Monday 30 November 2015

Gs Geza Vermes Giêsu, Đấng Thánh Hiền như ông Gioan từng kể ở thư từ



Chương 2
Đức Giêsu của ông Gioan
là Đấng Thiên Sai
hay Khách Lạ từ trời
(Bài 14)


Giêsu, Đấng Thánh Hiền
như ông Gioan từng kể ở thư từ

Xưa nay, chưa từng thấy có bức thư nào ở Tân Ước được gán cho ông Gioan là tác-giả, lại nêu danh ông ở trên đó. Thư thứ nhất, hoàn-toàn không tên tuổi. Hai thư còn lại, ắt hẳn do vị nào đó tự gọi là “Đấng Lão Thành” hoặc “Bậc Cao Niên”, từng viết lên. Thế nên, mối tương-quan giữa tác-giả Gioan Tin Mừng với người viết đây, là chuyện không có gì chắc-chắn, xác-thực cả.

Chốn nhân-gian đầy sự-kiện, người người vẫn đồng-ý bảo: giòng chảy ngắn được gọi là “Thư thứ hai” và “Thư thứ ba” của vị tác-giả tên Gioan, đều do một người tạo ra, thôi. Ý-tưởng ghi ở thư này, lại phản-ánh cũng một ý-lực và tư-tưởng của ông Gioan Tin Mừng. Và, cả ba bức thư nói ở đây, đều được viết cùng một thời, mà các nhà chú-giải cho rằng vào năm thứ 100, hoặc trễ hơn.   

Về chân-dung/diện-mạo Đức Giêsu ở trong thư, đạo-lý này ít có gì mới. Về dân tình ghi trong thư nổi trội hơn Tin Mừng, chừng như vẫn lặp đi lặp lại chỉ một đạo-lý thần-học đến độ nhàm/chán, do đám đồ-đệ/thân-cận ông Gioan đoan-quyết rằng: Đức Giêsu là Đấng Thiên-Sai từ trời đến, rất Kitô. Đạo-lý đích-thực trong ba bức thư trên bao gồm việc rời/xa chốn tối tăm nhờ vào lằn sáng chiếu rọi sự việc người “Con” đã nối-kết/hiệp-thông với Cha, mà thành.

Trước hết và trên hết, việc rời/xa chốn tối-tăm, để tình thương của Chúa đến với con dân mọi người. Nếu không có tình thương của Chúa, thì cũng chẳng thứ gì tồn-tại được. Đó, là điều mà Thư Thứ Nhất của tác-giả cũng tên là Gioan đã chứng-minh ở đoạn 4 câu 20, như sau:

“Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên-Chúa mà họ không trông thấy.”        

Nói gì đi nữa, các thư do tác-giả trùng tên Gioan viết ra, lại đã bao gồm hai yếu tố chính về đạo-lý khác với những gì được viết ở Tin Mừng Thứ Tư. Xét công việc của người viết Tin Mừng Thứ Tư, tôi cũng chú-trọng nhiều vào việc chờ mong ngày cánh-chung chợt đến với ta. Điều này, không thấy nói ở Thư Thứ Nhất được bảo là của ông Gioan Tin Mừng, tức muốn nói rằng: người nhận thư, từng sống vào “giờ sau hết” như đoạn 2 câu 28 còn ghi chép:

“Và bây giờ, hỡi anh em là những người con thơ bé, đây là giờ cuối cùng. Anh em đã nghe biết là tên Phản Kitô sẽ đến; thế mà giờ đây nhiều tên Phản Kitô đã xuất hiện. Do đó, chúng ta biết được rằng đây là giờ phút cuối.” 

Lại nữa, các vị này đây vẫn chờ đợi Đức Kitô tái xuất-hiện, như đoạn 3 câu 2 còn ghi rõ:

“Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ ra thế nào, điều ấy chưa được tỏ bày. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất-hiện, chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.”

Do có niềm sốt-sắng trổi lên như thế, hoạt-động của các vị có quan-điểm dị-thường về đạo-lý ở cộng-đoàn tiên-khởi, lại được hiểu là có sai sót.  Điều này vốn dĩ dẫn dắt người đọc vội kết luận rằng: Thứ Thứ Nhất của tác-giả Gioan đã chứng-tỏ là đã có trước cả Tin Mừng Thứ Tư, trong quá-trình triển-khai tư-tưởng của nhóm người theo chân ông.

Thật ra thì, đạo-lý sai-lạc mà Thư này từng phản-bác, lại chối bỏ sự-kiện Nhập-Thể có thực, nên đã cho rằng: nhóm dị-giáo không chấp-nhận việc “Đức Giêsu Kitô đến với nhân-gian bằng xương bằng thịt, như Thứ Thứ Hai chương 7 từng qui-chiếu Thư Thứ Nhất ở đoạn 4 câu 2, như sau:

“Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần-Khí của Thiên-Chúa: Thần Khí nào tuyên-xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì Thần Khí ấy bởi Thiên-Chúa.”


Hình-thức dị-giáo mới chớm này, lại đã chống-trả việc liên-kết/hiệp-nhất giữa Lời Thánh Thiêng với nền-tảng thân xác con người, một loại sai-trái đạo-lý từng đe-doạ Giáo-hội nói tiếng Hy Lạp, trong suốt thế-kỷ thứ hai.



Sách Khải Huyền

Sách Khải Huyền, còn gọi là sách viết về “Cánh Chung Luận” xem ra là công-trình đạo-lý do nhân-sĩ nào đó cũng mang tên là Gioan đề ra, như người đọc thấy ghi ở chương 1 từ câu 1 đến câu 4, vốn nói rõ:

“Mặc-khải của Đức Giêsu Kitô: Thiên-Chúa ban cho Ngài để Ngài tỏ cho các tôi-tớ Ngài biết các điều kíp phải xảy đến; và Ngài đã sai thần-sứ của Ngài đến triệu-báo cho tôi-tớ Ngài là Gioan*, kẻ đã làm chứng về Lời của Thiên-Chúa, cùng về chứng của Đức Giêsu Kitô, về mọi điều ông thấy. Phúc cho người giảng sách và những kẻ nghe lời-lẽ của sấm-ngôn và nắm giữ các điều đã viết trong đó, bởi chưng thởi buổi đã gần!”

Xác-quyết này, cho thấy: tác-giả Gioan Tin Mừng là người lĩnh-hội mặc-khải từ đảo Patmos thuộc biển Ê-giê, cận duyên nước Thổ Nhĩ Kỳ nằm về mạn châu Á. Tác-giả Gioan này, cũng thuộc cùng một trường-phái với Gioan Tin Mừng tuy không cùng một người viết. Lai-lịch của tác-giả viết thư này, và đặc-trưng kinh-điển ở đạo-lý, vẫn là đề-tài gây tranh-cãi hàng nhiều thế kỷ dài trong Giáo hội tiên-khởi. Nhưng, cuối cùng thì: sách Khải-Huyền lại đã đi vào kết-đoạn được coi như thành-phần Tân-Ước.

Có điều chắc-chắn, là: lâu nay vẫn có nối-kết giữa chuyện ghi thư như thế với Tin Mừng Thứ Tư của ông Gioan. Với trường-phái Tin Mừng của ông Gioan, thì: Đức Kitô được định-danh bằng biểu-tượng “Chiên/Cừu” và đã hơn một lần được gọi là “Lời của Chúa” như Sách này còn ghi rõ ở đoạn 19 câu 13, như sau:

“Ngài mặc chiến-bào nhúng máu, và danh-hiệu gọi gọi Ngài là Lời Thiên-Chúa.”


Mặt khác, xét về ngữ-học, ta vẫn có thể coi hai bản-văn này xuất từ cùng một tác-giả và theo cùng một quan-niệm thông-thường vẫn có về sách Khải-huyền khác hẳn thể-loại Tin Mừng.

Theo nguồn-văn về cánh-chung-luận của Do-thái-giáo từng được điều-chỉnh cho phù-hợp với kẻ tin vào Đức Giêsu Kitô. Ảnh-hình về cánh-chung-luận thường khiến người đọc nhớ về Cảo Bản Biển Chết. Ở hai bản-văn này, ta đều thấy có tiếng kèn đồng gọi là Gog magog có kẻ địch-thù xuất-hiện vào phút cuối dẫn-dắt vua-quan/lãnh chúa tập họp cho trận-chiến cuối với Amagegđon. Cả hai, đều được phú-ban cho vai-trò điều binh khiển tướng giống Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-ka-e và các chiến-hữu của thần-sứ nhà trời.

Giêrusalem của Đạo Chúa đã nổi-trôi xuống với địa cầu, được thần-sứ dõi theo bằng roi/vọt trừng-trị lại cũng xuất-hiện ở các thủ-bản từ Qumran mô-tả thành thánh mới, rất hoành-tráng.

Một đoạn khác gợi tính tò-mò là ở sách Khải Huyền đoạn t4 câu 4 từng viết rằng:
  
“Họ là những kẻ không dây-dưa với đàn bà, vì họ trinh-khiết; họ được tháp-tùng theo Chiên Con bất cứ Ngài đi đâu; họ đã được mua chuộc giữa loài người, làm tiên-thường hiến-dâng Thiên-Chúa và Chiên Con”.

Câu ở trên, nhắc lại tình-huống của một đấng bậc không lập gia-đình ở Essênê theo tác-giả Philô, Josephus và theo Qui-định nội bộ của cộng-đoàn Qumran. Đoạn văn này mô-tả Giáo-hội được “Chiên Con” cứu rỗi . Giáo-hội đây, là hội thánh gồm các nam-nhân không tự vấy bẩn với các nữ-phụ vì họ trinh-khiết.

Về ngày tháng xuất-hiện sách Khải-huyền, một số nhà chú-giải lại gán cho tín-hữu tử-đạo thời tiên-khởi và qui về chuyện khích-bác quyết chống lại La Mã, coi đế-quốc nay như mãnh thú, điếm đàng hoặc xứ Babylon tồi-tệ xảy ra không lâu sau thời bạo-chúa Nêrô tung-hoành tác-hại vào niên-biểu 100 hoặc trễ hơn.

Nhiều học-giả kinh-điển còn tìm cách định-vị lai-lịch của loài “Mãnh thú” qua việc giải-thích con số 666 có sự giúp-đỡ của cái-gọi-là “gematria” hoặc việc sử-dụng các giá-trị đối với chữ viết Do-thái hoặc Hy-Lạp. Tất cả cũng chỉ là phù-phiếm theo cách giải-khuây, như đoạn 13 câu 18 từng dẫn-giải:

“Tinh-khôn là ở đây! Ai có trí, hãy tính xem mã số của Mãnh-thú. Vì đó là mật-mã của một người, và mã-số đó là 666”.


Nằm ở giữa các đặc-trưng truyền-thống của Đức Kitô như sách Khải-huyền từng mô-tả chân-dung/diện-mạo của Ngài như Đấng Thiên-Sai vốn có từ thời vua Đavít, “Sư-tử của bộ-tộc Giuđa”, lại là “cội-rễ và là miêu-duệ của giòng-dõi vua Đavít”, như đoạn 5 câu 5 và đoạn 22 câu 16, lại diễn tiếp:

“Và, một Lão-công nói với tôi: Đừng khóc!Này, Ngài đã thắng, sư-tử họ Giuđa, chồi lộc Đavít, để đu75c mở sách và bẩy ấn của nó.”

Và:

“Ta là Giêsu, Ta đã sai Thiên-thần của Ta đến chứng-thực cho các ngươi các điều này về các hội-thánh. Ta là Chồi lộc, là tong-tộc Đavít, là Sao mai sáng láng.”

Đặc-trưng tiêu-biểu của Gioan khi nói về “Chiên Con” và “Lời của Chúa” đã được nói đến, nhưng ở đây vẫn có sự khác-biệt thật rõ nét giữa Thiên-Chúa, là Đấng duy-nhất để mọi loài phụng-thờ như được viết ở đoạn 22 câu 9 rằng:

“Coi chừng, đừng thế! Ta cũng đầy-tớ của cùng một Chúa với ngươi, cũng như các ngôn-sứ an hem người, và các kẻ nắm giữ các lời viết trong sách này. Ngươi hãy thờ lạy Thiên-Chúa!”

Và, Chiên-Con-Đấng-Thiên-Sai-là-Lời cũng là thế. Từ điểm-tụ của tầm-nhìn Khải-huyền này, lại đã được xem xét ít mang tính thần-học cấp-tiến hơn của ông Gioan.

Tuy nhiên, ở đây cũng có điều mới mẻ rất quan-trọng. Điều tiên-quyết ở đây, chính là việc đưa ra ảnh-hình một Đức Kitô mang tính đấu-tranh, do bởi Ngài cưỡi ngựa trắng khoác chiến-bào dính đầy máu và được coi như “Vua các vua và là Chúa các chúa” tẩy trừ mọi quốc-gia/dân-tộc như đã nói ở đoạn 19 câu 11-16, như sau:

“Và tôi đã thấy trời mở ra, và này: một con ngựa bạch, và Đấng cỡi nó mang danh: Tin-thành và Chân-thật. Một cách công-minh, Ngài xét xử, và giao-chỉnh. Mặt Ngài là ngọn lửa hoả hào; trên đầu Ngài, có nhiều vương-miện; Ngài mang danh đã viết, mà không ai biết được, chỉ trừ một mình Ngài. Ngài mặc chiến-bào những máu, và danh-hiệu gọi Ngài là Lời Thiên-CHúa. Và theo Ngài, có những cơ-binh Thiên-quốc cỡi ngựa bạch, mình vận trúc-bâu trắng ngời tinh-sạch. Tự miệng Ngài phóng ra thanh kiếm sắc bén, để nhờ đó Ngài chinh-phạt các dân; chính Ngài dùng trượng sắt chăn dắt chúng. Chính Ngài đạp bồn rượu lôi đình thịnh-nộ của Thiên-Chúa toàn-năng. Ngài mang Danh viết trên áo, trên tà áo của Ngài: Vua trên cá vua và Chúa trên các chúa.”
Ở đây, ta lại bị lôi kéo thật xa từ hào quang yêu-thương đó, theo như Tin Mừng của ông Gioan, thì người “Con” và Cha Ngài ở với nhau và trong nhau cũng như Ngài đang ở trong các kẻ tin và các kẻ tin cũng đang ở trong Ngài. So-sánh điều này với tầm nhìn của sách Khải-huyền đoạn 19 câu 19 đến 21 từng bảo rằng:

“Và tôi đã thấy Mãnh thú và vua chúa trên đất, với các cơ-binh của họ, tụ họp lại để giao-chiến với Đấng cỡi ngựa và cơ binh của Ngài. Và, Mãnh thú đã bị bắt và với nó, cả tiên-tri giả, kẻ làm dấu lạ phò-tá nó, khiến nó đã mê-hoặc được những kẻ đã chịu thích-tự Mãnh thú và những kẻ thờ-lạy ảnh-tượng nó. Cả hai bị quăng sống vào vũng lửa đốt bằng diêm sinh. Và, mọi kẻ khác bị sát-phạt do thanh kiếm của Đấng cỡi ngựa phóng ra tự miệng Ngài. Và, hết mọi loài chim muôngđược no-nê thịt chúng.”

Đó là Đức Giêsu như Đấng xa vời khỏi văn-bản của ông Gioan do bởi Ngài khác hẳn Đức Giêsu đích-thực được mô-tả ở văn-bản học hỏi từ Tin Mừng Nhất Lãm.

Điều mới mẻ nữa, là: một phần được gán cho Chiên Con ở thế-giới mới này, sau khi “trời mới đất mới này” đã quá-vãng như có nói ở Khải huyền chương 21. Đức Kitô-là-Chiên-Con như thế lại là Đấng Phu-quân từ trời của cô dâu rực sáng là Hội-thánh, tạo-thành Giêrusalem thiên-quốc, trên đó chỉ mỗi những ai có danh-tánh được ghi trong sổ bộ đời của Chiên-Con, là được sống.

Cuối cùng ra, và nhất là đối với năm tháng đầu thiên-niên-kỷ này, thì chương 20 của Sách Khải Huyền là nguồn-gốc trên đó Tân-ước đặt nền-tảng; và cũng trên đó, các đấng bậc kẻ tin vào Đạo Chúa lâu nay vẫn biện-luận suốt hơn hai thiên-niên-kỷ từng đặt nền-tảng ở trên đó. Mỗi thiên-niên-kỷ đều hàm-ngụ việc Đức Kitô trở về lại và nói lên việc trổi dậy đầu tiên chỉ phú-ban cho kẻ nào tin vào Đạo Chúa, sau đó là triều-đại kéo dài cả ngàn năm nơi đó có các bậc thánh-hiềnngự trị, mà Satan dù mạnh-mẽ vẫn bị cầm tù.

Vào cuối mỗi thiên-niên-kỷ, Satan sẽ, một lần nữa, lại bại trận chống không lại các vương-quốc/sắc-tộc ở dưới thế-trần, và chỉ bị đánh bại lần thứ hai do bởi đạo quân của Đức Chúa, mà thôi. Việc ác-thần/sự dữ bị thua trận sẽ lại kéo theo sau một phán-xét khác; và những ai bị cho là có tội sẽ chịu khổ-đau/chết chóc một lần nữa trong biển lửa.

Ý-niệm về cái chết lần thứ hai như thế có nghĩa là tình-huống không thể có phục-sinh/trỗi dậy ra khỏi đó vì không ai cho phép người trần thoát khỏi cảnh đó. Và, điều này, lại cũng xuất-hiện ở các bản-văn Do-thái-giáo, nhưng chỉ có vào thời sau này mà thôi, dù có thể cũng có một loại hiện-hữu nào đó rất bí-mật trước khi được “bật mí” ở các văn-bản viết bằng tiếng Aram ở sách Đệ-Nhị-Luận, Ysaya và Giêrêmia.

Không nét dị-thường nào ở ảnh-hình Đức Giêsu được sách Khải Huyền cung-cấp lại có thể tạo ấn-tượng đậm-sâu nơi giòng suy-tư đạo-lý của hội thánh, nhưng tất cả đều đã cung-cấp một nguồn hứng-thú kéo dài cho các ảnh-hình về thiên-quốc và chốn hoả hào ở văn-chương và nghệ-thuật của Đạo Chúa suốt nhiều thế-kỷ vừa qua.
                                                                                                            (hết chương 2)
Gs Geza Vermes biên soạn, Mai Tá lược dịch

Wednesday 25 November 2015

Cồ Lm HỒng Phúc DCCT CHÚA GIÊSU, VUA TÌNH YÊU



Hình ảnh Chúa Giêsu phác hoạ về ngày phán xét thế giới trong Tin Mừng hôm nay cho thấy tính nghiêm trọng trong ngày xử án của vị Vua Vũ Trụ. Đó là ngày tách chiên ra khỏi dê, tách ánh sáng ra khỏi bóng tối, tách sự sống ra khỏi sự chết.
Quan trọng như thế mà tất cả cán cân công lý của ngày phán xét chỉ dựa trên có một điều luật duy nhất. Lạ lùng hơn nữa là chính cả chiên lẫn dê đều sửng sốt không biết mình đã thi hành hay không thi hành điều luật ấy khi nào. Đến nỗi Vua Vũ Trụ phải giải thích: "Điều gì các ngươi đã làm cho một người anh em nhỏ nhất của Ta đây, là đã làm cho chính Ta" (Mt 25, 40).
Điều luật đó chính là Đức Ái.
Nhưng tại sao vua vũ trụ lại chỉ sử dụng có một khuôn vàng thước ngọc duy nhất ấy? Là vì động lực thúc bách Thiên Chúa tạo dựng trời đất cũng xuất phát duy nhất bởi tình yêu. Đã xuất phát điểm bởi tình yêu thì chung cuộc cũng trở về duy nhất bởi tình yêu. Ta nhận ra dung mạo của vị vua vũ trụ trong một chân dung được khắc hoạ là vị Vua Tình Yêu!
Không ai khác, đó chính là "Giêsu Nadarét – vua Do Thái."
Danh hiệu này bằng chữ viết, dưới danh nghĩa một bản án do Philatô cho đóng phía trên đầu Đức Giêsu. Người Do Thái đã tẩy chay danh hiệu trên vì họ không chấp nhận một bản án tố cáo tội họ đóng đinh giết vua của mình. Họ đề nghị công thức: "Người này xưng mình..." nhưng Philatô đâu có tự ý, chính ông đã hỏi Chúa Giêsu "Ông là Vua ư?" và Đức Giêsu đã xác nhận "Ông nói đúng tôi là Vua" (Mt 27, 11), thế nên Philatô đã đanh thép như chính Đức Giêsu đã xác nhận để khẳng khái trả lời cho người Do Thái rằng: "Điều ta đã viết là viết" (Ga 19, 22).
Với những sự kiện trên, chứng tỏ người Do Thái đã bị tước bỏ mọi quyền chọn lựa. Không phải họ phủ nhận mà bản án không có giá trị, ngược lại dù họ đã từng muốn tôn vinh Chúa Giêsu lên làm vua vì lý do duy vật chất, sau khi được chứng kiến Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, thì Chúa cũng đã bỏ họ để lên núi một mình (x. Ga 6, 5-27).
Đặc quyền bị tước bỏ là do sự suy thoái của chính họ. Dân tộc Do Thái là một dân được chính Yavê Thiên Chúa tuyển chọn. Họ cũng chọn chính Yavê là Vua độc tôn duy nhất. Vậy mà sau những năm sống trong sa mạc hoang vắng, tâm hồn của họ cũng cằn cỗi dần theo. Sự kiện đòi thiết lập vua trên dân Israel đời Ngôn Sứ Samuel, là một biểu hiện khai mào cho tình trạng suy thoái xa rời tối thượng quyền của Thiên Chúa, sự suy thoái sẽ trượt dốc từ Saul qua các triều đại kế tiếp và cao trào suy thoái là vào chính thời Đức Giêsu, khi mà một Dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn lại không một chút nhục nhã lớn tiếng tuyên bố với Philatô, kẻ trị vì trên tự do của họ rằng, "Chúng tôi chỉ có một vua là vua Xêda mà thôi" (Ga 19, 15).
Khước từ vua tình yêu, họ chỉ còn vua chính trị. Cách tuyên bố của họ vì chính trị, để khai trừ Đức Giêsu Nazareth mà họ thù ghét hơn, nhưng chính vì thế mà bản án Philatô viết cũng chính trị và họ phải lãnh nhận hậu quả cũng chính trị!
Bản án trở thành bản tố cáo thái độ thù ghét của thế hệ Do Thái quá khích cực đoan nhưng diễn tả một tình yêu lớn nhất của người dám chết cho người mình yêu.
Mới đây, tôi đã giải thích ý nghĩa tượng Chúa Giêsu chịu khổ nạn cho một nhà văn quân đội khi ông về thăm Nhà Thờ Chính Toà Phát Diệm: "Quan niệm Phật giáo muốn mưu cầu hạnh phúc chúng sinh phải tránh tham, sân, si và diệt dục. Còn Công Giáo thì khác, Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, không tránh mà còn nhập thể vào thân xác tham, sân, si của con người. Sau tham, sân, si là cái chết của chính Ngài, sau cái chết của Ngài là tình yêu lớn nhất: chết cho người mình yêu."
Mọi thách đố, chướng ngại không thể trở thành rào cản. Đức Giêsu tuyên bố: "Tôi sinh ra và đến trong thế gian là để làm chứng cho sự thật, ai hâm mộ sự thật thì nghe tôi" ( Ga 18, 37 ).
"Khi những người được mời không xứng đáng thì những kẻ qua đường được mời vào đầy phòng cưới dự tiệc" ( x. Mt 22, 2-10 ). Vua tình yêu vẫn mở tiệc cưới, phòng tiệc vẫn đầy người dự, nhưng là người mới, áo cưới mới.
Ý thức Vua Tình Yêu trao ban ân huệ cách nhưng không, Dân mới của Thiên Chúa hiểu rằng chỉ có tình yêu đáp đền tình yêu, hàng ngày trong lời Kinh Lạy Cha – lời Kinh trọng nhất – Hội Thánh lớn tiếng xin cho Nước Cha trị đến trong tâm hồn và trong mỗi gia đình – Nước Tình Yêu, Nước Công Bình, Nước Sự Sống, Nước Ơn Phúc, Nước Hoà Bình.
Cố Lm. HỒNG PHÚC

Tuesday 24 November 2015

Lm Vĩnh Sang DCCT ĐẤT SẠCH – ĐẤT YÊU THƯƠNG




Có một câu chuyện về việc xây Nhà Thờ, chuyện hấp dẫn bởi nó xảy ra ngay trên đất nước Việt Nam chúng ta. Sau năm 1975, quan niệm “đất là sở hữu của toàn dân” nên Nhà Nước quản lý đất rồi phân phối theo nhu cầu, vậy Nhà Thờ nào muốn xây dựng thì làm đơn, lên quy hoạch, nhà nước cứu xét cấp dất theo nhu cầu. Các tôn giáo không là những tổ chức pháp nhân nên không có quyền giao dịch mua bán. Từ quan niệm này dẫn đến nhiều tình trạng tréo ngoe, thí dụ: Nhà Thờ mua đất của dân chúng, lập kế hoạch xây dựng Nhà Thờ, rồi làm thủ tục hiến đất cho nhà nước, nhà nước xem xét rồi mới cấp đất trở lại cho Nhà Thờ thực hiện. Một quy trình vô lý và gian dối nhưng vẫn vận hành nhiều năm nay như thế ở Việt Nam.
 Một vấn đề khác. Một số các cơ sở tôn giáo (Nhà Thờ hoặc Tu Viện) sau năm 1975 bị nhà nước trưng dụng, có nơi là mượn, có nơi là chiếm không giấy tờ… Sau này có nhu cầu xin lại, không dễ gì có thể xin lại một cách thẳng thắn, thường sẽ phải vòng vo nhiều cách, nói theo kiểu một vị đại biểu Quốc Hội khóa 13 vừa qua là “Hoàng hôn nhiệm kỳ – chuyến tàu vét” ( đại biểu Lê Như Tiến ). Đó là cơ hội cho hai bên đều có lợi, bên Nhà Thờ có đất để xây dựng, bên "hoàng hôn nhiệm kỳ" có "chuyến tàu vét" khấm khá bảo đảm tương lai.
Tham những đã trở thành quốc nạn, xảy ra ở khắp nơi, ở mọi lãnh vực và mọi cấp độ, chẳng cần đợi đến chuyến tàu vét, ngày nào trong cuộc đời cũng đều là những ngày lái tàu vét vậy. Chuyện thường ngày, Công An giao thông thổi vào, chìa ra mấy tờ màu xanh thì đi (video quay và phổ biến đầy trên mạng), giấy phép xây dựng nhà, đố có ai xin được mà không phải mất tiền bôi trơn, thủ tục hoàn công nhà (xây xong phải hoàn công mới có giấy sử dụng) không ai mà tự nhiên có được nếu không chi tiền, trong quá trình xây, nay anh này vào thăm kiểm tra, mai anh kia vào thăm kiểm tra… Chủ nhà cứ vậy mà chi, khó làm dự toán chính xác lắm, cha ông ta đã có câu “làm ruộng thì ra làm nhà thì tốn” mà, nhưng ngày xưa tốn vì vụng tính, ngày nay tốn vì tác động bôi trơn !
Có một câu chuyện giữa hai vị đáng kính nói với nhau, một vị cứ chậm rãi mà liên tục thực hiện được việc có phép xây dựng chỗ này chỗ kia, một vị hay lên tiếng phản ứng, cơ sở không lấy lại được mà còn bị mang tiếng là quấy nhiễu, phá hoại tình đoàn kết. Vị thành công trong lãnh vực phép tắc khuyên bạn mình nên nhẹ nhàng, đôi bên đều có lợi, nhờ vậy mà ta mới có thể xây Nhà Thờ phục vụ Dân Chúa. Vị kia nghiêm khắc trả lời, đất mà lấy lại theo cách đó là đất… bẩn rồi, không xứng đáng để xây nơi thờ phượng Thiên Chúa, thà không có Nhà Thờ chứ dứt khoát không xây Nhà Thờ theo cái kiểu mờ ám ấy. Vị này được một số người kính nể, nhưng nhiều anh em khác lại bực bội lên án cụ là không khôn ngoan và cố chấp, lắm khi Giáo Dân biết chuyện cũng tham gia vào việc nói xấu cụ.
Vậy đất nào là đất “sạch”, xứng đáng để xây dựng nơi thờ phượng Thiên Chúa ? Có câu chuyện kể rằng:
Một nhà kia có hai anh em mồ côi cả cha lẫn mẹ, hai anh em thương nhau lắm, khi người anh lập gia đình ra ở riêng thì chú em ở một mình. Sau mùa gặt lúa, nằm đêm thao thức, người anh thương em mình cô đơn, không biết thu hoạch có đủ ăn không, nghĩ rồi anh ta lặng lẽ ra khỏi giường, vác bao lúa bên mình sang bỏ vào kho thóc nhà chú em. Chú em cũng nằm thao thức không ngủ, nghĩ anh mình có gia đình nên cần nhiều lúa hơn, mình độc thân ăn chẳng bao nhiêu, bèn nhổm dậy vác bao lúa bên mình sang quăng vào kho thóc nhà người anh. Một thời gian sau, hai anh em lấy làm lạ, sao kho lúa của mình không hề vơi đi.
Rồi một đêm, hai anh em đang vác lúa sang nhà nhau thì "đụng nhau" ở ngay hàng rào giữa hai nhà, họ chợt hiểu vì sao kho thóc của họ không hề vơi. Hai bao lúa trên hai hai anh em buông rơi xuống, họ ôm nhau khóc. Nơi hai bao lúa rơi xuống ấy chính là "đất sạch", đất đã được tắm gội bằng tình thương, đất tràn ngập tình chia sẻ, và như thế, đất ấy xứng đáng là nơi dựng lên ngôi Từ Đường của dòng tộc hai anh em mà thờ phượng tạ ơn Trời Đất và ông bà tổ tiên của họ.
Chuyện đất đai quý đến mấy đi nữa cũng chỉ là chuyện thế gian, chẳng ai trong chúng ta mang được một tấc đất sang bên kia thế giới, nó quý đến đâu cũng không phải là lý do để chúng ta gây căng thẳng hận thù, càng không đến nỗi phải kéo nhau ra ngăn chặn bằng cách đọc kinh cầu nguyện tại hiện trường. Nhưng điều quan trọng là Sự Thật và lẽ Công Bằng, mà điều này thì chính Chúa Giêsu sẵn sàng sống chết để làm chứng, mảnh đất không là gì cả, nhưng mảnh đất là biểu tượng của Sự Thật và Công Bằng, đấy là sự suy xét lương tâm của mỗi người trước mặt Chúa. Không để sự thật và công bằng bị chà đạp.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 20.11.2015