Ephata là tiếng kêu của Chúa Giêsu khi Ngài chữa tật mù mắt cho một
người bị khiếm thị. Cha Khởi Phụng và cha Quang Uy, DCCT, đã chọn Ephata làm
tên cho tạp chí điện tử mà anh chị em đã nhận được hàng tuần trong suốt 18 năm
qua. Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh, bài Tin Mừng theo Thánh Gioan kể lại biến cố
Chúa Phục Sinh hiện ra cho các Tông Đồ, nổi tiếng là hai cuộc hiện ra cách nhau
tám ngày, một lần vắng và một lần có mặt Tôma. Kinh Thánh ghi lại biến cố hiện
ra này thực hiện giữa lúc các môn đệ Chúa Giêsu sợ người Do Thái nên đóng cửa
kín mít. Chúa Phục Sinh đi xuyên qua cửa, xuyên qua mọi trở ngại, xuyên qua mọi
nỗi sợ hãi để đến nơi Chúa muốn đến.
Đóng kín
cửa và sợ hãi là căn bệnh của mọi thời trước quyền lực của Sự Dữ, con người yếu
ớt phản ứng bằng cách đóng kín cửa rồi lo sợ, ở trong đó họ co rúm lại với nhau
và hoang tưởng những điều ghê rợn, trong đoạn Tin Mừng này cón cho thấy một sự
thật bẽ bàng: khi đóng cửa, thu mình vì sợ hãi, họ không còn tin nhau!
Thánh Gioan Phaolô II đầu nhiệm kỳ ngai tòa Phêrô đã lên tiếng với nhân
loại: “Đừng sợ”! Tiếng kêu của ngài đã lan tỏa làm lay động nhiều người, sức công
phá của nó đã làm cho một phần vùng miền của thế giới đẩy lui được bóng đen của
đêm tối, mở ra cho con người niềm hy vọng và niềm vui giải thoát, đã gây được
tiếng vang đến nhiều vùng miền khác, đẩy nhanh những biến chuyển theo hướng ánh
sáng của niềm vui. Có những vùng miền tiếng rất vang nhưng chỉ dừng lại ở tiếng
vang, tiếng hô vọng lại rồi rơi vào im lặng, họ hô nhiều lắm, “Hãy ra khơi”,
“Hãy ra chỗ nước sâu”, “Hãy ra vùng ngoại biên”... nhưng hô xong ai về nhà nấy
tuyệt nhiên không có biến chuyển, vì họ sợ. Họ sợ đủ thứ, sợ mất đặc quyền, sợ
không được cho phép làm điều này điều nọ, toàn những điều mà Thiên Chúa đã trao
cho họ cái quyền được làm, bây giờ họ chờ phép và sợ không được phép! Dĩ nhiên,
Kinh Thánh đã tích góp kinh nghiệm rồi, đóng kín cửa vì sợ hãi sẽ đi đến chỗ
không tin nhau, xung đột và tan rã là điều tất nhiên nếu không mở cửa đi ra.
Trong Tông
Huấn Niềm Vui của Tin Mừng, Hội Thánh tiếp tục kêu gọi con cái mình đi ra.
Số 20: “… Tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra
đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh
sáng Tin Mừng.”
Số 46: “Một
Hội Thánh “đi ra” là một Hội Thánh mở cửa. Đến với người khác để tới được các
biên giới của loài người…"
Số 47: “Hội Thánh được kêu gọi trở thành Nhà Cha, luôn luôn mở rộng cửa. Một
dấu hiệu của sự mở ra này là các Nhà Thờ của chúng ta phải luôn luôn mở cửa, để
nếu có ai được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đến đây tìm Thiên Chúa, họ sẽ không
thấy cửa Nhà Thờ đang đóng. Cũng có những cửa khác không được đóng…”
Trong Bài
tường trình trước Đức Phanxicô ở buổi tiếp kiến chính thức Ad Limina dành cho
Giáo Hội Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam (chắc rằng cay đắng) đã thưa: “… Sau
hàng nửa thế kỷ phải trải qua những giờ phút đầy thử thách của cuộc chiến tranh
ý thức hệ, giờ đây chúng con đang phải đương đầu với một cuộc chiến mới: cuộc
chiến chống lại tinh thần cầu an. Những cuộc bách hại nếu đã tôi luyện Đức Tin
của chúng con thì về phương diện nhân loại, cũng khiến chúng con rơi vào tình
trạng thủ thân khép kín. Vì thế mà từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, con số
bảy triệu người Kitô hữu tại Việt Nam hầu như không hề gia tăng.”
Sợ hãi, cầu an thì không thể có niềm vui thật sự, không
thể có ánh sáng thật sự, sau năm 75, con số tín hữu vẫn chỉ có 7 triệu. Năm
1975 dân số cả nước khoảng 45 triệu, năm 2018 dân số khoảng 94 triệu, vẫn chỉ
có 7 triệu người tín hữu con số đó nói lên điều gì? Thời gian trôi qua 43 năm
có đủ để nhận ra lời ai oán không? Có thể đơn giản để nói rằng chúng ta đã
không làm chứng cho sự thật, không làm chứng cho tình thương cứu độ, đã không
làm chứng cho ơn giải thoát con người toàn diện, nếu có thì tình hình đã khác
đi nhiều.
Giáo Hội Việt Nam đã có kinh nghiệm mất hết của cải và những
cái bên ngoài sau năm 1954, sau năm 1975, một lần nữa kinh nghiệm đó được lập lại,
rất nhiều cộng đoàn của chúng ta bây giờ lại miệt mài làm lại, đi lại vết xe
cũ, chuyện gì sẽ xảy ra nữa khi chúng ta chưa đọc được ý Chúa qua các biến cố vừa
qua? Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta chưa phân định ơn gọi và chuyển mình theo
hướng Tin Mừng?
Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng số 25 "… cần thiết để tiến tới theo con đường của một sự
hoán cải mục vụ và truyền giáo không để tình hình tiếp tục như hiện tại. Việc
“quản trị thuần tuý” đã trở nên bất cập. Trên khắp thế giới, chúng ta phải
“thường xuyên trong trạng thái truyền giáo”.
Tiếng kêu
của Phanxicô từ Rôma sẽ chỉ là tiếng kêu trong hoang mạc sao?
Lm. VĨNH SANG, DCCT
No comments:
Post a Comment