Đến ngày 13- 3 – 2018 là tròn 5 năm Đức Phanxicô ở
trên ngai tòa Phêrô. 5 năm chưa phải là dài nhưng cũng có nhiều điều để nói về
triều đại của vị Giáo hoàng, xuất thân là giáo sĩ dòng Tên người Argentina này.
Một người
cởi mở nhưng mạnh dạn cải tổ
Khi Đức
Giáo hoàng Bênêdictô XVI tuyên bố từ chức tháng 1-2013, dư luận bàn tán về lý
do thoái vị của Ngài: do sức khỏe hay áp lực công việc? Rõ ràng sau chuyến công
du Mêhicô và Cu Ba năm 2012, Ngài thấy không còn đủ sức để đi Brazil dự Đại hội
giới trẻ năm 2013 nữa. Bác sĩ đã khuyên Ngài ở nhà. Nhưng cũng có lý do vì Ngài
thấy việc cải tổ của Giáo triều quá chậm chạp, không theo ý muốn. Diễn văn từ
nhiệm của Ngài nêu rõ: “Trong thế giới ngày nay, một thế giới có quá nhiều
thay đổi nhanh chóng liên quan sâu rộng tới đời sống đức tin. Để có thể cai
quản con thuyền của thánh Phêrô và công bố Tin mừng cần cả tâm trí lẫn thể xác
mạnh mẽ nhưng trong ít tháng gần đây, sức lực của tôi đã mất dần đến độ phải
thừa nhận sẽ không thể chu toàn sứ vụ được trao phó cho tôi”.
Ngày
28-2-2013, Đức Bênêdictô XVI chính thức từ nhiệm. Các Hồng y trong mật viện đã
bỏ phiếu và Hồng y Jorge Mario Borgglio, dòng Tên, người Argentina đã trúng cử,
sau lần bỏ phiếu thứ ba. Vị tân Giáo hoàng 76 tuổi, đã từng phẫu thuật cắt một
thùy phổi không hứa hẹn nhiều hy vọng lắm cho mọi người trừ người nghèo với
tước hiệu Phanxicô khó khăn. Nhưng chỉ ít ngày ở ngôi Giáo hoàng, Ngài đã làm
nên một hiện tượng phi thường (fenomena) như tờ Le Figaro đã gọi. Ngài không đi
xe riêng của Giáo hoàng biển công vụ đặc biệt của Vatican mà đi xe bus, không ở
biệt thự của Giáo hoàng mà vẫn ở nhà trọ Matta và trả tiền thuê đầy đủ, không
dùng điều hòa mà tự đốt lò sưởi, không thuê đầu bếp mà tự nấu ăn sáng, không tổ
chức sinh nhật hoành tráng mà ăn cơm với người vô gia cư và đi đâu cũng sẵn
sàng dừng xe lại để ôm hôn người bệnh tật, đau yếu.
Ngài có
một cô em gái là nữ tu, khi còn ở quê hương vẫn thường xuyên gặp nhau cuối tuần
nhưng khi cô em gái cũng như họ hàng, kể cả Tổng thống Argentina, muốn đến
Vatican để dự lễ đăng quang của Ngài thì Ngài từ chối, xin đừng đi, để tiền đó
cho người nghèo. Ngài thường đi thăm viếng những khu “ổ chuột” để chia sẻ với
người nghèo nên còn có danh hiệu “Giáo hoàng ổ chuột” (Papa villera).
Ngài chỉ
ra 15 “căn bệnh của Giáo triều” và bắt tay vào cải tổ.
Nhiều Ủy
ban được sáp nhập như Ủy ban Công lý và hòa bình, Cordium, Phát triển các dân
tộc, Thăng tiến các Kitô hữu thành Bộ cổ võ phát triển toàn diện con người. Bộ
giáo dân và gia đình, Bộ Truyền thông Vatican News, Bộ kinh tế cũng thế theo
nguyên tắc bình đẳng, tập trung và hiệu quả. Ngài lập nhóm cố vấn 9 Hồng y quen
gọi là nhóm G.9 thường xuyên nhóm họp để tư vấn cho Ngài. Tức là có xu hướng
chuyển cách quản trị từ các nhân qua tập thể. Ngài thẳng tay trừng phạt những
giáo chức có lối sống sa hoa như cách chức Giám mục giáo phận Lumburg (Đức) vì
tội xây Tòa Giám mục lộng lẫy. Tổng Giám mục J. Lowski ở Dominic cũng chung số
phận vì bị tố cáo lạm dụng tình dục. Trong số Hồng y được tấn phong trong triều
đại của Ngài người ta thấy đại diện của nhiều nước vốn có số giáo dân ít và
cũng là nước nhỏ như Lào, Myanmar, Panama, Việt Nam hay những nước đang phát
triển, chứ không chỉ ưu tiên dành cho châu Âu, châu Mỹ.
Thông
điệp “Laudato Si” (Bảo vệ ngôi nhà chung) của Ngài có ảnh hưởng tích cực trong
việc bảo vệ môi trường trái đất. Ngài lập ra ngày 1-9 hàng năm là ngày bảo vệ
môi trường và luôn phê phán các nước giàu vì lợi nhuận mà khai thác quá mức tài
nguyên thiên nhiên, lạm dụng khoa học công nghệ gây ra thảm họa cho ngôi nhà
chung của mọi người là trái đất. Tông huấn “Amoris Laetitia” (Niềm vui yêu
thương) đề cao sự tha thứ, rằng với tư cách Giáo hội Công giáo là mẹ hiền thì
không thể nào ngoảnh mặt nhìn con cái phạm tội ly dị, tái hôn mà không đau khổ…
Ngài phê phán việc một em bé, con ngoài giá thú, không được rửa tội khi bế đến
nhà thờ vì “Giáo hội không làm dịch vụ”.
Ngài mạnh
mẽ chống lại nạn khủng bố, buôn bán người, lạm dụng tình dục và trực tiếp dàn
xếp việc bỏ cấm vận của Hoa Kỳ với Cu Ba năm 2015, không ngại ngần khi đến
Myanma năm 2017 khi xung đột tôn giáo, sắc tộc ở đây đang căng thẳng, hay cùng
với Đức Thượng phụ Chính Thống Nga Kirill chung tay tìm giải pháp cho cuộc xung
đột ở Trung Đông… Vì vậy, Tạp chí Time đã chọn Ngài là nhận vật của năm
2013, còn Tạp chí Forbes đã xếp Ngài là nhân vật quyền lực thứ tư trên
thế giới sau Tổng thống Hoa Kỳ, Nga và Chủ tịch Trung Quốc.
Cũng là
nguyên nhân của những tranh luận
Tông huấn
Amoris Laetitia (Niềm vui yêu thương) được công bố ngày 19-3-2016 đem lại hy
vọng cho những người Công giáo trong tình trạng ly dị, tái hôn bao nhiêu thì
tiếng nói chống đối ngay ở hàng ngũ chức sắc cao cấp của Giáo hội cũng mạnh mẽ
không kém. Bốn vị Hồng y mà đứng đầu là Hồng y Raymond Burke (Hoa Kỳ) đã yêu
cầu Giáo hoàng Phanxicô phải giải thích một số luận điểm trong tông huấn mà các
vụ này cho là trái với giáo lý Công giáo truyền thống, nhất là luật bất phân ly
của hôn nhân Công giáo. Thậm chí, nhóm này còn tập hợp lấy chữ ký 45 học giả và
gây áp lực rằng họ sẽ làm to chuyện nếu Ngài không trả lời.
Chương 8
của Tông huấn bị phản ứng nhiều nhất. Ví dụ chú thích 301 viết: “Bởi thế
người ta không thể nói rằng tất cả những người đang ở trong hoàn cảnh “trái quy
tắc” là đang sống trong tình trạng tội trọng và mất ơn thánh hóa”. Nếu đọc
kỹ, Tông huấn nói đúng vì không phải “cứ đỏ ngỡ là chín”. Ngài nhắc nhở các
linh mục nên mở lòng Thương xót với hối nhân: “Tòa giải tội không phải là
phòng tra tấn, nhưng đây là cuộc gặp gỡ với lòng Thương xót của Chúa. Tôi cũng
muốn chỉ ra rằng Thánh thể không chỉ là phần thưởng cho người hoàn hảo nhưng là
thuốc chữa mạnh mẽ và là của nuôi người yếu đuối”. Nhưng những người chống
đối thì coi đó là sự ly giáo, chống lại giáo lý truyền thống nhất là luật “bất
phân ly” về hôn phối.
Khi trả
lời một phóng viên về thái độ của Ngài với những người đồng tính, Ngài trả lời:
Tôi là ai mà lên án họ? Lập tức dư luận bùng lên, coi đó là sự ủng hộ của Ngài
với giới đồng tính và hôn nhân đồng tính.
Một vấn
đề được coi là “điểm yếu” của Ngài khi chưa giải quyết được dứt điểm nạn lạm
dụng tính dục nơi giáo sĩ. Trước chuyến thăm Chi Lê của Ngài cuối năm 2017 vừa
qua, 8 nhà thờ Công giáo bị đốt phá, tòa Khâm sứ ở Santiago bị người biểu tình
chiếm giữ nhiều giờ để phản đối vụ Giám mục Juan Barros bị tố cáo là che giấu
linh mục nghĩa phụ F. Karadina, người phạm tội lạm dụng tính dục mà không bị
phạt. Giám mục J. Barros chẳng những không bị kỷ luật mà còn được trao nhiệm vụ
coi sóc Tổng giáo phận Osorno. Mới đây, ngày 1-3-2018, Giám mục John McAreavey
giáo phận Dromore của Ailen cũng phải viết đơn từ nhiệm vì cáo buộc che giấu
cho linh mục của trường S. Colman phạm tội ấu dâm.
Một vụ
việc khác đang ồn ào dư luận suốt thời gần đây liên quan đến quan hệ Vatican-
Trung Quốc. Dư luận cho rằng Vatican đã nhân nhượng quá nhiều khi yêu cầu hai
vị Giám mục trung thành với Vatican (thuộc nhóm hầm trú) ở Sơn Đông và Mông
Phụ, Trung Quốc phải nghỉ hưu, vị còn lại xuống làm phó cho vị Giám mục thuộc
Công giáo yêu nước. Tin tức cho biết, cuối tháng ba năm 2018, một thỏa thuận về
tấn phong Giám mục ở nước này sẽ được ký, trong đó Nhà nước Trung Quốc được chỉ
định nhân sự Giám mục, còn Giáo hoàng có thể bác bỏ ứng viên nếu thấy không đủ
tiêu chuẩn trong vòng 3 tháng.
Tòa thánh
sẽ công nhận thêm 7 vị Giám mục do Nhà nước phong trong đó có 3 vị từng bị Tòa
thánh buộc vạ tuyệt thông vì không có sự chuẩn y của Giáo hoàng. Đổi lại, Nhà
nước sẽ công nhận khoảng 20 Giám mục hầm trú. Hồng y Zen (Trần Nhật Quân),
nguyên TGM Hồng Kông cho rằng đó là “bán đứng giáo hội trung thành với
Vatican” và làm mất đi độc quyền phong Giám mục của Giáo hội. Vị Hồng y này
đã sang tận Rôma để đưa kiến nghị của nhiều nhân sĩ, giáo chức cả Hồng Kông,
Đài Loan yêu cầu Tòa thánh xem xét lại vụ việc, không nên nghe theo những cố
vấn không hiểu tình hình Trung Quốc. Đáp lại, Hồng y Pietro Parolin- Quốc vụ
khanh của Tòa thánh cho rằng:
“Tòa
thánh cố gắng tìm một cách tổn hợp sự thật và một cách thiết thực để đáp
ứng sự mong đợi hợp pháp của tín hữu bên trong và bên ngoài Trung Quốc. Tất cả
chúng ta cần cẩn trọng và chừng mực hơn để tránh bớt đi những lời than vãn, chỉ
trích làm tổn thương sự hiệp thông và lấy đi niềm hy vọng về môt tương lai tốt
đẹp hơn, bớt đi đau khổ cho các anh chị em tín hữu ở đất nước này”.
Một vài
vị Giám mục “hầm trú” như Đức Cha Phêrô Cận Lộc Cương hay Đức Cha Giuse Chu Bảo
Ngọc lại vui mừng thấy Trung Quốc đối thoại với Tòa thánh vì như vậy “Giáo
hoàng được thừa nhận” và sẵn sàng tuân phục thỏa thuận được ký kết.
Một phê
phán khác nhằm vào Giáo hoàng Phanxicô cho rằng Ngài thiếu cương quyết trong
quản trị. Bằng chứng là vụ Giám mục Peter Okpaleke ở giáo phận Ahiara,
Algieria. Vị Giám mục này được bổ nhiệm năm 2012 và là người thuộc bộ tộc Igbo.
Cho nên người của bộ tộc Mibase phản đối, không chấp nhận. Sự phản đối này kéo
theo cả hàng giáo sĩ khiến cho mục vụ ở đây tê liệt nhiều năm. Không có cuộc
phong chức linh mục, phó tế nào, không có trẻ em nào được chịu phép Thêm sức ở
giáo phận Ahiara. Nhằm chấn chỉnh kỷ luật, Ngài đã ra lệnh buộc tất cả các linh
mục ở đây phải viết bản cam kết vâng phục Giám mục P. Okpaleke trong vòng 30
ngày từ 9-6 đến 9-7-2017.
Quá hạn
này, linh mục nào không viết cam kết, coi như bị treo chén vĩnh viễn. Nhưng hết
hạn, chỉ có gần nửa số linh mục viết cam kết. Nhưng rồi cũng không thấy linh
mục nào bị phạt mà cuối cùng chính Giám mục P. Okpaleke lại viết đơn từ nhiệm “vì
thiện ích của Giáo hội” và được Ngài chấp thuận hôm 19-2-2018. Tòa thánh
cũng không bổ nhiệm vị Giám mục mới mà để cho vị Giám mục ở giáo phận Umualia
sang làm giám quản Ahiara.
Dù còn có
những tranh luận, nhưng Giáo hoàng Phanxicô đã để lại một dấu ấn không hề nhỏ
trong Giáo hội Công giáo và trên thế giới. Tín nhiệm của người Công giáo Hoa Kỳ
năm 2013 được hãng NBC và tờ Wall Street Journal cho biết có 88% ủng hộ Ngài.
Năm 2018, Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết con số đó là 90%.
Ts. Phạm
Huy Thông
No comments:
Post a Comment