Mầu nhiệm
Phục Sinh của Đức Kitô là mầu nhiệm nền tảng và đỉnh cao của đức tin Kitô giáo.
Đời sống, lời rao giảng, cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu chỉ có ý
nghĩa khi Ngài phục sinh. Nói cách khác, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh,
ta mới có thể đọc ra được ý nghĩa của đời sống, lời rao giảng, thập giá và cái
chết của Đức Giêsu. Đức tin Kitô giáo của chúng ta sẽ trống rỗng nếu đức tin ấy
không có liên hệ gì với Đấng Phục Sinh, Đấng là “Sự Sống Lại và là Sự Sống” (Ga
11, 25).Lúc tađọc các sách Tin Mừng và suy gẫm những lời nói và việc làm của
Đức Giêsu khi Ngài loan báo Triều Đại Thiên Chúa chính là lúc ta có thể gặp gỡ
Đức Kitô, Đấng đang hiện diện cách sống động giữa chúng ta. Đức tin của chúng
ta cần không ngừng ghi khắc rằng Thiên Chúa đã cho Con của Người, Đấng chịu
đóng đinh, trỗi dậy và làm cho Ngài trở nên nguồn mạch và sự đảm bảo chắc chắn
về sự sống viên mãn cho chúng ta. Nếu chúng ta không chân nhận điều đó, thì mọi
linh đạo Kitô giáo đều bị bóp méo cách tận căn.
Căn Cốt
Mầu Nhiệm Phục Sinh
Dưới ánh sáng Phục Sinh, tất cả mọi sự xoay quanh
cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu được giải thích cách xác đáng. Nếu Đức Giêsu
Kitô không trỗi dậy từ trong kẻ chết, thì các Tin Mừng chỉ là một mớ những ghi
nhận lịch sử lòng thòng về một con người tốt lành đã bị tiêu diệt bởi sức mạnh
của sự ác và bạo lực mà Ngài đã đối kháng. Nếu Đức Kitô không trỗi dậy, thì
cũng chẳng có Tân Ước, chẳng có Hội Thánh, chẳng có bí tích Thánh Thể, cũng
chẳng có ơn công chính hóa cho những người sống các Mối Phúc Thật. Nếu ta lãng
quên mầu nhiệm Phục Sinh, thì điều đó cũng có nghĩa là ta đang rao giảng một sự
thất bại hơn là loan truyền quyền năng biến đổi của tình yêu Thiên Chúa vượt
thắng trên sự ác, bạo lực và sự chết trong nhân loại chúng ta. Nếu Đức Kitô
không trỗi dậy, thì ngày Ngài chịu chết sẽ chẳng bao giờ được gọi là Ngày Thứ
Sáu Thánh và ngày nghỉ Sabát chẳng bao giờ được gọi là ngày thứ Bảy Thánh.
Lời rao
giảng Tin Mừng về Đấng Phục Sinh, có thể nói, là lời rao giảng quan trọng bậc
nhất của thánh Phaolô (1 Cr 15, 3). Thánh Tông Đồ quả quyết dứt khoát: “Nếu Đức
Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng
tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn
sống trong tội lỗi của anh em” (1 Cr 15, 17). Chối bỏ sự
phục sinh của Đấng chịu đóng đinh cũng có nghĩa là hạ thấp ý nghĩa đức tin của
chúng ta và chúng ta đang chối bỏ niềm hy vọng về ơn tha thứ và sự sống lại của
chúng ta, và khi đó chúng ta là những kẻ đáng thương vì ở trong tình trạng hư
ảo, hão huyền.
Bởi thế,
thánh Phaolô luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng về sự phục sinh của Đức Kitô.
Chính nhờ có mấu nhiệm đó mà vận mệnh con người được thay đổi, một thời đại mới
được mở ra và sự thống trị của tội lỗi và sự chết trên thế gian này không còn
nữa.
Khi làm
cho Đấng chịu đóng đinh trỗi dậy, Thiên Chúa mạc khải chính mình là Đấng Sáng
Tạo, Đấng ban sự sống, Đấng đang dẫn đưa tạo thành tới chỗ hoàn tất trong Đức
Kitô. Nơi Đức Kitô, mọi công trình sáng tạo của Thiên Chúa được hiện thực và
đạt tới viên mãn. Đức Kitô Phục Sinh chính là cùng đích của tất cả tạo thành
đang mong ngóng đạt tới sự hoàn tất (x. St 1, 26 – 28; 3, 17 – 19; TV 8 &
110). Với thánh Phaolô, niềm hy vọng vào Đấng Phục Sinh là niềm hy vọng dẫn đưa
ngay cả kẻ đã chết đến được với sự sống muôn đời: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi
chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15, 20). Và chiến thắng
của Đấng Phục Sinh trên tội lỗi và sự chết cũng là đích điểm mà Thiên Chúa muốn
cho muôn vật muôn loài Ngài đã dựng nên đạt tới (x. Cr 15, 28).
Sống và
Loan Báo Niềm Hy Vọng Phục Sinh
Có thể nói, mọi hoạt động tông đồ của Hội Thánh đều
được khởi đi từ biến cố Phục Sinh của Đức Kitô và Hội Thánh cũng không tìm được
nguồn sức mạnh trào tràn nào khác ngoài chính mầu nhiệm này. Chính Đức Kitô
Phục Sinh đã hiện ra với các tông đồ và sai các ông đi loan báo Tin Mừng khắp
cùng trái đất (Mt 28, 16 – 20; Ga 20, 21). Ra khỏi mồ, Ngài không còn bị trói
buộc bởi thời gian và nơi chốn nữa, nhưng nay Ngài hiện diện ở mọi nơi, mọi
thời, mọi quốc gia, dân tộc, mọi nền văn hóa. Sự phục sinh của Ngài là tâm điểm
của mọi công việc Phúc Âm hóa. Là người đem Tin Mừng Phục Sinh đến với mọi dân
tộc, Hội Thánh đứng về phía những người nghèo, những người đang thất vọng và
Hội Thánh luôn sẵn sàng dấn thân đối thoại với những ai đang tìm kiếm chân lý.
Đối với
các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, Hiến Pháp của Hội Dòng chỉ có một lần duy nhất
nhắc đến hai chữ “phục sinh” cách hiển nhiên, rõ ràng, đó là Hiến Pháp số 51:
các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế được mời gọi “trở nên dấu chỉ và chứng tá về quyền
năng phục sinh của Đức Kitô trước mặt người đời khi loan báo sự sống mới và
vĩnh cửu”. Tuy nhiên, “sức mạnh phục sinh” thẩm thấu trong toàn bộ đời sống và
sứ vụ của các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế khi họ được kêu gọi loan báo Tin Mừng cho
những người bị đè nén, bị bỏ rơi hơn cả.
Chính
trong ánh sáng của Đức Kitô Phục Sinh mà các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế mới có thể
có được chìa khóa để đọc ra được ý nghĩa của việc yêu mến mầu nhiệm Thương Khó,
Bí tích Thánh Thể và lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria mà thánh Tổ Phụ
Anphongsô đã nhấn mạnh. Bởi vì Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã sống lại mà chúng ta
được tự do thông dự vào tình yêu hiến mình của Ngài trong việc phục vụ Thiên
Chúa nơi anh chị em của chúng ta. Bởi vì Đấng Phục Sinh là Đầu của Hội Thánh mà
chúng ta tìm gặp được Ngài trong bí tích Thánh Thể, bí tích ban sự sống. Bởi vì
Đức Maria đã được đưa lên trời cả hồn lẫn xác, nghĩa là được liên kết với Đức
Kitô cách trọn vẹn trong sự phục sinh vinh viển của Ngài, mà chúng ta chạy đến
khẩn cầu với Mẹ trong tư cách là Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ của Chúa Kitô và là Mẹ
Hội Thánh.
Trong
lịch sử Thần học hiện đại hơn 50 năm trở lại đây, người ta không thể không nhắc
đến cha Francois Xavier Durrwell thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, người đã có công rất
lớn trong việc khơi gợi và đẩy mạnh suy tư thần học về mầu nhiệm Phục Sinh.
Tắt một
lời, trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện môi trường sống nào, tất cả các tu sĩ
Dòng Chúa Cứu Thế luôn được mời gọi trở nên chứng nhân sự phục sinh của Đấng
Chịu Đóng Đinh. Nếu Đấng ấy không sống lại thật, thì mọi hoạt động tông đồ của
chúng ta ra vô nghĩa. Nhưng sự thật là Ngài đã sống lại. Và bởi vì Ngài đã sống
lại nên chúng ta có thể làm chứng về tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa “nơi
Đấng, ơn cứu chuộc chứa chan”.
Antôn
Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R ( Viết
theo Cha Anthony J. Kelly, C.Ss.R.)
No comments:
Post a Comment