Tuesday, 17 November 2015

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Thư Gửi tín hữu Galát



                                                            THƯ  GỦI  TÍN  HỮU  GALAT

Thư tịch :
     - Các sách nhập đề
                 Robert – Feuillet : Introduction à la Bible  403-416.
                 L.Cerfaux – Wilkenhauser (265-271).W. Michaelis (182-191) M. Meinertz (88-95)
                 DBS VII  211-226  (A. Viard op).
     - Các sách chú giải.
                 Burton (ICC). Lagrange (Etudes bibliques). Amiot (Verbum salutis)
                 Busy (Bible Pirot-Clamer). O.Kuss (Regensburger Bibel).
                 V.Jacono (Sacra Biblica, Torino). Schlier (Kritisch-exeget. Kom)
                 P.Bonnard (Comm. Du N.T.). A.Viard (Sources bibliques).

Trong các thư gửi cho các Giáo hội, thư Galat gần hình thức thư hơn cả : Không có mục đích dạy các giáo lý chung, nhưng là một can thiệp nhân một dịp cụ thể. Chủ đề đạo lý không được diễn giải cách điều hòa có trước có sau, nhưng thánh Phaolô mặc theo trực giác mà diễn từng thôi một. Ý tưởng đan kết nhau, khó mà chia đoạn một cách rạch ròi.

Viết cho ai?
Thư đề là cho các Giáo hội Galat (1:2). Như vậy có nhiều Giáo hội, không rõ bao nhiêu, không chỉ định rõ ràng.
Dân Galat chính là dân Celtes (La tinh : Galli, dân Gaulois). Dân nầy định cư tại nước Pháp vào thế kỷ thứ sáu trước kỷ nguyên, nhưng họ cũng lan tràn dần đến khu vực sông Danube. Cuối thế kỷ -IV, họ xâm nhập vào vùng Makêdonia, Thessalia, bị chặn lại và đánh bại trước thành Delphi (-279). Có ít bộ lạc thuộc dân đó tràn qua Tiểu Á (278-277), và sau khi bại trận, tàn dân cũng chạy theo. Tất cả dân số lên chừng 2 vạn. Trong số là một vạn binh, họ được vua Nikômêdô – Vua xứ Bithynia – sung quân. Họ hiếu chiến lắm nên Tiểu Á bị chật vật nhiều bởi những trận mạc luôn tiếp diễn, mãi cho đến khi Attale I – Vua Pergame – đánh bại họ (-232) và bắt họ định cư hẳn, theo ba bộ lạc (Trocmes, Tolistoboges, Tectosages) trong vùng gồm các thành Tavium, Pessinonte, Ancyre (Ankara, kinh đô Thổ nhĩ kỳ).

Đến thời Roma : -189, Manlius đánh bại họ nhưng cho họ được tương đối tự lập. Vua cuối cùng của họ - Amyntas – trối xứ họ cho người Roma, nên năm -25, vùng Galat trở thành một tỉnh Roma, nhưng lại gồm cả bên ngoài xứ của người Galat như Lycaonia, Isauria, Phrygia (một phần), Pisidia (tức là phần đất đai thánh Phaolô đã ngang qua truyền giáo lần thứ I : Antiokia, Pisidia, lystra, Derbê, Iconion.

Bởi đó mới có vấn đề :
Thư Galat viết cho Galat chính cống (Galat phía bắc), hay viết cho Galat phía nam (tức các thành Antiokia, lystra, Derbê, Iconion). Các tác giả do dự giữa 2 thuyết :
     - Galat Bắc. Hết các tác giả xưa cho đến thế kỷ 19 bây giờ : Lightfoot, Sieffert, Bousset, Lipsius, Loisy, Lietzmann, Julicher, Goguel, Burton, Oepke. Schlier, Lagrange, Dupont, Bonnard, Lyonnet, Cerfaux.
     - Galat Nam.  Mynster (1825), Perrot, Renan. Ramsey, Zahn, Michaelis, Cornely, Lemonnyer, Osty, Amiot, Knox, Duncan.

Những liên lạc rõ ràng của thánh Phaolô với cộng đoàn là 4:13tt. Trong đó, thánh Phaolô nói trong hoàn cảnh nào ngài đã giảng cho người Galat lần đầu, nhưng lại dùng  tò próteron (lần I của 2 lần) :
     - Nếu Galat Bắc thì 2 lần tức là nhân chứng ám chỉ Cv 16:6  18:23 và thư có thể viết gần các thư chính Corinthô, Roma, nghĩa là vào lối năm  57.
     - Nếu Galat Nam thì 2 lần đã diễn ra cả trong hành trình truyền giáo I (trước năm 49), và như vậy, thư viết rất sớm : Trước Công đồng Yêrusalem. Xét về văn chương, các tác giả cho là quá sớm, Galat phải đặt gần Roma mới được, nguyên nhân tư tưởng nóng hổi trong Galat được viết lại điềm tĩnh và kỹ lưỡng hơn, không lẽ lại để hai thư xa nhau như thế.

Cơ hội và mục đích.
Có những người đã rao giảng một Tin Mừng khác, đả kích quyền Tông đồ của Phaolô. Hình như họ ở đâu khác đến chứ không phải xuất tự Cộng đoàn. Tín hữu Galat không chống trả hoặc chống trả quá hời hợt : bây giờ gọi chung họ là Do Thái phiệt. Nhưng cũng có nhiều kiểu Do Thái phiệt : Cực đoan – Lề luật, điều Thiên Chúa thiết định cần thiết để được cứu rỗi, Chúa Yêsu đến để đào sâu và mở cửa cho tất cả Dân ngoại. Ôn hòa – Lề luật cần thiết cho những ai tìm trọn lành trong đời sống đạo đức (Coi L.Cerfaux  Le chretien…348s – có thể có 3 thái độ và Introduction à la Bible , 409s – Các ức thuyết về Galat).

Phân chia các đoạn.
Không thể phân chia rành mạch được. Không lạ gì mỗi tác giả có một cách chia .
Tạm chia : (theo Bonnard – Thệ phản – ghi chú bên ngoài tài liệu chính)
     - 1: 1-5             Nhập đề.         6 -10    Chủ đề nêu ra.
     - I         1:11 – 2:21      Phaolô có tư cách Tông đồ giảng cho Dân ngoại.
     - II        3:1 – 4:31        Tin Mừng của Phaolô có căn cứ trên Kinh Thánh.
     -III        5:1 – 6:10        Sự tự do của Tin Mừng.         6:11-18            Cảnh cáo cuối cùng.

Tầm quan trọng của thư Galat
 Galat cho chúng ta một chương tự thuật của Phaolô về ơn thiên triệu và về công việc truyền giáo của ngài. Trong việc thi hành sứ mạng, ngài đã có vai trò nào và tương quan với các Tông đồ trước, ngài đã đặt trên bình diện nào. Chính nhờ những phản ứng không hay của Do Thái phiệt mà đạo Chúa Kitô mới mặc hẳn hình thức phải có, nói về mặt ý thức tế nhận, chứ Tin Mừng đã có thế nào nơi Chúa Yêsu, thì trước hay sau đều như vậy. Nếu không, thì chỉ là một lý thuyết nhân loại biến đổi theo kiến thức hay nhãn giới của  nhân vật nầy, nhân vật khác.

Chính dựa trên phân tích Galat và những chi tiết của 1-2Cor mà Christian Baur đã phát họa ra một nhãn giới lịch sử Hội Thánh mà người ta coi là có khoa học (coi W.G.Kummel – Das Neue Testament , Geschichte der Erforschung seiner Probleme , 156-164).
Tuy nhiên, đọc Galat kỹ lưỡng không cho phép tái lạo lịch sử theo thuyết đó được.
Tin Mừng của Phaolô.
Phaolô gọi đạo lý ngài rao giảng là Tin Mừng của tôi. Bởi đó, người ta muốn hiểu. trong Hội Thánh tiên khởi có 2 Tin Mừng : Một bên là Tin Mừng cho tín hữu Do Thái, duy trì những luật lệ Do Thái. Bên kia là Tin Mừng của Phaolô, cho người ngoại giáo, không có luật lệ Do Thái. Chắc chắn rằng Tin Mừng của Phaolô là đạo lý giảng cho người ngoại, và gồm có sự tự do đối với Lề luật Mosê. Nhưng chính Galat lại cho ta thấy  Tin Mừng đó là Tin Mừng chung. Nghĩa là Tin Mừng chính tự trong bản chất, đã có những quan điểm đặc biệt về lòng tin và Lề luật, trong đó sự tự do của tín hữu dân ngoại chỉ là một hậu kết, cũng như sự thuộc về Chúa Kitô thì miễn chuẩn cho Phaolô, Phêrô, các Tông đồ có giao dịch với Dân ngoại (cũng như các tín hữu Do Thái trong các Giáo hội hỗn hợp) khỏi phải giữ luật Môsê.

 Bởi ơn cứu rỗi dựa tất cả vào công việc cứu chuộc của Chúa Kitô, thì Lề luật không thể có sức cứu chuộc nữa. Như vậy, Lề luật đã hết hiệu lực. Không còn phải giữ để nhờ đó mà được cứu rỗi. Như vậy, có thể áp dụng cho Lề luật nguyên tắc Phaolô đã áp dụng cho những giới luật về thức ăn : Lương tâm đã xác tín thì phải hơn là hãy miễn hẳn khỏi lề luât. Nhưng dù sao, không được gây vấp phạm cho kẻ yếu đuối. (1Cor 8:9)

Nhưng việc thấu hiểu cặn kẽ điều đã có trong Đức Tin, đó là cống hiến Thiên Chúa quan phòng đã cho Phaolô thực hiện vào một chỗ ngoặt trong lịch sử Hội Thánh tiên khởi. Nếu cứ nghe theo cánh Do Thái phiệt – mà trung tâm phát động ảnh hưởng là Yêrusalem – thì có khi Hội Thánh đã thiên về Lề luật, và như thế Hội Thánh sẽ hết phương phát triển trong các Dân ngoại. Sẽ còn lại thành một bè Do Thái tin vào Mêsia Yêsu (đạo lý bè Ebonit sau nầy).

Thư Galat cho thấy Phaolô có ý thức về thiên triệu giảng Tin Mừng thoát luật – Tin Mừng của ngài – Sau một thời do dự, các Tông đồ cũng nhận đó là kết luận nhất thiết và đã nhận lập trường của ngài. Nhờ đó, đạo Chúa Kitô đã được thoát khỏi sự ràng buộc của Lề luật mà vẫn duy trì mặc khải của Thiên Chúa đạo Do Thái đã bảo tồn, để chờ thời Thiên Chúa can thiệp cùng tận. Trong giai đoạn nầy, ý thức của Phaolô, công trình của Ngài và lịch sử Hội Thánh nói được là hoàn toàn đồng nhất. Chính điều đó là điều thư Galat vén cho ta thấy.

Cắt nghĩa :

Đoạn 1: 1-10  NHẬP ĐỀ.
Hình thức văn chương :
Thư Galat ngay nhập đề cũng cho thấy sự căng thẳng. Thư thiên hẳn về hình thức công văn, lạnh lùng đối với những người được thư.

Câu 1: Nhắm ngay đến những kẻ công kích quyền Tông đồ của Phaolô.
Nên để ý đến liên lạc giữa quyền Tông đồ và sự sống lại của Chúa Kitô.

Câu 2: Nên để ý mấy tiếng cộc lốc : Kính gửi các Giáo hội xứ Galat.
Không một ước vinh dự nào về đạo Chúa Kitô (Giáo hội của Thiên Chúa, anh em, các thánh… như các thư khác).
Câu 3: Nhưng thánh Phaolô cũng không bỏ qua được lời cầu chúc.
Thể thức của phụng vụ Do Thái và Hội Thánh tiên khởi đã thâu nhận.

Câu 4:Lời cầu chúc đó được diễn rộng hơn.
Bằng việc tả qua công việc của Chúa Kitô. Điều sẽ được diễn giải trong thư từ đoạn 3 trở đi. Còn việc diễn giải rộng hơn trong câu 1 về ý niệm Tông đồ : Gửi làm đề tài của đoạn I và II.

Câu 6-10: Chủ đề của thư.
Chỉ có một Tin Mừng. Chính Tin Mừng Phaolô đã giảng cho tín hữu Galat. Thư sẽ lần lượt diễn rộng chủ đề : Về nguồn gốc (Chính Chúa Kitô) (Đ. 1-2), tính cách chân thật chiếu theo Kinh Thánh (Đ. 3-4), mang đến sự tự do , giải phóng như thế nào (Đ. 5-6)
Phaolô nói lên sự kinh ngạc của ngài trước sự bội phản với Thiên Chúa và việc quay sang một Tin Mừng tưởng tượng.

Đoạn 1:11 – 2:21 TƯ CÁCH TÔNG ĐỒ CỦA PHAOLÔ.

Chúng ta đã bàn đến các chương nầy rồi.
Nhưng Phaolô không lấy làm đủ nếu chỉ lấy chứng lịch sử mà biện hộ cho Tin Mừng và chức vị Tông đồ của ngài. Sự hoài nghi về những vấn đề nầy chẳng qua chỉ là hậu quả của những thắc mắc Do Thái phiệt nêu lên về chính nội dung lời rao giảng của ngài. Các đoạn sau sẽ chú trọng cả vào nội dung Tin Mừng đó : Thánh Phaolô tìm cách trình bày Tin Mừng, nhưng trong việc so chiếu với ý nghĩa của Lề luật đối với ơn cứu rỗi.
Một cách làm sáng tỏ là đối chiếu Lề luật với nguồn gốc của sinh hoạt Kitô giáo : Lòng tin. Kiểu trình bày của Phaolô không theo phương pháp tuần tự quãng diễn theo một hệ thống rõ ràng, nhưng chủ đề độc nhất được coi đi coi lại khi dưới khía cạnh nầy, khi dưới khía cạnh khác, như thể vây quanh mà nhìn ngắm.

Đoạn 3:1-5 DO LAI CỦA ƠN THÁNH THẦN TRONG CÁC GIÁO HỘI GALAT.

Một dấu khác thường, và cũng rộng rãi mà cũng là mãnh lực nền tảng của đời sống Kitô giáo, tức là Thần khí. Thánh Phaolô nêu vấn đề : Nguồn gốc của kinh nghiệm quá khứ và cả hiện tại về Thần Khí trong cộng đoàn là ở đâu ?

Câu 1: Một lời nói thẳng với độc giả .
Bức thư như thế cũng họa trong các thư (2Cor 6:11  Pl 4:15). Phải hiểu theo tâm tình nồng nhiệt của Ngài muốn lay tỉnh độc giả, bắt phải chú ý vào điều muốn nói sau.
Ngu độn :
Thiếu am tường đến cấp độ như điên điên tàng tàng. Đây đem về những điều thuộc đức tin : Họ không còn có thể phân biệt được giữa lề luật và lòng tin nữa.
Thổi bùa mê :
Tiếng Hy lạp đêm về những cách mê hoặc bằng mà thuật, cách riêng bằng phù chú hay thôi miên. Thánh Phaolô không cho việc đổi lòng của dân Galat là do bồng bột trước lời nói quyến rũ của người ta, nhưng ngài có cảm tưởng như dân đó bị một thứ bùa mê, làm mất hồn. Họ ra mê mẫn bởi một mãnh lực dối trá, do đó mà hiểu được sao họ xoay trở đổi lòng chóng thế, và sao họ lại vô ý thức như thế trước những nguy hại có thể xãy đến.
Đức Yêsu Kitô bị đóng đinh.
Thánh Phaolô thất  kinh vì tín hữu Galat để mình tách khỏi Chúa Kitô như thế : Không phải là nhẹ dạ mà là bất trung. Việc giảng Đức Kitô chịu đóng đinh được diễn tả bằng tiếng proegraphe (Vulg : prae-scriptus est) có thể hiểu 3 cách :
     - Báo trước : Đọc cho kỹ Cựu Ước, tín hữu có thể gặp lời tiên tri về thập giá và nhờ thế mà tránh được lạc đạo.
     - Vẽ trước mắt : Thánh Phaolô đã giảng, bày dãi cảnh Chúa Kitô trên thập giá sống động thấm thía, và đã đánh động tín hữu Galat làm họ trở lại. Nhưng giải thích nầy không có bằng chứng ngữ học.
     - Niêm yết để công bố (như công văn, sắc chỉ, thông cáo) : Như thế là công khai tuyên bố. Thánh Phaolô làm sứ giả rao truyền, tuyên bố ơn cứu rỗi nhưng không và việc chấm dứt những tham vọng tôn giáo, đạo đức kiểu nhân loại mà thập giá đã vạch ra là hư luống. Vậy Chúa Kitô chịu đóng đinh không phải là bức họa thống thiết về cuộc tử hình Golgotha, mà là Kerygma về ý nghĩa thập giá trong chương trình cứu chuộc.

Câu 2-5 : Lý luận cụ thể.
Kinh nghiệm của tín hữu đã được chịu lấy những ân huệ Thần Khí. Tín hữu Galat đã được trong khi không biết gì về Lề luật, và Phaolô cũng đã chẳng giảng gì về Lề luật. Ơn huệ Thần Khí hoàn toàn do bởi lời rao giảng làm cho tín hữu tin và bởi tin thì họ đã lãnh nhận Thánh Thần. Như vậy là lời kêu gọi hãy suy nghĩ về quá khứ và hiện tại của đời sống : Cac điều đó không  hề tùy thuộc vào Lề luật.

Đoạn 4:12-20 Gợi lại ký ức về cuộc gặp gỡ tiên khởi giữa Tông đồ và tín hữu Galat.
Đây là một lý luận thuyết phục dựa trên tình cảm, nhưng cũng là mộ chương thấm thía đặc biệt, cho thấy tâm hồn của Tông đồ đối xử với những con cái thiêng liêng của mình thế nào.

Câu 13: Trong hoàn cảnh bệnh tật mà Phaolô rao giảng Tin Mừng.
Tuy không định trước giảng Tin Mừng cho tín hữu Galat ( nên so với Cv 16:6). Bệnh gì ? Không thể biết rõ (sốt rét, đau mắt…) Có khi hiểu với 2Cor 12:7.

Câu 14: Đứng trước một vấp phạm có thể có bởi bệnh tật coi như do ma quỷ.
Dân Galat đã lướt được cám dỗ và chịu lấy vị Tông đồ như sứ giả bởi trời.

Câu 15: Họ sung sướng cho mình có phúc và họ tận tâm hết mực đối với vị Tông đồ.

Câu 16: Lời hỏi giống như không lẽ nói sự thật ra lại mất lòng anh em. Một sự thật giải phóng: Chúa Kitô, nguồn cứu rỗi độc nhất, không nại vào lề luât.

Câu 17-18 :Ám chỉ đến trò ân cần để lung lạc tín hữu Galat nơi địch thù.

Câu 19-20 : Lòng của thánh Tông đồ đối với tín hữu Galat.

No comments: