Anh
chị em thân mến,
Trong
bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ tư mùa Phục Sinh hôm nay, Đức Giê-su đã xác định
mình là người chăn chiên tốt lành, thiện hảo và nhân hậu. Người đã làm mọi sự,
cho dù cần hy sinh mạng sống để bảo vệ và nuôi sống ràn chiên mà Thiên Chúa đã trao
ban thì Người cũng vui lòng thực hiện.
Đối
với người Việt Nam, chiên vẫn là những con vật rất xa lạ trong cuộc sống với
chúng ta. Ít ai trong chúng ta có kinh nghiệm về việc chăm sóc và nuôi dưỡng
chúng. Tuy nhiên, chúng ta chịu ảnh hưởng bởi các hình ảnh mô tả cảnh Đức Giê-su
bồng bế và vác chiên trên vai, và từ đó chúng ta nghĩ rằng chiên là những con vật
thật hiền lành và dễ thương. Nhưng cũng có một số người cho rằng chiên là loài
vật “hiền quá hoá ngố như câu thành ngữ as silly as a sheep.”
Vì
thế, để hiểu rõ ý nghĩa của bài Tin Mừng này, chúng ta cùng nhau đặt mình trong
bối cảnh và nền văn hoá mà trình thuật này được viết ra, đó là cùng nhau trở lại
với nền văn hóa của dân Israel.
Hình
ảnh ‘người chăn chiên’ đã được các ngôn sứ của thời Cựu ước dùng để ám chỉ đến
các vị lãnh đạo về phần đời cũng như trong đạo của người Do Thái. Khái niệm này
đã đuợc hình thành trong hoàn cảnh của dân Do Thái khi bị lưu đầy bên Babylon.
Trong bối cảnh như thế, khi mà dân Do thái đã mất tất cả như: mất đi nền văn
hóa truyền thống, xa quê hương và không còn đền thờ để thờ phượng,... thì ngôn
sứ Ê-dê-ki-en đã khơi lên niềm hy vọng cho dân bằng cách trình bầy Thiên Chúa
là Người chăn chiên tốt lành, là Mục tử nhân hậu, là Đấng dẫn đường để dẫn dắt ràn
chiên, tìm chỗ cho chiên ăn, dẫn lại về ràn các con chiên lạc đường và cứu
chiên thoát khỏi các cạm bẫy, các hiểm nguy của các thợ săn và thú dữ. (Ed
34:11–16). Từ đó mỗi khi nói đến người chăn chiên thì dân Do Thái hình dung ra
hình ảnh của một vị Thiên Chúa luôn yêu thương và quan tâm đến họ.
Căn
cứ vào chức năng và nhiệm vụ: những người chăn chiên thường xuyên ở với ràn
chiên cho nên họ không thể thường xuyên tham dự các nghi lễ theo luật của người
Do thái. Nhiệm vụ của họ vô cùng vất vả. Vào mùa nắng, họ phải dẫn chiên đi đến
những đồng cỏ tốt; và khi mùa đông đến ông phải tìm chỗ cho chiên trú ẩn; ông
còn phải học để săn sóc cho các con chiên bị thương tích. Vì chức năng của công
việc, nên người chăn chiên thường có nhiều đụng chạm với chủ của các đồng cỏ;
và đôi khi còn bị lên án như là kẻ trộm hoa mầu.
Tuy
nhiên, cũng vì nhiệm vụ nên mối tương quan giữa người chăn chiên và ràn chiên rất
riêng tư và cá biệt. Hàng ngày họ chia sẻ sinh hoạt và cuộc sống với nhau tại các
nơi hoang vắng, ít người qua lại. Họ chỉ có nhau chứ không có gì chung quanh,
và chính nhờ vào yếu tố riêng biệt và lối sống chung này nên những người chăn
chiên thường có một mối giây tương quan mật thiết với từng con chiên trong ràn.
Do đó, ngày qua ngày, họ học để biết rõ từng con chiên, và các con chiên trong
cùng một ràn cũng nhận biết tiếng nói của người chăn, và dễ dàng phân biệt tiếng
của họ với tiếng của người khác.
Kính
thưa quí cụ, quí ông bà và anh chị em,
Trở
lại với trình thuật của Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi rằng khía cạnh
nào trong mối quan hệ giữa người chăn chiên và ràn chiên sẽ đem lại cho chúng
ta những bài học hữu ích trong cuộc sống?
Trước
hết, chúng ta cần đồng ý với nhau rằng qua cuộc sống và sứ vụ, Đức Giê-su đã chứng
thực điều Người đã phán dậy hôm nay, chính Đức Giê-su là người chăn chiên tốt
lành và thiện hảo. Người biết rõ nhu cầu, sở thích, ưu điểm, khuyết điểm và các
thương tích của từng con chiên. Người đã hy sinh chính mạng sống mình để bảo vệ
và ban cho các con chiên trong ràn sự sống. Đối với Đức Giê-su thì tất cả mọi
người không cần phân biệt chủng tộc hay mầu da, tự do hay nô lệ, tín ngưỡng hay
lối sống, nam hay nữ, giầu sang hay nghèo hèn… Tất cả đều thuộc về ràn chiên mà
Chúa Cha đã trao cho Người để chăm nom. Trong Chúa không có sự tách biệt. Tất cả
đều bình đẳng, không ai hơn ai kém. Mọi người đều có giá trị thật quan trọng
trong con tim của Người chăn chiên tốt lành là Đức Giê-su Kitô.
“Chiên
của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” là một xác định
thật quan trọng nói lên mối tương quan giữa Đức Giê-su và các con chiên. Người
không lý giải hay biện minh. Người đã phán như một Đấng có uy quyền. Tôi là! Tôi
là! Trong mối dây tương quan giữa Chúa Cha và mình, Đức Giê-su đã xác định một
cách thật mạnh mẽ: Tôi là Người Chăn Chiên Tốt, Tôi biết chiên tôi, chúng biết
và nghe tiếng Người. Đây không là vấn đề để tranh luận hay bàn cãi. Ai tiếp nhận
thì điều mà Chúa phán hôm nay nghiễm nhiên trở thành sự thật và của mình.
Nghe
tiếng Chúa, hôm nay, có nghĩa là nhận ra tiếng Chúa trong mối dây thân mật dưạ
trên tương quan của Tình Yêu, của gắn bó và hiệp thông. Thậm chí đến mức độ,
trong mối tương quan này họ không cần nói, cũng chẳng cần nghe… mọi âm thanh dường
như cần dừng lại để cho cảm xúc của Tình Yêu và Lòng Mến dâng trào và ngâp tràn
trong giây phút hai người biết nhau, như “Tôi biết chúng và chúng biết tôi.”
Dựa
vào những suy tư của dân Do thái, hoàn cảnh thực tế của nghề chăn chiên và nhất
là các kinh nghiệm về sự sống mà Chúa Giêsu đã trao ban cho các tín hữu thời
giáo hội sơ khai, tác giả của Tin mừng thứ tư đã trình bầy Chúa Giêsu không chỉ
là người chăn chiên; nhưng là Đấng chăn chiên tốt lành, đã hy sinh mạng sống để
đem tất cả con chiên, dù lạc ràn hay không, về lại ràn và ban cho chúng sự sống
đời đời và không một ai có quyền tước mất sự sống này được. Và ai ở trong ràn
chiên của Người thì không bao giờ bị diệt vong. Đây là một kinh nghiệm được mạc
khải bởi Đức Giê-su. Người chính là Đấng chăn chiên tốt đã hiến mạng sống vì ràn
chiên. Kinh nghiệm này hoàn toàn mới mẻ và vượt xa kinh nghiệm mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en
đã loan báo trong thời bị lưu đầy.
Kính
thưa anh chị em,
Chúng
ta thường hay gọi Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, và đôi khi các Linh Mục là
các nhà mục tử và đôi khi chúng ta còn lạm dụng và cho rằng các con chiên bổn đạo
thuộc về các ngài. Nói cách khác đôi khi chúng ta lạm dụng từ ngữ rồi lẫn lộn cả
nhiệm vụ nữa; thay vì là những người chăn chiên của chủ thì chúng ta lại định
đoạt số phận của ràn chiên và coi chúng thuộc quyền sở hữu của mình.
Thật
ra, danh xưng người chăn chiên được dùng để nói đến trách nhiệm của chúng ta là
những kẻ được đặt để chăm sóc, để quan tâm và nhất là để trao ban tình yêu cho
người khác tùy theo ơn gọi mà Chúa đã mời. Thật ra, chính Chúa Giêsu mới là Đấng
chăn chiên nhân hậu, còn chúng ta tuy được ban tặng cho danh hiệu đó; nhưng
chúng ta vẫn còn và luôn luôn là những con chiên trong ràn chiên của Chúa.
Hẳn
anh chị em còn nhớ khi trao quyền cho Thánh Phê-rô, Chúa Phục Sinh đã 3 lẫn hỏi
Phê-rô có yêu mến Người không. Và cũng 3 lần Người nói hãy chăn dắt các chiên của
Thầy. Chiên thuộc về Chúa còn Phê-rô chỉ là người cộng tác. Ý thức và biết rõ
nhiệm vụ cũng như vị trí của mình, nên Thánh Phê-rô đã chia sẻ như sau: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên
Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng
hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn,
nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những
người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn
chiên.” (1Pet 5:2-4)
Dựa
vào các điểm nói trên, chúng ta nhận ra rằng người chăn chiên nhận công tác
chăm sóc ràn chiên từ ông chủ. Và ông ta cần chu toàn tốt công việc mà chủ đã
trao phó. Vì thế, người chăn chiên tốt là người biết bảo vệ ràn chiên cho chủ.
Ông vẫn chỉ là người chăn thuê. Chiên không thuộc về tài sản của ông.
Tóm
lại, chỉ mình Đức Giê-su là Đấng chăn chiên tốt lành, nhân ái và thiện hảo. Cả
thế giới và mọi người sống trong đó là ràn chiên thuộc về tay Người. Người đã
chết để bảo vệ và cho ràn chiên sự sống và không ai có thể lấy mất được. Còn
chúng ta, mỗi người đều là những người chăn dắt ràn chiên, nhỏ hay lớn, mà
Thiên Chúa trao phó. Chúng ta không thể nào chu toàn trọn nhiệm vụ cao cả của
mình, nếu không sống rập theo gương mẫu của Người Chăn Chiên duy nhất là Đức
Ki-tô, Đấng đã chấp nhận mọi đau khổ, và sẵn sàng hy sinh mình để diễn tả tình
thương cho mọi con chiên của Người. Cầu chúc anh chị em được như vậy.
Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR
No comments:
Post a Comment