"NGƯỜI ĐI QUA ĐỜI
TÔI…"
( Tựa đề một tình ca của Phạm Đình Chương )
( Tựa đề một tình ca của Phạm Đình Chương )
Chiều thứ ba ngày 2 tháng Năm, tôi có
một buổi chiều tối với các em con người chú, chú và thím đã qua đời cách đây
vài năm, các em muốn tôi thăm gia đình để họp mặt và chia sẻ tình thương với
nhau, cho con cháu biết và có dịp gặp gỡ bác. Cô con gái lớn của chú làm bác sĩ
ở một bệnh viện lớn trong thành phố đã nghỉ hưu, hiện đang làm theo hợp đồng.
Thế nhưng buổi họp mặt phải ngưng lại sớm vì các em cùng bạn bè gọi nhau ra phi
trường đón thi hài cha giáo Giuse Maria Đỗ Đình Ánh. Sở dĩ có việc này vì các
em từng là những giáo lý viên của Giáo Xứ thời cha giáo Giuse Maria Đỗ Đình Ánh
lãnh sứ vụ Linh Mục rồi về làm phó xứ phụ trách Thiếu Nhi và Giáo Lý.
Tin cha giáo Giuse Maria về với Chúa đột
ngột trong chuyến đi làm việc tại Nhật nhanh chóng loan đi trong Tổng Giáo Phận
Sàigòn, theo chương trình thì thi hài của ngài về Việt Nam sáng sớm ngày thứ
sáu 28 tháng Tư, nhưng do chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết nên tối ngày 2
tháng Năm mới về đến Tân Sơn Nhất. Các em của tôi vì tình mến thương và mối
tương quan mật thiết với ngài đã dành cho ngài những cảm tình nồng hậu tiếc
thương.
Hiểu biết những khó khăn do việc tôi lãnh
nhận sứ vụ Linh Mục trong âm thầm, cha cố Đa Minh chánh xứ nhà, nơi cha mẹ tôi
cư ngụ, đã đón nhận tôi về phục vụ trong Giáo Xứ như một người con tinh thần của
ngài, nơi đây tôi được tôi luyện và trải nghiệm mục vụ dưới sự dẫn đắt dày dạn
kinh nghiệm của cha cố, cũng nơi đây tôi được gặp gỡ cha giáo Giuse Maria, sống
chung với cha giáo trong những năm đầu sứ vụ Linh Mục của cả tôi và ngài.
Xuất
thân từ Hội Dòng Salésien trước khi gia nhập Chủng Viện, cha giáo Đỗ Đình Ánh
và tôi nhanh chóng thiết lập tương quan theo tinh thần Tu Sĩ và đời sống cộng
đoàn giữa môi trường Giáo Xứ, Giáo Phận. Những năm tháng ấy cha giáo Giuse
Maria để lại trong tôi hình ảnh người Tu Sĩ khiêm tốn, tận tụy và nhiệt thành với
đàn chiên Chúa giao. Hai mươi lăm năm trôi qua, những Giáo Lý Viên ngày xưa nay
đã cao tuổi như cô em tôi và những Linh Mục, Tu Sĩ, bạn bè của cô vẫn dành cho
ngài những cảm tình kính yêu đã chứng minh điều đó.
Trong số các bạn trẻ tham gia việc
Giáo Lý của Giáo Xứ có những người đã dấn thân vào đời tu cũng như sứ vụ Linh Mục.
Nhớ ngày ấy, cha giáo Giuse Maria như đã tạo ra một nếp sống có phần khắc khổ
khiến nhiều lần cha cố kêu lên trách mắng các bạn trẻ học theo kiểu cha giáo sẽ
bị mất sức. Những lần ngồi vào bàn ăn, cha giáo chỉ ăn rau, nước mắm với cơm,
nhưng lại chia sẻ và mời cha cố cùng chúng tôi ăn các món ăn có phần ngon hơn của
bàn ăn, cha cố vừa thương vừa trách: “Ông Ánh chỉ ăn rau mà mời người ta ăn thịt”
! Khá nhiều các bạn trẻ “theo kiểu ông Ánh” ngày nay đã là Tu Sĩ, Linh Mục của
Giáo Hội.
Nhiều lần tôi chứng kiến một số các bà
mẹ lớn tuổi vào gặp cha cố than phiền về việc cha giáo quá dễ dãi với bọn trẻ để
nó đùa giỡn, nghịch ngợm với ngài, cha cố chỉ cười và trả lời “để tôi nói với
ông ấy”. Không biết cha cố có nói riêng hay không nhưng mối tương quan giữa
"ông ấy" và các em bé vẫn cứ hồn nhiên và thân thiết, chúng chạy
quanh ngài đùa vui giữa sân Nhà Thờ, chúng hò hét ngoài hành lang cửa phòng
ngài, chạy cả vào phòng ngài chơi trốn tìm, ồn ào cả một góc nhà xứ, có lần cha
cố bảo: “Hễ cha phó về là biết ngay”. Nhớ lời Cha Thánh Dom. Bosco nói: “Hãy lấy
đi tất cả nhưng trao trẻ nhỏ lại cho tôi”.
Là một Linh Mục chịu chức “chui”, được
tham gia mục vụ tại Giáo Xứ nhà, tôi nhận được tình huynh đệ chan hòa khiêm tốn
đầy yêu thương của cha phó xứ, trên dưới ba năm sống với nhau, chúng tôi không
hề có điều gì phiền lòng nhau, những vấn đề khó khăn của cuộc sống chúng tôi
chia sẻ và bàn bạc nâng đỡ nhau tận tình. Không chỉ cá nhân tôi, có ít nhất hai
ba Linh Mục khác đồng cảnh ngộ như tôi đã được vào Giáo Xứ dưới sự bảo trợ của
cha cố để làm mục vụ bên cạnh cha phó Giuse Maria và được ngài đón nhận trong
yêu thương chan hòa. Chúng tôi thân thiết với nhau cho đến ngày hôm nay.
Cha giáo Ánh về Đại Chủng Viện, sau đó tu học tại Rôma, chúng
tôi xa nhau, nhưng khi tôi có dịp đến Rôma để làm việc hoặc tham dự các khóa tu
nghiệp, chúng tôi lại gặp nhau, vẫn tính tình đôn hậu, vẫn cung cách khiêm tốn,
vẫn tinh thần khắc khổ, cha giáo thăm hỏi, chia sẻ và nâng đỡ tôi rất nhiều. Rời
Rôma, cha Ánh về lại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn, rồi sang làm Thư Ký Văn
Phòng Tổng Giám Mục.
Thời điểm này chúng tôi bắt đầu lâm
vào tình cảnh khó khăn của Tỉnh Dòng, một trong những điều quan trọng là làm
sao biết được lập trường, ý kiến thật của vị mục tử đứng đầu Tổng Giáo Phận, những
biến chuyển tại nơi điều hành Tổng Giáo Phận, về những biến cố căng thẳng giữa
anh em chúng tôi trong công cuộc lên tiếng về công lý, công bằng và tự do.
Với công việc đang đảm nhận, cha Ánh
là người có thể nói nắm khá vững về những điều tôi bận tâm. Nơi ngài, tôi nhận
được sự chia sẻ, đồng cảm thật khiêm tốn, ngài nâng đỡ tôi quá nhiều, ngài ủng
hộ chúng tôi trong lập trường dấn thân, thậm chí khuyến khích chúng tôi vững dạ
an lòng với ơn gọi đã được chọn lựa, ngài cam kết tiếp tục cầu nguyện cho chúng
tôi. Ngài bảo tôi rằng: “Trong Giáo Hội phải có người nói chứ, các đấng im lặng
nhưng ủng hộ việc của các cha đấy”.
Lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau lâu
giờ nhất và nói chuyện nhiều với nhau, đó là lúc chúng tôi hẹn nhau vào mừng
cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng trước ngày lãnh sứ vụ Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận
Sàigòn, thay mặt gia đình thiêng liêng, cha giáo Giuse Maria đã chúc mừng vị
tân cử, tôi vẫn nhận ra nét khiêm tốn, giản dị, yêu thương và nồng hậu nơi cha
giáo Giuse Maria.
Trong thân phận
con ngườì không ai thoát khỏi tội lỗi, tôi không vội “phong thánh” cho cha giáo
Giuse Maria Đỗ Đình Ánh, nhưng vào ngày Hội Thánh cầu nguyện và thúc đẩy ơn gọi
dâng hiến đời Linh Mục, hình ảnh Chúa Giêsu, Người Mục Tử nhân lành, khiêm tốn,
hiền hòa, tận tụy với đoàn chiên, thấp thoáng trong gương mặt người anh em tôi
vừa được Chúa gọi về, tôi chia sẻ đôi dòng này với ngài và với mọi người như một
lần quyết tâm cố gắng học nơi Thầy Chí Thánh Giêsu tấm gương mục tử nhân lành.
Xin cầu nguyện cho anh em Mục Tử chúng
tôi.
Lm.
VĨNH SANG, DCCT, 6.5.2017
No comments:
Post a Comment