Thursday 22 March 2018

Lm Joe Mai Văn Thịnh: TÂM TÌNH TUẦN THÁNH



Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta buớc vào Tuần Thánh. Đây vừa là nền tảng vừa là cao điểm trong cuộc sống mà chúng ta cần nhắm đến. Vẫn biết rằng, chúng ta không chỉ được mời gọi để đồng hành và chia sẻ sự chết của Con Chúa mà thôi. Với lòng xác tín, qua sự chết của chính mình, chúng ta cũng sẽ đuợc thông hiệp vào giây phút mà Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Ki-tô trong Mầu Nhiệm Phục Sinh mà chính Người đã lĩnh nhận và chia sẻ cho chúng ta.

Trong tuần này, chúng ta sẽ sống cùng với Đức Giê-su hiên ngang buớc vào Tuần Thuơng Khó. Cùng với Đức Giê-su, chúng ta can đảm và mạnh dạn bước vào ‘thời điểm – giờ’ của Thiên Chúa. Vì chúng ta biết rằng qua đó, Thiên Chúa sẽ bộc lộ trọn vẹn mối tình của Thiên Chúa cho chúng ta như thế nào!
Tất cả đều vì yêu.

Truyện kể rằng: Có ông chồng kia thật là diễm phúc khi đuợc vợ cùng đến văn phòng bác sĩ để khám bịnh. Sau khi kiểm tra sức khỏe cho ông, các bác sĩ mới gọi người vợ vào văn phòng rồi báo cho bà nhà biết rằng: “Thưa bà, chồng của bà đang bị căng thẳng, tình hình rất nghiêm trọng. Nếu bà không làm những điều mà chúng tôi đề nghị sau đây, hẳn nhiên ông nhà nhất định sẽ chết.” Nghe thấy thế, bà ta nhanh chóng nói:

 “Thưa bác sĩ, hãy nói cho tôi biết những việc mà tôi cần làm”. Bác sĩ trả lời, “mỗi buổi sáng, bà hãy chuẩn bị cho ông một bữa ăn sáng lành mạnh; ban trưa bà cố nấu những món gì mà ông thích và trong bữa ăn tối, bà và con cái hãy tạo cho ông cảm nhận tình yêu và sự hỗ trợ của gia đình qua bữa cơm tối. Bà hãy nhớ là đừng chất thêm gánh năng hay tạo sự căng thẳng trong cuộc sống ông. Quan trọng nhất, đừng cằn nhằn ông nhà. Nếu bà có thể làm các điều này trong khoảng thời gian từ 10 tháng đến một năm thì sức khỏe của ông sẽ hồi phục hoàn toàn.”

Trên đường về nhà, người chồng nhìn thấy vẻ mặt trầm tư và đau khổ của vợ mới hỏi “các bác sĩ đã cho em biết về tình trạng sức khỏe của anh như thế nào?” Bà nhìn chồng mình rồi nói: “Anh yêu ơi! họ nói rằng darling của em ơi, anh sẽ chết.”

Câu chuyện dừng lại ở đó và không có kết luận.
Như người vợ trong truyện kể, anh chị em chúng mình sẽ chọn lựa thế nào để diễn tả một cách thật cụ thể tình yêu của mình với những người đang chung chia cuộc sống với mình đây?

Yêu mà không thể hiện bằng hành động thì tình yêu đó rồi cũng mai một đi và dẫn con người đến nấm mồ mà thôi.

Lẽ ra, trong cuộc đời và nhất là Tuần Thánh này, chúng ta cố gắng sống và trao ban cho nhau trọn vẹn lòng yêu mến của Đấng đã trao cho chúng ta quà tặng tình yêu đó. Nhưng, thực tế chúng ta lại mang lấy tâm trạng của những kẻ nhút nhát và phản bội như các môn đệ: ông này chối Chúa, ông kia bán Người; lại có ông bỏ rơi Người trong giây phút Nguời cần sự đồng cảm và hỗ trợ của các ông… Rồi chúng ta cũng có thể lại đồng ý với dã tâm và lòng thâm độc của các nhà lãnh đạo tôn giáo, đã bày mưu giết Người; rồi một cách nào đó, chúng ta cũng đồng ý với các hành động tàn nhẫn của quân lính khi hành hình Chúa tôi!

Những cực hình về mặt thể xác và tinh thần mà Đức Giê-su đón nhận một cách hiên ngang và tự nguyện vì yêu thuơng sẽ không làm cho cảnh vật buồn thảm hơn.

Vào tối thứ Năm, đôi bàn tay của Chúa đã rửa và lau sạch mọi thứ bụi trần còn dính vào đôi chân của những kẻ theo Người. Việc làm này không chỉ nhấn mạnh đến tinh thần phục vụ như một người tôi tớ; nhưng qua nghĩa cử yêu thuơng hạ mình thâm sâu đó, Người muốn phá tan mọi hàng rào ngăn cách giữa thầy và trò, chủ và tôi tớ, người với người.

Rồi sang ngày thứ Sáu, Đức Giê-su đã dâng hiến tinh thần, thân xác và sứ vụ của Người như lễ vật hy sinh vào tay Chúa Cha. Người mở tay ra để trao phó, còn đôi bàn tay của Thiên Chúa, Cha Người cũng mở ra để đón nhận. Một giao uớc được ký kết, giao ước của Tình Yêu nói lên đích điểm của việc trao ban và đón nhận. Giao Uớc này thay thế cho mọi giao ước trước. Vì thế, ngày thứ Sáu sẽ không còn là ngày buồn thảm và tang thương như một số người chủ truơng. Nhưng đó là “Good Friday – Ngày Thứ Sáu Tốt-Đẹp.”

Trong ‘ngày và giờ’ đó tình yêu của Chúa được thể hiện một cách thật trọn vẹn qua con đuờng Người đã đi.
Sự thinh lặng trong ngày thứ Bẩy Tuần Thánh nhắc cho chúng ta biết về thân phân ‘bó tay’ của mình: không còn đường nào để đi, không còn lối nào để thoát. Nhưng, chính vào lúc đó Thiên Chúa lại ra tay làm việc và can thiệp vào tình trạng ‘bó tay’ của nhân loại và của riêng chúng ta.

Vì thế, các nghi thức phụng vụ mà chúng ta cử hành trong những ngày này, cách xử thế trong cuộc đời và lối sống đạo của chúng ta rất cần đuợc dẫn dắt bởi mối tình cao cả mà Con Thiên Chúa đã thực hiện.

Vẫn biết là sống đạo như thế mới là sống đích thật. Nhưng trở về để đối diện với thực tế, tôi tự hỏi mình rằng: đã bao lần tham dự các nghi thức trong Tuần Thánh, đã bao lần suy niệm về con đuờng Thập Tự của Đức Giê-su; thế mà các biến cố đã xẩy ra trên con đuờng của Chúa, nhất là sự chết của Người đã có ảnh hưởng gì trên hành trình niềm tin và lối sống đạo của tôi?

Rồi lại, nếu nay mai có người hỏi tôi rằng: anh hay chị đã yêu Chúa như Chúa yêu chưa? Có lẽ, chẳng có mấy người trong chúng ta dám mạnh dạn trả lời ‘có’. Giả như có một số người thật dũng cảm khi trả lời có thì câu trả lời ‘có’ đó cũng chỉ là từ ngữ; bởi vì, sau đó khi được yêu cầu liệt ra các việc làm cụ thể của yêu thương thì chúng ta lại ấp úng, rồi cười xoà cho xong.

Nhưng nếu nói về việc phê phán hay nhận định về cách thế bộc lộ tình yêu và lòng mến của người khác thì chúng ta giỏi lắm. Rồi vẫn còn một số người thường ‘suy bụng ta ra bụng người’ nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để tìm ra ý nghĩa sâu sắc của viêc làm nào đó của tha nhân!

Hãy nhớ lại. Mary, chị của Lazarô đã dùng dầu thơm hảo hạng để xức chân Đức Giêsu; thế mà cũng có người cảm thấy bị xúc phạm rồi phê phán ‘thật là hòai của và lãng phí, tại sao lại không dùng tiền đó mà cho người nghèo!’ Với Chúa thì khác, Người nhìn thấy tấm lòng của chị ta. Chúa xác định một cách thật chắc chắn rằng, hãy để chị ta làm việc của chị ấy, đừng xía miệng vào chuyện của người khác. Việc làm của cô thật tuyệt diệu; qua hành vi này cô đã bộc lộ tấm lòng quí mến của cô dành cho Thầy.

Chúng ta nên đến với nhau bằng tấm lòng độ luơng và đôi tay mở ra, chứ đừng hoài nghi hay phê phán các việc tốt của người khác đã và đang làm. Trái lại, chúng ta cũng không nên quá cẩn thận và e dè khi cần làm một điều thiện cho tha nhân. Tất cả đều đuợc đánh giá bằng lòng yêu mến. Hành vi của lòng nhân hậu phát sinh bởi ý ngay lành đều là những hành vi Thánh Thiện. Những gì càng nhỏ bé và dấu kín và một khi được bộc lộ thì giá trị càng cao. Sự thánh thiện đích thật thường được giấu trong cái vỏ bình thường bên ngòai. Và với lòng yêu mến, việc phục vụ tha nhân chính là phụng sự Thiên Chúa vậy.

Với tâm tình như thế, cầu chúc anh chị em buớc vào Tuần Thánh với tấm lòng yêu mến để múc thêm năng luợng mà phục vụ và trở thành của lễ cho Thiên Chúa và sinh nhiều ích lợi cho nhau.


No comments: