Thursday 5 April 2018

Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR : CHÚA PHỤC SINH, CÒN MANG ĐẦY THƯƠNG TÍCH!



Mỗi khi chúng ta suy nghĩ về Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Ki-tô là lúc chúng ta nghĩ đến hai sự kiện, đó là ngôi mộ trống và các lần hiện ra của Chúa Giê-su. Vẫn biết rằng các điều này không là những chứng cớ xác thực về việc Phục Sinh của Đức Ki-tô. Những người duy lý và ngay cả hàng ngũ lãnh đạo dân Do Thái thời Chúa Giê-su đã giải thích ngôi mộ trống là hậu quả việc ăn cắp xác Chúa của các môn đệ; và các cuộc hiện ra của Chúa là kết quả phát sinh bởi những con người có đầu óc hoang tưởng, họ nhớ Chúa quá đến độ lúc nào cũng nghĩ là Chúa đang ở trước mặt.

Hẳn anh chị em vẫn biết rằng Phục Sinh là một mầu nhiệm; đây không phải là sản phẩm của trí tuệ hay do sự khám phá của con người. Và nếu đó là mầu nhiệm thì đầu óc con người sao có thể hiểu thấu đuợc! Chỉ còn nhờ vào niềm tin, cho nên mục đích của việc Chúa hiện ra, thứ nhất là để củng cố đức tin cho những ai đi theo Người, sau nữa là trao ban cho các ông sứ mạng làm chứng nhân cho nhân loại về biến cố Phục Sinh này.

Trong trình thuật kể lại các cuộc hiện ra của Chúa Giê-su hôm nay. Việc đầu tiên Người làm là chúc bình an cho các môn đệ. Đây không phải là lời chúc mà thôi. Thật ra đó là hông ân của Chúa Phục Sinh dành cho các môn đệ. Chúng ta cũng thường chúc cho nhau được bình an. Nhưng lời chúc của chúng ta thường diễn tả một ước vọng, trong khi đó lời chúc của Chúa Phục Sinh hôm nay diễn tả một sự trao ban. Người không chỉ chúc một lần, nhưng đã lập lại lời chúc ‘Bình an cho anh em’ đến ba lần. Đó chính là ân huệ đầu mùa của Chúa Phục Sinh dành cho các môn đệ. Không ai hiểu trò bằng thầy.

Đức Giê-su thấu hiểu lòng trí hoang mang và các nỗi sợ hãi của các môn đệ, cùng nhau co rúm và trốn trên lầu vì sợ người Do Thái. Vì thế họ cần được bình an để thoát khỏi nỗi âu lo này. Hơn nữa, tâm hồn và lòng trí của các môn đệ cũng cần được thanh thản, bình an, ổn định để nhận ra người đang hiện diện với các ông là Chúa Giê-su, người thầy yêu dấu của họ. Trong lúc lĩnh nhận ơn bình an này các môn đệ cũng hiểu rằng họ cũng được mời gôi trao ban cho người khác điều mà họ vừa lĩnh nhận, nghĩa là trở thành sứ giả bình an cho nhân loại. Hy vọng, việc trao đổi bình an trong các nghi thức phụng vụ đạt đến tầm mức này. Đó không chỉ là lời chúc dựa trên ngôn từ mà thôi; nhưng thật ra là việc chia sẻ bình an của Chúa Phục Sinh cho nhau.

Sau đó Chúa cho họ thấy tay và cạnh sườn của Người. Đây là một điều thật đặc biệt, Chúa muốn cho các ông nhận ra rằng thân xác của Chúa Phục Sinh và con người đã trải qua khổ nạn, chết trên Thập Giá là một người. Vinh quang chỉ tỏ hiện qua hành trình của đau khổ. Hy sinh dù hàm chứa những bi kịch cuả cuộc sống; nhưng qua hy sinh Chúa đã hoàn tất mầu nhiệm Tình Yêu để chiến thắng bằng cuộc chỗi dậy và hiện diện một cách vĩnh cửu. Khi thấy những chứng tích đó, các môn đệ đã vui mừng và tin rằng người đang ở trước mặt họ là Đức Giê-su, vị Thầy đáng kính của họ. Sau đó, Chúa Giêsu lại trao ban bình an và Thánh Thần cho các ông để ra đi hoàn thành sứ mạng mà chính Người vừa hoàn tất.

Lần hiện ra thứ nhất này lại không có mặt Tôma. Các môn đệ khác đã kể lại cho ông biết về việc này: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Nhưng Tôma đã không tin vào lời loan báo của các bạn mình. Thật ra, các bạn của ông cũng chẳng làm chứng được gì. Họ vẫn đóng kín vì sợ hãi. Cho dù Thần khí đã đuợc trao ban, nhưng các bạn của Tôma đã không để cho sức mạnh của Thần Khí tác động, họ vẫn chưa ra khỏi vùng an toàn, vẫn dựa vào các cánh cửa đã đuợc đóng kín để bảo vệ, chưa sẵn sàng ra đi rồi vịn cớ là không biết đi đâu! Lời loan báo của họ không đi đôi với việc làm như thế thì làm sao có thể truyền lửa cho Tôma đuợc.

Còn Tôma, ông muốn niềm tin của ông phải dựa trên trải nghiệm của cá nhân; ông muốn giác quan (xúc giác) của ông có thể chạm vào thân thể của Chúa, nên đáp rằng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 

Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra với các ông, lần này có mặt Tôma. Trước tiên, Người cũng ban bình an cho các môn đệ rồi quay sang Tôma và nói: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Tôma đã đáp trả bằng một niềm xác tín thật cao độ rằng Người là CHÚA và là THIÊN CHÚA của ông.

Sau đó qua Tôma, Chúa đã thể hiện tình thương của Người dành cho chúng ta bằng cách trao ban cho chúng ta thêm mối phúc nữa là “Phúc thay những người không thấy mà tin.”

            Trước khi xem xét cách biểu lộ niềm tin của Tôma, chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng ông không phải là trung tâm của bài Tin Mừng hôm nay. Trình thuật diễn tả cách thức Chúa hiện ra thì Chúa phải là trọng tâm. Khi nhìn như thế, chúng ta mới khám phá ra lòng đại lượng phát sinh từ tình yêu của Chúa. Chúng ta vẫn thường đuợc dậy bảo niềm tin vào Chúa phải là một niềm tin vô điều kiện, phó thác hoàn toàn theo Chúa. Nhưng hôm nay, Chúa hành xử với Tôma quả thật khác hẳn với lối suy nghĩ cầu toàn của chúng ta. Chúa chấp nhận điều kiện mà Tôma đưa ra. Cho dù đã đuợc tôn vinh, nhưng Chúa vẫn không che dấu các thương tích. Đó chính là chứng tích của Tình yêu thì làm sao phải che dấu! Các vết thương đó cần đuợc bộc lộ hơn là che dấu.

            Tôma cũng có nỗi đau của riêng mình. Ông cũng là nguời đang mang thương tích. Chúa Giê-su, Thầy đáng kính của ông đã chết. Cái chết của Người để lại trong ông một tâm trạng buồn rầu và mất mát; ông và dân tộc ông còn biết trông cậy và nương tựa vào ai nữa đây. Ông đi trốn, cần có một không gian và nơi ẩn nấp để đối diện với niềm đau này. Vì thế ông đã hụt mất một cơ hội khi Chúa hiện ra lần trước.

Các bạn của ông cũng thế, họ cũng có niềm đau rồi sinh ra chán nản và thất vọng. Nhưng họ đã chọn cách đối diện với bi kịch mà họ đang đón nhận bằng cách liên đới, chia sẻ, an ủi và hỗ trợ nhau. Trước đây họ nương tựa vào Thầy. Sau cơn địa chấn xẩy đến cho Thầy, họ cũng chẳng biết số phận sẽ ra sao? Thầy của mình quyền năng đến dường nào mà còn bị xử tử phương chi là họ, những cậu học trò nhút nhát và sợ sệt. Trong tình thế đó, họ chọn giải pháp trốn để dấu đi nỗi sơ hãi.

Nói chung là chỉ có ai đã kinh qua đau khổ mới thông cảm cho những người đồng cảnh ngộ. Chúa đã bị thương tích và Người cũng nhìn thấy các nỗi đau khổ mà Tôma đang đối diện; vì thế Người cũng muốn cho ông biết là Người rất thông cảm với yêu cầu của ông.

Qua sự tiếp xúc, Thầy trò gặp và nhận ra nhau. Chúa chữa lành thuơng tích cho ông. Còn ông nhận ra Thầy mình là Chúa và là Thiên Chúa của ông. Ông đầu phục hoàn toàn trước quyền năng của Thầy mình, Đấng mới bị án tử mấy ngày qua.

Để kết thúc bài suy niệm, chúng tôi xin gửi đến anh chị em tâm tình của Đức Hồng Y Luis Antonio Gokim Tagle, Tổng Giám Mục Manila, Phillipines trong bài giảng tĩnh tâm tại Tổng Công Hội lần thứ 25 của Dòng Chúa Cứu Thế, tổ chức tại Pattaya, Thái Lan, Ngài nói như sau: “Chúa Phục Sinh không xoá đi dấu vết của thập giá. Vết thương vẫn là vết thương. Thế giới của chúng ta đầy những vết thương. Ai nhắm mắt lại trước những vết thương của anh chị em mình thì không có quyền tuyên xưng, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Chạm vào những vết thương của nhân loại là điều kiện cần thiết cho một đức tin đúng nghĩa.

Chúng ta hãy chạm vào vết thương của người nghèo, hãy đặt bàn tay vào cạnh sườn bị đâm thâu của họ. Đó chính là phần tuyên xưng đức tin của chúng ta. Chối từ những vết thương của anh chị em mình là cắt đứt những cầu nối của tình hiệp thông.

Chúng ta thường sợ chạm vào những vết thương của người khác. Tại sao vậy? Một phần sợ bị lây nhiễm, phần khác vì chúng ta sợ gợi lại chính những vết thương của chúng ta. Sợ hãi này làm cho chúng ta xa cách anh chị em chúng ta. Có một mối hiệp thông sâu hơn. Đó là hiệp thông với nhau trong những vết thương chung, nỗi đau chung, cái nghèo chung. Người liên kết chúng ta lại với nhau và đã ôm lấy tất cả chính là Chúa Giêsu đã trải qua muôn ngàn khổ đau rồi mới đuợc Phục Sinh. Trong Đức Ki-tô chúng ta hiệp thông với nhau; trong Chúa Cứu Thế chúng ta liên đới với nỗi đau và mang lấy vết thương của anh chị em mình.

Hãy gặp và chạm vào chính Chúa Phục Sinh, Đấng đang mang thương tích nơi những anh chị em nghèo, bị tổn thương, bị bỏ rơi, đang lầm đường, đầy tội lỗi. Cùng nhau đến với họ bằng sự dịu dàng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy để tình liên đới với người nghèo trở thành mấu chốt nền tảng, trở nên bản chất đích thật cấu tạo nên người môn đệ của Chúa Cứu Thế, Đấng đã sống lại và hiện diện nơi những con người tất bạt về mọi phương diện, thể xác cũng như tâm hồn.

Chúa Phục Sinh vẫn còn mang thương tích. Người đang chờ chúng ta đó!
Amen.

Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR

No comments: