Tuy nhiên, bối cảnh của cuộc hiện ra lần này
là việc các môn đệ nhận ra Chúa lúc Người bẻ bánh và sứ mạng của họ phải chu
toàn lại là những chi tiết mới. Đây là các chi tiết thật quan trọng, cho nên
ngoài những gì mà chúng ta đã cùng nhau chia sẻ trong bài Tin Mừng tuần trước,
tôi xin thêm vài suy niệm sau:
Trước hết
chúng ta hãy nói đến vai trò chứng nhân của các môn đệ.
Chúng ta vẫn tin rằng các lời Kinh Thánh đã
chép về Đức Giê-su phải được ứng nghiệm, và như thế sau 3 ngày Người sẽ từ cõi
chết sống lại. Đó là việc của Thiên Chúa và Đức Giê-su. Để cảm nghiệm đươc điều
này, các Tông Đồ dường như cũng cần có thời gian. Tuy nhiên chúng ta không đuợc
biết thời gian và tiến trình biến đổi của các môn đệ từ những con người nhút
nhát, sợ sệt thành các chiến binh đầy can đảm, chuyên tâm lo việc làm chứng cho
Chúa không màng đến sống chết như thế nào?
Nhưng, có một sự thật hiển nhiên và vô cùng
quan trọng, đó là đời sống chứng nhân của các Ngài. Chính lối sống của chứng
nhân đã củng cố lời rao giảng của các ngài. Và, thật ngạc nhiên khi chúng ta nhận
ra rằng trọng tâm lời rao giảng của các Tông đồ không dựa vào những lời giảng dậy
của Đức Giê-su; nhưng lại đuợc xây dựng trên nền tảng của việc Chúa chết và sống
lại. Đây phải chăng là kinh nghiệm của các Tông Đồ về một vị Thầy đang sống và cùng
đồng hành với họ. Hơn thế nữa, phải có một sức mạnh nào của Chúa Phục Sinh tiềm
ẩn trong cuộc sống của các Tông đồ đến nỗi dù trải qua bao gian nan, thử thách
họ vẫn một lòng kiên cường cho dù phải hy sinh ngay cả mạng sống, các ngài vẫn
hiên ngang chỉ để làm chứng rằng Đức Giê-su Ki-tô đã chịu khổ hình, đã chết và
hiện đang sống với chúng tôi; và chúng tôi hãnh diện là các chứng nhân của Người.
Nhìn lại ngay từ những ngày đầu tiên của
Ki-tô giáo cho đến hôm nay, chúng ta nhận ra rằng chỉ có một chứng cớ thuyết phục
con người mọi thời đó chính là đời sống chứng tá của các tín hữu. Với Chúa Phục
Sinh, họ đã đuợc biến đổi, sẵn sàng quay lưng lại với các tiêu chuẩn của nền
văn hoá sự chết, rồi quyết tâm biểu dương văn hoá sự sống qua lối sống yêu
thương để làm chứng cho thế giới nhận ra rằng Người đang sống mãnh liệt trong lối
sống của họ.
Và, chúng
ta đã nhận ra Người lúc bẻ bánh thế nào?
Khi nói đến việc nhận ra Chúa khi Người bẻ
bánh là lúc chúng ta tin và nhận ra sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh
Thể và trong Thánh Lễ. Quả thực không sai!
Căn cứ vào sách Công Vụ Tông Đồ chúng ta nhận
thấy việc bẻ bánh đã có từ thời các Tông Đồ. Họ chuyên cần nghe giáo huấn của các
Tông Đồ, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu
nguyện không ngừng… Họ sống hiệp nhất và yêu thương, mọi sự đều là của chung và
ai nấy tiêu dùng theo nhu cầu của mình… Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng
bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được người người thương
mến. Và Chúa cho cộng đoàn thêm nhiều người tin vào Chúa và đuợc cứu độ. Qua đó
chúng ta nhận thấy việc bẻ bánh đuợc thực hiện tuy với tâm hồn đơn sơ, nhưng lại
rất thực tiễn. Họ không chỉ tham dự các nghi thức nhưng còn chia sẻ lối sống và
san sẻ cho nhau tuỳ theo lợi ích và nhu cầu của từng người.
Lối sống này được nhấn mạnh như một lời mời gọi
chúng ta nhìn lại việc làm của mình! Viêc cùng nhau cử hành bữa tiệc Thánh Thể,
bẻ bánh mà chúng ta gọi là Thánh Lễ ngày nay có phản ảnh lối sống hiệp nhất và
yêu thương của chúng ta hay không? Bằng không thì chúng ta đang lập lại những
gì mà anh chị em tín hữu thuộc công đoàn Co-rin-thô đã phạm phải trước đây. Và
sau đây là phản ứng và huấn dụ của Thánh Phaolô:
“…tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp
của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại… Khi anh em họp nhau,
thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa
riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say. Anh em không
có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục
những người không có của? Tôi phải nói gì với anh em? Chẳng lẽ tôi khen anh em
sao? Về điểm này, tôi chẳng khen đâu!”
Sau đó Thánh Phao-lô nhắc lại cho họ biết sự
hiện diện của Chúa Ki-tô Phục Sinh khi Người bẻ bánh. Rồi Ngài tiếp tục khuyên
dậy họ cần xét mình, biện phân để khỏi bị xét xử. “Cho nên, thưa anh em, khi họp
nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau. Ai đói, thì ăn ở nhà, kẻo anh em đến
họp mà hoá ra để bị kết án…” (1Cor 11: 17-34)
Như vậy việc nhận ra hay tin rằng Chúa Kitô
Phục Sinh hiện diện qua việc bẻ bánh thật cần thiết và quan trọng. Tất cả đã đuợc
lưu truyền và làm chứng bởi đời sống của các chứng nhân qua bao thế hệ. Cho đến
ngày nay, chúng ta vẫn được mời gọi sống vai trò của những chứng nhân không chỉ
bằng lối sống phụng vụ nhưng còn bằng chính cuộc sống chia sẻ và yêu thương của
chúng ta nữa.
Và khi thực hiện đuợc như thế, chúng ta đã sống
thật đúng như lời nhắn nhủ của Chúa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Và “Ở đâu hai ba người họp lại
nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ.”
Sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta không
bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thiên Chúa ở lại với chúng ta mãi mãi
vì Ngài là Em-ma-nu-en. Đó là tinh thần mà chúng ta mang đến cho nhau qua bữa tiệc bẻ bánh.
Không phải chỉ có chúng ta, nhưng Chúa Kitô Phục Sinh đồng hành và cùng hiện diện
với chúng ta nữa. Vì Danh Nguời mà chúng ta chia sẻ và yêu thương nhau. Và
chúng ta là những chứng nhân về các điều ấy.
Tóm lại, niềm tin của chúng ta dựa trên lối sống
của các chứng nhân. Họ đã và đang làm chứng về sự hiện diện của Chúa trong cuộc
đời họ. Và qua những lần bẻ bánh, chúng ta có bổn phận làm chứng cho nhau biết
về sự hiện diện của Chúa.
Nói chung, Chúa Phục Sinh chính là trung tâm
của cuộc sống chúng ta vậy.
Amen
Lm Joe Mai
Văn Thịnh, CSsR
13-04-2018
No comments:
Post a Comment