Wednesday 10 August 2011

Lm Bill O'Shea: Các câu nhiều người hỏi về Kinh Thánh (tiếp theo)

Câu hỏi #15:

Một người thuộc giáo phái Seventh Day Adventist bảo con rằng Giáo Hội đã đổi ngày Sa-bát, còn gọi là Thứ Bảy, thành ngày đầu tiên, còn gọi là ngày Chúa Nhật. Anh ta nói trong Thánh Kinh không có chỗ nào nói về sự thay đổi này. Điều này có đúng không? Con nên đáp lại anh ta như thế nào để giúp anh nhận ra là có lý do chính đáng để dành ngày Chúa Nhật làm ngày thờ phượng Chúa?

Câu đáp:

Theo luật Cựu Ước, ngày trong tuần được dành riêng cho Thiên Chúa là ngày Sa-bát, tức là ngày thứ bảy. Luật giữ ngày Sa-bát được nêu rõ trong Điều Răn Thứ Ba.

Đúng là không có một câu nào hay đoạn nào trong Sách Thánh nói về việc Thiên Chúa cho phép thay đổi bất cứ điều gì trong luật này.

Tuy nhiên, rõ ràng là các Ki-tô hữu thời sơ khởi đã cảm thấy được tự do thay đổi ngày của Thiên Chúa từ ngày thứ bảy sang ngày thứ nhất trong tuần. Họ hiểu là ý chính của Điều Răn Thứ Ba là phải dành riêng một ngày trong tuần để thờ phượng Thiên Chúa một cách đặc biệt. Còn ngày đó là ngày nào trong tuần thì họ cho là quan trọng vào hàng thứ yếu.

Tân Ước cho thấy sự thay đổi đó xảy ra rất sớm trong lịch sử Giáo Hội. Trong Công Vụ Tông Đồ 20:7, thánh Lu-ca tường thuật một thói quen của cộng đồng Ki-tô hữu vùng Trô-a: “Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để bẻ bánh. Ông Phao-lô thảo luận với các anh em …”

Có thể lý do chủ yếu của sự thay đổi này là ước muốn của các Ki-tô hữu sơ khởi muốn phân biệt họ với người Do-thái. Trong thời gian sơ khởi của Giáo Hội, họ thường bị xem chỉ là một môn phái khác của Do-thái Giáo, và họ muốn khẳng định căn tính đặc thù của riêng họ.

Bằng cách giữ ngày thứ nhất trong tuần thay vì ngày thứ bảy, các nhà lãnh đạo Giáo Hội muốn khẳng định rõ là các Ki-tô hữu không còn bị ràng buộc bởi các luật lệ Do-thái về việc giữ ngày Sa-bát.

Một số Ki-tô hữu người Do-thái muốn áp đặt việc giữ ngày Sa-bát lên những người vô thần mới được cải đạo. Thánh Phao-lô kịch liệt phản đối điều đó. Trong Thư gởi tín hữu Cô-lô-xê 2:16, thánh Phao-lô viết: “Vậy đừng ai xét đoán anh em về chuyện đồ ăn thức uống, hay về mục ngày lễ, ngày đầu tháng, ngày sa-bát.” Qua những lời này thánh Phao-lô tỏ ý cho phép các Ki-tô hữu khỏi bị ràng buộc bởi luật Sa-bát.

Không nghi ngờ gì cả, lý do chính mà các Ki-tô hữu chọn ngày thứ nhất trong tuần làm ngày thờ phượng Thiên Chúa là vì Đức Giê-su đã sống lại từ cõi chết vào ngày đó (Mát-thêu 28:1).

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã cảm thấy được tự do quyết định một điều như vậy dựa vào quyền hành mà Đức Ki-tô đã trao ban cho họ: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.” (Mát-thêu 18:18).

Câu hỏi #16:

Trong mục Vấn Đáp hầu như mỗi câu trả lời Cha đều dựa vào Sách Thánh để chứng minh luận điểm của Cha.

Con ngưỡng phục điều đó, bởi vì không nghi ngờ gì cả, Sách Thánh được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần và vì vậy Sách Thánh là nguồn của các giáo huấn Ki-tô Giáo.

Vậy xin Cha vui lòng cho con biết làm cách nào con có thể chứng minh một cách thỏa đáng rằng Sách Thánh đích thật là Lời Thiên Chúa.

Câu đáp:

Khi bạn hỏi về bằng chứng để chứng minh tính “đích thật” của Lời Thiên Chúa, tôi phỏng chừng là bạn đang hỏi làm cách nào chúng ta có thể chứng minh rằng Sách Thánh, quả thật, chính là lời do Thiên Chúa linh hứng, như tín hữu Ki-tô Giáo vẫn hằng tin như vậy.

Tôi e là tôi phải nói rằng thật sự thì không thể có bằng chứng nào cả, theo nghĩa chứng minh một cách hợp lý để không chừa chỗ nào cho sự hoài nghi.

Đây cũng là trường hợp của rất nhiều tín lý. Tối hậu thì tín lý chính là như vậy – đó là những sự thật về đức tin và chỉ được chấp nhận bởi những người có đức tin.

Tuy nhiên, chúng ta có thể lưu ý những điểm sau đây:

Trước thời Đức Ki-tô, người Do-thái tin tưởng vững chắc là các quyển sách thánh của họ (tức là bộ Cựu Ước) là sách của Thiên Chúa. Chính Đức Giê-su cũng chia sẻ niềm tin của dân tộc Người về tính thánh thiêng của các quyển sách đó.

Đức Giê-su đã nói về bộ Cựu Ước như là Lời của Thiên Chúa, và hơn một lần khi tranh luận với những người chống đối, Người đã trích dẫn Cựu Ước như một lý lẽ chung cuộc để chứng minh luận điểm của Người.

Ví dụ như, khi được gặng hỏi về các giáo huấn của Người về đề tài ly dị, Người đã không dài dòng bảo vệ cho tình trạng kết hợp trong hôn nhân, nhưng chỉ đơn giản trích ra một đoạn Cựu Ước để làm lý lẽ chiến thắng mọi lý lẽ khác (Mác-cô 10; Mát-thêu 19).

Giáo Hội sơ khởi đã noi theo vị Chủ Chăn của mình trong việc chấp nhận tính thánh thiêng của các quyển Cựu Ước. Thánh Phao-lô trong thư cho ông Ti-mô-thê đã viết (khi nói về Cựu Ước): “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng” (2 Ti-mô-thê 3:16).

Một đoạn Tân Ước khác (2 Phê-rô 1:21) đã xác định Chúa Thánh Thần là tác giả chính: “Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa.”

Các Tông Đồ tiên khởi khi rao giảng đã nhắc nhở các thính giả của họ là Chúa Thánh Thần phán truyền qua các ngôn sứ (như ông Phê-rô trong Công Vụ Tông Đồ 1:16, 4:25).

Các văn bản trên đương nhiên là đang nói về các sách Cựu Ước, bởi vì vào thời đó thì các sách Tân Ước chưa hoàn thành.

Chúng ta không thể nào mà kỳ vọng là sẽ tìm thấy ngay chính trong các sách Tân Ước có bất kỳ câu nào cho rằng chính văn bản đó là được linh hứng.

Thế nhưng chúng ta có thể tìm được một vài ẩn ý rằng ngay cả trong thế kỷ thứ nhất, những lời của Đức Giê-su và các lá thư của thánh Phao-lô đã được đặt ngang tầm với bộ Cựu Ước.

Chắc chắn là không bao lâu sau khi bộ Tân Ước được hoàn thành thì Giáo Hội đã chấp nhận đó là Lời Thiên Chúa, và đã đặt cho bốn bộ sách Tin Mừng, các thư của thánh Phao-lô và các văn bản khác một niềm tôn kính còn hơn cả các sách Cựu Ước, bởi vì họ tin rằng, những bộ sách Tân Ước kể trên đích thật chính là Lời của Thiên Chúa ban cho nhân loại.

Dĩ nhiên, một người không tin thì sẽ không bị thuyết phục bởi bất kỳ nỗ lực nào muốn chứng minh sự linh hứng của các Sách Thánh từ bằng chứng ngay trong chính các sách đó.

Tôi cho rằng luận điểm vững nhất để chứng minh Lời Thiên Chúa quả đúng là Lời Thiên Chúa là ở năng lực nội tại mà những lời đó đã thể hiện xuyên suốt qua lịch sử – năng lực biến đổi cuộc đời của không biết bao nhiêu người mà kể. Nhưng như tôi đã nói ngay từ đầu, tối hậu thì đó là chuyện tin hay không tin.

No comments: