Monday, 30 April 2018

Lm Vĩnh Sang DCCT : “TA ĐÃ THẤY GÌ TRONG ĐÊM NAY?...”



Tôi ngần ngại mãi tìm đề tài để viết cho số báo Ephata số ra Chúa Nhật 29.4.2018, đắn đo mãi vì số báo ra cận ngày lịch sử của đất nước, ngày 30 tháng 4, ngày mà trái tim của tôi lại chợt đau nhói mỗi khi nhắc đến nó.
 Vào những ngày cận kề này, bao nhiêu cảm xúc về nỗi đau, về những luyến tiếc lại kéo về. Chiều nay vào trang FB của nhóm bạn trường cũ, có một ai đó nhắc đến người giáo sư Anh văn duyên dáng của trường năm nào, cô đẹp và nổi bật trong tà áo dài đến lớp, mái tóc đen óng ả của cô, và cái răng khểnh là những đặc điểm chắc chẳng ai quên khi nhắc đến cô. Bạn ấy viết về cô với niềm luyến nhớ, vì sau năm 75 cô đã ở lại biển vĩnh viễn không đến được bờ tự do như cô mong muốn. Những dòng chữ cô viết đề tặng tôi trong một cuốn truyện Anh ngữ Loranard Doon lại hiện về.
Không chỉ mình cô, người bạn thân nhất trong ba đứa chơi với nhau từ thời trẻ thơ của chúng tôi cũng chẳng trở về sau chuyến đi biển năm ấy, đi tìm tự do, bạn bỏ lại ba đứa con gái lớn lên không biết gì nhiều về cha mình, cháu lớn nhất bây giờ là giảng viên một trường đại học, những lần đi chơi với nhau cháu nói “xin nói về ba của con cho con nghe”. Tôi cố nén cảm xúc khi những đứa cháu con của chúng nhảy vào lòng tôi gọi “ông ngoại”!
Từ ngày ấy bỗng dưng tôi như trẻ con hờn giận biển, cơn dỗi nỗi hờn 43 năm rồi, không ai dỗ dành, bây giờ tóc bạc sương, những lần ra biển chỉ biết ngồi nhìn biển ngậm ngùi lặng lẽ. Biển nhận chìm, biển chia cắt bao nhiêu tình cảm đời tôi! Những người thân quen cũ giờ trở nên xa lạ bên kia bờ đại dương, “chẳng nợ gì nhau”!
Ngần ngại rồi cũng phải viết vì thời gian không cho suy nghĩ nữa, phải viết về những nỗi đau của mình, của nhiều người, và bây giờ là nỗi đau của cả một dân tộc khi những hình ảnh bước qua ranh biên giới giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên lồ lộ trên các màn hình mạng xã hội. Không biết nền hòa bình mà họ đang xây dựng có hiện thực và bền vững không, nhưng chúng ta bất hạnh, vì chưa bao giờ và chẳng bao giờ chúng ta có được những hình ảnh hạnh phúc đó. Bao nhiêu xương máu đồng bào ta đã đổ xuống, bao nhiêu nỗi oan khiên theo nhau trong những ngày ngục tù, những tiếng khóc xé lòng khi tiễn đưa những người bạn nằm trong cỗ áo quan phủ lá quốc kỳ, những ngôi nhà buồn tênh trống trải khi những đứa con trai bỏ làng xóm “sinh Bắc tử Nam” chẳng biết vùi xác nơi nào.
43 năm sau, ta nhìn một đất nước tan hoang, biển mất, rừng chẳng còn, anh em cha con xếp hàng tranh nhau đi làm nô lệ xứ người! Người ở lại gánh một núi nợ công trên trời rơi xuống! Người nghèo nối đuôi nhau đòi công lý khắp nơi, những phòng, những khoa, những bệnh viện ung bướu đầy ắp hơi người không còn chỗ chen chân.
Cuối cùng rồi cũng phải viết về những nỗi đau ấy, vì mấy bữa nay có thông tin, ngôi nhà cổ có tuổi trên 150 năm nằm trong khuôn viên Tòa Tổng Giám Mục Sàigòn chuẩn bị được đưa lên “thớt” để chặt, để đập phá. (Ảnh Nhà Nguyện cổ trong Tòa Tổng Giám Mục Sàigòn sắp bị phá bỏ).  
Năm 1987 tôi chứng kiến ngôi nhà song sinh với ngôi nhà này, có tên là “Lăng Cha Cả” bị đập phá tan hoang! Nỗi buồn về một di tích, một công trình mang đầy tính văn hóa Việt bị phế bỏ, nỗi buồn với tôi còn thấm hơn khi đây là một ngôi nhà gắn liền với cả tuổi lớn lên và thời học trò của tôi. Sáu năm thời trung học, mỗi ngày tôi đi qua ngôi nhà này nhiều lần, bao nhiêu những suy nghĩ, tưởng tượng phong phú của tôi năm xưa về ngôi nhà và những gi bên trong ngôi nhà đó, đối với tôi và có lẽ nhiều bạn học trò khác, Lăng Cha Cả là cột mốc tạm chấm dứt mộng mơ của bài “Ngày Xưa Hoàng Thị” vì đã hết con đường “theo nhau đường dài, trưa trưa chiều chiều” để bước vào đường Trương Minh Ký tấp nập xe cộ qua lại.
Hẳn không phải mình tôi nhưng ít là những ai qua lại, những cư dân của nhiều năm, nhiều thế hệ sống quanh đó, cư dân của Sàigòn và cả những người ngoại quốc đến sống và làm việc ở các đơn vị vùng Phi trường Tân Sơn Nhất, cổng Phi Long. Cái đó người ta gọi là “hồn” của công trình. (Ảnh Lăng Cha Cả ngày xưa trước khi bị phá hủy sau năm 1975).
Đối với những người có trách nhiệm với đất nước, hình như họ chẳng bận tâm đến cái “hồn”, cái họ bận tâm là cái khác. Một xưởng Ba Soong của thời oanh liệt Nguyễn Ánh đóng tàu dong duổi đại dương đối với họ là cỏ rác; những ngôi biệt thự ghi rõ mồn một số nhà của thời mở mang bờ cõi đối với họ là “chuyện nhỏ”; cả quần thể Tu Viện hiện diện trước cả khi cha mẹ họ sinh ra họ cũng sẵn sàng tước đoạt; những đầu tàu xe lửa cả thế giới thèm khát họ bán với giá sắt vụn, ngoại quốc mua về làm du lịch giá đẩy lên hàng triệu đô; cả một hệ thống đường sắt răng cưa ở Đà Lạt không nơi nào trên thế giới còn sót lại, vậy mà đã được họ cho nấu chảy!
Trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng, Hội Thánh dạy chúng ta rằng (số 13): … Ký ức là một chiều kích của Đức Tin mà chúng ta có thể gọi là “đệ nhị luật”, tương tự như ký ức của dân Israel về chính mình. Chúa Giêsu để lại cho chúng ta Thánh Thể như là sự tưởng nhớ hằng ngày của Hội Thánh về biến cố Vượt Qua của Ngài, và như là sự chia sẻ sâu xa hơn biến cố này (Lc 22, 19)…”
Xúc phạm ký ức, hủy bỏ tính kế thừa, dân tộc, đất nước chúng ta đi về đâu, hỏi sao không buồn, chẳng phải để nhắc lại những kỷ niệm buồn của một thời đã qua, chẳng phải là những lời phàn nàn lẩm cẩm của những người gần miệng lỗ, với hành trình của Hội Thánh, đó là những tiếng kêu nhằm thức tỉnh lương tâm của những ai đang can tâm đập phá hủy bỏ qua khứ, muốn xây dựng những cái tháp Babel mới cho họ, ghi danh họ trên bảng vàng! Cái họ tìm không phải là các linh hồn nhưng là công danh sự nghiệp của họ, ghi danh họ!
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 29.4.2018

No comments: