tất cả những thôn làng nào có tầm quan trọng chút nào ở Palestine đều có một hội đường, cũng vậy, các thành thị và các thôn làng nào trên khắp Đế Quốc La-mã mà có đông người Do-thái đều có hội đường.

Mỗi hội đường có người lãnh đạo là một người được chọn trong hàng ngũ các vị trưởng lão trong cộng đoàn. Các buổi hội họp diễn ra vào ngày Sa-bát và các ngày lễ.

Các hoạt động của hội đường gồm có ba phần chính: cầu nguyện, đọc một hay vài đoạn trong Sách Thánh, và phần giáo huấn dựa theo Sách Thánh.

Khi Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem bị phá hủy (vào năm 70 sau Công Nguyên) và hàng tư tế biến mất, dân Do-thái không còn là một quốc gia nữa, nhưng các hội đường vẫn tồn tại và tiếp tục đóng một vai trò quyết định trong việc tồn tại của Ít-ra-en.

No comments: