Tuesday, 3 April 2018

Lm Phạm Trung Thành DCCT: SỎI ĐÁ CŨNG...



Không phải “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…” như lời của một bài nhạc do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác, nhưng là lời Kinh Thánh trong Tin Mừng theo Thánh Luca mô tả về cuộc rước Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem (Lc 19, 40). Khi dân chúng tung hô Chúa thì những kẻ cầm quyền đạo đời đã ngăn cản rồi trách Chúa về hành động này, Chúa đáp lại: “Tôi bảo các ông họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên”.
Trong Thông Điệp Laudato Si’, Hội Thánh đã khẳng định muôn loài muôn vật trong vũ trụ được tạo dựng để ngợi khen Thiên Chúa (Số 84 – 87), tận diệt một loài vật nào đó là phá hỏng bài tụng ca của vũ trụ để ngợi khen Thiên Chúa (số 33). Ngợi khen Thiên Chúa là quyền của muôn loài muôn vật chứ không chỉ là quyền của con người.
Trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng, Hội Thánh nhấn mạnh, người nghèo phải được ưu tiên nghe Tin Mừng (số 48 – 49). Hay nói đúng hơn, mọi người, trong đó có những người nghèo phải được nghe Tin Mừng, nghĩa là quyền được nghe Tin Mừng là quyền của mọi người, nhất là người nghèo.
Trong một sinh hoạt ở một Giáo Phận nọ, khi vị Giám Mục kêu gọi các Linh Mục đóng góp sáng kiến cho công cuộc truyền giáo, một vị Linh Mục trẻ đã viết bài góp ý, vị Linh Mục trẻ này xin được đến dâng lễ ở một số địa điểm mà nhiều lần Giáo Phận xin đến để dâng lễ mà nhà cầm quyền không cho phép, cùng với lời xin ấy vị Linh Mục trẻ khẳng định quyền được nghe Tin Mừng là quyền của con người, sứ mạng rao giảng là sứ mạng của mọi Kitô hữu, mà Linh Mục là người lãnh trách nhiệm thứ nhất, ngài tình nguyện và cam kết sẵn sàng chịu những quyết định cứng rắn nhất từ phía nhà cầm quyền nếu xảy ra. Lời thỉnh cầu này cuối cùng đã bị… chìm vào quên lãng!
Quyền loan báo Tin Mừng là quyền của Hội Thánh, trách nhiệm loan báo Tin Mừng là trách nhiệm hàng đầu của Hội Thánh, chúng ta đánh mất quyền căn bản này từ khi nào vậy ? Tại sao loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa mà lại phải đi xin phép ? Tại sao tôi ca tụng và cám ơn cha mẹ tôi mà tôi phải xin phép? “Tôi bảo các ông họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên”. Vâng, nếu chúng ta không làm thì sỏi đá sẽ làm.
Mấy hôm nay trên mạng FB truyền đi khá nhiều hình ảnh về Đại Lễ Phục Sinh, một vài video phát lên những cuộc rước xách linh đình, từng đoàn “quân rữ” mặc trang phục Hy Lạp, La Mã cổ, đi quanh các ngõ hẻm xóm đạo diễn cảnh đường Thương Khó của Chúa Giêsu. Video ngày lễ Thứ Năm Tuần Thánh nhiều Giáo Xứ tổ chức “hoành tráng”, trống kèn cờ quạt, ca đoàn thi nhau phô trương giọng hát, đồng phục sang trọng, cờ đuôi nheo giăng mắc khắp nơi…
Trong những mối liên lạc khiêm tốn hơn rất nhiều, theo lời thỉnh cầu, một số anh em Linh Mục tỏa về các vùng quê hẻo lánh, đặc biệt vùng người dân tộc để tăng cường mục vụ trong Tuần Thánh. Có một số anh em đến các trại Tâm Thần, trại Phong, bệnh viện cho bệnh nhân AIDS... Một vị phụ trách Trung Tâm Truyền Giáo không thể di chuyển cử hành liên tiếp cả chục Giáo Điểm nên đã phải cầu cứu anh em, cầu cứu dè dặt và khiêm tốn vì không có kinh phí bao ăn ở và xe cộ.  Đi tăng cường mục vụ thì phải mang cả những vật dụng cần thiết đi theo, ở đó họ nghèo lắm có gì mà dùng? có gì mà ăn? Nơi dâng lễ còn phải mượn sân vườn nhà dân nữa là!
Không chỉ tại nhà cầm quyền, còn là tại mình, mình có muốn rao giảng đâu, có muốn chịu khó ra khỏi Tu Viện an toàn và ổn định, đầy đủ mọi sự đâu. Thật ra, chỉ cần một chút lưu tâm và san sẻ thì những vùng quê nghèo được loan báo Tin Mừng dễ dàng biết mấy, chỉ cần bớt chăm chút cho riêng mình, cho Giáo Xứ mình để chia cho nơi khác thì hay biết mấy, và cũng… Tin Mừng biết mấy!
Trong một lời tâm sự của một Giáo Dân trẻ trên FB, cô bé đã khóc vì tham dự giờ chầu khuya của Giáo Xứ mình, chính Cha Xứ hướng dẫn giờ chầu đó, ngài suy niệm về biến cố Chúa chịu khổ hình, sự chấp nhận hy sinh của Chúa vì tội lỗi của con người, của mỗi người chúng ta, vì những thờ ơ với tình anh em cốt nhục, vì những nhẫn tâm vô cảm trước nỗi đau của người khác, vì sự tham gia hoặc im lặng để sự ác hoành hành, vị Linh Mục đứng tuổi đã khóc, cô bé gọi ngài là Papa đã nói đến ngài với những trăn trở về Hội Thánh, về con người, về cuộc đời của ngài chưa nhiễm mùi chiên, đôi khi ngài rơi vào cô đơn vì những lo âu và dấn thân cho đoàn chiên đang khổ ải do bất công bạo tàn.
Nhờ mạng FB, trong Lễ Truyền Dầu sáng Thứ Năm Tuần Thánh, có nhiều bài giảng của các vị Giám Mục tại Việt Nam được truyền đi, phần đông đều có một điểm giống nhau, đó là đề cập đến “mùi chiên”, một cụm từ trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng mà nhiều bạn trẻ ngày nay đang mong chờ được nhận ra đúng cái mùi đó nơi các mục tử của họ. Muốn có mùi của chiên thì phải xông vào giữa chiên mà sống, ăn ở với chiên, ôm chiên vào lòng, không thể có mùi chiên mà sống cách ly chiên, mặc chiên sống chết ra sao, kêu gào khóc lóc ra sao, quằn quại đau khổ ra sao, đói khát uất ức thế nào!
Hội Thánh luôn lo âu và trăn trở về công cuộc truyền giáo, chúng ta sẽ phải làm gì và thay đổi ra sao, số 25 Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng, Hội Thánh nói: Không để tình hình tiếp tục như hiện tại. Việc “quản trị thuần tuý” đã trở nên bất cập. Trên khắp thế giới, chúng ta phải “thường xuyên trong trạng thái truyền giáo”.
Nếu chúng ta không lên tiếng, sỏi đá sẽ lên tiếng, khi ấy Chúa không cần chúng ta nữa!
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 30.3.2018

No comments: