Thursday 22 March 2018

Lm Joe Mai Văn Thịnh: HẠT GIỐNG ĐI VỀ ĐÂU?


 
Kính thưa quí cụ, quí ông bà và anh chị em,

Trong bài Tin Mừng tuần trước, Thánh Gio-an đã diễn tả cho chúng ta biết về Tình yêu của Thiên Chúa như sau “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Có người cho rằng đây chính là toát yếu của toàn bộ Tin Mừng và cũng là trọng tâm của đời sống tín hữu.

Chúng ta còn được mời gọi suy gẫm và thực thi giao uớc Tình Yêu này trong cuộc sống. Tình yêu là cho đi, là ban phát. Thật vậy, Đức Giê-su là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại. Người đã đến để làm chứng cho Tình Yêu, không bằng chữ viết hay ngôn từ, nhưng còn bằng chính cuộc sống của Người. Cả cuộc đời của Người huớng về đích điểm đó, đích điểm diễn tả một cách thật cụ thể Tình Yêu Của Thiên Chúa, mà hôm nay theo Tin Mừng của Thánh Gio-an gọi là ‘giờ’.

Trong khi thi hành sứ vụ, bao nhiêu người đã ngộ nhận về mục tiêu, đích điểm, giờ của Đức Giê-su; nhưng Người luôn luôn nói: “Giờ Ta chưa đến”. Giờ mà Đức Giê-su đã tiên báo lần đầu tiên, khi xuất hiện trong tiệc cưới tại Cana. Giờ mà Người đến để Chúa Cha thành toàn và tôn vinh. Nhưng, trước tiên ngay bây giờ và cũng như trong mọi khoảnh khắc của sứ vụ, Người cần vâng phục trọn vẹn ý định của Chúa Cha. Nói như thế có nghĩa là mọi cử chỉ của Người, mọi thái độ và cách hành xử của Người đều hướng về giờ đó. Đức Giê-su ý thức và biết rất rõ các việc Người làm dẫn Người đến cái chết. Nhưng cũng chỉ vì việc này mà Người đã đến.

Thật là hào hùng và can đảm cho ai biết rõ việc mình làm sẽ đem đến tai họa cho bản thân; nhưng vì lợi ích của người khác mà Người vẫn hân hoan thực hiện chỉ để làm chứng rằng Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài cho chúng ta đuợc sống.

Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Người cuối cùng cũng phải xác định giờ đó sắp diễn ra. Người muốn nói ở đây là giờ nào vậy? Và, làm thế nào tâm tình của chúng ta có thể biến chuyển từ quan điểm cho rằng đó là thời điểm của thất bại. Tệ hại hơn, người ta còn coi như đó là giây phút của ô nhục và đáng khinh miệt. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì làm sao chúng ta có thể nhìn nhận giờ chết của một người sắp bị hành hình trên ghế điện hay là bị xử tử lại có thể là giây phút đem lại vinh quang cho người đó.

Lối suy nghĩ và đặt vấn đề như thế cũng không xa lạ gì với cách nhìn vấn đề về cái chết trên Thập Gía của những người cùng thời với Đức Giê-su. Đó là án chết dành cho các tử tội. Đức Giê-su không nằm chết giữa hai cây nến trên bàn thờ; nhưng là treo trên thập giá giữa 2 tên trộm cướp, nằm trên một ngọn đồi đầy sọ người mà người ta gọi là núi sọ.

Chết như thế mà dám gọi là vinh quang hay sao? Để đáp trả cho câu hỏi này, Đức Giê-su như một vị thầy khôn ngoan, Người đã không tiếp tục giải thích về sự nối kết giữa ‘giờ vinh quang’ và cái chết mà Người sắp đón nhận. Người dùng ví dụ mà nguời đuơng thời hay những ai có kinh nghiệm trong việc trồng cấy đều hiểu ngay điều Chúa muốn nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”

Ý nghĩa của ví dụ về sự phát triển của hạt giống trở nên rõ nghĩa hơn khi Đức Giê-su nhấn mạnh đến việc yêu thương và hy sinh cuộc sống mình vì lợi ích của người khác. Ai trong chúng ta cũng có trải nghiệm này là sống cho bản thân, chỉ lo cho mình là một lối sống tự diệt. Một Tình Yêu chỉ đuợc thăng hoa khi người đó dám yêu và dám sống cho người khác. Tuy đó là hy sinh nhưng sự hy sinh đó là việc cần thiết vì nó đem lại ích lợi cho tha nhân. Cho nên đó là một lối sống giầu có và đuợc thăng hoa để có thể chạm đến nguồn suối yêu thuơng của Thiên Chúa. Tất cả những điều đó đã được thể hiện qua cuộc sống từ bỏ, chấp nhận trong hân hoan để đuợc chết đi, trở thành bánh hằng sống nuôi dưỡng những ai đang đói khát nguồn ơn cứu thoát. Thật, đúng như thế, vì Thiên Chúa đã không sai Con của Ngài đến để luận tội và xét xử thế gian, nhưng nhờ Con của Ngài mà thế gian đuợc cứu thoát.

Như vậy, thưa anh chị em,
Qua tấm lòng vâng phục, ngay cả sự chết cũng không làm Đức Giêsu chùn bước; cho nên Thiên Chúa đã siêu tôn Người vuợt lên trên mọi sự. Nhưng, sao mà Đức Giê-su có thể vượt qua mọi sự, ngay cả nỗi cô đơn, vuợt qua muôn vàn thử thách, ngay cả sự chối bỏ của những người bạn cùng đồng hành với Người, để trung thành và chấp nhân sự chết như thế? Chỉ có một câu trả lời xác đáng rằng sức mạnh mà Đức Giê-su có được, hoàn toàn phát sinh từ mối dây hiệp thông mật thiết với Chúa Cha, chỉ muốn làm hài lòng Cha. Có nghĩa là cái chết của Đức Giê-su cho thấy tình yêu vô biên của Thiên Chúa trong Người, bởi vì Người sống hoàn toàn cho Chúa Cha và hoàn toàn cho thế gian.

Còn một điều khác vừa kỳ diệu vừa thách thức bản thân khi chúng ta lại đuợc nghe qua môi miệng của Chúa, Đấng sẵn sàng nối kết cái chết của chính Người vào với sự chết của mỗi người chúng ta. Vẫn biết rằng sự chết của Đức Giê-su chỉ một lần là đủ lắm rồi; nhưng không vì thế mà Chúa chỉ muốn chết một mình. Bởi vì, qua sự chết Người không bị biến mất nhưng thấm vào lòng đất để thông chia sự sống cho các hạt giống khác. Người tha thiết mời gọi chúng ta cùng tham dự vào sự chết của Người, như những hạt giống mà Thiên Chúa đã gieo trồng cần bị mục nát, cần chết đi để sinh hoa lợi cho người khác. Và như thế, chỉ những ai kết hiệp với Người khi phục vụ thì sẽ được Thiên Chúa chấp nhận và cho phép chia sẻ vinh quang với Con của Ngài sau này.

Đây là giây phút cao quí nhất của những ai theo và noi gương để chết đi như Đức Giê-su. Đây là giây phút tập trung lại tất cả những gì Đức Giê-su đã thực hiện khi còn sống và đuợc tiếp tục qua lối sống tự hạ của chúng ta là những người sẵn sàng chấp nhận mất đi cho nhau đuợc sống. Như Đức Giê-su, cuộc đời của chúng ta cũng đuợc dẫn đưa đến giây phút đuơc tôn vinh với Chúa.

Và trong tâm tình đó và cũng để kết thúc, tôi xin mời anh chị em cùng nhìn về một vài gương sáng.
Trước hết là cuộc đời của mục sư Martin Luther King. Ông là một con người đã dùng cả cuộc đời để tranh đấu cho quyền bình đẳng của người da đen; và sau cùng, ông đã bị ám sát chết vào ngày 4 tháng 4 năm 1968. Truớc cái chết vô cùng tang thương, trước sự mất mát thật to lớn của nhân loại; có ai trong chúng ta dám nói lúc ông bị ám sát là giây phút vinh quang của đời ông? Hay là chúng ta chỉ biết than khóc cho một con người đã hết lòng vì người khác. Đây phải chăng là một sự thảm bại mà ông phải chịu khi dám đứng ra để chống lại một thế lực quá lớn không hỗ trợ cho phép người da đen đuợc bình đẳng.

Tuy nhiên, ngày hôm nay sau 50 năm, chúng ta đều nhận ra một điều là qua sự chết, ông đã đạt đuợc giấc mơ dem lại quyền bình đẳng giữa người da mầu và da trắng. Đó chính là giây phút vinh quang mà ông muốn nhắm đến. Qua sự chết, ông đã truyền sức sống cho những hạt giống ở các thế hệ kế tiếp.

Qua sự chết của cố mục sư Martin Luther King làm chúng ta nhớ lại cái chết của vị cha già dân tộc Ấn là Mahatma Gandhi. Người ta cũng không thể quên cái chết của linh mục dòng Phan-xi-cô, cha Maximilianô Kônbê đã tình nguyện chết thay cho người bạn tù. Hoa quả của cái chết mà Ngài để lại là tình thân ái, yêu thương và chia sẻ của những người bạn tù còn sống sót trong trại giam. Ai cũng cảm phục và muốn noi gương vị Linh mục dòng Phanxicô, đã hy sinh mạng sống để cứu một người anh em.
Đó là những mẫu gương phi thuờng đòi hỏi một kết quả cũng phi thường. Nhưng đối với chung ta, hãy nhìn vào cuộc sống gia đình, chúng ta vẫn nhận ra rằng còn có những người cha và mẹ sẵn sàng hy sinh bản thân, chấp nhận là người thua cuộc chỉ vì họ yêu con cái của họ và người bạn đuờng hơn yêu chính bản thân.

Còn bao nhiêu người đang âm thầm chết để bộc lộ tình yêu và gầy dựng tương lai cho các thế hệ mai sau. Trong Chúa, họ rất đáng được ca ngợi và tôn vinh.

Lm Joe Mai Văn Thịnh

No comments: