Wednesday 21 March 2018

Lm Vĩnh Sang DCCT: DOCAT



Ngày 6.11.2015. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi đến các bạn trẻ thuộc Giáo Hội Công Giáo một cuốn sách mang tên DOCAT. “Do” từ động từ To do (Tiếng Anh) có nghĩa là làm, là hành động. Chúng ta hãy lắng nghe Đức Thánh Cha giãi bày:
“Động từ tiếng Anh “to do” là một phần của tên quyển sách. DOCAT trả lời câu hỏi: “Chúng ta nên làm gì?”; DOCAT như một cuốn cẩm nang giúp chúng ta thay đổi bằng Tin Mừng trước hết chính bản thân mình, sau đó hoàn cảnh xung quanh gần gũi nhất của mình, và cuối cùng là tất cả thế giới. Quả thật, với sức mạnh của Tin Mừng, chúng ta có thể thay đổi thế giới.” (Lời dẫn nhập Docat.)
Như vậy, có thể nói DOCAT là cuốn cẩm nang sống đạo giúp các Kitô hữu dấn thân trong xã hội để xây dựng một thế giới như lòng Chúa mong muốn. Sức mạnh của Tin Mừng làm thay đổi chúng ta, và qua chúng ta làm thay đổi thế giới được Đức Thánh Cha chia sẻ dó là:
“Chúa Giêsu nói: ‘Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy’. Nhiều vị thánh rúng động đến tận tâm can vì đoạn Thánh Kinh này. Nhờ đoạn này, thánh Phanxicô Assisi đã thay đổi toàn thể cuộc sống của mình. Mẹ Têrêsa đã thay đổi đời tu vì câu nói này. Còn Charles de Foucauld nhìn nhận: ‘Trong toàn bộ Tin Mừng, không có câu nào ảnh hưởng lớn đến tôi và thay đổi sâu sắc cuộc sống của tôi hơn câu này: “Tất cả những gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta’. Khi tôi suy niệm lời này phát ra từ miệng Chúa Giêsu, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, và cũng chính miệng đó đã nói rằng, ‘Này là Mình Ta… này là Máu Ta…’, thì tôi thấy rằng mình được kêu gọi để tìm kiếm và yêu mến Chúa Giêsu trong những người hèn mọn này, những người bé nhỏ nhất” (Lời dẫn nhập DOCAT).
DOCAT là sự diễn giải của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo. Học Thuyết Xã Hội Công Giáo xuất phát từ thế kỷ XIX, bắt nguồn từ sự chọn lựa của Giáo Hội Công Giáo đứng về phía người nghèo, người bị áp bức, bị bóc lột, coi thường phẩm giá con người mà nền cách mạng công nghiệp của thế giới gây ra (x. Lời đẫn nhập DOCAT trang 12 – Sách do Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chuyển ngữ – Nhà xuất bản Tôn Giáo 2017). Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã có sáng kiến biên soạn cuốn Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, và Ủy Ban Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình đã hoàn tất xuất bản năm 2004, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chuỷển ngữ – nhà xuất bản Tôn Giáo 2007.
Trong DOCAT chúng ta tìm được rất nhiều chỉ dẫn cụ thể cho hướng dấn thân của các bạn trẻ và cho cả công đồng tín hữu, xin nêu một danh mục nhỏ mang số 23:
23 Mục đích của học thuyết xã hội là gì?
Học thuyết xã hội có hai mục đích:
1. Nêu những đòi hỏi về hành vi xã hội đúng đắn như xuất hiện trong Phúc Âm.
2. Nhân danh công lý, lên án những hành động và những thể chế xã hội, kinh tế hay chính trị đi ngược lại với sứ điệp Phúc Âm.
Đức Tin Kitô giáo có một quan điểm rõ rệt về phẩm giá con người, và từ quan điểm này, Đức Tin Kitô giáo rút ra một số nguyên tắc, chuẩn mực, và nhận định về giá trị, mà có thể mang đến một trật tự xã hội tự do và công bằng. Dù các nguyên tắc của Học Thuyết Xã Hội có rõ ràng đến thế nào đi nữa, các nguyên tắc ấy vẫn cần phải được vận dụng thường xuyên vào các vấn đề xã hội hiện thời. Khi áp dụng học thuyết xã hội, Giáo Hội trở thành trạng sư của tất cả những ai, vì các nguyên nhân rất khác nhau, không thể lên tiếng và thường họ là những người bị ảnh hưởng nhất do những hành động và cơ chế bất công.
Như thế hẳn là đã quá rõ, chúng ta bị thôi thúc bởi Tin Mừng và trách nhiệm của chúng ta đã được DOCAT chỉ ra. Tất cả mọi Kitô hữu chúng ta đều có trách nhiệm dấn thân theo hướng Tin Mừng của Chúa. Nhất là những ai đã chọn công khai trước cộng đồng và trước mặt Hội Thánh về con đường ‘Đi theo Chúa” của mình với những lời cam kết đầy mạnh mẽ, với những bổng lộc dồi dào từ Hội Thánh ban cho. Còn chần chừ gì nữa?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 15.3.2018

No comments: