Monday 29 May 2017

Lm Vĩnh Sang DCCT : SAO CÒN ĐỨNG NHÌN TRỜI?


Những ngày kế tiếp sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi, các thanh niên miền Nam rất hoang mang, nỗi khiếp sợ cứ từ từ tuôn đến, không như những gì đã nghe, ngay cả đã thấy trong biến cố Tết Mậu Thân. Không có tiếng súng thanh toán, nếu có thì không nhiều, không có rút móng tay các cô, không có ép lấy thương binh què cụt, không có…
Thế nhưng từng đoàn anh em, bạn bè và cả người thân nữa, lên đường đi "học tập cải tạo", lệnh chỉ cần mang theo lương thực 10 ngày, vậy mà biền biệt vô âm tín nhiều năm dài.
Không rút móng tay nhưng có cắt ống quần loe, có xén tóc dài bởi “bọn 30 tháng 4” đứng ở mọi nẻo đường hung hăng hành động. Không bắt bớ công khai nhưng những chiến dịch lần lượt ra đời: đốt sách “văn hóa đồi trụy”, đánh tư sản mại bản, quốc hữu hóa các Dòng Tu…
Từng đoàn xe vận tải chở người Sàigòn ngậm ngùi đi Kinh Tế Mới trong nước mắt. Không thấy đấu tố nhưng lại có những phiên họp tổ dân phố thâu đêm để gạch tên, duyệt xét lý lịch tùng người dân ở mọi ngóc ngách.
Không biến Sàigòn thành biển máu nhưng Sàigòn quằn quại chuyển mình thành một thành phố chết khi mọi nẻo đường đều bị "ngăn sông cấm chợ", không một hạt gạo, không một hạt đậu nào lọt được vào thành phố.
Không ép phải lấy thương binh què cụt nhưng trong cơn túng quẫn, một số vợ sĩ quan đã nhắm mắt đưa chân, để rơi vào tay những cán bộ có quyền, ngay cả anh lơ xe cũng "chụp" được vài bà vì có thế mới dấu được hàng nông sản cứu đói đàn con…
Dân Sàigòn ngơ ngác thất thần như chưa kịp hiểu những gì đang xảy ra….
Giữa nhưng hoang mang chưa định được hướng sống, chúng tôi tham dự các buổi hội thảo mở ra để trấn an và kể cả ru ngủ thành phần trí thức, thành phần Tu Sĩ như chúng tôi. Hôm ấy tại hội trường Regina Mundi ( đường Công lý, nay là trường Lê Thị Hồng Gấm đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ), các diễn giả ra sức thuyết phục chúng tôi an tâm “tin tưởng vào cách mạng”, nỗ lực “xây dựng xã hội mới”.
Một diễn giả là Linh Mục ra vẻ là "Công Giáo yêu nước", đã "vận dụng tài tình" một câu Kinh Thánh trích trong sách Công Vụ Tông Đồ, thường được đọc trong lễ Chúa Thăng Thiên: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời ?” ( Cv 1, 11 ). Bài diễn thuyết của ông có ý nói, xã hội đã thay đổi rồi, đừng ngoái nhìn lại mơ màng quá khứ, đừng nuối tiếc những gì đã qua, hãy sống thực tế hôm nay, cuối bài ông còn nhấn mạnh ý tưởng, chúng ta cầu nguyện xin Chúa ban hòa bình, nay hòa bình rồi còn kêu ca gì nữa ! Vài năm sau, ông thức tỉnh không nhìn trời nữa, quay ra lên tiếng phản đối chính sách chế độ mới, bây giờ ông đã qua bên kia thế giới để nhìn xuống chứ không nhìn lên nữa.
Lễ Chúa Thăng Thiên năm nay ( 2017 ), 42 năm đi qua, vẫn Lời Chúa năm xưa, lời bảo chúng ta: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời ?” Chúa bảo chúng ta hãy nhìn vào thực tế cuộc sống, hãy mở mắt để thấy nỗi đau thương của dân tộc, của người nghèo, mở to mắt để thấy bất công, gian ác và bạo tàn đang tàn phá đất nước, thấy đất nước tụt hậu, đi sau cả những dân tộc nhỏ bé ngàn đời đã ở mức thấp hơn chúng ta ( Lào và Cambodia ). Đừng mơ màng nhìn trời, đừng bay bổng nói chuyện trên trời, đừng tránh né sự thật, trốn tránh thực tại và hèn nhát lẩn trốn nữa.
42 năm hòa bình, bỗng hôm nay lời Đức Thánh Cha Phanxicô lại đưa ra nhận định hết sức bình dị, dễ hiểu và lý giải cuộc sống:
“Hoà bình trong xã hội không thể được hiểu như là sự bình định hay vắng bóng bạo lực do sự thống trị của một bộ phận xã hội trên các bộ phận khác. Hoà bình thực cũng không phải là cái cớ để biện minh cho một cơ cấu xã hội làm cho người nghèo phải câm miệng hay chịu cam phận, để cho những kẻ giàu có hơn có thể ung dung hưởng thụ nếp sống của họ đang khi những người khác phải cố sống được thế nào hay thế ấy.
Những đòi hỏi về sự phân phối của cải, sự quan tâm tới người nghèo và các quyền con người không thể được dập tắt bằng cái vỏ bọc tạo ra một sự đồng thuận trên giấy tờ hay một thứ hoà bình tạm bợ cho một thiểu số mãn nguyện. Phẩm giá con người và công ích giữ vị trí cao hơn sự tiện nghi của những người không chấp nhận từ bỏ những đặc quyền của mình.
Khi những giá trị này bị đe doạ, cần phải gióng lên một tiếng nói tiên tri.” ( Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng số 218 ).
Tiếp theo Lời của Chúa, Đức Thánh Cha nhắn nhủ người Kitô hữu, đặc biệt hàng Giáo Sĩ mang sứ mạng Tiên Tri: “Phẩm giá con người và công ích giữ vị trí cao hơn sự tiện nghi của những người không chấp nhận từ bỏ những đặc quyền của mình. Khi những giá trị này bị đe doạ, cần phải gióng lên một tiếng nói tiên tri.”
Đừng mơ màng nhìn trời nữa !
Lm. VĨNH SANG, DCCT 26.5.2017

No comments: