Saturday 21 November 2015

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Thư gửi tín-hữu Philip




                                                                ĐÔI  LỜI GIỚI THIỆU.

Thư gửi tín hữu Philip – Bài giảng được thu âm của lm Yuse Nguyễn Thế Thuấn dành cho Học viện DCCT trong tĩnh tâm Tuần Thánh, thứ ba , ngày 23-3-1971. Bài giảng là phần bình luận sâu sắc về ba chương đầu của Thư Philip, ngoại trừ các đoạn Ph 1:27-30 và 2:12-18. Chương bốn, không hiểu vì lý do gì, không được đề cập đến. Có lẽ đã đủ ý.  Thư nầy được xem như một trong những bình luận hiện đại của cha Nguyễn Thế Thuấn.


                                                            THƯ GỦI TÍN HỮU PHILIP

NỘI DUNG

Trong các thư của thánh Phaolô, Thư gửi tín hữu Philip (Ph) có tính cách tâm thư hơn cả, đượm nhiều hồn nhiên tâm sự.. Bất đầu, ngài nói lên mối thịnh tình có giữa Ngài và Giáo hội Philip, bởi được chung cùng một ân sủng (1:2-11). Cho dù bị tù, ngài cũng vui sướng vì Chúa Kitô vẫn được rao giảng, cho dẫu bằng cách nào đi nữa (1:12-26). Nhân dịp, ngài đề phòng tín hữu khỏi mọi mầm chia rẽ, bất hòa (1:27  2:18). Muốn vậy, ngài nêu gương hạ mình của Chúa: Nhân dịp, ngài để lại cho hậu lai những hàng tuyệt tác về thần học Giáng sinh cứu chuộc (Ph 2:6-11). Sau đó. Một cách khá đột ngột, ngài lưu ý tín hữu về hoạt động của một nhóm người, ngài gọi là thợ bất lương, đang len lỏi vào Giáo hội để lung lạc tín hữu, khích bác Tin Mừng ngài rao giảng. Hạng người đó có lẽ là Dothái phiệt. Nhân đó, ngài nói đến kinh nghiệm đời sống của ngài : Ngài đã bỏ tất cả những gì gọi là tu thân tích đức theo Lề luật, để đón nhận ơn cứu rỗi tinh tuyền của lòng mến Thiên Chúa đã tỏ ra nơi Chúa Kitô (3:2  4:1).

Kết thúc, ngài có ít lời khuyên nhủ, kêu gọi tín hữu : Hãy vui mừng (4:2-9) và thêm ít lời cám ơn tế nhị về khoản trợ cấp Giáo hội Philip đã gởi giúp Ngài (4:10-20).

Thư viết ở đâu, thời nào ?

Hiện nay là một đề tài tranh luận. Cho đến Thế kỷ 19, mọi người đều nhận là Phaolô đã viết ở Roma, thời bị giam tù ở đó (58-60). Đến đầu thế kỷ 20, ức thuyết cho rằng Phaolô đã viết thư Philip ở Ephesô ngày càng bành trướng. Thực sự , ức thuyết có nhiều ưu điểm (như dễ hiểu hơn hành trình đi lại giữa Philip và nơi Phaolô ở. Những dự tính hành trình của Phaolô khá nhằm với những điều nói trong Cv 19:22  1Cor 4:17  16:10. Từ ngữ cùng đạo lý, thư Philip gần với các thư 1&2Corinthô, Galat, Roma hơn các ngục trung thư khác như Ephesô, Colossê. Nhưng ! có điều ta không biết đích xác về việc Phaolô bị giam tù khi ở Ephesô (54-57), tuy có ít ám chỉ trong 1Cor 15:32  2Cor 1:18tt(?)

*
                                                                           *           *

Thánh Phaolô đã viết thư cho Tín hữu Philip nhân lúc bị tù tội và tín hữu thành Philip đã sai người đến giúp đỡ ngài. Trong số các Giáo hội mà thánh Phaolô lập, Giáo hội Philip là Giáo hội ngài tin cậy và thương mến hơn cả. Bởi, chúng ta thấy ngài là người hoàn toàn tự lập, và nhất là không bao giờ quỵ lụy ai. Ngài không chịu để cho Giáo hội nào giúp. Ví dụ, Phaolô nói với Giáo hội Corinthô : Thà tôi chết đói còn hơn để anh em giúp tôi (1Cor 9:15 – Vì đối với tôi, thà chết còn hơn). Nhưng ! ngài nhận sự trợ giúp của Giáo hội Philip. Chắc hẳn hai bên có sự đồng thanh tương ứng gì đây. Chúng ta nên nhớ có một tình cảnh như vậy, nên thư nầy có tính cách âu yếm khác thường đối với một Giáo hội. Nhưng đằng sau cũng có một vấn đề, cũng có một khía cạnh như thể bút chiến phần nào, về trung tâm ơn cứu rỗi.

ĐỀ THƯ.

(1:1) Phaolô và Timothê, những nô lệ của Đức Kitô Yêsu, kính gửi hết thảy các thánh trong Đức Kitô Yêsu ở Philip, làm một với các vị giám sự và phụ tá.
(2) Ân sủng và bình an cho anh em do bởi Thiên Chúa, Cha chúng ta và Chúa Yêsu Kitô

Trái với các thư khác, Phaolô viết những lời mở đầu nầy đơn giản đặc biệt. Ngài chỉ nói : Phaolô và Timothê, là những nô lệ của Đức Kitô Yêsu. Ngài không cần phải trưng tước vị của ngài ra như trong các thư khác. Ngài nói : Tông đồ của Đức Kitô, để lấy ngay uy quyền của ngài từ trước. Trong thư nầy, ngài nói : Nô lệ của Đức Kitô.

Kính gửi hết thảy các thánh. Phaolô quan niệm rằng : Hết thảy các người đã được nhập vào Chúa Kitô, đều gọi là thánh cả. Chúng ta thấy họ không phải là những người hoàn toàn, đầy đủ nhân đức, vì sau nầy thánh Phaolô cũng có vài lời khuyên nhủ những người, mà chúng ta phải nói là, họ còn cãi lẫy nhau đủ thứ.

Ân sủng và bình an cho anh em do bởi Thiên Chúa, Cha chúng ta, và Chúa Yêsu Kitô. Ân sủng và bình an là hai lời chúc của thế giới Hylạp và Dothái, nhưng thánh Phaolô đã đổi thành một lời chúc với Tin Mừng của Tân Ước. Thay vì ân sủng của lời chào thường, ngài chúc : Ân sủng và bình an – Ân sủng và bình an của người Dothái là hai ân huệ. Đụng chạm hai thế giới : Thế giới Hylạp và thế giới Dothái, nhưng đã được cải đổi đi, cũng được thay đổi đi. Ngay cả những lời chào mừng, chúc tụng nhau trong đời sống trần gian của người ta, cũng thay đổi bởi Đức Tin vào Thiên Chúa và Đức Kitô.

THÔNG CHIA CÙNG MỘT ÂN SỦNG.

Lời tạ ơn trong đoạn nầy, gợi đến tính cách ngài bị giam tù, ngài thế nào :

(3) Tôi tạ ơn Thiên Chúa tôi, mỗi lần tôi nhớ đến anh em (4) luôn luôn, trong mọi lời tôi cầu nguyện xin cho anh em hết thảy, và tôi vui sướng mà dâng lời cầu xin ấy(5) vì anh em được thông phần vào việc rao giảng Tin Mừng, từ ngày đầu tiên cho đến bây giờ. (6) Tôi tin chắc rằng : Đấng đã khởi sự nơi anh em  một công trình thiện hảo (như vậy) sẽ tiếp tục cho đến hoàn thành trong Ngày của Đức Kitô Yêsu. (7) Lẽ đương nhiên là tôi phải có những tâm tình như thế đối với anh em hết thảy, bởi tôi hằng có anh em canh cánh nơi lòng tôi. Trong xiềng xích, hay khi phải bênh đỡ và củng cố Tin Mừng, anh em hết thảy đều đã thông phần vào ân sủng tôi đã được.(8) Có Thiên Chúa chứng dám cho tôi, là tôi tríu mến anh em hết thảy trong long dạ Đức Kitô Yêsu. (9) Điều tôi khẩn nguyện là xin cho lòng yêu mến nơi anh em được dẫy tràn nhiều hơn mãi mãi, về đàng trí tri và mọi ơn thông hiểu, (10) khiến anh em biện phân ra điều ưu hảo, và như vậy, anh em được tinh tuyền và vô phương trách cứ chờ Ngày của Đức Kitô, (11) dư đầy hoa quả công chính nhờ Đức Yêsu Kitô, để sáng danh Thiên Chúa và ngợi khen Người.

Chúng ta thấy thánh Phaolô bắt đầu với lời tạ ơn Thiên Chúa. Vì lời tạ ơn nầy ở trong lời cầu nguyện, nên tự nhiên Phaolô nói hơi khá lớn một chút. Ví dụ : Ngài nói : Mỗi lần, luôn luôn ! Thật ra thì cũng phải vừa vừa thôi. Chúng ta hãy châm chước và không nên quá bắt bẻ. Nhưng, có điều nầy là tạ ơn trong việc mà chúng ta thấy Giáo hội tiên khởi như một Giáo hội thường mà mỗi người đều dự phần vào việc rao giảng Tin Mừng. Điều nầy hé mở cho chúng ta thấy đời sống tiên khởi của anh em chúng ta trong Chúa. Đối với họ, được Đức Tin và rao giảng là một, nên ai cũng tham dự vào việc rao giảng Tin Mừng. Ngài nói : Từ ngày đầu tiên cho đến bây giờ (Ph1:6). Vậy, chúng ta thấy, Tin và rao giảng và sống đức tin để rao giảng là một. Như thế trong Giáo hội sơ khởi, không phân biệt hai công việc, không có dành cho ai về việc nào. Chúng ta thấy thực sự, nếu chỉ một mình thánh Phaolô giảng thì chẳng đi đến đâu được. Vậy, đó là một điều đáng quý cho chúng ta trong thời nay : Bất cứ hoàn cảnh nào, một người đã có lòng tin và sống lòng tin là cảm thấy có nhiệm vụ rao giảng ngay lập tức.

Thánh Phaolô tạ ơn điều đó, vì chắc là một điều có thực, nên ngài mới tạ ơn như vậy. Trong Giáo hội Philip, chúng ta thấy việc tạ ơn đó, việc thông công vào việc rao giảng đó, thực sự có vấn đề cộng tác theo kiểu vật chất một phần. Thánh Phaolô thấy họ đã có lòng đại độ đủ để giúp đỡ vào công việc rao giảng ngay từ đầu, vì thư Thessalonikê cho chúng ta thấy khi thánh Phaolô vừa phải bỏ Giáo hội Philip nầy, chừng độ mấy tháng sau, ngài viết thư lại cho Giáo hội Philip. Ngài nói : Giáo hội Philip nầy , cùng với Giáo hội Thessalonikê đã giúp đỡ ngài, để có một ít vốn liếng gì đó, để khi tới Corinthô, ngài có thể rảnh rang khỏi làm việc, mà rao giảng suốt cả trong thời kỳ ở Corinthô.

Chúng ta thấy trí não vị Tông đồ luôn luôn hướng về Ngày cuối cùng của Chúa. Lòng dạ vị Tông đồ luôn luôn hướng đến Ngày Chúa đến lại. Đó là điều mà thánh Phaolô nói đến những hai lần ngay trong đoạn tạ ơn nầy : Đấng đã khởi sự nơi anh em một công trình thiện hảo, sẽ tiếp tục cho đến hoàn thành trong Ngày của Đức Kitô Yêsu (Ph 1:6) và Ph 1:10 Như vậy, anh em được tinh tuyền và vô phương trách cứ chờ Ngày của Đức Kitô. Đó là cái hướng luôn luôn đem về Cánh chung.

Vậy có một cái hướng mà chúng ta thấy : Sống trong Chúa Kitô để thi hành đời sống đức tin trong đời sống, nhưng được luôn luôn hướng dẫn vào việc gọi là đến cái lúc hoàn tất trong việc Chúa đến lại. Có một điều mà chúng ta phải lấy làm đáng quý ở chỗ nầy, là một tâm hồn sống như thánh Phaolô, đã luôn luôn hướng đến việc làm, gọi là ráo riết trong hiện tại kỳ lạ hơn ai hết, nhưng trí não luôn luôn hướng về ngày sau hết của Chúa. Đó là một hướng trong lòng tin mà chúng ta cần thiết phải đặt ra. Trong hiện tại, nhiều khi Giáo hội của chúng ta như thể sống ở trần gian, khi đặt những cơ sở vĩnh viễn. Nhiều khi thánh Phaolô không dặt một cơ sở vĩnh viễn nào. Tổ chức của ngài rất thô thiển, không có mấy, không có bao lăm.

MIỄN SAO CHÚA KITÔ ĐƯỢC RAO GIẢNG.

Đây là khúc quý báu cho chúng ta về đời sống của một người rao giảng mà bị cầm chân, cầm tù :

(12) Hỡi anh em, tôi muốn tin cho anh em hay là những gì xãy đến cho tôi, phải hơn đã nên cơ hội để Tin Mừng tiến thêm (13) đến đỗi trong Phủ đường và khắp chốn, sự hiển nhiên là chính vì Đức Kitô mà tôi đã bị xiềng xích.(14) Phần đông các anh em, đầy lòng tin cậy vào Chúa, theo gương tôi bị lao tù, thì thêm bạo dạn hơn nhiều, quả cảm giảng lời Thiên Chúa.(16) Kẻ thì vì ghen tương và kình địch ; kẻ thì vì thiện cảm (với tôi) mà rao giảng Đức Kitô. Kẻ thì làm vì lòng mến, bởi biết tôi đã được chỉ định lo bênh đỡ Tin Mừng.(17) Kẻ lại giảng truyền Đức Kitô vì ghen tỵ, ý không tinh tuyền, tưởng gây được khổ cực cho cảnh lao tù của tôi. (18) Can chi ! Dù sao đi nữa, bởi lấy nê hay tình thật, miễn là Đức Kitô được rao truyền ! thì tôi vui mừng, và cứ vui mừng (luôn). (19) Vì tôi biết : Sự ấy sẽ trở thành nguồn cứu rỗi cho tôi, vì có anh em cầu xin và Thần khí của Đức Yêsu Kitô tiếp sức. (20) Đó là điều tôi ngóng đợi và cậy trông ! Tuyệt nhiên, tôi sẽ không phải hổ thẹn ! Hoàn toàn hiên ngang, mọi lúc sao, bây giờ cũng vậy, Đức Kitô phải được tôn vinh nơi thân mình tôi, dù tôi sống hay tôi chết.(21) Vì đối với tôi, sống chính là Đức Kitô, và chết là một mối lợi.(22) Nhưng nếu sống trong xác phàm lại là hoạt động có hiệu quả (trong công việc giảng Tin Mừng) thì tôi không biết phải chọn gì. (23) Tôi bị giằng co đôi ngã : Tôi ước mong thoát ly và được ở cùng Đức Kitô, vì thật là điều tối hảo gấp bội ! (24) Nhưng lưu trú trong xác phàm lại khẩn thiết hơn vì anh em ! (25) Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ lưu lại và ở bên mà giúp
anh em hết thảy tiến tới và được sự vui mừng của lòng tin,(26) ngõ hầu anh em được tràn đầy vinh vang trong Đức Kitô Yêsu, vì cớ tôi, nhân dịp tôi được tái ngộ với anh em!

Chúng ta thấy có sự bi đát ở chỗ nầy. Vì thế, về vấn đề bình luận lịch sử, chúng ta phải hỏi : Thánh Phaolô bị cầm tù vào lúc nào ? Trước kia, người ta muốn thư nầy viết tại Roma vì nói đến Phủ đường (Prétoire), tức là nơi lính cận vệ của hoàng đế ở. Xưa người ta chỉ hiểu về Roma mà thôi, nhưng bây giờ theo khám phá về lịch sử của Roma, thì nhiều chỗ có những cận vệ của những người gọi là khâm sai hoàng đế (cũng gọi là Legat – Legatis), cúng được gọi là Phủ đường nữa. Vì thế, phủ đường có ở rất nhiều chỗ, không phải chỉ ở Roma mà thôi, tuy trước tiên thì ở Roma. Vào thời thánh Phaolô, chúng ta thấy mỗi quan khâm sai của hoàng đế đều có một tại lính cận vệ như của hoàng đế vậy. Cũng được gọi phủ đường. Vì thế, chứng cứ để nói rằng thư nầy được viết tại Roma không còn chắc nữa, không mấy người nhận nữa.

Nhiều người nhìn nhận thánh Phaolô bị tù ở đây là tại Ephesô vào lối năm 56-57. Chỗ nầy cho thấy thánh Phaolô bị tù nhiều lần chứ không phải có một lần. Thánh Phaolô cho thấy Giáo hội, ngay từ đầu đã có thể rao giảng nhiều kiểu cách. Thánh Phaolô đã gặp ngay tại Giáo hội Ephesô chỗ nầy khi ngài bị tù. Chúng ta thấy : Có người lấy làm sướng vì họ cảm thấy như thể thành công của thánh Phaolô làm xấu hổ họ, thì bây giờ ngài bị đi tù rồi, họ càng nổ lực sốt sắng rao giảng hơn, để gọi là kiếm thêm được nhiều người hơn ngài nữa. Điều nầy chắc chắn đã làm ngài cực lòng lắm (Ph 1:17). Thánh Phaolô cho chúng ta thấy những kiểu giảng Tin Mừng như vậy. Sự đê tiện thời nào cũng có. Chúng ta không lấy làm lạ gì. Kình địch nhau ngay từ nghĩa, câu, chữ lớn lao của Chúa. Người làm việc Chúa cũng có thể bị kình địch nhau, ghen tỵ nhau để làm như thể ngài ở trong tù, phải cắn răng, lại chịu những chuyện như thế nầy. Bởi vì, họ cũng suy bụng ta ra bụng thánh Phaolô ! Trước tiên, chắc là vì Ngài làm cho nhiều người trở lại, thì họ cảm thấy họ như không đáng kể gì,nên đã tức tối thế nào, thì bây giờ họ cũng cảm thấy gieo sự tức tối vào tâm hồn thánh Phaolô như vậy. Nhân dịp đó, chúng ta mới thấy tâm hồn gọi là hoàn toàn lăn xả vào công việc rao giảng Tin Mừng, nhưng lăn xả không phải vì mình, nên khi bị cầm chân lại, ngài vẫn vui sướng. Đó là tâm hồn mà trong những dịp, tuy về phía loài người không hay gì, mới thấy được tâm hồn của con người mà đức tin đặt vào chỗ nào. Vì thế, ngài nói : Dù sao đi nữa, bởi lấy nê hay vì tình thật, miễn là Đức Kitô được rao truyền ! thì tôi vui mừng và tôi cứ vui mừng (luôn).

Lúc nầy đây, chúng ta mới thẩm định được công trình của thánh Phaolô không phải là một thứ hiếu động, rõ rêt ! Khi giảng, thường tình chúng ta có thể hiếu động. Để làm việc, làm việc là để làm việc, thế thôi. Nhưng những lúc bị cầm chân lại, bất lực như hoàn toàn đi, mà lúc bấy giờ vui mừng được, sung sướng được vì kẻ khác cũng thành công, cho dẫu kẻ ấy ác ý với mình đi nữa. Lúc bấy giờ mới thử luyện được lòng tin của người vì rao giảng Tin Mừng. Chỗ nầy, chúng ta mới thấy được thánh Phaolô không phải là người hiếu động. Ngài là người đã được lòng tin chi phối đến đổi con người và đời sống con người đó đã trút bỏ tất cả vào đường rao giảng Tin Mừng thế nào, chỉ vì Tin Mừng, vì Chúa Kitô. Không phải vì mình làm được thành quả gì. Chúng ta thấy, chính trong những lúc chúng ta gặp trắc trở như thế nầy, bị cầm chân lại, chúng ta mới biết được mình hiếu động hay là mình bởi lòng tin. Thường tình, khó mà biết được mình theo cái ý nào, vì ai cũng vậy, đều tin rằng mình có thiện chí cả. Chỗ nầy, chúng ta cảm thấy như vậy.

Đoạn thư nầy cho chúng ta thấy rõ rệt đời sống Tông đồ của thánh Phaolô được chi phối bởi cái gì. Vì thế mà những chương thư quý báu cho chúng ta vì nó cụ thể vào đời sống. Nó không còn ở trên mây gió. Tuy nhiên, ngài cũng không nói ra hẳn, nhưng chúng ta rút kết luận được mới thấy, tâm hồn của một người Tông đồ là thế nào : Vì tôi biết : Sự ấy sẽ trở thành nguồn cứu rỗi cho tôi. (Ph 1:19). Thánh Phaolô có một sự thông cảm với anh em, đến nỗi không phải vì ngài thế nầy thế nọ, mà vì có anh em cầu xin và Thần Khí Đức Kitô tiếp sức. Ngay lúc bấy giờ, chúng ta thấy một tâm hồn lạ kỳ : Không phải ngài hiên ngang gì trong tù, nhưng ngài trông cậy điều đó trở nên nguồn ơn cứu rỗi cho chính mình ngài, bởi vì (nhờ) người khác, vì Giáo hội giúp lời cầu nguyện và tất cả Giáo hội cùng cộng lực với Ngài, chứ không phải chỉ mình ngài : Vì có anh em cầu xin và Thần Khí của Đức Yêsu Kitô tiếp sức (Ph 1:19). Đó ! Chúng ta thấy một người hoàn toàn vô vị lợi trong việc rao giảng Tin Mừng. Đằng khác, cũng không bám lấy vào việc rao giảng Tin Mừng đó  để nên một cái gì như thể có công nghiệp trước mặt Thiên Chúa. Không ! Ngay việc rao giảng đó mà bây giờ có thành cái gì, cũng là nhờ lời cầu nguyện của Hội Thánh, của cộng đoàn và nhờ Thần Khí Chúa Kitô tiếp sức cho mình (để) biết mình không có cái sức ấy. Đó là trạng thái mà tâm hồn của chúng ta cần phải đo lường. Có một tâm hồn lạ kỳ ! Sự khiêm nhường sâu thẳm là ở chỗ đó : Đó là điều tôi ngóng đợi và cậy trông ! Tuyệt nhiên, tôi sẽ không phải hổ thẹn (Ph 1:20). Đó là tin cậy. Lòng trông cậy là thế.

Tuyệt nhiên, tôi sẽ không phải hổ thẹn. Hổ thẹn , nghĩa là thấy điều mình mong muốn mà không thành. Hoàn toàn hiên ngang, mọi lúc sao, bây giờ cũng vậy: Đức Kitô phải được tôn vinh nơi thân mình tôi, dù tôi sống hay tôi chết (Ph 1:20). Đó là nền tảng. Nền tảng một người thuộc về Chúa Kito. Tất nhiên, chúng ta thấy như Ad majorem gloriam Dei ? Vì lòng sáng danh Chúa, khó khăn chừng nào ! Chính trong sự thử thách ấy mới thấy được. Bây giờ, Phaolo mới thấy và mới nói được rằng điều ấy chắc thực : Đức Kitô phải được tôn vinh nơi thân mình tôi, dù tôi sống hay tôi chết (Ph1:20).

Có câu lớn lao cho chúng ta :Vì đối với tôi, sống chính là Đức Kitô (Ph 1:21). Chúng ta có thể vội vàng cho : Sống chính là Đức Kitô là đời sống ân sủng. Không phải ! Đây không phải ! Không bao giờ thánh Phaolô đem về những cái trừu tượng như thế, nhưng đem về hoạt động việc nầy việc khác. Có điều chúng ta thấy : Con người tập trung ở đâu ? Con người tự nhiên đó, chúng ta thấy tập trung vào ý thức về chính bản ngã của mình. Việc tin vào để được thành tựu một bản ngã, tức là như thể cái con đường của mình, cái sống của mình, nên cái sống đó không phải chỉ là đời sống ân sủng, nhưng là những hoạt động, sinh hoạt của đời sống hoàn toàn bị chi phối bởi một điều là Đức Kitô. Không còn tập trung được ở một chỗ nào khác nữa. Chúng ta phải hiểu điều đó là điều có một người sống trong ý thức của mình, và biết được, gần như thế, không còn là của mình nữa.

Chỗ nầy, thánh Phaolô nói về sinh hoạt của ngài. Chỗ khác, trong thư Galat, ngài sẽ nói hẳn về đạo lý, một điều tương tự như vậy. Lúc bấy giờ, chúng ta mới có thể nói về các lời gọi là nguyên tắc đó. Trong thư Galat, chúng ta sẽ thấy cùng một tư tưởng nầy, vì hai thư gần như đồng thời với nhau (Thư Galat và thư Philip). Thư Galat 2:20 nói :

Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi. Đời sống tôi lúc nầy trong thân xác, tôi sống nó trong lòng tin vào con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và phó nộp mình vì tôi.

Để khẳng đinh : Sống cho tôi, thì :

Đức Kitô phải được tôn vinh nơi thân mình tôi, dù tôi sống hay tôi chết. Vì đối với tôi, sống chính là Đức Kitô.

Đó là đối tượng, chủ đích của một đời sống và chi phối tất cả hoạt động của mình. Điều đó, chúng ta mới thấy manh nha trong đời sống, trong sự lam lũ, cực khổ và hoạt động, mà đã sống ơn cứu rỗi hiện tại, chứ không phải chờ thiên đàng. Như vậy, đời sống đó vừa là thiên đàng vừa là trần gian, là thế ! Vì thánh Phaolô sẽ nói : Nếu chúng ta sống, chúng ta ở với Chúa Kitô, chứ không có lý lẽ nào bây giờ chúng ta chịu khó đi một chút, rồi mai kia sẽ sống hạnh phúc. Không phải ! Nhưng nay bây giờ trong hoạt động hiện tại. Đó ! Phaolô nói : Vì đối với tôi, sống chính là Đức Kitô, và chết là một mối lợi (Ph 1:21). Chúng ta thấy (đó) là một câu rất lớn và cho thấy một nhãn giới lạ kỳ mà cả Cựu Ước cũng không có. Thành ra, đối với việc Chúa Kitô xuất hiện, thì một vị Tông đồ mới nói được điều nầy : Chết là một mối lợi.

…Nhưng nếu sống trong xác phàm lại là hoạt động có hiệu quả (trong công việc giảng Tin Mừng) thì tôi không biết phải chọn gì. Tôi bị giằng co đôi ngã : Tôi ước mong thoát ly và được ở cùng Đức Kitô, vì thật là điều tối hảo gấp bội.
                                                                                                                                 (Ph 1:22-23)

Ngài đã có sự hiệp nhất với Chúa Kitô để cảm thấy cái chết là một điều tối hảo hơn cả mọi điều khác.

Nhưng lưu trú trong xác phàm lại khẩn thiết hơn vì anh em ! Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ lưu lại và ở bên mà giúp anh em hết thảy tiến tới và được sự vui mừng của lòng tin, ngõ hầu anh em được tràn đầy vinh vang trong Đức Kitô Yêsu, vì cớ tôi, nhân dịp tôi được tái ngộ với anh em.
                                                                                                                           (Ph 1:24-26)

Đó ! Chúng ta thấy một con người vừa bay bổng trên trời cao về đạo lý như thế mà lại vẫn cho chúng ta thấy một tâm hồn hoàn toàn cỡi mở với anh em mình thế nào. Lời sau cùng cho chúng ta thấy một lời nhã nhặn, một tâm hồn rất âu yếm với cộng đoàn của mình. Vậy đó ! Chúng ta thấy lạ. Đời sống thánh Phaolô – vừa bay bổng cao siêu thật trong Chúa – Vừa vẫn sát thực với trần gian. Chương thư quý báu nầy cho thấy một nhãn giới mới về một đời sống Tông đồ thế nào. Tâm hồn Tông đồ của người rao giảng Tin Mừng phải thế nào. Rồi, thái độ của một người đã sống trong Tin Mừng đối với cái chết, thế nào, đối với đời sống thế nào. Chúng ta thấy từ đầu chí cuối bị chi phối bởi một điều là Chúa Kitô. Đó là nhãn giới mà chúng ta cần thiết phải luôn luôn đào sâu. Sống với Chúa Kitô, càng thấy điều đó thu hút được tất cả đời sống của mình đến đỗ không chừa một hoạt động nào, ngay cả cái chết của đời mình cũng vậy.

…Tôi (Lm Nguyễn Thế Thuấnđề cập đến những anh em đi thử tự do (probation libre) hoặc trước khi vào tập viện, hoặc trong giai đoạn học viện.

Từ những năm đầu thập niên 1970, Tỉnh DCCT Việt nam  (thời cha Henri Bạch văn Lộc làm Giám tỉnh, các cha Trần hữu Thanh, Nguyễn ngọc Lan làm cố vấn) có chủ trương mới về đạo tạo ơn gọi. Các sinh viên học viện được cho đụng chạm với kiểu sống bên ngoài (đây là nhóm cha Thuấn đề cập đến trong dịp nầy). Kế đến, thành lập giai đoạn Sinh viên dự tập 4 năm, anh em sinh hoạt và mưu sinh như bất kỳ một sinh viên bình thường, mỗi năm có khóa Định hướng để giúp anh em định hình lại ơn gọi, sau đó mới được mời gọi vào Tập viện. Các em Đệ tử từ lớp 10-12 được đưa ra học tại Trường Cứu Thế - Một trường trung học của Tỉnh Dòng – mỗi buổi sáng, trưa đến lại quay về Đệ tử viện Thủ Đức, nhằm chuẩn bị cho môi trường 4 năm Sinh viên Dự tập sau nầy. Lớp sinh viên dự tập chính thức đầu tiên là lớp Vô nhiễm (niên khóa 1969-1970), nhóm lớp học tại trường Cứu thế đầu tiên ( niên khóa 1970-1971): Phanxico Xaviê(63) , Thomas d’Aquin(65), Gabriel(66). Đây là bước đi táo bạo lúc bấy giờ của Tỉnh Dòng, đã tạo nên một chuyển biến trong suy nghĩ của các dòng ở Giáo hội Việt Nam lúc bấy giờ - Nhưng cũng có những khủng hoảng nhất định)

Tôi thấy anh em đi thử ngoài cũng nguy hiểm là thế nầy : Mình là con người không quyết định được, thế thôi, nên mình nói họ đi kiếm sự sống, nhưng đáng lẽ phải cho kiếm Chúa Kitô hơn, chứ không phải chỉ kiếm sống. Vì thế (đối với) những việc đi thử luyện, tôi thấy nhiều người gần sai lạc ý tưởng hẳn. Nghĩa là họ muốn làm thế nào bành trướng hết cả, nảy nở toàn diện đời sống của họ. Cuối cùng, họ kiếm cái họ, chứ không kiếm Chúa Kitô. Mình phải đi đến lòng tin thế nào vào Chúa để mặc kệ sống chết : Vất ta đâu cũng sống, miễn là Chúa sống là được rồi, thế mới được ! Sau nầy, mình có giảng được Tin Mừng cho Chúa, hay có  sống chết mặc kệ, thế mới được. Chứ còn để cho mình sẽ thành công một cái gì trong đời sống của mình, thì mình vẫn còn kiếm mình (…) Mình làm thế nào cảm thấy, để sống bằng cái cảm thấy, rằng mình có thành công một cái gì, có hiệu lực về một điều gì (mà) lại không đi hẳn vào chính trung tâm của Tin Mừng, vào chính điều mình rao giảng – Điều mình rao giảng là điều mình sống – chứ không phải điều mình học thuộc lòng, rồi lại đem nói hùng hồn cho kẻ khác, nhưng mình sống lấy đã. Không thể không sống (trong) Chúa Kitô mà lại muốn đi rao giảng : Lúc bấy giờ mình kiếm sự sống của mình. Sự sống đó là sự sống của những kẻ rao giảng mà để (đến đỗi) ganh tỵ với Phaolô.

Có một sự cạnh tranh ganh tỵ. Khi nào chưa có phải là xích mích cho hẳn thì cạnh tranh, nhưng cạnh tranh mà mình thất bại thì trở nên ghen tỵ ngay. Cạnh tranh nhau, đó là cái nguy tai, cái nguy nhất. Vậy, Phaolô là một con người để cho chúng ta thấy : Trong trường hợp bất đắc dĩ, bị cầm tù, bị cầm chân lại về mọi sự, mà một người nóng nảy như thánh Phaolô, đã nhận lấy được sự cầm tù đó như một điều vui sướng, để thấy Tin Mừng do kẻ khác rao giảng, chúng ta mới thấy được tâm hồn Tông đồ là gì. Chỗ nầy cần thiết và đó là điều chúng ta cần phải đi vào : Hoàn toàn hiên ngang, mọi lúc sao, bây giờ cũng vậy. Đức Kitô phải được tôn vinh nơi mình tôi (Ph 1:20). Vậy, Mọi lúc sao là lúc tôi được thành đạt và mọi người đều nghe tôi và tôi được sung sướng là làm cho bao nhiêu gười trở lại. Lúc ấy hiên ngang thật, nhưng Mọi lúc sao, bây giờ cũng vậy, lúc mà tôi bị cầm như ủ rũ trong tù, tôi cũng vậy, cũng được cái hiên ngang đó như thường. Vì thế nào đó, Đức Kitô phải được tôn vinh nơi thân mình tôi, không phải nơi một vài việc gì hay nơi công việc người khác đã nghe lòng tôi mà được lòng tin. Đó là nơi kẻ khác. Nhưng nơi thân mình tôi, Đức Kitô phải được tôn vinh. Vì đối với tôi, sống chính là Đức Kito và chết là một mối lợi (Ph 1:21)

Đối với thánh Phaolô, ở trong tù là một cái chết thật của ngài, nhưng cũng là một mối lợi. Ngài lãnh nhận lấy và bây giờ đây, ngài hoàn toàn lãnh nhận lấy cái chết. Chúng ta thấy phải đối chiếu với một thư khác cũng gần đồng thời để thấy thánh Phaolô sợ cái chết thật, vì cái chết đó làm cho ngài cũng cảm thấy thế nào là sự bấp bênh, trong thư thứ 2 Corinthô.
Thư nầy được viết sau thư Philip một đôi chút, cho chúng ta thấy ngài sợ chết như thế nào,  rồi ngài phải đi vào đức tin như thế nào, để được ra đi thật mà cũng chững chạc được.Trong 2Cor đoạn 5, ngài nói những lời – khi đem đối chiếu – chúng ta mới biết được ngài đã lãnh nhận cái chết không phải như một định mệnh (fatalité), nghĩa là chết là phải chết, thế thôi ! mới thấy con người ngài chiến đấu  với cái chết và đã lãnh nhận lấy cái chết như một hậu quả cuối cùng trong Đức Kitô thế nào :

Quả ta biết : Một khi nhà ta ở dưới dất, cái lều nầy bị phá đi, thì có lâu đài do tự Thiên Chúa, cái nhà vĩnh cữu chốn Thiên đài, không do tay phàm làm ra.( Vì) nầy cớ sao ta rên siết, vì ta khắc khoải được mặc trùm ngay lấy chốn ở Thiên đài dành cho ta, giả như mình còn mặc áo, chớ không phải đã ra trơ trụi.
                                                                                                                        (2Cor 5:1-3)
Chúng ta thấy thánh Phaolô có cảm tưởng phải chi tận thế đến, rồi mình càng sống, càng sống điều nầy và được biến đổi đi. Cái nhà ở Thiên đài tức là vinh quang cùng tận của con người trong Chúa, được mặc ngay trong thân xác mình, khỏi ngang qua cái chết. Ngài ước mong đến đỗi như vậy. Rõ rệt, đằng sau chúng ta thấy có cái nhãn giới về cái chết thế nào, thì chỗ nầy ngài tiếp nhận cái chết đó. Chỗ nầy cho chúng ta thấy diện mạo một vị Tông đồ, thấy lòng một vị Tông đồ đã sống một đời sống của mình trong Chúa thế nào, bởi đã kinh nghiệm đi đến dần dần và bởi đã sống thì đã được tiếp xúc và đi đến trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô thế nào, để Tin Mừng trước tiên là Tin Mừng cho chính mình.

Tin là vui sướng thật sự, mở ra một điều mà theo thế giới nầy là một điều thất vọng hoàn toàn, mà mở ra được để thế giới đó trở nên một Tin Mừng cho chính mình. Một điều cho mình ra khỏi tình trạng gọi là hoàn toàn thất vọng đi, mà được đặt trên một cơ sở hoàn toàn mới, để bất cứ biến cố xãy ra thế nào, mình cũng có thể sống và sống hiên ngang được như thường trong lòng trông cậy như vậy. Vậy một người đã trút bỏ được chính mình để lãnh nhận lấy chính Chúa Kitô vào chính đời mình : Đó là một mầu nhiệm. Khi chúng ta nói Hội Thánh phải ngang qua mầu nhiệm chết và sống lại là thế đó. Chết và sống lại (được) áp dụng cho chúng ta. Chết và sống lại là một điều xãy ra cho Chúa Kitô thì cũng xãy ra cho chúng ta như vậy.

Chúng ta nên suy nghĩ đoạn nầy rồi tự xét lấy. Chúng ta nên để ý, đắn đo. Đối với tôi – Nguyễn Thế Thuấn – nhiều anh em đi thử thế nào đó để kiếm lấy một môi trường, để sống cho chính mình, và như vậy, tự nhiên, chắc chắn những người đó khó mà về lại với chúng ta. Khó về lại ! Không phải là đi tìm kiếm kinh nghiệm mà là đi tìm kiếm cái gì sống cho mình, gọi là mình được thực hiện đời sống của mình đầy đủ hơn. Chúng ta thấy (họ) khó về lại với chúng ta lắ !. Ra đi khó về lại ! Bởi vì không được chính Tin Mừng chi phối việc mình thử luyện như thế, như thử luyện vì mình chứ không phải thử luyện vì để làm việc cho kẻ khác. Nguy hiểm ! Tự nhiên, chúng ta thấy khó cho những người ấy, có thể nói là họ chưa nhất quyết vào đời mình. Vì thế, chúng ta nên cầu nguyện cho những người đi thử, và khi nghĩ đến vấn đề đó, chúng ta phải để ý : Vấn đề ấy đòi chung ta phải đi vào mầu nhiệm thật sự. Mầu nhiệm cứu chuộc. Và bây giờ, một người Tông đồ, là người mang lấy mầu nhiệm cứu chuộc đó cho chính mình đã.

Lúc bấy giờ, việc thử luyện là một điều hay, vì mình (biết) mở nhãn giới ra : Mình có thể làm gì được cho người ta với lòng tin của mình như thế nầy. Khi chưa có lòng tin mà đi thử luyện, từ nhiên mình kiếm mình. Mình làm thế nào sống để cho mình được tỏ bày ra tất cả hiệu năng của đời sống mình. Xem mình có những khả năng gì ? Đó là kiếm mình. Đó là cái nguy hiểm của đường lối vạch ra, nhưng chúng ta thấy thiếu chuẩn bị : Nguy hiểm !

Các thư của thánh Phaolô ích lợi cho chúng ta nếu chúng ta biết được đằng sau, nhân hoàn cảnh nào xãy ra, chúng ta mới thấy được người sống trong lòng tin, trong đời sống cụ thể của họ, họ sống thế nào. Chúng ta có mấy câu đáng quý báu Ph 1:20-21 so với Ga 2:14 trở đi – thánh Phaolô nói về trung tâm Tin Mừng của ngài thế nào.. Về việc chết và sống, chúng ta đo lường được: Trong 2Cor 5, thế nào là con người đã được đức tin, được quan niệm, được biết, được sống trong Đức Kitô thế nào, thì xử trí thế nào trong thất bại của đời mình, trong tù tội, trong việc bị ngăn chận lại tất cả hoạt động của mình, trong khi lại gặp kẻ khác chống bang, ghen tỵ nầy khác, muốn làm cực lòng mình thế nầy thế khác, đã lướt đi quá được, không nghĩ đến vấn đề người kia gì cả, vẫn vui sướng được, mặc dầu thế nào đi nữa : Vì Chúa Kitô cũng được người ta rao giảng. Đó là cái cụ thể của một người sống trong lòng tin. Trong những hoàn cảnh cụ thể, họ sống thế nào để chúng ta đo lường được. Như vậy, điều giảng về sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô không phải là một điều trên mây gió, nhưng là một điều thực sự có thể đem vào đời sống của người ta. Một người đã sống trong Tin Mừng, thì thế nào?

HÃY CHIẾN ĐẤU TRONG LÒNG TIN

(27) Chỉ có điều nầy là anh em hãy cư xử sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô, ngõ hầu – hoặc tôi đến mà thấy được, hoặc tôi vắng mặt mà được nghe biết – anh em cứ đứng vững trong một Thần Khí, cùng nhau chiến đấu, với một tâm hồn, vì đức tin do Tin Mừng mang đến,(28) không chút mảy may hốt hoảng trước mặt những kẻ chống đối. Việc họ chống đối là dấu nguy cơ diệt vong họ, còn cho anh em là dấu chỉ ơn phúc cứu độ - và điều ấy là do Thiên Chúa an bài . (29) Vì anh em đã được phúc – vì Đức Kitô – chẳng những là tin vào Ngài, mà còn được chịu khó vì Ngài, (30) được tham dự vào cùng một trận chiến, như anh em đã thấy, và hiện đang nghe biết tôi phải đương đầu.

Lm Nguyễn Thế Thuấn không bình luận đoạn nầy.

HÒA HỢP, KHIÊM NHƯỢNG THEO GƯƠNG CHÚA KITÔ.

Đoạn thứ 2, thư Philip cần thiết và có nhiều điều quý báu cho chúng ta.Thứ nhất, thánh Phaolô có đề cập đến một tình trạng hiện tại lúc bấy giờ của một cộng đoàn. Cộng đoàn của Philip lúc bấy giờ không tí gì là bê bối, trầm trọng như tại Corinthô. Ngài chỉ trích cộng đoàn Corinthô nhiều điều, và nhiều điều gọi là rất bê bối, ngay cả bê tha nữa, hoặc là về dâm dật đủ thứ nầy khác. Giáo hội Corinthô là thế. Ở Galat thì có lạc đạo rõ rệt. Còn tại Philipphê không có gì trầm trọng, nhưng là một cộng đoàn như mọi cộng đoàn thường khác, không lỗi lạc bao lắm, trong đó có sự chia rẽ ganh tỵ nào đó, nhân đó thánh Phaolô nói đến gương mẫu. Ngài trình bày lại về Chúa Kitô.
Chúng ta thấy một lần nữa, khi muốn giải quyết nhữn vấn đề thực tế của một cộng đoàn, anh em tiên khởi không dựa theo lý trí hay dựa theo cái gọi là có ích lợi thế nào đó đối với người ngoài, là những lý lẽ để chúng ta dàn xếp công việc. Ngay việc anh em bất thuận với nhau, thánh Phaolô cũng để cho họ chiêm ngắm Chúa Kitô đã, rồi mới giải quyết. Ngài để họ tự giải quyết lấy vấn đề, vì vào lòng tin, họ dã lãnh nhận lấy vào Đấng đã đến với loài người thế nào. Đó là một điều quý báu cho chúng ta, nhận thấy có những vấn đề giải quyết, chúng ta phải làm không phải như các triết gia, hay chính trị gia, để gọi là tìm cái lý lẽ nào đó, kiểu người ta gọi là dialectique, nghĩa là mình đặt vào trạng thái hiện tại, rồi mình lý luận thế nào đó để xoay chiều, xoay chiều dần dần cho đến khi họ phục lý mình. Chúng ta thấy đó là Biện chứng pháp (coi: Biện chứng pháp là gì ? Trần Thái Đỉnh – NXB Hướng mới). Chúng ta phần nhiều(giải quyết vấn đề) thế đấy. Biện chứng pháp đặt vào tình trạng phản đề (antithèse), nghịch với ý của mình trước đã, rồi chuyển dần dần và gợi ra những gì hoàn toàn thuộc về ý niệm để nó đổi xoay chiều về phía của mình, về đề (thèse) của mình. Chúng ta thấy có thể dung nhiều kiểu biện chứng pháp và có nhiều kiểu chúng ta đều dung cả : Hoặc dùng lý trí hoàn toàn, hoặc dùng lý (argument) để làm cứng họng người ta. Chỉ là một cái tiếng đê bắt lý, thế thôi, chứ nó không có lý gì khác cả nữa.

Điều đó tự nhiên, là lý luận để giải quyết vấn đề. Còn chúng ta, trong một cộng đoàn đã tin vào Chúa Kitô, không còn phải giải quyết vấn đề như thế nữa. Mỗi người, khi cộng đoàn có đặt một vấn đề gì khó khăn cho chính mình, lúc bấy giờ là quay đầu nguyện ngắm lại, suy ngắm lại cái trung tâm của ơn cứu rỗi. Thánh Phaolô cũng đặt cho cộng đoàn Philip của ngài (cách giải quyết) như vậy. Ngài cho chúng ta thấy một cộng đoàn chia rẽ. Sự kêu gọi đồng tâm nhất trí (Ph2:2) của ngài rõ rệt dội lại đằng sau có sự chia rẽ, không đồng ý với nhau, nhưng trong khi đó, ngài không biện lý gì cả, ngài chỉ đem lại dung mạo Chúa Kitô cho tín hữu chiêm ngắm và tự giải quyết lấy. Lúc bấy giờ, người ta giải quyết trong lòng tin, trong tự do, trong lòng yêu mến Chúa. Có một điều cần thiết cho chúng ta, vì thực sự, chúng ta thấy có nhiều điều bây giờ chúng ta vẫn gặp. Không phải nơi chúng ta vì tự nhiên còn nhiều khó khăn, nhưng là ở những nơi như Âu châu, không bao giờ người ta giải quyết bằng lý lẽ nữa. Người ta đã lấy làm chán những cái gọi là ý thức hệ, vì ý thức hệ thì chỉ tuyên chiến với nhau, chỉ đánh nhau bằng lý, Thế thôi ! Sau cùng, mặc kệ ai làm gì thì làm.

Những cộng đoàn ở châu Âu khi sống thực sự với Tin Mừng, họ chỉ hỏi : Có lời nào của Chúa chỉ dẫn cho tôi việc nầy không ? Lúc đã kiếm ra được lời Chúa chỉ dẫn thì thôi, mọi người không còn tranh luận gì nữa. (Tin Mừng) đòi đến chỗ chúng ta phải đi lượt qua ý thức hệ đó đi. Lướt qua những lý tưởng và những lý lẽ phần nhiều là những điều khôn ngoan để giải quyết những vấn đề, để đứng chiêm ngắm đối tượng của lòng tin. Chúng ta gặp điều nầy trong đoạn 2, thánh Phaolô bắt đầu bằng câu :

(2:1) Vậy nếu trong Đức Kitô có sự an ủi nào, có sự khích lệ nào của lòng mến, nếu có sự thông hiệp nào do bởi Thần Khí, nếu có đức từ tâm hay thương xót nào (2), thì anh em hãy làm cho nỗi vui mừng của tôi nên trọn, là hãy lo cho được đồng tâm ý hợp với nhau, chia xẻ cùng một lòng mến, một tâm hồn, một trí ý.(3) Đừng làm gì vì ganh tỵ, vì hư danh, nhưng thật lòng khiêm nhượng, hãy coi kẻ khác tổi trang hơn mình.(4) Mỗi người đừng chỉ dán mắt vào những điều sở đắc nơi mình, song cả vào những điều sở đắc của người khác nữa.
 (Ph 2:1-4).

Chúng ta thấy có ngay sự khuyên dục. Đằng sau dội lại là có một sự gì đó, chia rẽ trong cộng đoàn Philip. Vậy nếu trong Đức Kitô, nghĩa là trong ơn cứu rỗi Chúa Kitô đem đến, chúng ta đã được hưởng lấy. Chúng ta phải nhớ đó là một sự quả quyết chứ không phải chỉ là hỏi gọi là, hỏi lấy lệ. Quả quyết rằng anh em tin trong Đức Kitô có ơn cứu rỗi chắc chắn ! Khi nào cũng vậy. Đức Kitô bao giờ cũng là Đức Kitô sống trong Hội Thánh, chứ không phải là Chúa Yêsu trong lịch sử đời Ngài. Vậy trong Đức Kitô là đời sống của Hội Thánh hiện tại, chứ không phải chỉ nguyên có quá khứ. Vậy trong ơn cứu rỗi Chúa Kitô đem đến cho Hội Thánh trong hiện tại, anh em đã chịu lấy được sự an ủi, đã được bao nhiêu khích lệ của lòng yêu mến, đã có sự thông hiệp do bởi Thần Khí Ngài ban cho. Như vậy, cũng đã hưởng lấy sự từ tâm lòng thương xót của Thiên Chúa, thì bây giờ đây là lúc anh em hãy làm cho tôi được vui mừng nên trọn. là trong khi tôi đã giảng cho anh em về ơn cứu rỗi như thế, anh em hãy làm trọn điều đó đi, và dục lại lòng tin đó, để sống với nhau có sự đồng tâm ý hợp với nhau, để chia xẻ cùng nhau một lòng mến, một tâm hồn, một trí ý. Đó ! Chúng ta thấy thánh Phaolô kêu gọi hiệp nhất, lời kêu gọi thân thiết. Đằng sau đó, ngài kêu gọi đừng làm gì vì ganh tỵ, người nầy đấu tranh với người khác để mình có thể hơn.

Không biết người ta lý sự vì điều gì ? Khó khăn chỗ nầy là chúng ta không biết được rõ rệt, nhưng có sự ganh tỵ giữa anh em. Sự cạnh tranh có thể có ý ngay lành. Về sau nầy (Ph 4:2), thánh Phaolô kêu gọi hai bà (Evodia – Syntykhê), hai bà không thể đồng ý với nhau được trong công việc, có lẽ là việc đạo đức, trong việc phục vụ nầy khác. Ngài kêu gọi  hai bà khẩn thiết lắm. Chúng ta thấy sự ganh tỵ không phải chỉ là một điều do giàu có, hoặc do buôn bán, vì Giáo hội Philip không giàu có mấy. Vì hư danh (Ph 2:3), có sự hiếu thắng trong đó, cho mình hơn kẻ khác, cho mình được danh dự hơn kẻ khác. Nhưng thật lòng khiêm nhường, hãy coi kẻ khác trổi trang hơn mình (Ph 2:3). Đó là một nhận chân, một khó khăn. Chỗ nầy thánh Phaolô đem vào nguồn gốc ơn huệ. Cho dẫu mình có ơn huệ nhiều đi nữa, vẫn không phải là của mình. Vậy, mình có thể mở mắt ra để nhìn thấy ơn huệ Thiên Chúa ban cho kẻ khác, mà nhận thấy ơn huệ đó trổi trang hơn tất cả các điều tự mình có. Vì thế, mọi người đừng chỉ dán mắt vào những điều sở đắc nơi mình (Ph 2:4). Sở đắc không phải chỉ những điều tự nhiên mình có hơn kẻ khác, mà chắc có lẽ nói về những ơn như đặc sủng (charisme), ơn huệ siêu nhiên có trong cộng đoàn, mà mọi người phải đừng chỉ dán mắt vào những điều đó, mà mình cho là tất cả, nhưng còn có những điều sở đắc của người khác nữa, để cân nhắc làm sao đó trong cộng đoàn, để mọi ơn huệ Thiên Chúa ban cho mỗi người anh em được nẩy nở.

Những điều trên đây dễ hiểu. Cốt thiết cho chúng ta thấy : Thánh Phaolô nói tất cả những điều đó đem về sự cuối cùng là việc tế nhận ơn cứu rỗi đã đến cho họ trong Chúa Kitô. Bây giờ đây, thánh Phaolô mới chuyển qua (tư tưởng khác). Không phải chỉ làm một vài điều bề ngoài, nghĩa là một vài dốc mình, sửa lại những thiên kiến của mình, mà là đổi như mình phải có luôn. Đó là đổi từ tâm trí, từ trong lòng. Vậy, đó là một điều chúng ta thường gọi là Metanoia, đổi hoàn toàn tư tưởng, ý chí và việc làm từ đáy lòng : Anh em hãy có nơi anh em tâm tư như đã có trong Đức Kitô Yêsu (Ph 2:5). Câu nầy, thường thường trong Hội Thánh, được nói đến sự bắt chước gương Chúa Kitô. Không phải thế ! Thánh Phaolô không nhìn đến sự bắt chước, mà bao giờ cũng có tính cách cứu rỗi cả. Chúng ta thường hiểu về đời Chúa Yêsu và xem lại đời sống trần gian của Ngài để lấy gương mẫu, nhưng thánh Phaolô luôn nói ngược lại là Đức Kitô, đó là Đức Kitô trong cộng đoàn. Một kẻ đã được sống trong Đức Kitô đã có điều ấy như phải có. Vậy, anh em hãy có nơi anh em tâm tư như đã có trong Đức Kitô Yêsu, như có và phải có (tâm tư nầy) trong Hội Thánh của Ngài. Khi đã được ơn Ngài cứu rỗi và xuống ơn lớn lao trong đời anh em như thế, thì anh em có lý vì không phải là một điều tôi tự bày cho anh em để anh em cố gắng bắt chước, nhưng là ơn cứu rỗi đã đến và thực sự anh em có thể sống  như thế được. Anh em hãy có nơi anh em tâm tư như đã có trong Đức Kitô Yêsu.

Chúng ta thấy không phải chỉ là một vài điều giảng hòa (thôi thì giảng hòa với nhau đi kẻo lỗi một chút). Không phải vậy ! nhưng là đi đến cái cuối cùng nữa, là cải đổi lòng trí của mình toàn diện để lãnh nhận lấy điều ấy, chứ không phải chỉ là đổi một vài thái độ mà thôi. Đó là việc một cộng đoàn luôn luôn làm công việc hồi đầu trở lại với Tin Mừng. (…) Thực sự, thánh Phaolô đòi cộng đoàn chính của ngài là cộng đoàn hối cải, đổi tâm tư lòng trí đi. Ngài đòi cộng đoàn của ngài phải hối cải thế nào với điều khi đã được giảng Tin Mừng.

Lúc bấy giờ, ngài dùng mấy câu (Ph 2:6-11) đặc biệt quý báu, là những câu mà chúng ta thấy Hội Thánh ưa chuộng đặc biệt trong Tam nhật Vượt qua (5-6-7 Tuần thánh), cùng với Isaya53, là hai điều chủ chốt cho tất cả suy ngắm của Hội Thánh về sự thương khó của Chúa Kito. Khúc nầy – Ph 2:6-11 – cũng ám chỉ phải có đằng sau bài ca về Người tôi tớ thống khổ của Yahvê trong Isaya, chúng ta mới hiểu được những hình ảnh ở chỗ nầy. Vậy ! Hội Thánh dùng hai chương Cựu Ước và Tân ước để suy ngắm suốt cả tuần thánh về Chúa Kitô. Chúng ta thấy Hội Thánh không làm theo kiểu đi đàng thánh giá như chúng ta. Hội Thánh dùng hai chương sách, một chương thuộc về lời báo hiệu, lời tiên tri Is 53, đoạn nói về Người tôi tớ thống khổ của Yahvê và đoạn nầy như thể tự ở trong một người đã sống, chính trong sự thực hiện, đã thấy được không phải chỉ là một vài khổ hình bên ngoài, đánh đòn hay đóng đinh nầy khác mà thôi, nhưng tự tâm hồn của Chúa Kitô đã lãnh nhận lấy mầu nhiệm thập giá tự bên trong.

Vậy ! Chúng ta thấy những chương nầy cần thiết và chúng ta phải hầu như thuộc lòng vì chúng hướng dẫn thật sự để chúng ta biết công việc cứu rỗi của Chúa Kitô thế nào.

Về văn, phải nói rằng thực sự thánh Phaolô đã có chương nầy trước thư Philip chăng ?

Nhiều tác giả hiện tại đều nói đây là một bài ca vãn của Hội Thánh tiên khởi. Họ đã suy ngắm về Thập giá Chúa Kitô thế nào, thì họ cũng làm theo như kiểu Isaya 53. Isaya cũng vậy, chỉ sự hạ xuống của Con Người, Đấng thống khổ là người tôi tớ đi đến mút cùng của sự đau đớn, hèn hạ, khốn nạn về đời mình, rồi sau đó được Thiên Chúa nhắc lên cao trên hết cả mọi sự khác. Trong bài ca nầy cũng vậy. Nói đến sự hạ mình cho đến thẳm sâu, đến cùng, rồi được Thiên Chúa nhắc lên cho đến cùng, đến tột đỉnh. Không gì cao hơn được nữa. Vậy, đó là hai kiểu suy ngắm.

(6)  Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa,
       nhưng Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được
       chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa.
(7)  Song Ngài đã hủy mình ra không
       là lĩnh lấy thân phận tôi đòi,
       trở thành giống hẳn người ta ;
       đem thân đội lốt người phàm
(8)  Ngài đã hạ mình thấp hèn,
       trở thành vâng phục cho đến chết,
       và là cái chết thập giá !
(9)  Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài !
       và ban cho Ngài danh hiệu
       vượt quá mọi danh hiệu
(10) Hầu trước Danh hiệu của Đức Yesu,
       mọi gối đều phải quỳ xuống bái lạy,
       chốn hoằng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất.
       và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng :
       YÊSU KITÔ LÀ CHÚA,
       mà làm vinh quang cho Thiên Chúa Cha.

Đó, chúng ta có hai thiên về việc đi xuống (Ph 2:6-8) rồi đi lên (Ph 2:9-11). Đi xuống cho đến mút cùng là thập giá và được (nhắc) lên cho đến cùng là Danh Yahvê, tên Chúa : Yêsu Kitô là Chúa.

Trong bài ca vãn nầy có những tiếng thực sự khó dịch, vẫn còn tranh luận. Đó là vấn đề : Từ đâu đến và tại sao dùng các tiếng như vậy ? Có vài tiếng hợi khó vì chỉ thấy kiểu dùng một lần trong Tân Ước, thành thử chúng ta khó so sánh với một chỗ nào khác có trước để biết ý nghĩa chính là gì. Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa. Chữ phận ở đây,(nghĩa) chính của nó là hình thể, hình dung. Hình dung một vì Thiên Chúa nghĩa là thế nào ? Khi dịch, tự nhiên chúng ta gặp khó khăn. Có người dịch là : Người chính bản tính là một vì Thiên Chúa. Nhưng chỗ đó là một điều Ngài như thể lìa bỏ mà đi xuống một chỗ khác. Vì thế, chúng ta gặp khó khăn ở chỗ nầy. Các tác giả đã phân chia nhau tiếng ấy. Có tác giả sẽ đi đến cái hủy mình ra không, nghĩa là thế nào ? Vì thế, chúng ta phân vân :

(Nếu) câu 6 và 7 đi với nhau, có thể đi đến một sự lạc đạo. Có nhiều người Thệ phản đành lòng như vậy : Chúa Yêsu đã xuống giáng sinh làm người, thì hẳn đã trút bỏ hết cả. Không còn gì là Thiên Chúa nữa ! Đó là đạo lý nhiều người gọi là Kénose (Kenosi) – Hủy ra không chính bản tính và những quyền năng Thiên Chúa của Ngài đi. Vì thế, chúng ta thấy có khó khăn. Điều đó phản lại ở chỗ khác và không thể đúng với tất cả Tin Mừng được. Vì thế, chữ bản tính ở đây là một điều rất khó khăn (để hiểu). Chữ ấy đem về chức vị, chức phận của người ta, chức phận của một vị nào. Vậy không phải là đem về chính việc nhận rằng Thiên Chúa hằng có. Con Thiên Chúa hằng có, mà nhấn về địa vị của Chúa Kitô nhập thể làm người, cũng có một dịa vị như Thiên Chúa, đáng tất cả mọi sự vinh hiển, được thờ kính như vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã bỏ hết những điều ấy đi. Vì thế, phần nhiều người ta như tôi dịch (Nguyễn Thế Thuấn), đem (chữ) ấy vào cái chức phận, chức phận và danh phận của một người nào. Đáng lẽ mình được như thế, mà mình không dùng tất cả những quyền lợi như thế. Đó ! Chỗ nầy là một chỗ tranh luận. Chúng ta thấy khó ! Nhấn vào việc Giáng sinh, đem Chúa Kitô vào trần gian, Ngài đã bỏ đi những gì ? Vậy, Ngài đã không giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa (Ph 2:6). Chỗ nầy cũng có một tiếng Hylạp chỉ dùng trong thánh Phaolô một lần, mà thường thường, đó là một động từ để chỉ một vật phải giành giật lấy cho được, tranh cướp lấy. Vậy, Chúa Yêsu không nghĩ rằng mình sống trong sự đồng hàng với Thiên Chúa là một điều cướp giật của Thiên Chúa. Vì Ngài có quyền như thế. Chúng ta thấy : Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được, điều đó trong đời sống trần gian của Ngài là phải ưng thuận và chịu lấy cho đủ tất cả, đúng chức vị của mình như Con Thiên Chúa làm người, và Ngài đã không giành giật cho được chức vị, nghĩa là được xử đãi đúng với một Đấng có chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa.

Chỗ nầy chỗ khác, chúng ta thấy thánh Phaolô có những câu tương tự như thế nữa : Ngài đã trở nên nghèo khó để cho chúng ta được giàu có bởi sự nghèo khó của Ngài :

Vì anh em biết ân đức của Chúa chúng ta, Đức Yêsu Kitô : Làm sao giàu có như Ngài, mà vì anh em, Ngài đã nên nghèo khó, ngõ hầu anh em được nên giàu có, nhờ sự nghèo khó của Ngài.
                                                                                                                   (2Cor 8:9)

Cái nghèo khó đó cũng không phải đem về thần tính hằng có, vì Ngài vẫn là thần tính hằng có, như tất cả những quyền lợi, địa vị Ngài đáng được phú túc, giàu sang đủ cả mọi cái. Theo phía loài người, địa vị Ngài đáng được như thế. Thảnh thử, đó là một điều thuộc về đời sống của Đấng đã làm người. Chúng ta thấy câu dạo đầu (của đoạn nầy) nói đến địa vị của Chúa Kitô giáng sinh làm người. Ngài đã không hưởng lấy tất cả những gì thuộc về chức vị của Thiên Chúa mà Ngài đáng được nơi trần gian nầy, như một người siêu đẳng ở trần gian nầy. Ngài lại không bao giờ có những điều ấy ! Song, Ngài đã hủy mình ra không (Ph 2:7)

Vây ! Hủy mình ra không là cái khó khăn nhất, vì thực sự theo chính tự nghĩa của tiếng là : Làm đổ, làm trống rỗng ra. Thí dụ một cái chai mà mình đổ hết nước ra, cũng gọi là làm ra không, làm trống rỗng đi. Tự tiếng có nghĩa như vậy. Vậy, đó là làm cho mình ra trống rỗng về chính mình. Về nghĩa thì chỗ nầy khó khăn, nhưng có một nghĩa không phải là định mệnh, mà là một việc tự ý. Động từ dùng chỗ nầy là một việc lịch sử đã có một thời. Vậy là một việc tự ý hủy mình ra không.

Nội dung của việc hủy mình ra không là gì ?
Nhiều tác giả Thệ phản (cho rằng) cái mình đó chính là Thần tính của Thiên Chúa nơi Ngài. Vậy, điều đó ra như không bây giờ nơi Con Người đã nhập thể làm người. Chúng ta thấy việc đó không thể làm được. Xét về mawth siêu hình, Thiên Chúa không thể bỏ tính Thiên Chúa, nhưng không biết vấn đề đặt mình ra không của Ngài đem về chỗ nào cho hẳn. Đó là vấn đề khó khăn. Phần nhiều, bây giờ người ta nói là đem về tất cả cuộc đời trần gian của Chúa Kitô, chứ không chỉ cốt thiết nơi phút đầu tiên đã giáng sinh làm người. Suốt đời, Chúa Kitô đã hủy mình đi như không , bao trùm ngay từ đầu cả vấn đề thập giá nữa. Nếu như thế, chúng ta thấy câu nầy được dựa trên một câu dịch, một tiếng dịch của chính trong Isaya 53 nói về Người tôi tớ thống khổ. Trong Isaya có câu tương tự : Ngài đã cho ra không chính mình Ngài đi. Kiểu nói đó chỉ có một nghĩa là Ngài cho ra không chính mạng sống mình đi, đã thí mạng mình đi. Vậy, đó là một câu gọi rất mông lung về việc từ bỏ của Chúa Kitô về chính mình. Điều ấy tự nhiên phải cắt nghĩa với những điều Chúa Kitô đòi hỏi, như Ngài nói ở một chỗ khác : Ai thí mạng mình đi thì sẽ được. Ai muốn cứu vớt mạng mình thì sẽ mất (Mt 16:25). Câu nầy không phải ai muốn cứu linh hồn mình thì sẽ mất. Không phải ! Nhưng là đem về cái mạng của mình, cái mạng sống chứ không phải là linh hồn hẳn, và đem về việc chính những xử thế ở trên đời chứ không phải đem về kiểu siêu hình, như kiểu phân tích linh hồn vó xác hư kiểu triết lý được. Vậy đây chính là cái con người được thể hiện chính mình ra trong đời sống thế nào, lấy mình được làm trung tâm và thể hiện chính cái trung tâm là cuộc đời của mình, để có nên thể giá được ở trần gian thế nào đó. Vậy ! Kẻ vớt lấy mạng sống mình là thế. Là kẻ thí mạng mình đi, điều đó gọi là như cái trung tâm là chính mình, bây giờ bỏ ra bên ngoài. Câu đó là câu khởi điểm chúng ta thấy bao quát hầu hết cả cuộc đời của Chúa Kito, và cả ba câu sau đều một nghĩa với nhau : Hủy mình ra không, lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta (Ph 2:7) là như nhau cả.

Địa vị của Chúa Kitô – Địa vị của một con người như mọi con người khác, (Ngài đã hạ mình) để thành một người hèn hạ trong loài người, với hết cả mọi người, để trở nên một người thấp hèn và vâng phục. Một bên là một con người muốn làm Thiên Chúa để quản cai, còn Con của Thiên Chúa xuống để trở thành vâng phục. Và vâng phục cho đến chết, nghĩa là chết cũng không từ, hay là vâng phục cho dẫu phải chết. Chúng ta thấy : Cho đến chết (Ph 2:8) là thế ! Bao hàm tất cả  hư một chóp đỉnh của vấn đề, của thân phận con người. Chỗ nầy, chúng ta thấy phản ảnh lại Adam trên địa đàng thế nào. Adam là một người đã được Thiên Chúa chúc lành, nhưng (tuy) đã là như thể một tạo vật, lại muốn lấn quyền để trở thành Thiên Chúa. Chính bởi sự không vâng phục đó mà Adam đã phải chết, thì Con Thiên Chúa đã trở nên người vâng phục, đã lãnh nhận đến cả cái chết, và là cái chết thập giá, cái chết của con người mà đời xưa, người ta lấy làm sửng sốt và không thể nào hiểu nổi. Một điều mà thánh Phaolô sẽ nói rõ cho chúng ta ử chỗ khác. Ngài nói (đến) một luật Dothái, là khốn cho con người phải leo lên cây gỗ, nên cái chết thập giá đối với tâm não của người Do thái, bao gồm tất cả mọi sự chúc dữ của Thiên Chúa. Vậy về phía loài người là một đê hèn nhất của một cái chết của người nô lệ, phản ngụy. Về Lề luật, đó là một cái chết đã bị kèm theo một điều chúc dữ. Vì thế, Chúa Yêsu đã đi đến chóp đỉnh của sự hạ mình của Con Thiên Chúa làm người. Nhưng lúc bấy giờ, Ngài được Thiên Chúa can thiệp ngay : Bởi vậy Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài (Ph 2:9), nghĩa là đã tôn Ngài quá tất cả mọi sự cao vời. Lời nầy chúng ta thấy dội lại trong Isaya 53:13 Nầy là tôi tớ Ta, nó đã lên siêu vời, và lên cao vượt vô ngần. Chỗ nầy cho thấy đằng sau có bài ca vãn về Người tôi tớ Yahvê.

Siêu tôn Ngài là một quả quyết chung. Nhưng cuối cùng là gì ?
Là ban cho Ngài Danh hiệu. Chúng ta thấy, đối với người Dothái, Danh hiệu là chính cái bản tính, chính cái chức vị lớn lao nhất có thể có được. Ban Danh hiệu là cải tạo một con người hoàn toàn mới. Con người mới đó có cái Danh hiệu vượt qua mọi Danh hiệu. Danh hiệu đó là gì? Chúng ta sẽ thấy sau nầy. Đó là tiếng Chúa. Tiếng Chúa đồng hàng với tiếng để dịch tiếng Danh Yahvê trong Cựu Ước, là Danh của Yahvê. Hầu trước mọi Danh hiệu của Đức Yêsu : Mọi gối đều phải quỳ xuống mà bái lạy, chốn hoằng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất (Ph 2: 10). Nghĩa là trước Danh hiệu đó, hết cả mọi giá trị trên trời, dưới đất đều xa vời cả, và phải bái lạy hết.

Danh hiệu đó là gì ? Đó là YÊSU KITÔ LÀ CHÚA (Ph 2:11). Đó là lời tuyên xưng Đức Tin của Hội Thánh sơ khởi, là tuyên xưng về Chúa Kitô sống lại trong Hội Thánh của Ngài. Chúng ta thấy, lời tuyên xưng về việc gọi là lễ vượt qua của Chúa, về việc chết và sống lại đối với Hội Thánh sơ khởi không phải là một việc đã qua, mà là việc hiện tại của Hội Thánh. Chúng ta thấy việc hiện tại trong Hội Thánh đó được chứng tỏ bằng lời tuyên xưng đức tin : Yêsu Kitô là Chúa. Bây giờ, Ngài là Đấng đã làm người mang vai trò, mang chức vị, mang quyền năng của chính Yahvê, Đấng điều khiển lịch sử của dân Chúa, và đã đem đến mút cùng của thánh sử, cho đến cùng tận rồi. Trong đó, tín hữu được sống trong cái khuôn khổ, trong cái gọi là chỗ quyền hạn của Đấng làm Chúa : Yêsu Kitô là Chúa. Trong cộng đoàn, Hội Thánh nhận thấy  chính là Thiên Chúa Cựu Ước bây giờ hiện diện với chúng ta, không còn ở nơi một đền thờ, không còn nơi một nghi thức, không còn nơi một nhóm người nào riêng biệt, nhưng là một Đấng đã sống lại và ở với chúng ta. Yêsu Kitô là Chúa đã đến, gọi là đã thực hiện ơn cứu chuộc, và bây giờ chỉ là thi thố ơn cứu chuộc trong Hội Thánh của Ngài. Tiếng Chúa trước tiên là dịch tiếng của Yahvê, tức là Đấng cứu thoát ở với loài người. Chúng ta thấy Thiên Chúa Yahvê bây giờ không còn phải ở gần bên một cách gọi là chỉ thiêng liêng, mà chính là ở trong Chúa Kitô, chúng ta có được điều ấy.

Chúng ta thấy bài ca vãn nầy, cho thấy đời sống của Hội Thánh được chi phối thế nào và tóm tắt như thể sống ở chính trong mình Chúa Kitô, để thấy được, ngang qua được những giai đoạn hạ mình của Ngài thế nào, suốt cả cuộc đời lịch sử của Ngài, cho đến cái chết thập giá của Ngài, như sống bên trong. Khi chúng ta đọc các trình thuật Thương khó (Mt 26 Mc14 Lc 22), đó là bề ngoài, (để thấy) người ta làm cho Ngài thế nào. Nhưng ! Tất cả những gì người ta làm bên ngoài đó, không có giá trị gì cả, nếu Ngài không sống điều đó bên trong. Vây, Ngài đã sống điều đó bên trong. Đó là Ngài đã hủy bỏ mình đi, đã lãnh lấy và chịu lấy thân phận (của mình) cho đến cùng, tự ý hạ mình xuống thấp hèn thế nào, đã đành lòng nhận lấy sự vâng phục thế nào cho đến cuối cùng, mút cùng ý định của Thiên Chúa. Vậy ! Một bên, trình thuật Thương khó tả về loài người, như diễn ra trong lịch sử chúng ta thấy thế nào. Bên nầy, Hội Thánh quý mến là thế, dọi lại tâm hồn Chúa Kitô trong cuộc Thương khó, trong đời sống trần gian của Ngài thế nào. Mỗi tiếng đầy ý nghĩa riêng đặc biệt, chúng ta phải đọc ngang qua các trình thuật về cuộc Thương khó của Ngài (để thấy).

Một cách đọc nữa. Đọc theo ca vãn Người tôi tớ Yahvê thống khổ. Đó là đọc như ý định Thiên Chúa, vì lúc bấy giờ thuộc về lời tiên tri, tức là điều Thiên Chúa đã muốn làm như thế nào. Chúng ta thấy có thể đọc ba khía cạnh :

-          Thiên Chúa hằng có nơi Chúa Cha hằng có, thì nói về Người tôi tớ thống khổ của Người. Lời tiên tri về người tôi tớ. Vậy, ý định của Thiên Chúa muốn thành tựu trong việc Thương khó là thế nào. Chúng ta có bài ca vãn Người tôi tớ thống khổ Is53 .
-          Để đọc tâm hồn Chúa Kitô, chúng ta có bài ca vãn nầy (Ph 2:6-11).
-          Muốn đọc về lịch sử trần gian, chúng ta thấy Tin Mừng nhất lãm cho chúng ta những biến cố xãy ra từng bước một thế nào. Những biến cố áy xãy ra trong lịch sử trần gian. Chúng ta có những chương quý báu đó.

Hội Thánh muốn chúng ta suy ngắm về cuộc Thương khó và Sống lại của Chúa Kitô thế nào ở chỗ nầy ? Chúng ta xin Thiên Chúa ban cho chúng ta được lãnh nhận và chịu lấy điều đó, ban cho chúng ta được ơn soi sáng đủ để biết được, gọi là đồng tâm với Chúa Kitô, để hiểu được một đôi chút tính cách của những việc chính mình Ngài đã làm đó thế nào. Chính việc Ngài đã hủy mình ra thế nào, đã lĩnh nhận lấy thân phận tôi đòi thế nào, đã hạ mình thế nào, đã vâng phục thế nào ? Chúng ta thấy, đó chính những việc Chúa Kitô được nói ra trong ca vãn nầy. Đó là một chương chúng ta thấy dễ hiểu tại sao Hội Thánh đã dùng tất cả những lời nầy để theo từng bước một trong tất cả nhật khóa của Hội Thánh trong mùa Thương khó. Mấy câu nầy là mấy câu chính để hướng dẫn tâm hồn chúng ta suy ngắm về Chúa Kitô.

Về áp dụng, chúng ta thấy Hội Thánh áp dụng thế nào những việc lủng củng trong cộng đoàn, trong những việc người ta đố kỵ nhau, ganh tỵ nhau. Người Tông đồ không có, gọi là không có lời giải đáp về vấn đề giải quyết cho họ, chỉ đem về gương mẫu Chúa Kitô, để họ nhìn ngắm lấy ơn cứu chuộc, đã được trong Chúa Kitô, để tự áp dụng lấy cho mình. Một điều chúng ta cũng gặp thấy lần nữa, như trong thư Roma đoạn 14, cho thấy mọi sự lủng củng, tranh tụng trong cộng đoàn. Trong đoạn đó, chúng ta thấy có người được gọi là bảo thủ, là cấp tiến. Thánh Phaolô không giải quyết vấn đề gì cả. Ngài chỉ đem về việc Chúa Kitô đã chết cho chúng ta thế nào. Thực sự ! Chúng ta phải tự xét lấy, rồi cư xử với nhau thế nào cho phải. Vậy, những giải quyết không còn đem về tính cách hợp lý, nhưng hoàn toàn đem về đời sống của Chúa Kitô, mà chúng ta nhận thức rằng, trong đó chúng ta đã chịu lấy tất cả mọi ân huệ của Thiên Chúa, cũng nơi đó chúng ta mới giải quyết được xứng đáng với con người có lòng tin, để giải quyết những vấn đề đời sống của mình.

Chúng ta thấy, ngay việc giải quyết những vấn đề đời sống, cũng là một lời tuyên xưng đức tin, chứ không phải lúc bấy giờ chúng ta là loài người : Ai khôn ngoan hơn, ai lý lẽ hơn là xong chuyện. Không còn cái gì cả nữa. Vậy ! Đó là đời sống cộng đoàn hối cải với lời của Tin Mừng và ơn cứu rỗi Tin Mừng đem đến, giải quyết vấn đề đời sống thế nào.

LO VIỆC RỖI LINH HỒN.

(12) Ấy vậy, anh em thân mến, bởi anh em đã hằng vâng phục, không phải chỉ khi tôi có mặt mà thôi, nhưng hơn nữa bây giờ là lúc tôi vắng mặt, anh em hãy biết kính giới và run sợ mà gia công lo việc cứu rỗi chính mình.(13) Vì chính Thiên Chúa tác tạo trong anh em cả ý muốn lẫn việc làm, thể theo nhã ý của Người.(14) Anh em hãy thi hành mọi sự, đừng kêu ca, đừng tranh luận,(15) để anh em nên vô phương trách cứ và tinh toàn, nên những con cái Thiên Chúa, sống vô tỳ tích giữa một thế hệ ngang trái và tà vạy, giữa họ anh em  chiếu rạng như đuốc sáng trên thế gian,(16) bày tỏ Lời sự sống (như thế, anh em làm) tôi được vinh dự trong ngày của Đức Kito (bởi thấy được) rằng tôi đã không bôn ba một cách hư luống, và không uổng công lao nhọc.(17) Mà nếu phải đổ máu hòa dâng với hy sinh lễ tế của lòng tin nơi anh em, thì tôi vui mừng và cùng vui mừng với anh em hết thảy.18) Cả anh em nữa cũng vậy, hãy vui mừng và hãy cùng vui mừng làm một với tôi !

Lm Nguyễn Thế Thuấn không bình luận đoạn nầy.

SỨ MẠNG CUA TIMOTHÊ VÀ VIÊC GỦI EPAPHRODITO VỀ QUÊ.

Có một điều chúng ta thấy rằng thánh Phaolô đã dính chặt với cộng đoàn của ngài thế nào và tất cả những sự hiên ngang của ngài đều đặt nơi cộng đoàn trong lòng tin. Sau đó, chúng ta thấy có 2 lời giới thiệu : Giới thiệu Timothê và giới thiêu Epaphrodito. Chúng ta không cần cắt nghĩa đoạn nầy vì nó có một sứ mạng gì đó. Nhưng chúng ta nên đọc để suy nghĩ. Những ai sau nầy có cộng tác với người khác, nên suy nghĩ chương đó (ph 2:19-30), bởi quý báu chừng nào ! Thánh Phaolô xử trí ngườ cộng tác với ngài bằng một lòng âu yếm lạ thường như đối với Timothê và Epaphrodito. Chúng ta thực sự nên đọc qua một chút. Tôi không cắt nghĩa. Nhưng đó, chúng ta thấy một con gười tế nhị để trọng kính, yêu mến công việc của người cộng tác với mình thế nào. Một tâm hồn không phải chỉ có lợi dụng người ta xong là xong, nhưng có một sự âu yếm thật, lo chu đáo cho người của mình từng tí một.

(19) Trong Chúa Yêsu, tôi trông cậy là sẽ kíp phái Timothê đến với anh em, để tôi được biết tin tức về anh em mà an tâm.(20) Quả một người thanh khí nào khác, tôi không có được như anh, lại là kẻ tận tâm lo lắng đến anh em.(21) Vì ai nấy đều tìm ích kỷ, chứ không phải những điều thuộc về Đức Kitô Yêsu.(22) Anh em biết thực đức của anh : Với tôi như con với cha, anh đã làm tôi phục vụ Tin Mừng.(23) Tôi trông cậy sẽ phái anh đi, ngay vừa khi rõ được tình hình về tôi.(24) Nhưng trong Chúa, tôi còn trông rằng kíp đây cả tôi cũng sẽ đến nữa.

Đó! Chúng ta thấy, một lời giới thiệu rất nhã nhặn và âu yếm chừng nào đối với cộng sự của mình, mà mình đã trao phó cho công việc. Nếu đặt thư nầy vào thời gian đồng thời với thư thứ 2Corinthô, chúng ta biết rằng đây có một sứ vụ của Timothê đến Giáo hội nầy, để dọn đường thánh Phaolô tới và cũng là để yêu cầu tín hữu tại Philip quyên trợ vào công việc ngài muốn giúp Yêrusalem. Ngài quyên tiền để giúp Yêrusalem. (Đây là) một công việc nhã nhặn. Ngài sai người đi tổ chức : Timothê sẽ được sai tới Philip và Titô được gửi tới Corinthô. Còn về Epaphrodito, ông là người của Giáo hội Philip đã được gởi đến để giúp đỡ thánh Phaolô trong lúc ngài ở tù. Khi Epaphrodito tới, thánh Phaolô đã bị liệt, bị ốm nặng, thành thử không biết thái độ thế nào đó, mà Giáo hội Philip không bằng lòng thế nào đó, làm thánh Phaolô phải cho Epaphrodito về với Giáo hội Philip, kèm theo một lời gởi gắm rất kỹ lưỡng. Sau khi thánh Phaolô đã bỏ Giáo hội Philip, chắc Epaphrodito như thể người quản giáo lo việc trong xứ, và như thế đã làm đại diện cho Giáo hội ấy.
(25) Tôi xét là cần thiết phải cho về lại với anh em Epaphrodito, người anh em đã đồng lao cộng tác và chiến hữu của tôi, lại là sứ giả của anh em để phục dịch tôi trong lúc túng cực.

Vậy, hình như Epaphrodito đã đem tiền giúp đỡ ngài trong lúc bị lao tù : Phục dịch tôi trong lúc túng cực.

(26) Vả chăng anh hững mong mỏi gặp lại anh em hết thảy, âu lo vì anh em đã hay tin anh lâm bệnh.(27) Và quả thực anh đã lâm bệnh hầu thập tử nhất sinh; nhưng Thiên Chúa đã thương xót anh, và không cứ gì chỉ một mình anh, mà cả tôi nữa, kẻo tôi phải phiền muộn hết thế nầy lại thế khác.(28) Vậy tôi đã vội vã cho anh về để anh em được vui mừng gặp mặt anh lại., và tôi cũng được khuây khỏa.(29) Vậy xin anh em hãy hết lòng vui mừng đón tiếp anh trong Chúa : và hãy trọng đãi những người như thế.(30) Chính vì công việc của Đức Kitô mà anh đã suýt chết, liều mạng sống để bù thay anh em khiếm diện mà phục dịch tôi.

Chúng ta thấy thánh Phaolô là một người biết ơn và đối với người tới giúp mình. Ngài có một lòng biết ơn lớn lao chừng nào ! Chúng ta thấy đức tin có ngay ở đó. Đức tin đã sống ở trong Chúa, chứ không phải đức tin như chúng ta thấy rầu rầu. Chúng ta thấy ngài có một lòng quyến luyến âu yếm lạ thường đối với người phục dịch mình, giúp đỡ mình. Đó là một tâm hồn chúng ta thấy quý báu. Chúng ta nên ghi nhớ 2 chương nầy nói về việc đối xử với người cộng tác của mình. Một tâm hồn đã được lòng mến của Chúa thì không phải như chúng ta : Lòng mến Chúa thì tự nhiên không cần đến cảm tình gì nữa. Như chỗ nầy, chúng ta thấy, một tâm hồn vừa mến Chúa, vừa có cảm tình nhiệt liệt vớ anh em mình thế nào, với người cộng tác mình thế nào. Đón rước người anh em sau những gì người ta có thể dị nghị cho người anh em mình về đủ thứ cả. Đó là điều chúng ta thấy rất quý báu. Thư thánh Phaolô cho chúng ta những dịp nóng hổi thật, trong đời sống cụ thể thật, chứ không phải trên mây trên gió để cho chúng ta biết biết người ta xử trí thế nào khi đã đón nhận lấy Tin Mừng.

Ph 3:1     Ngoài ra, hỡi anh em, hãy vui mừng trong Chúa.

Chương 3 nầy lại là một chương khác hẳn. Nhưng là một chương quý báu để cho chúng ta biết một con người nhận lấy đức tin trong Chúa Kitô cứu rỗi thì thế nào. Chương nầy không có mạch lạc gì trước sau cả, vì thế đại đa số tác giả hiện tại cho đây là một khúc của một thư riêng. Dấu chỉ rằng thánh Phaolô đã viết nhiều thư, nhưng khi đâu lại, người ta bỏ đi một đôi chút những gì nhập đề lẫn lộn nhau, còn thì giữ lại những khúc chính. Chỗ nầy, nhiều tác giả nhận là một thư khác biệt, khác hẳn với hai đoạn trước. Đây là một thư riêng nhân dịp có một điều gì, gọi là có nguy ngập cho cộng đoàn Philip. Đó là vấn đề soạn tác các thư. Chúng ta thấy khó khăn. Thí dụ như thư thứ 1 và thứ 2 Corinthô, nhiều tác giả phân chia ra làm 5 thư khác nhau, bởi vì nhiều vấn đề không đúng với nhau, không đi với nhau. Đó là soan tác. Chúng ta thấy, nhiều khi người ta đâu lại nhiều thư từng mảnh vụn, có thể thế. Thánh Phaolô đã viết nhiều thư, bởi chúng ta thấy trong thư Thessalonikê, người ta có thể lầm lẫn mà phao đồn là ngài đã viết thư thế nầy, viết thư thế nọ. Nên ngài phải cải chính. (*) Nhưng chứng tỏ ngài còn viết nhiều thư mà nhiều khi đã mai một như trong thư 2Corinthô có nói đến một thư đã mất đi. Có lá thư ngài viết trong một tâm hồn rất xao xuyến, đau đớn lắm về Giáo hội Corinthô, người ta gọi là lá thư đẫm lệ, trong đó ngài nói là tôi viết hòa với nước mắt (*). Điều đó không thấy được ở trong thư thưa nhất, cũng không thấy trong thư thứ hai. Đó là vấn đề soạn tác.

(*)…Chúng tôi xin anh em đừng vội để mình bị giao động lòng trí và kinh hoàng, dù bởi Thần Khí hay tuyên ngôn hoặc thư từ nào nói là của chúng tôi…(2Th 2:2)
(*)Vì bởi cực phiền khôn tả và lòng se lại, tôi đã viết cho anh em cái thư đẫm lệ ấy (2Cor 2:4)

CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT CHÂN CHÍNH.

Phần thứ hai của câu thứ nhất (Ph 3:1b) nầy thuộc về một thư khác. Cả đoạn thứ 3 thuộc về một thư khác biệt. Chỗ nầy chúng ta có một chương, gọi là gần như một chương như confession của thánh Augustino, nhưng là của thánh Phaolô nói về đời của mình, nhân dịp một sự chinh chiến với một nhóm nào đó, đã xâm nhập để lung lạc Giáo hội Philip. Bởi hình như có một tính cách trầm trọng như thế nên lời lẽ của ngài trong ba câu đầu thực sự là một điều chúng ta thấy quá dữ dằn, nhưng cần thiết cho chúng ta, để thấy một tâm hồn đã lãnh nhận lấy ơn cứu rỗi, được sự tự do trong Tin Mừng, nhưng sống một đời sống thế nào bây giờ ?

Thánh Phaolô cho chúng ta một cái gương, (cho thấy) một con người đã lãnh nhận lấy Tin Mừng và sống Tin Mừng thế nào ngang qua quá khứ của ngài, là quá khứ một người Biệt phái. Về điều nầy, chúng ta nên để ý, thánh Phaolô suốt đời không bao giờ bỏ kiểu sống nhặt nhiệm như người Biệt phái. Đó là điều đáng quý. Đáng để ý. Vậy, phải có một người nào sống nhặt nhiệm như ngài, mới hiểu được sự tự do trong Chúa là gì, chứ không phải ngài đã vịn lấy tự do để có thể thoải mái hết mọi cái, bởi vì đức tin đến là đủ rồi. Không phải ! Chúng ta thấy suốt đời ngài, ngài sống theo kiểu Biệt phái một cách nhặt nhiệm rất lạ kỳ. Khi ấy, mới hiểu được sự tự do trong Tin Mừng và sự công chính bởi lòng tin nghĩa là thế nào, không thì hiểu sai đi mất.

(1b) Viết đi viết lại điều nầy, tôi không lấy làm nhàm, một sự đề phòng cho anh em ! (2) Hãy coi chừng những quân chó má, hãy coi chừng hạng thợ bất lương, hãy coi chừng bọn người thiến hụt ! (3) Vì chúng ta mới là giới cắt bì, hạng người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí và tự vinh vang trong Đức Kitô Yêsu, chứ không ỷ thị nơi xác thịt.(4) Dẫu rằng về phần tôi, tôi có lý mà ỷ thị nơi xác thịt. Nếu ai khác tưởng mình ỷ thị được nơi xác thịt thì huống hồ là tôi : (5) chịu cắt bì đúng 8 ngày, thuộc going giống Israel, họ Benyamin ; Hipri sinh bởi Hipri : sống theo lề luật như Biệt phái.(6) nhiệt thành đối đỗi bắt bớ Hội Thánh ; chiếu theo đức công chính trong Lề luật, thì thực sự vô phương trách cứ ! (7) Nhưng những điều kể được như lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ bất lợi, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Yesu, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón cả để lợi được Đức Kitô, (9) và được thuộc về Ngài, không có sự công chính riêng của tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ lòng tin vào Đức Kitô, sự công chính do tự Thiên Chúa ban xuống cho lòng tin ; (10) để được biết về Ngài và quyền năng sống lại của Ngài, cùng được thông phần vào các sự thống khổ của Ngài :(11) được đồng hình đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt đến ơn phục sinh từ cõi chết.

(12) Không phải là tôi đã đoạt giải hay đã thành toàn, nhưng tôi đang ruổi theo để mà chụp lấy chiếm đoạt, bởi chưng tôi đã bị Đức Kitô Yêsu chiếm đoạt rồi.(13) Hỡi anh em, phần tôi, tôi chưa kể mình là đã chiếm đoạt được rồi, nhưng điều duy nhất là : quên phía sau mà lao mình tới trước,(14) nhắm đích, tôi chạy đến giải thưởng của ơn kêu gọi từ trên cao Thiên Chúa đã ban bố trong Đức Kitô Yêsu. (15) Vậy phàm ai là thành toàn, ta hãy nghĩ như thế ! Và giả như có điều gí anh em nghĩ khác, Thiên Chúa sẽ soi sáng cho anh em về điều ấy.(16) Dù sao, đạt thấu đâu rồi, ta sẽ bước theo đó !

Chúng ta thấy cần phải có một điều gì nguy ngập, thánh Phaolô mới nói như thế nầy. Vậy để giải quyết vấn đề, chúng ta phải lập lai trong đời của thánh Phaolô đã gặp thế nào. Điều đáng buồn ở chỗ nầy đây : Giáo hội sơ khởi đã là một Giáo hội chia rẽ rồi ! Những người mà thánh Phaolô nói đến trong thư nầy, thì trong thư Galat, ngài sẽ nói là những người thuộc nhóm của Yacobê (Ga 2:12). Đó, chúng ta thấy tinh thần của 2 đấng thánh mà cũng có thể khác biệt nhau như thế nào ! Nhóm nầy gọi là nhóm hoàn toàn bảo thủ về lề luật Dothái. Họ bất dắc dĩ đã đành phải nhận rằng người ngoại trở lại không phải giữ Lề luật Dothái. Giải quyết tại công đồng Yêrusalem như thế vẫn không làm cho họ yên hàn và ổn thỏa được. Chúng ta thấy vấn đề người ta đã sống lâu trong một lòng tin, thì thực sự họ có lý như thế. Nếu họ không phục mặc khải mới trong Chúa Kitô, tự nhiên họ rất có lý như thế và chính vì lòng đạo, vì lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước là cho dân như thế, không có lẽ lại hủy bỏ đi ? Vì thế, họ nắm giữ điều ấy một cách cố quyết thật, bởi lòng sùng kính thật. Thánh Phaolô sẽ nói ngay rằng họ sùng kính nhưng không có được tri thức cho đủ, không sáng suốt đủ để nhận lấy mặc khải. Vậy, thời bấy giờ, chúng ta không biết thánh Yacobê có quyền liên can đến những người ấy chừng nào, nhưng thánh Phaolô nói là nhóm quyền của Yacobê, và họ đuổi theo thánh Phaolô trong mọi chỗ ngài đi đến, để lung lạc những cộng đoàn, như thể giảng theo lời thánh Phaolô nói trong thư Galat – Một Tin Mừng khác (Ga 1:6tt). Nghĩa là theo họ, Tin Mừng bắt buộc muốn nên trọn lành thật thì phải chịu cắt bì và giữ toàn Lề luật Do Thái, mới có thể mong được nên thành toàn. Chúng ta thấy thánh Phaolô gặp điều nầy ở rất nhiều chỗ khác. Trong thư Galat cho thấy rõ rệt một Giáo hội đã bị lung lạc hẳn và xiêu về hẳn bè của nhóm nầy, nên nhiều người đã cổ võ chịu cắt bì để được thành toàn hơn trong việc tin vào Chúa Kitô.

Trong thư Galat có khúc nầy (Ga 6:1t). Trong thư Roma cũng có một khúc tương tự như vậy (Rm 16:17tt). Trong hai thư Corinthô đều có nói đến khía cạnh đó, nhất là thư thứ hai, trong đoạn 10 trở đi rất rõ rệt. Thánh Phaolô phải chiến đấu với họ. Thành thử, nhờ đó chúng ta mới hiểu thánh Phaolô, thấy một bọn anh em của mình, những người Kitô giáo, nhưng thuộc về, chúng ta gọi, là Do Thái phiệt. Họ chủ trương đặc biệt phải đi đến cùng Lề luật. Tự nhiên là Chúa Kitô đến để làm trọn, chứ không phải để phá hủy Lề luật. Đối với họ thì thế. Làm trọn tức là không phải như thánh Phaolô dạy được ! Vậy, ngài nói những câu hơi dữ dằn : Coi chừng những quân chó má. Tiếng nói đó, người Do thái thường dùng để gọi dân ngoại, kẻ lạc đạo, thì ngài lại đem áp dụng cho những người nầy. Có lẽ họ là những người của Chúa chăng ? Đi đâu cũng sủa, nghĩa là cứ chạy theo ngài mà cắn ! Ngài nói hơi dữ tợn ! Hãy coi chừng hạng thợ bất lương, hãy coi chừng bọn người thiến hụt ! Điều mỉa mai giới cắt bì. Cắt bì như vậy mà trong lòng tin không có như thế nầy, thức sự chẳng khác gì thiến hụt. Phải là vì một cơn phẫn nộ thế nào, ngài mới nói những câu dữ dằn như thế. Vì thế, chúng ta thấy ngài mới nói : Vì chúng ta đây mới là giới cắt bì. Kẻ nào chịu lấy đức tin trong Chúa Kitô mới thực là giới cắt bì theo ý của Thiên Chúa muốn, nghĩa là có những người được hoàn toàn thuộc về dân của Thiên Chúa (giới cắt bì là vậy !). Những kẻ được Thiên Chúa chứng nhận thuộc về dân của Người, thì chúng ta đây trong Chúa Kitô, Người mới nhận chúng ta vào giới cắt bì đó. Tức là dân Thiên Chúa đích thực như lòng Thiên Chúa ước mong. Hạng người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí trong ơn cuối cùng Thiên Chúa đã ban cho, là ơn cải tạo con người, do bởi Thánh Thần đến trên chúng ta, vì thế mới được thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật, như trong Tin Mừng Yoan (Yn 4:23). Đó mới là kẻ đích thực thờ phượng Thiên Chúa, chứ không phải làm như một thứ ma thuật, dị đoan. Nếu có sự thờ phượng nào khác, mà bỏ đi việc tin vào Chúa Kitô đến đỗi lướt hẳn Lề luật Do Thái như thế nầy, thì đó là kiểu dị đoan. 

Và tự vinh vang trong Đức Kitô Yêsu, chứ không ỷ thị nơi xác thịt. Chúng ta nên để ý chỗ nầy : Tự vinh vang, đó là cho mình có quyền, có tước hiệu gì để ra trước mặt Thiên Chúa và đáng Người chấp nhận lấy. Đó là cái vinh vang, tức là, chỗ khác, thánh Phaolô nói là được giải án tuyên công (Rm 4:25), được Thiên Chúa phá cái án về tội lỗi trên đời mình đi, và tuyên bố là người đẹp lòng Chúa. Chúng ta thường đem vấn đề nầy về ơn nghĩa thánh, nhưng thánh Phaolô thì đem về phía Thiên Chúa, chứ không phải đem về phía chúng ta, là có đời sống ơn  thánh. Vậy, kẻ vinh vang trong Đức Kitô Yêsu, nghĩa là kẻ ra trước mặt Thiên Chúa, không còn vin vào một tước hiệu gì khác, để gọi là mình có quyền ra trước mặt Người, nhưng chỉ có một tước hiệu đặc biệt : Trong Đức Yêsu Kitô. Kẻ đó ra trước mặt Thiên Chúa, và biết chắc được rằng, Thiên Chúa chấp nhận mình, không phải vì mình có nhân đức, thánh thiện, hay cái gì khác, mà ví là mình được chấp nhận trong Chúa Yêsu Kitô, chứ không ỷ thị nơi xác thịt.

Ỷ thị nơi xác thịt. Chữ xác thịt ở đây cũng thế. Không phải chỉ những cái tin cậy về trần gian, thí dụ như mình thuộc hạng giàu có, đó là xác thịt. Không có ! Không phải vì mình thông thái, hiểu biết Lề luật. Không đủ ! Xác thịt ở đây là tất cả các nổ lực tôn giáo dựa vào nổ lực của chính mình mà thôi, để đáng tự lấp lấy một công nghiệp gì đó, để đáng ra trước mặt Thiên Chúa. Đối với thánh Phaolô, đó đều là xác thịt. Xác thịt là bất cứ gì dựa trên nỗ lực của loài người để muốn chinh phục được Thiên Chúa, chỉ là một điều vô đạo ! Đó là một điều rất lớn lao. Nhưng đối với thánh Phaolô, ví dụ như mọi việc khắc kỷ tu thân…Đó là xác thịt. Mọi kiểu Yoga là xác thịt ! Bất cứ dùng phương pháp nào đó để đạt thấu một lợi ích thiêng liêng trước mặt Thiên Chúa, chỉ có thể là một điều thuộc về xác thịt, chứ không thể nào gọi là đạt thấu ơn của Thánh Thần được. Nghĩa là, chúng ta thấy xác định rằng, con người cố chấp lãnh nhận lấy điều đó như phương pháp tuyệt đối để chinh phục được sự trọn lành trước mặt Thiên Chúa, chứ không nói gì đến việc một người có lòng tin, có thể dùng đến những phương pháp ấy, nếu có ích lợi cho mình. Nhưng, phải hoàn toàn tùy thuộc trong lòng tin vào Chúa Kitô và ích lợi cho mình là thế nào, chứ không phải là một phương sách để đạt thấu Thiên Chúa như thế.
Bây giờ, thánh Phaolô nói về chính mình (Ph 3:4). Ngài phải lấy cái gương của mình để cho biết người Philip phần nhiều là người ngoại trở lại. Chúng ta thấy chắc là có một tính cách nguy ngập gì đó. Giáo hội Philip chắc bị quyến rũ nhiều để trở thành những người cho mình là khắc khổ lắm. Tự nhiên, thế giới nào cũng vậy, ước mong sự khắc khổ như vậy (như) một sự đắc đạo nào đó. Vì (tránh) bị quyến rũ, thánh Phaolô phải nói cuộc đời ngài ra, để biết lập trường của ngài thế nào cho đến cùng tận : Dẫu rằng, về phần tôi, tôi có lý mà ỷ thị được nơi xác thịt (Ph 3:4), nghĩa là tất cả những tước hiệu gì, mà trần gian nầy người ta có thể có, nếu như có thể ra trước mặt Thiên Chúa, thì tôi có đủ cả. Vậy, có hai điều : Một điều như thánh Yoan TG nói : Người ta tự tín mình thuộc về dòng dõi con cái Abraham. (Hãy sinh quả phúc xứng đáng với lòng hối cải. Đừng vội nói với mình : Ta có cha là Abraham – Lc 3:8). Chỗ nầy cũng gần giống như vậy. Một bên là tất cả những quyền lợi của giao ước mà người ta ao ước được, vì đã sinh ra bởi dòng dõi Dothái từ đầu chí cuối : Dẫu rằng, về phần tôi, tôi có lý mà ỷ thị được nơi xác thịt. Nếu ai khác tưởng mình ỷ thị được nơi xác thịt, thì huống hồ là tôi : chịu cắt bì đúng tám ngày. Thánh Phaolô nói đó, chẳng những là tôi đã giữ trọn và cha mẹ tôi đã giữ trọn đủ Lề luật cho tôi, mà đằng sau có ám chỉ đến nhiều người chạy theo làm những điều quá khích về Dothái, lại là những người tòng giáo, nghĩa là được cắt bì muộn lắm. Vậy là một thứ lai căng nào đó. Thành thử, chúng ta thấy thánh Phaolô nói : Chịu cắt bì đúng tám ngày, chứ không phải như bọn họ, có những người chỉ là tòng giáo, và tự nhiên là sự sốt sắng của một người lai căng nào đó !

Thánh Phaolô thuộc dòng giống Israel, vì nhiều người tòng giáo không thuộc dòng giống Israel. Họ Benyamin chứ không phải là họ khác đã bỏ đạo một đời. Chúng ta biết, họ Benyamin cuối cùng mới nhập vào với Yudda để làm thành một nước. Thành thử, chính những người ấy mới là nòng cốt cho Israel từ lưu đày trở về (lưu đày tại Babylon trong nữa thế kỷ từ 587-538), còn Mười bộ tộc trước thuộc Israel đều phiêu bạt đâu cả, mai một tất cả. Với vệc Israel phía Bắc mất nước, họ cũng biến đi cả, không thấy vai trò gì nữa trong Thánh sử, từ đó trở đi. Chỗ nầy, với Yuda, họ Benyamin là nòng cốt và thuộc về tất cả những dân sau lưu đày : Hipri sinh bởi Hipri, chứ không phải Dothái, vì ai cũng là Dothái cả. Nhưng phải hơn, là một người Dothái đã chính cống đến đỗi họ cố chấp về gia đình thánh Phaolô. Chúng ta thấy họ cố chấp đến đỗi, dù ở ngoại bang đi nữa, vẫn nói tiếng Aram của quê nhà. Chúng ta thấy, đó là một sự chỉ về ái quốc, về sự trung tín với Lề luật, để giữ truyền thống của dân cho đến cùng. Không khác gì chúng ta. Những người ái quốc như Phan Thanh Giản, bắt con cái mình không được học tiếng Pháp. Có nhiều người Dothái chuộng Lề luật cho đến đỗi vậy. Tự nhiên, Hội Thánh chúng ta rộng rãi về vấn đề nầy. Chúng ta thấy người Hồi giáo, cho dù thuộc mọi nước, phải học tiếng Á rập hết, phải đọc kinh Coran bằng tiếng Á rập mà thôi, thí dụ ở Nam Hy quần đảo và cả ở Phi châu.

Về cuộc đời của thánh Phaolô, nghĩa là những công nghiệp ngài lập được cho mình, thì ngài đã sống theo Lề luật của Biệt phái, nghĩa là vào hạng người trong toàn dân đều nhận là nhiệt thành và khắc khổ hơn hết mọi người.Và trong hàng Biệt phái, ngài cũng trổi hơn mọi người khác và nhiệt thành đối đỗ bắt bớ Hội Thánh nữa. Những người khác còn lấy làm ngơ được, còn tôi, tôi cảm thấy không thể làm ngơ được (…)

Dẫu rằng, về phần tôi, tôi có lý mà ỷ thị được nơi xác thịt…Những điều đó đều có thể kể công được, như những người khác, thì tôi có lý mà kể công như vậy. Nhưng bây giờ đây, tôi cảm thấy khi ra trước mặt Thiên Chúa, thì việc kể công kia là cái lợi nhất, hay là cái bất lợi hơn cả? Khi ra trước mặt Thiên Chúa, việc kể công kia là cái bất lợi hơn cả, đối với tôi là thua lỗ bất lợi. Giờ đây, thấy được ơn cứu rỗi nơi Chúa Kitô, có một tính cách gì đó, để những người nào có lợi hơn cả trong Lề luật, thì sẽ là bất lợi hơn cả trước mặt Thiên Chúa. Đó là cái gì ? Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ bất lợi, vì cái lợi tuyệt vời là biết được Đức Kitô Yêsu, Chúa tôi (Ph 3:8) Chỗ nầy, chúng ta mới đo lường được lòng tin, không phải là nắm lấy một tín điều gì ? Đó là cái căn cứ cho đời sống, căn cứ sâu thẳm tự chọn lấy trong một quyết định về đời mình, chứ không phải là một tín điều, mà cảm thấy một cái gì đáng sống khác hẳn đi từ trước đến giờ, đã đến cho mình do bởi Thiên Chúa.

Nếu muốn định nghĩa về Đức Tin của thánh Phaolô thế nào, thì đọc ở những chỗ nầy, và đức tin hẳn về Tin Mừng thế nào là ở chỗ nầy.

Tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là biết được Đức Kitô Yêsu, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón cả, để lợi được chính Đức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự công chính riêng của tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ lòng tin vào Đức Kitô, sự công chính do tự Thiên Chúa ban xuống cho lòng tin
                                                                                                                             (Ph 3:8-9).

Chỗ nầy, chúng ta mới đo lường được lòng tin vào ơn cứu rỗi là gì. Chỗ nầy là chỗ chúng ta cần suy tính cả cuộc đời chúng ta nữa. Thực sự bây giờ đây, chúng ta phải coi là thua lỗ bất lợi  cả, cho dẫu cả những điều cao quý nhất trong Hội Thánh cũng vậy. Nếu như không nhận định vào chính con người Chúa Kitô, thì mọi điều đó là bất lợi cả, vì nó không có lý gì cả. Chỗ nầy phải được nới rộng cho đến cùng về tất cả mọi nỗ lực cống hiến mà chúng ta phải có. Chúng ta phải thẩm định thế nào, khi coi là việc tự chúng ta mà đến, để làm thế nào sự công chính do tự Thiên Chúa mà đến, không bị lấp đi bằng việc chúng ta có thể giám quyết ỷ lại về một cái gì về đời chúng ta. Về điều nầy, tất cả các Lề luật Hội Thánh đều có thể là một cản ngăn được lắm, nếu không có một đức tin mạnh mẽ để sống tất cả đời sống của Hội Thánh trong đức tin, thì những điều đó trở nên những điều thua lỗ bất lợi, cho dẫu là phụng vụ hay tu trì hay là cái gì cũng thế cả !

Nếu không dựa được chính lòng tin vào Chúa Kitô, mà sống những điều thuộc về Hội Thánh, những điều đó cũng là thua lỗ bất lợi, mà thánh Phaolô nói là phân bón cả. Phải đi đến cùng là thế, bởi vì tất cả những lý lẽ bây giờ không còn phải là để chinh phục một cái gì đó, để đáng ra trước mặt Thiên Chúa, nhưng là những người đã được Thiên Chúa tiếp nhận và bây giờ muốn sống đẹp lòng Thiên Chúa, như Trong Chúa Kitô. Nghĩa là, không còn bám vào cái gì ở trần gian được nữa, hay là  một cái gì thuộc loài người nữa. Chỗ nầy, chúng ta thấy thánh Phaolô đi đến cùng, mút cùng của lòng tin, để chỉ có một bảo đảm cuối cùng thôi ở trước mặt chúng ta, để lãnh nhận lấy thực sự một cái gì do tự Thiên Chúa, do tự do của Thiên Chúa đem đến cho chúng ta, mà sự tự do của Thiên Chúa đem đến, là chính Chúa Kitô cho chúng ta. Chỗ nầy đòi chúng ta phải đặt lại tất cả mọi việc mình làm, bởi vì nhiều khi chúng ta thấy, nếu nói theo kiểu buôn bán thì dễ lắm, nghĩa là lập công nghiệp thế nầy thế khác, để ra trước mặt Thiên Chúa, mà không đặt cho con người chúng ta (trên) lòng tin vào sự tiếp sức, lãnh nhận lấy tước hiệu cuối cùng của mình để ra trước mặt Thiên Chúa, là chính Chúa Kitô và Ngài đã đón nhận lấy chúng ta thế nào. Thực sự cuối cùng ra, muốn nói cái gì ở chỗ nầy ? Tự nhiên, đối với Thiên Chúa thì không ai có thể chinh phục được lòng Thiên Chúa, nhưng Người đã tự ý yêu thương. Thế nên hễ người nào vịn vào rằng mình có lý, tự mình có một cái gì để đáng được Thiên Chúa rủ thương, thì tự nhiên vi phạm đến sự tự do của Thiên Chúa đến với mình. Sau khi mình đã nhận lấy được như thế, rằng Thiên Chúa bởi lòng yêu thương mà thôi, nên không có gì câu thúc người có thể yêu mến chúng ta được, nhưng tự Người, Người đã yêu thương như thế, thì con người lãnh nhận lấy sự yêu thương như thế, cũng phải ra trước mặt Thiên Chúa, với tất cả một cái gì không còn chút gì vị lợi, hay là kể mình có một cái gì, (xứng) đáng trước mặt Thiên Chúa như thế nữa. Vậy chỗ nầy cho thấy, phải là một tâm hồn tẩy luyện đặc biệt, mới cảm thấy được thế nào.

Đọc hạnh thánh Thérèse hài đồng Yêsu, chúng ta thấy từ khi nhỏ đến lớn lên, ngài thấy phải lập công nghiệp cho nhiều, chịu lễ sốt sắng…Nhưng cuối đời, ngài mới thấy được sự sung sướng : Lạy Chúa, con được vui sướng mà ra trước mặt Chúa tay không. Vì đó là cái tước hiệu hơn cả, vì thấy được Thiên Chúa chấp nhận lấy mình với sự không có gì cả của mình, lúc bấy giờ, lòng thương mến của Thiên Chúa, mới thực sự là tự do đến với mình. Nên, vui sướng mà ra trước mặt Chúa tay không, nhưng phải một đời gọi là cặm cụi đủ mọi cách trong việc làm tôi Chúa, mới nói được điều đó chân thành. Còn mình, mình không có lý gì để nói chân thành được. Khó nói ! Lòng chân thành ra trước mặt Thiên Chúa, nhận được tình thương của Người một cách sâu thẳm , phải qua một đời cặm cụi như thế, mới có thể lảnh nhận lấy được. Vì thế, tôi nói thánh Phaolô là một người sống luôn như Biệt phái, khổ khắc như Biệt phái, mới nói được câu nầy. Còn chúng ta, khó mà nói được. Lúc bấy giờ mới thấy đức tin đến cuối cùng là thế nào. Vì Ngài, tôi dành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô và được thuộc về Ngài. Không có sự công chính riêng của tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ lòng tin vào Đức Kitô, sự công chính do tự Thiên Chúa ban xuống cho lòng tin, để được biết về Ngài và quyền năng sống lại của Ngài, cùng được thông phần vào các sự thống khổ của Ngài (Ph 3:8-10). Lúc bấy giờ mới cảm thấy cả sự đau khổ trong đời Tông đồ, là một sự sung sướng được cảm vào là một ơn cứu rỗi.

Lãnh nhận lấy trong đời mình sự thống khổ của Chúa Kitô để được đồng hình đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt đến ơn phục sinh từ cõi chết (Ph 3:10-11). Khi ấy , chúng ta thấy ơn cứu rỗi mới đến cho Ngài (…) Chỗ nầy, thánh Phaolô cho chúng ta thấy sự thông công vào sự chết và sự sống lại là gì. Phải ngang qua chương quý báu đặc biệt nầy, ngang qua sự phẫn nộ của thánh Phaolô, mà chúng ta phải châm chước cho ngài. Mấy câu quá nặng nề, nhưng chúng ta phải biết lòng của ngài, cảm thấy họ đụng chạm đến trung tâm của Tin Mừng thế nào, (khiến) ngài sửng sốt lên mà nói những lời như vậy. So với con người của ngài trước kia, chúng ta thấy mọi lời trên kia, ngài là con người tế nhị chừng nào, chứ không phải con người cục cằn. Hai chương về Timothê (Ph 2:19-24) và Epaphrodito (Ph 2:25-30) cho thấy ngài là con người tế nhị thế nào, mà phải nói lên những lời cục cằn như vậy. Nếu biết rằng họ đã đụng chạm đến tim đen của ngài, đụng chạm đến cái gốc của Tin Mừng, khi đấy chúng ta mới thấy được. Nếu chúng ta tin vào ơn cứu rỗi, chương nầy mở cho chúng ta cái nhãn giới xa rộng nhất về tâm hồn một người Biệt phái, một người trung thành với Lề luật đến cùng, bây giờ đã được hưởng ơn cứu rỗi trong Chúa Kitô thế nào. Do đó, chúng ta mới lãnh nhận lấy được ơn cứu rỗi, đem đến cái gì cho chúng ta. Đây là những chương chúng ta phải khấn nguyện thật trong Tuần Thánh, là tuần chúng ta coi lại, nhìn lấy lại ơn cứu chuộc trong Chúa Kitô thế nào. Chương nầy giúp đỡ chúng ta để chúng ta cảm thấy được đời sống trong Chúa Kitô và được ơn cứu rỗi là gì.

Sau đó, từ Ph 3:12 trở đi, là vấn đề : Con người đã được ơn cứu rỗi, bây giờ thế nào ? Có được thoải mái không ? Không ! Ngài nói : Không phải là tôi đã đoạt giải, hay thành toàn, nhưng tôi đang ruổi theo để mà chiếm đoạt, bởi chưng tôi đã bị Đức Kitô Yêsu chiếm đoạt rồi (Ph 3:12). Vì đã được chiếm đoạt nên mới có cái khả năng để chạy, đuổi theo mà chiếm đoạt nữa. Hỡi anh em, phần tôi, tôi chưa kể mình là đã chiếm đoạt được rồi, nhưng điều duy nhất là : quên phía sau mà lao mình tới trước (Ph 3:13) và cho dẫu tôi đã làm – ở một chỗ khác, ngài nói rõ rệt như thế - tôi đã hơn mọi người khác (1Cor 15:10b), về việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người khác, nhưng phải quên đi, quên phía sau mà lao mình tới trước. Cái quá khứ đó, phải quên đi. Cái quá khứ đó ở trong ơn Chúa thế nào, trao phó trong tay của Thiên Chúa, như người tội lỗi trao phó cả cái quá khứ tội lỗi của mình trong tay Thiên Chúa. Từ rày trở đi, quên đi. Nhắm đích, tôi chạy đến giải thưởng của ơn kêu gọi từ trên cao, Thiên Chúa đã ban bố trong Đức Kitô Yêsu (Ph 3:14). Chúng ta thấy, vậy là một con đường, con đường đó không bao giờ cùng, và trong khi được ơn cứu rỗi như thế, thì cảm thấy mọi công việc của mình chẳng đáng ra gì cả trước mặt Thiên Chúa. Nhưng có làm như thế, mới chứng tỏ mình tin hay không, mình có được chiếm đoạt hay không.

Chúng ta thấy cả cái đời trọn lành của chúng ta, cái đời nên thánh của chúng ta là thế đấy. Lãnh nhận lấy cái cuối cùng, một sự đụng chạm với Chúa Kitô thế nào, để được biến đổi và thay đổi tất cả trạng thái từ tâm não, cho đến cảm tình của mình, cho đến cùng thế nào đó trong lòng tin. Chúng ta cám ơn Thiên Chúa đã cho Hội thánh sơ khởi có những anh em làm không phải, như những người Dothái phiệt, anh em chính yếu của chúng ta. Họ làm không phải nên thánh Phaolô mới ghi lại cho chúng ta cái cốt tủy của Tin Mừng. Đó là điều thực sự Chúa đã dàn xếp. Có nhiều điều thực sự không hay gì hết trong Hội Thánh sơ khởi, nhưng Chúa đã giúp đỡ cho Hội Thánh nhân dịp những điều đó, để cho chúng ta nhận biết được chương quý báu nầy, nhận biết lòng tin vào Chúa Kitô là gì, cuối cùng là gì.

Điều đó cần thiết hơn cả nơi Hội Thánh Việt Nam, vì thực sự Hội Thánh Việt Nam chúng ta được rao giảng vào cái thời chống đối với Thệ phản, nên thực sự đem lại cho chúng ta một cái luật câu thúc để gọi là, như chúng ta thấy, tu thân tích đức rõ rệt. Chúng ta thấy giảng đạo cho một dân như dân chúng ta, đã bị hoàn toàn nhiễm tinh thần Phật giáo và Khổng giáo thế nào đó, nhưng thực sự chúng ta chưa cảm thấy Tin Mừng đem đổi mới đến cái gì ? Có thể hiểu Tin Mừng như một lề luật mới, Thiên Chúa đem đến để giữ đạo, nhưng thực sự đem đến lòng tin thì chúng ta thấy khó khăn chừng nào. Đó là cái nhãn giới chúng ta cần thiết phải có. Những giờ nầy để chúng ta lãnh nhận lấy Chúa Kitô, nhưng không phải chỉ lãnh nhận lấy một luật luân lý nào đó trong đời sống. Cái luật gọi là đeo đuổi trọn lành nào đó, cái nỗ lực cho chính mình, thế thôi ! Từ đó trở đi, chúng ta mới phải đặt lại cả vấn đề tu thân tích đức của chúng ta thế nào, để làm thế nào đừng hủy diệt Tin Mừng, nghịch với Tin Mừng như vậy. Cả lời khấn, cả việc nầy việc khác đều thế. Nó chỉ có ý nghĩa để chúng ta tiếp xúc với, làm lại luôn sự tiếp xúc của lòng tin với một Con Người, là ân huệ của Thiên Chúa, đã đến với chúng ta : Chúa Kitô. Chúng ta xin Thiên Chúa ban cho chúng ta được hiểu biết thêm lên, hiểu được lòng tin đó, để sống thực sự với công việc của Chúa Yêsu đã đến cho chúng ta, và chúng ta lãnh nhận lấy được, nếm lấy được, cảm thấy được ơn cứu chuộc trong Chúa Kitô thế nào.

Phải cảm thấy một lần trong đời của mình, ơn giải thoát Chúa đem đến thế nào đó, để khỏi bận tâm về tất cả mọi sự. Đó là cái kinh nghiệm về ơn cứu rỗi mà chúng ta phải khẩn nguyện xin Chúa ban cho chúng ta được cảm thấy. Không phải chỉ những người tội lỗi hẳn mới có thể cảm thấy, nhưng một người Biệt phái thánh thiện như thánh Phaolô, còn có thể cảm thấy và cảm thấy triệt để đến thế nào. Chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta thấy được đôi chút nào đó, cảm được đôi chút nào đó trong mùa chay và lễ phục sinh gần tới, ơn cứu rỗi Chúa đã đem đến cho chúng ta, thì cũng thực sự chúng ta được sống, được thực sự đời sống đó, để chúng ta có thể lãnh nhận lấy được một cách hoàn toàn trong niềm vui khôn tả của một kẻ đã được cứu rỗi trong Chúa, được lãnh nhận lấy ơn cứu rỗi trong Chúa Kitô. Như vậy, chúng ta có lý để rao giảng ơn cứu rỗi đó cho bất cứ mọi người, người nào cũng được. Vì, tất cả mọi người đều được kêu gọi đến ơn cứu rỗi đó để được hưởng lấy ơn cứu chuộc như vậy. Chúng ta khẩn nguyện xin Chúa ban cho chúng ta cảm được đôi chút về ơn cứu rỗi ấy trong mùa phục sinh tới đây.

(3:17) Hỡi anh em, cùng nhau hãy bắt chước tôi, và hãy nhìn vào những người sống theo mẫu mực anh em gặp thấy nơi chúng tôi !(18) Bởi chưng có lắm người như nhiều lần tôi đã nói với anh em, và bây giờ tôi còn phải khóc lên mà nói nữa, là họ sống như thù địch đối với thập giá của Đức Kitô :(19) đích cùng của họ tức là diệt vong ; họ lấy cái bụng làm Thiên Chúa, vinh quang đặt nơi điều đáng phải xấu hổ, họ chỉ biết nghĩ đến những điều dưới đất.(20) Trái lại, nước quê nhà ta là trời cao, tự đó sẽ đến vì Cứu Chúa mà ta ngóng đợi, Chúa Yêsu Kitô.(21) Ngài sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của ta, sao nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh quang của Ngài, chiếu theo phép mầu làm Ngài có thể bắt cả vạn vật hàng phục Ngài.

Thánh Phaolô kêu gọi mọi người bắt chước ngài. Không phải là bắt chước một mẫu nhân đức, nhưng là bắt chước ngài trong việc ngài đã lao mình vào đức tin như vậy. Bắt chước mẫu mực đức tin lãnh nhận lấy ơn cứu chuộc trong Chúa Kitô như ngài đã làm, chứ không phải bắt chước một vài điều nhân đức nầy khác, hay bắt chước sống theo. Nhìn vào một người đã biết rằng từ trước đã đặt lý tưởng của mình ở đâu, bây giờ Thiên Chúa đã thay đổi cho mình thế nào. Một người đã lấy hết cả lý tưởng của mình, là khắc khổ tu thân theo kiểu Biệt phái cho đến cùng tận, đến đỗi với cả lương tâm mình toàn vẹn không gì trách cứ được về đời sống Biệt phái mình như thế. Nhưng ! Con người ấy đã biết điều đó chẳng dẫn đến một cái gì lớn lao cả, chẳng dẫn đến một cái gì như lòng mình mong muốn, và lúc bấy giờ, Thiên Chúa đã mở lối cho ngài, như trong thư Galat: Người đã có nhã ý mặc khải Con của Người trong tôi (Ga 1:15-16). Thiên Chúa đã mặc khải ra Con của Người trong Phaolô. Điều nầy cho thấy : Đó là điều cuối cùng mà con người có thể có, do bởi Thiên Chúa đã định, và đã đặt vào tất cả con đường, nỗ lực của lòng ước muốn của loài người. Người ấy đã từ khước tất cả những vinh dự về trần gian đối với người Dothái, và cả cái tôn giáo của Dothái nữa, để lãnh lấy ơn cứu chuộc trong Chúa Kitô. Đó ! Ngài kêu gọi mọi người bắt chước ngài trong đường đó và nhìn vào những người sống theo mẫu mực mà những tín hữu đã gặp thấy. Họ cũng đã sống, đã lấy được, đã kiếm thấy được lý tưởng của đời dống họ, mục đích của đời sống họ, ơn cứu thoát của đời sống họ trong Đức Kitô thế nào.

Chỗ nầy, ngài nghĩ đến :

Có lắm người, như nhiều lần tôi đã nói với anh em, và bây giờ tôi phải khóc lên mà nói nữa, là họ sống như thù địch với thập giá của Đức Kitô : đích cùng của họ tức là diệt vong. Họ lấy cái bụng làm Thiên Chúa, vinh quang đặt nơi điều đáng phải xấu hổ, họ chỉ biết nghĩ đến những điều dưới đất  (Ph 3:18-19)

Đó ! Chúng ta thấy thánh Phaolô tả nhóm người nầy, khó khăn cho chúng ta để nhận biết rõ rệt. Thực sự, chắc có lẽ đây là những khuynh hướng đang tìm kiếm thế nầy thế khác trong Hội Thánh. Khó xác định được những người thù địch đối với thập giá Chúa Kitô là ai. Chắc chắn có một bên là nhóm Do thái phiệt, những người hâm mộ Lề luật đến cùng và chỉ nhận vào đó như là cái mút của tất cả tôn giáo Thiên Chúa mặc khải. Những kẻ đó sống như thù địch với thập giá Chúa Kitô, nghĩa là họ coi thập giá của Chúa Kitô như không có giá trị cứu thoát gì nữa, một khi họ đặt lý tưởng chỗ khác. Trong Galat có một câu tương tự như vậy nói cho chúng ta : Tôi không hủy bỏ ơn của Thiên Chúa. Vì nếu có sự công chính nào nhờ bởi Lề luật, thì quả Đức Kito đã chết một cách vô lối (Ga 2:21). Sự chết của Ngài không còn giá trị gì nữa. Điều ấy, chúng ta cũng thấy trong một tranh luận thuộc về Do thái phiệt. Vây ! Họ sống như thù địch với thập giá của Đức Kitô, không phải nói vể - như kiểu chúng ta cắt nghĩa hơi tầm thường một chút – những người chiều chuộng xác thịt, dung dưỡng xác thịt là tự nhiên, sợ những khổ khắc của thập giá. Chúng ta thấy hiểu chữ thập giá như chỉ là vấn đề khó khăn, cực khổ trong đời sống, hiểu như thế không đủ ! Thù địch với thập giá không phải chỉ là ăn uống cho thỏa thuê, cái đó có thể là một phần, nhưng không phải là cái ăn cái uống cho bằng việc họ đặt lý tưởng và tất cả lẽ sống của họ ở đó. Điều đó không đáng kể bao nhiêu nữa, vì đối với người trần gian, cũng đã dễ hiểu lắm rồi (…)

Những điều ấy, không cần thiết thánh Phaolô phải chống đối với họ. Chúng ta thấy trong Giáo hội của ngài, phần nhiều là những người nghèo khó, không phải là những người chỉ lo ăn uống phè phỡn cả đời. Toàn là những người lam lũ cực khổ cả. Người Dothái cũng vậy. Trong thế giới Hy lạp thời bấy giờ, người Do thái không phải là những người ăn chơi hơn cả. Đối với thế giới La-Hy thời bấy giờ, người Do thái là những người khổ khắc lắm. Bởi vậy, thù địch với thập giá Đức Kitô, không nhắm chỉ đến việc ăn uống phè phỡn, chơi bời trần gian nầy. Không phải chỉ có ngần đó, nhưng đem về một cùng đích, về ơn cứu chuộc : Có đặt ơn cứu rỗi nơi sự chết của Chúa Kitô hay không ? Vậy, những kẻ sống như thù địch của thập giá Đức Kitô, họ lấy cái mục đích khác, chủ đích khác. Đằng khác, theo các tác giả hiện tại, chúng ta thấy trong Giáo hội thời bấy giờ tự Dothái phiệt, những người thích Lề luật Do thái, cũng đã có những phong trào đi dần dần đến hai khía cạnh khác nhau :

            - Một khía cạnh thì cực đoan khắc khổ. Sau nầy tạo dựng nên bè Ngộ đạo. Bè Ngộ đạo khắc kỷ tu thân đặc biệt gọi là encratisme (Một giáo phái thuộc thế kỷ II, do nguồn gốc Ngộ đạo, chống lại hôn nhân). Họ chống mọi sự hết cả ở trần gian đến nỗi lên án cả hôn nhân. Điều ấy chúng ta gặp trong thư Colosê. Dó là những người khổ hạnh đến cùng và là một bè Ngộ đạo đã đặt những khổ hạnh đó, là tất cả dời sống của họ. Chúng ta thấy trong thư Colosê đoạn 2, câu 16 trở đi, có những kiểu tu đức lạc đạo :

Vậy thì đừng có ai xét nét anh em vì ăn, vì uống, hay vì mục lễ bái, ngày sóc hay hưu lễ. Đó chỉ là “bóng” của các điều sẽ đến ; còn với Đức Kitô mới có “Mình”. Đừng ai đàn hặc anh em, vì họ ham khổ hạnh, và sùng bái thiên thần, chiêm nghiệm các điều họ cho là đã thấy, vô cố dám làm phách nơi trí ý xác thịt của họ. Họ không liên kết với Đầu, do đó toàn thân được phục vụ và xe kết với nhau, nhờ các gân cốt giao liên nối kết, mà lớn mạnh trưởng thành theo ý Thiên Chúa.

Nếu với Đức Kitô, anh em đã chết cho các nhân tố trần gian, thì tại sao anh em còn bị coi như sống trong thế gian, và nghe chỉ thị : Đừng sờ, đừng nếm, đừng rờ !

Thay thảy chỉ đem về những vật dùng xong là hư mất, thể theo mệnh lệnh giáo điều phàm nhân! Các điều ấy có tiếng là khôn ngoan, vì bởi tự dưng sung bái, khổ hạnh, hãm mình phạt xác, chứ không phải vì muốn nể nang nầy khác hầu dung dưỡng xác thịt !                                                      
                                                                                                                         (Co 2:16-23)

Vậy ! Chúng ta thấy chớm nở một phong trào tự Dothái phiệt đi đến Ngộ đạo thuyết mà hủy bỏ tất cả mọi giá trị trần gian, nêu cao đời sống khổ hạnh.

            - Đằng khác, cũng một nguồn rễ ấy, lại sinh ra một bè khác, là bè hoàn toàn tự do phóng túng. Chúng ta thấy, cũng một nguồn gốc mà có hai khía cạnh, gọi là trái nghịch với nhau như vậy. Điều ấy rõ rệt trong tâm. Vấn đề gọi là dâm đật của người ta đều có hại hết cả. Có thứ dâm dật, chúng ta thấy để thỏa mãn chính mình về mọi khía cạnh. Điều đó được gọi là ăn chơi. Nhưng ! Cũng có thứ dâm dật, phân tâm học cho chúng ta thấy, gọi là Khổ dâm (masochisme). Trong dâm dật có những người phải bấu xé nhau đến đau đơn mới cảm thấy sung sướng được. Cuối cùng ra, dâm dật là tập trung vào chính mình.

Vì thế, thánh Phaolô nói về cả hai điều ấy : Đích cùng của họ tức là diệt vong. Họ lấy cái bụng làm Thiên Chúa, vinh quang đặt nơi điều đáng phải xấu hổ, họ chỉ biết nghĩ đến những điều ở dưới đất (Ph 3:19). Những điều dưới đất là những điều ở trên mà thánh Phaolô gọi là xác thịt. Xác thịt không phải chỉ là những tội thuộc điều răn thứ sáu, mà còn tất cả những chế độ tôn giáo nào chỉ nghĩ đến vấn đề mình có thể đạt được bằng nổ lực của mình, tự mình gầy tạo một nền đứng cho mình để có một tước vị gì, có một cái gì xứng đáng để ra trước mặt Thiên Chúa, như một công lênh mình., có thể đem ra trước mặt Thiên Chúa, mà đòi Người xử trí với mình.

Cả hai khía cạnh ấy, cho dẫu gọi là hưởng lạc hay khắc khổ, đều đứng ở ngoài Chúa Kitô, không biết giá trị thập giá của những người đã sống, đã biết thực sự. Những người là thù địch của thập giá của Đức Kitô phải biết, vì đã được nghe rao giảng Tin Mừng. Điều đó đã đi đến một khía cạnh lạc đạo nào đó, chỉ đi đến diệt vong, không đem lại cái gì cả.

CÁNH CHUNG CỦA ĐỜI SỐNG TÍN HỮU.

Bây giờ, thánh Phaolô phát họa cho chúng ta nhãn giới (perspective) cánh chung của đời sống tín hữu (Ph 3:20)

Trái lại, nước quê ta là trời cao, tự đó sẽ đến vị Cứu Chúa mà ta ngóng đợi, Chúa Yêsu Kitô.

Muốn hiểu câu thánh Phaolô dùng chỗ nầy, phải hiểu Giáo hội Philip là gì ? Công vụ Tông đồ đoan 16, câu 19 cho chúng ta thấy Giáo hội tại thành Philip :

Thấy mối lợi họ trông chờ đã tan mất, các chủ nó đã túm lấy Phaolô và Sila mà lôi đến công trường ra mặt nhà cầm quyền. Họ điệu ông đến các lãnh binh mà nói : “Những người nầy gây rối trong thành chúng ta; họ là Do thái, và rao truyền những thói tục mà chúng tôi, người Roma, chúng tôi không được phép đón nhận tuân theo.

Chúng ta thấy : Rao truyền những thói tục mà chúng tôi, người Roma, chúng tôi không được phép đón nhận tuân theo. Đó là Giáo hội Philip tại thành Philip. Tại sao lại nói  : chúng tôi, người Roma ? Vì thành Philip là một thành gọi là colonia, chỗ những cựu binh Roma trấn đóng và trở nên một thành – tuy là ở đất Hy lạp thật – nhưng mọi quyền công dân đều như người Roma. Chúng ta thấy người Roma hãnh diện về quyền công dân đó như thế nào. Họ là một thành giữa Hy lạp, nhưng quê chính của họ, gọi là căn cứ quyền lợi công dân của họ là Roma. Vậy, cũng không khác gì Hội Thánh của chúng ta – thánh Phaolô ám chỉ - ở một xứ, ở một chỗ nầy chỗ khác thật, nhưng nước của chúng ta, quyền công dân của chúng ta, mà chúng ta đã được, gọi là sổ đăng ký nhân danh, không phải thuộc quốc gia trần gian nầy. Kinh đô, chỗ chúng ta đặt được quyền công dân của chúng ta, là trời cao, nơi mà Chúa Kitô đã đi vào và Ngài sẽ đến. Đấng chúng ta ngóng đợi sẽ đến tự đó : Chúa Yêsu Kitô. Vậy là một người nói lên tính cách giao thời của Hội Thánh và hằng có con mắt ra khỏi trần gian nầy.

Kinh đô, chỗ mà người có lòng tin được như có quyền công dân vĩnh viễn rồi là trời cao. Nơi Chúa Kitô đã ngự vào đó và tự đó Ngài sẽ đến lại để hoàn tất công  việc của Ngài đã muốn làm nơi chúng ta. Nơi đó, Ngài sẽ đến để giải phóng những kẻ thuộc về Ngài, Vậy, từ đó sẽ đến vì Cứu Chúa mà chúng ta mong đợi, Chúa Yêsu Kitô. Chỗ nầy có sự khó khăn cho chúng ta vì thánh Phaolô dùng lời rất tế nhị. Chúng ta có thể hiểu sai và rất nguy hiểm cho Hội Thánh chúng ta một thời, vì những hiểu sai nầy. Đó là dửng dưng với mọi giá trị trần gian, vì cho rằng chúng ta có quê ở trời cao. Lúc bấy giờ, chúng ta thấy Hội Thánh chỉ ngóng đến việc gọi là để đi về quê thật, mà chúng ta cho thế giới nầy là quê giả dối. Như vậy, Hội Thánh dửng dưng với những giá trị trần gian. Chỗ nầy, thánh Phaolô có dạy như thế không ? Chúng ta thấy là không. Chúng ta phải nhớ hình ảnh dân Philip : Dân Philip có quyền công dân Roma thật, đó là chỗ căn cứ cho quyền của họ, nhưng họ sống ở chỗ nầy. Họ sống tại thành Philip, không phải tại thành Roma, nhưng tất cả quyền công dân và luật công dân của họ, được chi phối bởi quyền tại kinh đô Roma. Thế thì người có lòng tin cũng vậy. Sống là sống ở chỗ nầy, ở trần gian nầy, trong nhiệm vụ của trần gian, với tất cả những công việc của trần gian, nhưng biết mình không phải công dân của trần gian. Nghĩa là căn cứ luật lệ, chiều sâu của đời mình, không phải là trần gian. Đằng khác, đời sống hiện tại không phải là đời sống như thể trong bốn bức tường ngăn chận mình, và (mình) chỉ sống trong cái lồng, nhưng là một con người. Chúng ta thấy luôn luôn được tự do, bởi vì có cái khác tự do với cả những giá trị mà mình đang chiến đấu để đeo đuổi theo. Vẫn biết rằng, nếu mình nhốt mình trong những điều đó, thì chỉ là nhốt trong lồng, mà mất hẳn cái gọi là tương lai tuyệt đối, cái tương lai không gì so sánh được.

Tương lai ấy đã vach tỏ cho chúng ta, đã hé rạng cho chúng ta một điều, đó là Đấng sẽ đến sẽ hoàn tất mọi sự. Nước quê ta là trời cao, tự đó sẽ đến vì Cứu Chúa mà ta ngóng đợi, Chúa Yêsu  Kitô (Ph 3:20). Vậy , nếu chúng ta hiểu chữ quê ta là trời cao, không phải chỉ là một địa điểm, một chỗ phải đi dến, nhưng là một giá trị bao quát và hướng đến tất cả tương lai tuyệt đối như Chúa muốn, thì điều ấy là điều chúng ta ngóng đợi, ngóng đợi Ngài đến và Ngài đến luôn. Nếu trời cao chỉ được coi như một địa điểm, một chỗ - đó là quan niệm hơi huyền thoại một chút, cho rằng trời cao mới là thiên đàng – nếu chúng ta bỏ được điều ấy đi để nhận lấy hướng cuối cùng trong ý định của Thiên Chúa về chúng ta, tức là những giá trị, là sự sống – Sự sống của Thiên Chúa thông cho chúng ta – thì tự nhiên, tự đó sẽ đến vì Cứu Chúa mà ta ngóng đợi, Chúa Yêsu Kitô. Không phải Ngài chỉ đến vào ngày tận thế mà luôn luôn đang đến và sẽ đến luôn, nghĩa là Ngài luôn luôn đến mở rộng những nhãn giới và những giá trị trần gian, để xứng hạp với quyền công dân nước trời của chúng ta. Vậy, sẽ đến cũng là đang đến. Nhưng, đang đến chỉ thực hiện được một khi Ngài đã đi đến và mở rộng thực sự nhãn giới toàn diện. Nếu như vậy, những việc đến hiện tai mới là, so với cái cuối cùng, sự ngóng đợi mà thôi.

Ngóng đợi không phải ngồi chầu rìa để chờ đến. Sự ngóng đợi ấy không phải chỉ là một cái để yên một chỗ cho mình – nói là mình còn giờ để lúc khác, còn bây giờ cứ thả cửa làm mọi sự ở trần gian nầy – nhưng là sự ngóng đợi in sâu vào, thành hình nơi mọi công việc dấn thân vào trần gian. Việc dấn thân vào thế gian để bênh vực những giá trị, những điều cuối cùng mà hiện tại, nếu chỉ gọi là thuộc phạm trù trần gian mà thôi, nếu chỉ có chừng như thế, sẽ không bao giờ gom góp đầy đủ được cả, không bao giờ tóm gồm lại được tất cả giá trị ấy. Sự ngóng đợi là sự phá tan nhãn giới thiển cận của những việc dấn thân trần gian nầy. Sự ngóng đợi ở đây là một phạm trù, một điều phải đi vào mọi công việc trong đời sống hiện tại, chứ không phải là có một lúc chúng ta cứ ngồi mà ngóng đợi, có lúc khác chúng ta chỉ làm việc ở trần gian nầy. Đó là nhãn giới, là tâm hồn của tín hữu đã tin vào ơn cứu rỗi đến trong Chúa Kitô. Có hai khía cạnh ấy. Một là dấn thân kịch liệt vào trần gian và đằng khác cũng có một nhãn giới đức tin siêu vời, tương lai tuyệt đối đã đến cho chúng ta trong  Chúa Kitô. Điều đó mở toang hiện tại ra, để nó đừng bị tù túng trong cái hiện tại bởi những tình dục và những dục vọng hiện tại của con người, cho dẫu điều đó thuộc về quốc gia, xã hội, giai cấp hay cái gì đi nữa. Đó là điều cần thiết cho chúng ta, thấy rằng niềm hy vọng của tín hữu, không là niềm hy vọng chỉ nằm trong tương lai, nhưng là niềm hy vọng đã ăn vào hiện tại, để mở hiện tại ra mà đón nhận những điều Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta trong tương lai phần nào.

Đó ! Chúng ta thấy là một điều khó khăn. Vậy, Đấng đó sẽ đến và Ngài sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của ta, sao nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh quang của Ngài (Ph 3:21). Vậy, tự nhiên, chắc chắn chúng ta nhắm đến ngày cuối cùng Thiên Chúa sẽ đổi, hoặc là kẻ chết sống lại, hay kẻ còn sống được biến đổi hoàn toàn. Điều đó có, nhưng có phải biến đổi như thế là phúc lạc hay không ? Không ! Nếu như vậy, chỉ có ngày tận thế Ngài mới biến đổi. Vậy, đằng sau thân xác khốn hèn của ta, tất cả các điều kiện sinh sống hiện tại trong sự khốn hèn của chúng ta, chật chội và đủ những khốn khó nơi chính mình con người chúng ta, để biến đổi nên giá trị trần gian những điều chúng ta chỉ đeo đuổi được về phía hiện tại của chúng ta, với bao nhiêu hạn chế và tù túng, Ngài sẽ biến đổi và đang biến đổi. Lúc bấy giờ, sự biến đổi mới là phúc lạc. Vậy chúng ta không phải chờ cái ngày ấy sẽ biến đổi, mà cái biến đổi của ta ngày ấy, đã tràn ngập vào thời gian của chúng ta, để biến đổi những điều chúng ta sống trong thân xác khốn hèn thật đó, nhưng tỏ rạng dần dần sự vinh quang của Ngài, sự vinh quang Ngài đã được bên hữu Thiên Chúa.

Vây ! Chúng ta thấy cánh chung đã nhập vào thế giới hiện tại của con người. Thế giới của con người không thể làm giam hãm, tù túng được cánh chung đã đến vì Cánh chung ấy chỉ có thể thực hiện một cách đầy đủ trong giới của Thiên Chúa, nhưng điều nầy đã làm rạng đời sống hiện tại của con người. Vì sao có thể như thế ? Bởi vì chiếu theo phép mầu làm Ngài có thể bắt cả vạn vật hàng phục Ngài (Ph 3:21) Mà không phải chỉ là việc Ngài làm một ít phép lạ. Phép mầu của  Ngài là có thể biến đổi được điều kiện sống chúng ta bây giờ trong thân xác chúng ta ngày nay, bắt con người tội lỗi đó, có thể trở nên hàng phục Ngài, để chịu lấy vinh quang sống lại của Ngài. Vậy, đó là hy vọng của tín hữu, vừa nhắm đến tương lai, vừa nằm trong hiện tại của con người chinh chiến đủ với tất cả mọi đời sống của mình, với tất cả những điều kiện khó khăn, gọi là khốn hèn của mình. Nên biết rằng, trong đời sống hiện tại có cả những tội lỗi, những điều nguy hại…nhưng Ngài là Đấng có phép mầu, đủ để bắt cả vạn vật hàng phục Ngài, để đổi thế giới tội lỗi là chúng ta đây, đổi thế giới thiếu thốn và khốn nạn đi, để nên một điều đã dọi lên, dọi lên được vinh quang của Ngài. Đó là niềm hy vọng của chúng ta.

Chúng ta sống vào một thế giới hiện tại, mà cũng là một thế giới tương lai, đã nhập vào hiện tại để làm cho cái hiện tại của chúng ta không bị tù túng như trong ngục tù. Ngục tù cuối cùng là con người bị dồn vào một chân trời không có hé mở, chỉ có thế lực, lam lũ hay giàu có, hay hư danh , hay danh giá, nhưng mọi cái đó đều là tù túng cả. Tù túng về mọi ngõ. Vì, cho dẫu giàu có mấy, cũng không hưởng được tất cả sự giàu có. Cho dẫu mình được tất cả các điều khác đi nữa, mình cũng chỉ sống trong một cái vòng không đầy nữa thước khối là chính thân xác của mình. Cuối cùng thì thế, chẳng có cái gì hơn, Vì mình tự nhiên không nhập vào mọi giá trị trần gian. Cho dẫu, mình làm được những điều mỹ thuật lớn lao, mình cũng không nhập vào bức họa, hay vào việc mình làm, hay vào bài hát mình hát để thưởng thức. Không có cái gì trở nên mình được. Cũng vậy, không ai sống tình yêu của mình trong người mình yêu. Vô phương ! Chúng ta cảm thấy được mọi người đều tù túng cả, con người như thế là con người diệt vong. Cuối cùng, trong chiếc lồng đó, không ai đem chúng ta ra khỏi đó được. Chỉ có Chúa Kitô mở cho chúng ta con đường đó, và một ngày kia, chúng ta sẽ thấy con đường đó được tiếp tục với công việc tạo thành. Chính Ngài sẽ mở nhãn giới đó ra được, vì chỉ có khi nào Ngài thông cho chúng ta chính việc yêu thương của Ngài, trong việc Ngài tạo dựng chúng ta. Và khi nào chúng ta sống được, thông cảm được, kinh nghiệm được việc tạo thành đó như công việc của chúng ta, lúc bấy giờ chúng ta mới cảm thấy được hạnh phúc là gì.

Đó là tương lai cuối cùng Thiên Chúa mở cho chúng ta, khi người có ý thức về chúng ta, khi người yêu mến chúng ta. Điều đó bây giờ như còn ở bên ngoài, bên Người, chứ không ở bên chúng ta. Nhưng ngày kia, hạnh phúc là Người mở cho chúng ta, và các thánh thì được hưởng một đôi chút tiên báo, nổi đau đớn đó thực sự là diệu cảm rõ rệt, là sinh lực cuối cùng, là ý thức của Thiên Chúa, là lòng mến của Thiên Chúa, là cái trở nên, chính là cái kinh nghiệm làm cho chúng ta được hạnh phúc đời đời bên Thiên Chúa. Chúng ta chỉ được hạnh phúc đời đời thật sự, khi chúng ta thông vào chính đời sống của Thiên Chúa, Cha-Con-Thánh Thần, mà trở lại với nguồn gốc của tất cả mọi sự là ý thức, là lòng mến của Cha chúng ta. Chính điều ấy không chỉ là xa vời, mà hiện tại đã phải đem vào đời sống bây giờ, những công nghiệp của đời sống đó. Chúng ta thấy chúng ta phải khẩn nguyện trong những khi chúng ta quờ quạng trong những gặp gỡ ở trần gian nầy, đau thương nầy khác, bực bội nầy khác, là những lúc gặp thử thách hơn cả, để chúng ta cảm thấy sự hạn chế của trần gian. Những lúc đó là những lúc phúc lạc, để chúng ta cảm thấy được, cảm thấy mà lãnh nhận lấy điều đó, để mở ngang qua những sự chật chội, bực bội, khó khăn, cực khổ ở trần gian. Được con đường ấy để lãnh nhận lấy điều ấy, lúc bấy giờ trở nên một điều tác phúc thật. Đó là kinh nghiệm, vừa về sự hạn chế của trần gian, vừa về con đường, lối thoát mà Thiên Chúa đã mở cho chúng ta trong Chúa Kito.

Điều đó, chúng ta thấy trong Thánh vịnh có nhiều chỗ lạ lùng : Tôi chúc tụng ơn Chúa vì Chúa đã thử thách tôi, và đã cho tôi gặp phải lâm bỉ, thì tôi mới biết được Chúa là ai. Chúng ta phải khẩn nguyện xin Chúa ban cho điều ấy. Chúng ta thấy chương Ph 3 nầy là một chương rất nhiều ý nghĩa. Chúng ta thấy con người đeo đuổi đời sống của mình trong Chúa Kitô thì đeo đuổi thế nào. Chúng ta thấy có cái nhãn giới về tương lai sâu thẳm Thiên Chúa đã dành để cho chúng ta, về niềm hy vọng cuối cùng. Thánh Phaolô nói dân ngoại là những kẻ không có hy vọng (1Th 4:13) là thế. Họ là những kẻ không được Thiên Chúa đến cho mình trong cuộc đời hiện tại, để mở tất cả nhãn giới trần gian ra. Bởi thế, họ dành lòng sống trong ảo tưởng, tưởng mình càng giàu thì càng phúc lạc, tưởng mình càng tìm kiếm được mọi thỏa thích nầy khác về ăn uống, dâm đạt… là được tất cả. Không ! Vì tất cả những điều đó là cái đời sống như thể nước chảy tan ra mà biến dần dần đi hết cả trong đời sống của mình. Nó sẽ cạn khô đi hết cả. Cho nên, chúng ta nghe lời than trách trong mùa Thương khó nầy : Dân Ta đã tự đào cho mình những hố nước thở. Những hố nước bị hủy đi mất. Những hố nước bị rạn nứt, có đổ bao nhiêu nước vào đó, nó cũng dần dần biến đi hết cả. Hình ảnh ấy là hình ảnh Thiên Chúa đã trách dân của Người, và trách mọi người như vậy.
Phải hiểu những chương nầy theo tinh thần thánh Phaolô. Chúng ta sẽ thấy rằng, đó là một nguồn ánh sáng soi rọi tất cả những công việc ngày nay của chúng ta. Hội Thánh ngày nay à về sau không thể dửng dưng với tất cả những giá trị hiện tại của con người. Nếu cần (Hội Thánh) đấu tranh để mở cho những con người nghèo khó, cho những người nầy người khác, một nhãn giới mới. Tại sao phải đấu tranh cho những người không đủ ăn đủ uống ? Để họ có thể nên một con người (xứng đáng con người) hơn nữa. Đằng khác, làm công việc ấy không phải là làm công việc, chỉ là phục vụ như kiểu (…) mở một nước khác. Phải lãnh nhận lấy rằng, mình có niềm hy vọng lớn lao như thế, mình không mất mát một cái gì, mà nếu mình ỷ lại, ích kỷ hơn ai hết, thì đáng buồn hơn cả. Hội Thánh phải là vậy ! Đáng lẽ Hội Thánh phải xưng tỏ ra rằng, dù bị người ta chiếm đoạt (của cải vật chất), dù bị ngục tù hay chết mấy đi nữa, cũng không thua thiệt gì cả. Thế mà, Hội Thánh lại cố bảo thủ lấy sinh mạng mình hơn cả. Đó là cái nguy tai, nguy tai nhất. Hội Thánh không thấy như vậy. Đó là điều đáng buồn, vì kẻ khác có thể thua thiệt (hơn mình). Thí dụ : Một người có gia đình đầy đủ, phải ra trận thì chắc là họ có nhiều nguy cơ (risque) hơn mình, vì nếu chết, không phải họ chết mình họ, nhưng còn vợ con của họ, gia đình của họ. Còn mình, như một linh mục tuyên úy có ra trận và nếu chết, thì cũng chỉ chết có một mình.

Nhiều khi, chúng ta thấy người ta có thể lăn xả vào đời sống – vì thế, Hội Thánh có nhiều cái hơi kỳ quặc – (Còn mình) đáng lẽ mình phải là người phục vụ xả kỷ hơn, vì mình không tiếc nuối gì cả. Người ta có lý để tiếc, còn mình không có gì để tiếc cả. Đó là những điều kỳ quặc trong Hội Thánh, mở mắt ra, chúng ta sẽ thấy. Của cải…cũng vậy. Có những vị (trong Hội Thánh) dù chỉ có một mình, cũng bon chen, lợi dụng đủ thứ nầy khác. Đó là cái gì ? Chúng ta thấy rõ rệt cái nguy hiểm là như vậy. Cái nhãn giới Cánh chung của Thiên Chúa không nhập vào đời sống hiện tại của mình để co giãn đi. Bây giờ, cho dẫu một Giám mục bị đi tù, ngài hãy cứ đi tù một mình. Chúng ta thấy, (Hội Thánh) không dám có lập trường gì để (can thiệp) về những vấn đề gì thuộc về nhân phẩm con người, giá trị con người. Chúng ta thấy được là có nhiều khó khăn. Chúng ta quá lo xa như thể mình là quan trọng cho Hội Thánh. Trong thời Hitler cầm quyền, một nông dân nước Áo dám đứng lên để phản đối những bất công của chế độ Quốc xã, còn các Giám mục thì làm thinh cả vì sợ, sợ rằng quyền lợi của Hội Thánh bị mất.

Nhưng Hội Thánh có cần bênh đỡ quyền lợi đến đỗi như thế không ? Chúng ta thấy, Hội Thánh cũng duy trì một cái hiện tại của trần gian, mà khi muốn duy trì một cái hiện tại của trần gian, đến đỗi bịt đi tiếng lương tâm của mình. Đáng phải nói ra mà không nói, đó là Hội Thánh đã phủ nhận. Trong thời Quốc xã, có một vài Giám mục lên tiếng, thì các Giám mục khác can gián đủ thứ ngay lập tức. Chúng ta thấy những điều đó trong lịch sử Hội Thánh, mà bây giờ xét lại thì cái nào đáng buồn hơn ? Đó ! Chúng ta thấy là chúng ta muốn xây dựng một cơ sở, để gọi là chúng ta muốn quan phòng, theo như chúng ta có thể quan phòng được, chứ không thể buông theo gọi là tương lai tuyệt đối mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta chắc thực trong Chúa Kitô. Lúc bấy giờ, các Giám mục không thể hứa rằng, mình sẽ ở với Hội Thánh cho đến tận thế, nhưng Chúa Kitô mới hứa cho Hội Thánh điều ấy. Đó, những cái khó khăn.

Trong những chương nầy, chúng ta thấy thánh Phaolô bàn cách riêng về cách tu đức, chúng ta trong thời hiện tại phải áp dụng được. Chúng ta thấy Tin Mừng mở cho một người đã thấu vào đó con đường của Thiên Chúa đến với loài người, khi biết mở tâm hồn ra đón nhận tất cả tương lai của loài người thế nào, đến đỗi chúng ta thấy – có thể dửng dưng được với tất cả, khoái lạc cũng thế, đau khổ cũng thế, để lãnh nhận tất cả, biến đổi tất cả trong một ơn là được nhãn giới, được tương lai tuyệt đối vào chính đời của mình. Được nắm chặt lấy, nắm chặt lấy trong lòng tin. Chúng ta suy ngắm điều đó và phải cầu nguyện. Bởi có những anh em  trong chúng ta muốn dấn thân nầy khác, nhưng phải làm thế nào có thể sáng suốt và được lãnh nhận lấy. Những vấn đề nầy là những vấn đề khó khăn, bởi vì chính trong sự hăng say để dấn thân, mà cũng thế nữa, mình sẽ cảm thấy sự hăng say đó, và mình lại đặt quá vào cái cảm đó, lúc bấy giờ nhãn giới Chúa Kitô lại bị tiêu diệt mất đi.

Có mấy tấm gương chúng ta nên để ý : Quá hối hả mà không thể chờ đợi như Thiên Chúa muốn được, ngay từ sự dấn thân cũng vậy, khiến làm cho nhiều người rất thiện chí trong Hội Thánh, bây giờ bỏ Hội Thánh. Thí dụ : Mới đây, linh mục Gautier, xưa là một linh mục thợ (prêtre-ouvrier) ở Nazareth, là một người hăng say… Tòa Thánh đã viết thư cho ngài, để cho ngài thấy muốn dấn thân vào đời sống khó nghèo trong Hội Thánh hiện tại thì phải thế nào. Bấy giờ, ngài quá khích, không kiên nhẫn đủ, để mình quá cảm về sự dấn thân, mà nhiều khi nhãn giới về giờ của Thiên Chúa đến, không mở mắt được đủ sự kiên nhẫn, để đợi chờ nữa. Con người nào vì mình mà không bao giờ lay chuyển, cũng là sai. Con người nào háo hức làm đủ mọi cái, mà không kiên nhẫn để đợi Thiên Chúa can thiệp, cũng sai ! Cả hai đều sai Vậy phải có lòng tin nào đó vào Chúa Kitô. Lòng tin đó bây giờ lại là lòng tin rằng Chúa ở với Hội Thánh, trong một Hội Thánh tội lỗi, chứ không phải là nhân đức hẳn đâu… Chúng ta thấy dấn thân cho người nghèo cũng có thể dẫn mình đến chỗ - vì mình quá cảm về phía người nghèo như thế, mà thấy Hội Thánh cứ từ từ chứ không bao giờ có gì cả - không kiên nhẫn đủ. Đó là không kiên nhẫn đủ đấy !

Đó ! Chúng ta thấy cả hai khía cạnh. Chúng ta phải cầu nguyện trong những chỗ đó…Cha Hearing (DCCT, người Đức) nói với tôi rằng, ngài lấy làm xấu hổ vì hàng giáo phẩm của ngài trong thời Đức quốc xã không lên tiếng một tí nào cả về những điều trái lương tâm như vậy. Bây giờ, những người như cha Gautier xấu hổ vì Hội Thánh bao giờ cũng vậy, vẫn còn nuông chiều những người nghèo, nhưng chỉ nói trên danh nghĩa, thế thôi ! Bao giờ cũng sử trong những từ chương, chứ thực sự trong thực hiện, khó mà đi xa hơn…Đó là những người không đủ kiên nhẫn mà đợi chờ. Lỗi cả hai bên. Chúng ta phải cầu nguyện thật sự. Bây giờ, nhiều người bị thử thách về Hội Thánh là vậy… Cả hai bên phải đặt mình lại trước lòng tin một cách thẳng thắng trong Chúa Kitô. Điều đó đòi lòng mình phải trở lại hoàn toàn trong sạch trong Chúa. Lòng mình phải xứng với Chúa, lúc bấy giờ, việc dấn thân, bảo về quyền lợi , hay cái nầy cái khác mới có giá trị. Không thì, một bên háo hức, một bên sợ sệt hẳn, như thể không còn hy vọng gì cả…

Chúng ta phải suy ngắm cái tương lai tuyệt đối mà Tin Mừng đã đem đến cho chúng ta trong Chúa Kitô thế nào, chúng ta phải trở lại toàn diện như thế, và dấn thân vào đó. Vì thế, cuộc cải tổ mọi sự đều phải tự đáy lòng chúng ta – mỗi người đã có lòng tin – chứ không thể cải tổ bằng một đạo luật được.

Mối hy vọng lớn lao Thiên Chúa mở cho chúng ta, đó là quê chúng ta: Trái lại, nước quê ta là trời cao, tự đó sẽ đến vì Cứu Chúa mà ta ngóng đợi, Chúa Yêsu Kitô. Sẽ đến, tức là không đến hoàn toàn đầy đủ bây giờ đâu.Như vậy, chúng ta phải (chấp) nhận thế giới trần gian khiếm khuyết nầy. Chúng ta phải tiến tới, vì Ngài đến - Không phải chỉ ngày tận thế Ngài đến – mà đến trong mọi công việc Ngài biến đổi, biến hình đổi dạng thân xác khốn hèn của chúng ta.

Chúng ta phải khẩn nguyện xin Chúa ban cho chúng ta được lòng tin mạnh mẽ, để thực sự có một con mắt đức tin, nhìn đến tất cả những biến cố trần gian xãy ra.

(4:1) Ấy vậy, hỡi anh em, những người chí thân chí thiết của tôi, niềm hân hoan, và là triều thiên của tôi, anh em hãy kiên vững như vậy trong Chúa. Hỡi anh em thân mến.

NHỮNG LỜI KHUYÊN NHỦ.

(2) Tôi khuyên bà Evodia và tôi khuyên cả bà Syntykhê nữa : xin hai bà hãy hòa hợp với nhau! (3) Và tôi cũng xin anh, phải  cả anh nữa, liên hữu chân thành (của tôi), hãy giúp đỡ các bà ấy. Họ đã cùng tôi chiến đấu vì Tin Mừng, làm một với Clêmentê và các người cộng sự khác, những người đã được có tên ghi trong sổ hằng sống.

(4) Anh em hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn ! Tôi xin lặp lại, hãy vui mừng ! (5) Đức độ lượng của anh em, hãy làm sao cho mọi người đều được nhận biết ! Chúa gần bên ! (6) Anh em đừng lo gì ! Nhưng hãy dùng mọi lời khẩn nguyện, cầu xin và cảm tạ, mà giải bày trước Thiên Chúa các điều anh em khẩn nguyện ! (7) Và sự bình an của Thiên Chúa vượt quá mọi suy tưởng sẽ canh giữ lòng dạ anh em, các ý nghĩ của anh em trong Đức Kitô Yêsu.

(8) Kỳ dư, hỡi anh em, phàm những gì là chân thật, những gì là khả kính, những gì là công minh, những gì là tinh tuyền, những gì là khả ái, những gì là danh thơm tiếng tốt, và nếu có nhân đức nào, nếu có điều đáng khen nào, anh em hãy chú trọng đến tất cả.(9) Các điều anh em đã thụ giáo, đã chịu lấy, đã nghe và thấy nơi tôi, anh em hãy đem thi hành, và Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em.

CÁM ƠN VIỆC TRỢ CẤP.

(10) Trong Chúa, tôi cảm thấy vui mừng thấm thía vì mối lưu luyến của anh em đối với tôi lại đã khai hoa lần nữa : một điều anh em đã vẫn quan tâm, nhưng cơ hội lại không sẵn ! (11) Không phải vì túng cực mà tôi nói thế, vì tôi đã học cho biết đành lòng với phận mình gặp phải.(12) Tôi đã biết cảnh nghèo hèn, mà dư dật tôi cũng biết. Trong mọi cơ hội và về mọi sự, tôi đã được thụ truyền, (dạn) với no với đói, với dư với thiếu.(13) Tôi có sức chịu mọi sự, trong Đấng ban sức mạnh cho tôi ! (14) Tuy nhiên, xin cám ơn việc nghĩa anh em đã làm, là san sẻ nổi quẫn bách của tôi !(15) Nầy anh em, người thành Philip, ngay anh em cũng biết là vào thời đầu việc rao giảng Tin Mừng, khi tôi rời khỏi Makêdonia, thì đã không có Giáo hội nào hợp đồng với tôi về “trương mục chi thu” cả, duy chỉ có anh em đó thôi ! (16) Ngay cả ở Thessalonikê rồi, anh em đã lần nầy lần khác gửi gì giúp đỡ tôi lâm phải túng cực ! (17) Không phải là tôi cầu ơn cầu nghĩa, nhưng là tôi cầu cho mục “thu” của anh em được dồi dào hoa lợi !

(18) Nay tôi xin tiếp nhận tất cả, và tôi nên dư dật, sung túc rồi, khi đã nhận quà anh em gửi nhờ tay Epaphrodito : thật là hinh hương, lễ tế được Thiên Chúa chiếu nhận và lấy làm ưng ý ! (19) Thiên Chúa của tôi sẽ đắp điếm vào mọi nổi thiếu thốn của anh em, chiếu theo sự giàu có vinh quang của Người, trong Đức Kitô Yêsu. (20) Vinh quang cho Thiên Chúa và là Cha chúng ta đời đời kiếp kiếp. Amen

LỜI TỪ BIỆT.

(21) Xin anh em chào mừng hết thảy các thánh từng người một trong Đức Kitô Yêsu. Các anh em ở với tôi xin gửi lời chào anh em !(22) Các thánh hết thảy, cách riêng những người gia thuộc của Hoàng đế, gửi lời cào anh em.

(23) Ân sủng của Chúa Yêsu Kitô ở cùng thần khí anh em.





                                                                                            Mùa Thương khó-Phục sinh 1971

No comments: