Trong những
ngày vừa qua, mạng xã hội ồn ào với một vài biến cố thời sự. Trước hết là cảnh
một viên cảnh sát giao thông thổi còi kiểm tra người đi đường, ông này xuất
trình bằng lái quốc tế do cơ quan giao thông của nước Đức cấp, phản ứng của
viên cảnh sát rất cương quyết với lời khẳng định: “Bằng lái quốc tế không có
giá trị ở Việt Nam”. Và viên cảnh sát này dứt khoát tịch thu giấy tờ tùy thân
và giam xe “theo luật định”, sự kiện này xảy ra ở thành phố mang tên… HCM!
Sự kiện thứ hai là một tai nạn xảy ra trên một đường cao tốc ở Hà Nội.
Chiếc xe cứu hỏa kéo còi chạy từ đường nhánh lao vào đường cao tốc, chạy ngược
chiều ngay trên làn đường bên trái dành cho xe có vận tốc cao nhất khi di chuyển,
một chiếc xe chở hành khách khác đã lao trực diện vào đầu xe cứu hỏa và tai nạn
thảm khốc đã xảy ra.
Hai biến cố
thời sự gây tranh cãi trên mạng xã hôi rất nhiều, báo chí ở Việt Nam đã có những
bài nêu quan điểm của báo chí cũng như đăng tải lời giải thích và kết luận của
các cơ quan công quyền, tuy nhiên phản ứng của dư luận một cách công khai trên
mạng xã hội đã khiến cho các cơ quan công quyền liên quan thay đổi kết luận
hoàn toàn ngược lại với kết luận công khai ban đầu.
Nhiều ý kiến
đã phân tích cho thấy giá trị tích cực của mạng xã hội trong việc gây ý thức
cho người dân và “quyền lực thứ tư” (quyền lực của báo chí) có những giá trị thực
sự của nó. Mạng xã hội không chỉ toàn nguy hiểm như một vài nhà luân lý xã hội
trình bày hoặc do các cơ quan tuyên truyền lo sợ. Vấn đề ở chỗ chúng ta đã sử dụng
mạng xã hội ra sao.
Với kết luận
ban đầu của các cơ quan công quyền, lỗi luôn luôn được đổ về phía người dân.
Trong sự kiện tịch thu bằng lái quốc tế, viên trung tá cảnh sát giao thông, người
có trách nhiệm điều hành, giải thích rằng do áp lực công việc và do phản ứng
gay gắt của người cầm bằng lái khiến cho viên cảnh sát lúng túng rồi có quyết định
như vậy, nghĩa là những gì xảy ra không do lỗi của viên cảnh sát giao thông mà
lỗi là do người dân, người dân giao thông quá nhiều nên gây áp lực lên công việc
của cảnh sát, và người dân đã phản ứng quá nặng khiến cho viên cảnh sát mất
bình tĩnh.
Còn về tai
nạn xe cúu hỏa, người trách nhiệm cao trong ngành Phòng Cháy Chữa Cháy khẳng định
xe cứu hỏa đúng và tài xế xe khách sai, họ vịn vào luật ưu tiên cho xe cứu hỏa
để kết luận như vậy, thậm chí viên sĩ quan cao cấp này còn lên gân: “Lái xe cứu
hỏa làm theo mệnh lệnh của trái tim”!
Nhớ lại sự kiện luật sư trẻ An Phong tuy rất giỏi nhưng đã thua trong một
vụ kiện, vụ thua kiện làm xoay chuyển cuộc đời của An Phong, thua vì luật được
giới quý tộc giàu có soạn thảo, luật luôn được soạn để bênh vực giới soạn ra
nó, An Phong đứng về phía người nghèo nên An Phong thua là điều hiển nhiên.
Trong một số các nguyên tắc của luật pháp, suy đoán vô tội là một nguyên
tắc được quốc tế nhìn nhận và đó là một nguyên tắc đầy nhân văn, tiến bộ và tôn
trọng con người. Suy đoán theo hướng vô tội là một nguyên tắc mà trong quá
trình thụ lý hồ sơ tội phạm mọi người phải tôn trọng, bao lâu chưa tìm được chứng
cứ chính xác và bao lâu tòa án với tư cách là cơ quan tư pháp độc lập chưa kết
luận, người bị thụ lý phải được đối xử như một người vô tội và mọi tiến trình
điều tra đều phải suy đoán theo hướng vô tội.
Ở Việt Nam lâu nay họ làm ngược lại, đã có một thời chỉ cần anh CA khu vực
gọi thôi thì cũng đã là tội phạm rồi, chỉ cần bị gọi ra trụ sở CA phướng thôi
thì cũng đã lãnh đủ những lời kết tội, hạch xách, thậm chí tra tấn cho đến… “tự
tử trong đồn CA”! Gần đây nhờ ý thức pháp luật của người dân, “bị cáo” ra trước
vành móng ngựa mới được mặc thường phục. Trước đây, dù chưa có kết luận của tòa
án nhưng bị cáo đã có số tù và mặc áo tội phạm! Bị gọi đương nhiên là tội nhân,
mất hết tất cả các quyền con người!
Không chỉ
trong xã hội mà ngay cả trong nếp sống Đạo của chúng ta, không biết tự bao giờ
chúng ta say sưa kết án người khác, thí dụ: chúng ta dùng những từ ngữ mang
tính miệt thị và kết án một số hành vị hoặc cuộc sống của chính đồng đạo của
chúng ta: Rối, bất hợp pháp, mất phép thông công, vạ tuyệt thông… Những kiểu sống
mà chúng ta vừa miệt thị trên, trong
Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu, ở Chương 6 về Hội Thánh, dùng các chữ: “Những
gia đình có hoàn cảnh khó khăn”. Hoặc những cuộc sống chung mà chúng ta gọi là:
già nhân ngãi non vợ chồng, sống thử, sống chung, tái hôn, … Tông Huấn Niềm Vui
của Tình Yêu trong Chương 8 gọi là “những cuộc hôn nhân bất quy tắc”. Ngay cách
đặt tên đã cho thấy hướng suy đoán vấn đề của chúng ta, kết án hay cứu?
Trong Tin
Mừng Thứ Tư, Chương 13 câu 17 Chúa Giêsu nói: “Thiên Chúa sai Con của Người đến
thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người
mà được cứu độ”. (Tin Mừng Chúa Nhật thứ 3 Mùa Chay năm B).
Rõ ràng Thiên Chúa đến để cứu thế gian, bởi thế, khi đối diện người phụ
nữ thành Samari, Chúa không chê trách, không lên án lối sống của bà, nhưng Chúa
giải thoát bà, làm cho bà được vui mừng và trở nên người loan báo tin vui cho cả
làng. Khi chạm trán với cơn thịnh nộ của đám dân đang cuồng nhiệt kết án người
phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu dội gáo nước lạnh vào lửa
hủy diệt làm tắt ngúm những cái đầu kết án, rồi giải thoát chị khỏi cái chết
“theo luật định” để từ nay đừng pham tội nữa. Giữa những lời kết án cay nghiệt
của giới luật sĩ và Pharisêu, trong những ngày hưu lễ (sabbat) Chúa thản nhiên
chữa lành cho nhiều người què quặt, đui mù, phong hủi, … chỉ vì Chúa muốn cứu
chứ không muốn tiêu diệt.
Chỉ vì muốn
tiêu diệt, chỉ vì lòng hận thù, chủ chương kết án, người ta đã giết bao nhiêu mạng
người và đẩy cả một dân tộc xuống hố của sự chết. Người tin vào Chúa. hết lòng
theo gương Chúa thì tìm cách cứu vì: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian,
không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ con của Người mà được
cứu độ”.
Chúng ta
là con của Chúa, chúng ta không thể sống khác!
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
23.3.2018
No comments:
Post a Comment