Tuesday 9 May 2017

Lm Edward Schillebeekx Thần Học Gia toại nguyện: Bài 6 Nhớ về Công Đồng Vatican 2



Thần-học-gia toại-nguyện,
người đó chính là tôi

*
Nhớ về Công Đồng Vatican 2



Nay, tôi có thể ăn nói một cách tự-do phát xuất tự cõi lòng những gì tôi suy-nghĩ về Công Đồng Vatican 2. Công Đồng này, đã nhượng-bộ hết chuyện này đến việc khác. Một đằng, ta có thể nói rằng Công Đồng thật phóng-khoáng, chân-phương bằng lòng chấp-nhận các giá-trị mới có tính dân-chủ, hiện-đại, khoan-dung, độ-lượng và mang cung-cách tự-do con cái Chúa.

Các giòng tư-tưởng lớn xuất tự cách-mạng Hoa Kỳ và Pháp quốc từng bị nhiều Giáo-hoàng kiểm-duyệt, bác-bỏ nhưng nhiều giá-trị dân-chủ đủ mọi thể-loại cũng được Công Đồng chấp-nhận vô điều-kiện.

Đằng khác, Công Đồng này lại không đưa ra giải-đáp nào hầu ứng-xử với tình-huống sôi-sục nhiều phản-chống mà hầu hết các nghị-phụ đều nhận biết. Đây là điều trớ-trêu của lịch-sử Giáo-hội. Trớ trêu là ở chỗ: ta có thể nói đây là Công Đồng mở ra cho lịch-sử, xã-hội và thế-giới không nao-núng. Nhưng không lâu sau đó, lại cũng bị các tư-tưởng mới thắng vượt, bỏ lại đằng sau không nuối tiếc.

Thật ra thì, Công Đồng Vatican 2 không đem đến cho tôi điều gì mới mẻ cả. Các nghị-phụ cũng chấp-nhận đôi ba nét từ nền thần-học do chúng tôi đề ra; và cũng đã xác-chứng các nghiên-cứu học-hỏi do chúng tôi chủ-trương. Vốn là thần-học-gia theo đường-lối mới, chúng tôi được tự-do ăn nói và đã thoát khỏi mọi ngờ vực, cả thứ tinh-thần của Tòa án Dị-giáo vào độ trước cũng không còn đổ lên đầu chúng tôi như xưa từng tuyên phạt.

Tinh-thần tông-thư Humani Generis (1950) (*6) của Đức Piô XII từng lên án Trường-phái Le SaulchoirLa Fourvière, tức các Đại-học-đường của Dòng Đa Minh và Dòng Tên của chúng tôi lâu nay được xem xét kỹ-lưỡng để xem có ảnh-hưởng gì tai hại trên chúng tôi không.

Mọi người chúng tôi đều bị nghi-ngờ trước Công Đồng, nhưng chính Công Đồng đây lại đã giải-phóng chúng tôi rất nhiều điều. Thật ra, các nghị-phụ cũng đã cởi mở rất nhiều nhất là về sinh-hoạt mục-vụ. Nhưng thần-học của các ngài vẫn thuộc loại lỗi thời. Vào lúc ấy, lại cũng thấy nảy sinh một chia rẽ tiêu-biểu giữa nền thần-học kinh-điển và việc thực-thi công-cuộc mục-vụ.

                                    Chú thích:
(*6) Tông-thư Humani Generis này phê-phán điều mà các ngài gọi là ‘chiều-hướng mới’ vốn dĩ xen vào làm rối loạn các bộ môn thánh-thiêng, đè nặng lên mọi công việc của nền Thần-học Mới, tức một trào-lưu thần-học của người Pháp xuất tự thời-kỳ xảy đến ngay sau Thế Chiến Thứ Hai. Thần-học lúc ấy được xét lại theo ánh sáng của Thánh Kinh và đi sát với tư-tưởng của các giáo-phụ cốt đạt yêu-cầu của văn-hóa và triết-học mới.



Những va chạm ban đầu

Đầu năm 1961, bỗng xuất-hiện một thư mục-vụ đề ngày 24 tháng Mười Hai 1960 có chữ của các Giám-mục Hoà-Lan ký ở dưới. Khi ấy, lại cũng thấy Đức Giáo Hoàng Gioan 23 công-bố triệu-tập một Công Đồng mang tên là Công Đồng Vatican 2. Khi ấy, đã có 7 Giám-mục Hòa Lan tuyên-bố hỗ-trợ việc canh-cải niềm tin và cả Giáo-hội nữa. Cuối tài-liệu này, các Giám mục này lại cũng xác-nhận danh tánh những vị từng hợp-tác thiết-lập nội dung trong đó bảo rằng: “Chúng tôi cảm-kích biết ơn Giáo sư E. Schillebeeckx OP thuộc Đại-học-đường Nijmegen và Ủy-ban Tông-đồ về công-tác có giá-trị do các vị này thực-hiện hầu lập nội-dung cho thư.”

Giới-chức Tòa Thánh lập tức coi tôi là tác-giả của thư ấy. Tôi quả đúng là người viết lên bức thư ấy từ A đến Z. Thư này tạo sự huyên-náo/ồn-ào ở nhiều nơi, cả bên ngoài Hòa Lan nữa; và thư được dịch ra nhiều ngôn-ngữ không lâu sau đó. Từ đó trở đi, Tòa Thánh mới bắt đầu chú ý theo dõi tôi.



Trung ương tập quyền
đổ dồn về Rôma              


Ngay buổi họp đầu của Công Đồng (kể từ ngày 12 tháng Mười đến 9 tháng Mười Hai 1962), tôi đã tiếp xúc với một số vị có chân trong Công Đồng nên có nghe nói rằng: nhiều vị rất bất bình với Giáo-triều La Mã, ngay cả các Giám-mục có tiếng là bảo-thủ cũng đều thế. Hồng-y Frings của Cologne, Liénart của Lille Kõnig của Vienna đã công-khai bày-tỏ sự công-kích chống lại Giáo-triều…

Nhiều Giám mục nghị-phụ lại cũng không mấy thích đường-lối mới nơi nền thần-học này vì đã dám phá bỏ quyền-lực của Giáo-triều vốn dĩ tự coi mình cao hơn Giám-mục-đoàn. Dù sự việc này chưa đến hồi dứt-khoát, nhưng lúc đó Toà Thánh cũng đã coi các vị Thư-ký các Uỷ-ban trong Công Đồng tương-đương với chức Giám mục; và một số lớn các vị này lại là thành-viên của Giáo-triều. Chính vì thế, nên các vị ấy càng có uy hơn, khi vai-trò của các ngài được đề-cao nhiều hơn nữa.

Bẵng đi một thời, rất nhiều năm, tôi có thể xác-nhận rằng: các Giám-mục nào có cảm-giác khó chịu về Giáo-triều lâu nay không biết gì những chuyện đang xảy ra trong Giáo-hội và thế-giới. Quả thật, đã có niềm vui to lớn khi Đức Giáo Hoàng Gioan 23, theo lời yêu-cầu của nhiều Giám-mục, đã tạo thay-đổi ở Công Đồng bằng việc bác-bỏ nghị-trình bàn về “Mặc-khải”.

Tất cả các tài-liệu Công Đồng đều mang tính nhượng-bộ. Lúc ấy, tôi có đề-cập đến chuyện này với Đức Ông Phillíp của trường Louvain là nhà thần-học lỗi-lạc; ông lại cũng là nghị-sĩ Quốc hội Bỉ và là nhà ngoại-giao rất khôn khéo. Ông nói: “Sau Công Đồng, chúng ta sẽ lại thấy nhiều khó khăn hơn trước, do bởi các tài-liệu này của Công Đồng đều tối-nghĩa.”

Quan-điểm của tôi lúc đó lại không thế. Nhưng, sau thời Công Đồng, điều ông lo-ngại đã được minh-xác. Đức Ông Phillíp đã về lại Louvain và dần dà ông cũng bị Giáo-triều tước bỏ mọi quyền-hành đã trao cho ông vào dạo trước.

Nay, thì chừng như chỉ thấy có mỗi Hồng Y Ratzinger (*7) là người duy nhất được phép chính-thức diễn-giải mọi diễn-tiến của Công Đồng. Điều này đi ngược lại truyền-thống của Giáo-hội. Theo nghĩa này, tôi muốn tái khẳng-định rằng tinh-thần của Công Đồng đang gặp phản-trắc.

Trung-ương tập-quyền về La Mã, trước nhất là ở buổi đầu nghị-trình, đã thấy trên môi miệng của các Giám-mục nghị-phụ; và các ngài không thể chịu-đựng được những sự thể như thế. Một cách gấp rút, ta phải phá bỏ tinh-thần ấy theo ưu-tiên số một. Còn, lập-trường về tính tập-thể, có vị lại đã nghĩ rằng: thời-gian các vị chủ-trương Trung-ương tập-quyền đã được đếm từng ngày.

Thế nhưng, vào ngày 16/11/1964, đã xuất-hiện thông-tư nổi đình-đám mang tên là Nota Esplicativa Previa, nói rõ rằng: Đức Giáo Hoàng có quyền tự mình ra tay hành-động riêng rẽ mà các Giám-mục không có thẩm-quyền ngăn-chặn hoặc đả-kích như việc triệu-tập và định-hướng cho tập-thể Giám-mục, hoặc chuẩn-thuận các luật-lệ cho phép hành-xử mọi chuyện và nhiều điều khác nữa.      

Còn nữa, Đức Giáo hoàng ở trên cao chót vót có tư-cách của vị mục-tử tối cao của Giáo-hội, nên ngài có thể thi-hành quyền-uy của ngài vào bất cứ lúc nào ngài nghĩ là nên làm; và theo yêu-cầu của Văn-phòng Toà Thánh. Chính điều này, đã trở-thành như cái “bố thắng” làm ngưng đọng công-cuộc cải-tân, sau Công Đồng.

Hỏi rằng: tôi có nhớ gì về Công Đồng này, không ư? Vâng. Tôi nhớ rất nhiều về bài diễn-văn khai-mạc do Đức Gioan 23 đọc vào ngày 11/10/1962. Thật nhẹ nhõm! Hôm ấy, Đức Gioan 23 có đề-cập đến nhiều điều, trong đó có đoạn ngài quả-quyết rằng: bản-chất của tín-điều lập ra khi xưa đặt nặng lên niềm tin là một việc, còn chuyện tạo nên công-thức có hệ-thống, lại là việc khác.

Tại Hoà Lan, trước thời Công Đồng, một số vị đã cùng nhau tập hợp lại để đưa ra một số vấn-nạn gửi về Rôma. Chẳng hạn như, việc tái-lập chức phó-tế. Không vị nào nói về tập-thể tính, chỉ đề-cập sơ-sài về đời sống vợ chồng, thôi. Sự thật, thì chẳng có thảo-luận nào đáng kể xảy ra ra trước thời Công Đồng hết.

Bài phát-biểu của Đức Gioan 23 đã mở ra một chân trời mới đối với Hoa Lan. Dân chúng ở đây, bắt đầu tái thẩm-định về vị Giáo hoàng từng để mất uy-tín với Thượng Hội Đồng Giám mục Rôma vào tháng Giêng năm 1960 vốn dĩ là vở hài-kịch không hơn không kém.

Ngay lúc ấy, đã có lo-ngại rằng Công Đồng rồi ra cũng kết thúc tương tự như thế. Bài phát-biểu vào ngày khai-mạc Công Đồng  --vốn dĩ mang tính cách tiên-tri rất thực--  lại đã mở rộng cửa cho Chúa Thánh Thần đến ngự. Mọi người bắt đầu nghĩ rằng: ta cũng không nên có một Thượng Hội Đồng Giám mục ở Rôma như thế, thêm một lần nữa, nhưng khi ấy đã có điều gì thực sự mới.

Ba điều cải-tân lớn lao nhất của Công Đồng lúc ấy là đóng góp của các thần-học-gia có được sử-dụng hay không, ngõ hầu dẹp bỏ nghị trình về “mặc-khải” sang một bên, ngay lúc đó Đức Giáo Hoàng đã can-thiệp kịp thời hầu Công Đồng không đi vào ngõ bí.

Quả thật, các vị chủ-trương chống lại nghị-trình này đều đã không tạo được 2/3 số phiếu cần-thiết, nên các ngài đã phải cứu xét chương-trình ấy. Đức Gioan 23 lấy quyết-định làm gián-đoạn cuộc thảo-luận, chỉnh-sửa nội-dung chương-trình này và giao-phó công-tác này cho một uỳ-ban đặc-biệt gồm có một số hồng-y, thành viên của ban Thần-học và thành-phần của Ban Thư-ký phụ-trách Đoàn-kết người tín-hữu Đức Kitô. Đó là quyết-định rất quan-trọng, một ngã rẽ có ảnh-hưởng lên mọi công-việc của Công Đồng.

Đức Gioan 23 đã làm một cử-chỉ lẽ đáng đi vào lịch-sử. Ngài rất có can-đảm để làm thế. Hồng y Alfrink (*8), từng là thành-viên trong chủ-tịch đoàn đã cho tôi biết một số sự việc khá quan-yếu liên-quan đến những gì đã xảy ra ở hậu-trường. Chẳng hạn như, có một lúc ngài đến nói với tôi, bảo rằng: “Ngày mai vào khoảng 9 giờ sáng sẽ có một thông-báo khá giật gân: chương-trình nói đây sẽ được tái-lập giao cho một uỷ-ban mới, nhưng cha chớ có cho ai biết tin vội này nhé.”

Người Hoà Lan chúng tôi có thói-quen gặp nhau chừng nửa tiếng mỗi buổi chiều để kiểm tra tình-hình cho báo chí hay. Hồng y Alfrink rất ư hài lòng. Trở về phòng, tôi nghe Giám mục Bekkers của địa-phận Hertogenbosch đã loan tin ấy với báo chí Hoà Lan biết cả rồi. Ông rất đỗi vui mừng, tôi bèn nói với ông như thế này: “Thưa ngài, thế ngài đang làm cái quái gì thế?”

Đây là lần đầu tiên tôi tự cho phép mình trách-cứ một vị giám-mục thuộc giáo-phận của chính tôi. Ông trả lời tôi một cách khá ngỡ ngàng, rằng: “Ấy, Alfrink ông ấy yêu-cầu chúng ta giữ bí-mật này nọ, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người không được phép trao-đổi cho nhau niềm vui chung mình có được.”  Giám mục Bekkers là con người như thế đó.

Thế nhưng, đấy mới chỉ là bước đầu sự gẫy đổ giữa Hồng y Alfrink và Bekkers. Vào cuối Công Đồng, cả hai vị này đều không có quyền ăn nói như thế nữa. Tôi vẫn chẳng bao giờ hiểu được lý-do thực-thụ từ phía Hồng y Alfrink hết. Chắc một điều là Gm Bekkers cũng chân-thật đủ để phạm đôi ba lỗi lầm này khác, nhưng Hồng y Alfrink --đây là điều tôi ân hận nhiều-- không bao giờ lại tha thứ cho ông ta vì cách thức ông này làm toàn chuyện “ruồi bu” không à. Tôi hiểu được phản-ứng của Hồng y Alfrink, nhưng làm thế cũng hơi quá đáng.                  

Khi Giám-mục Bekkers mắc bệnh ung-thư và phải nằm lại ở phòng hồi-sức của bệnh viện, Hồng y Alfrink có đến thăm ông và khi ấy hai bên cũng đã có hành-động hoá-giải mọi xung-đột trước đó.

Thế nhưng, sự-kiện xung-đột giữa hai vị này cũng tạo nên một đau đớn can-tràng không phải ít. Cho đến kỳ họp khoáng đại thứ nhì của Công Đồng, không ai nghe nói gì thêm về diễn-tiến bệnh tình của vị giám-mục nổi cộm này, bởi Giám-mục Bekkers không còn là Bekkers khi xưa nữa. Ông thường hay ngồi khóc một mình, chẳng có lý-do gì cũng phát khóc. Và từ đó, ông bị chứng nhức đầu như búa bổ, thật khó hiểu.

                        Chú thích:

(*7) Ông là người Đức, sinh năm 1927, làm giáo sư tín-lý/giáo-điều, Tổng Giám mục thành Monacô từ 1977-1981, làm Hồng-y vào năm 1977, Bộ trưởng Thánh bộ Tín-lý Đức Tin năm 1981, Chủ-tịch Uỷ Ban Thánh Kinh và Thần-học quốc-tế.

(*8) Ông là hồng y người Hoà Lan (1900-1987), là Tổng giám mục lừng danh của Utrecht, đồng thời là thành-viên Uỷ-ban Trung-ương Công Đồng và là người hỗ-trợ cho cuốn Tân Giáo lý Hội thánh Công-giáo, đang thành hình.   
                                                                                                                             (còn tiếp)

Lm Edward Schillebecckx chuyện trò với ký-giả Francesco Strazzari
Mai Tá lược dịch

No comments: