Monday, 23 November 2015

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Thư thứ 2 gửi tín-hữu Côrinthô



                                         THƯ  THỨ HAI GỬI  TÍN  HỮU CORINTHÔ.

Thư tịch :
     Các sách nhập đề  (Robert-Feuillet : Introduction à la Bible 437-450.
     A.Wilkenhauser, W.Michaelis, Meinertz.
     DBS tome VII , 183-195 (A.Feuillet)
     Sách chú giải : Allo, Lietzmann. Hering, O.Kuss, Plummer

Xác thực :
     Hiện bây giờ : Ngoài mọi tranh luận (Rõ ràng của Phaolô)  

Hoàn cảnh lịch sử:
Các biến cố xãy ra từ thư 1Cor đến việc thư nầy gồm có:

     - Một thư đã mai một.(Ám chỉ trong 2:3  4  9  7:8t  12).
Viết trong một hoàn cảnh bi đát – Thư đẫm lệ - (2:4), nghiêm nghị và tàn nhẫn nữa, cốt để thử biết tín hữu Corinthô thế nào, và thực sự đã làm cho họ (ít là số đông) phải hối tiếc. Thư đó có nói đến một vụ xung đột (một người xúc phạm và một kẻ bị xúc phạm). Bởi hoàn cảnh như thế, nên thư ám chỉ đây không thể là 1Cor.
     - Một hành trình của Phaolô đi viếng Corinthô.
Ám chỉ đến trong 2Cor (12:14  13:1- Lần thứ ba). Như vậy, cùng lần giảng đạo đầu tiên và lần hứa sẽ đến trong 2Cor, còn có một lần ở giữa. Không biết rõ lâu hay chóng (nhưng có lẽ chóng), trong cơ hội nào. Nhưng cuộc viếng thăm đó mang nhiều buồn tủi, đến đỗi Phaolô không muốn thấy sự thể như vậy tái diễn (2:1). Nhân dịp đó, thánh Phaolô phải nghiêm nghị quở trách nhiều người có tội (13:2  12:21).
     - Một vụ xung đột. 2:5-11 có nhắc lại.
Những gì ngoài các lời đó thì chỉ còn là phỏng đoán về biến cố. Không thể đồng nhất vụ nói đây với nố loạn luân nói trong 1Cor 5:1-13 (vì trong nố nầy thánh Phaolô ra hình phạt trục xuất khỏi cộng đoàn, còn người xúc phạm đây thì bị cộng đoàn ra vạ, và lỗi phải hiểu là một vụ bất phục tùng (đối với ai, chính mình Phaolô hay người đại diện).

Với những biến cố trên nầy làm chốt, trình tự các việc diễn ra đại khái như thế nầy :
Chừng 1 năm trước thư 1Corinthô được viết (2Cr 8:10  9:2 – nói rằng việc tổ chức quyên giáo đã làm năm ngoái), hiệu quả mong muốn đã đạt được đến đỗi những tệ đoan trước không còn phải đề cập đến một lần nữa. Nhưng chẳng bao lâu (có lẽ trong 1Cor đã có ít triệu chứng mù mờ), những khó khăn mới xãy ra. Timothê (1Cr 16:10) không được tiếp rước như ước mong. Có những thừa sai Do Thái phiệt đã xâm nhập vào Giáo hội và cố làm lung lạc uy thế của thánh Phaolô. Bởi đó,thánh Phaolô đã vội vàng viếng thăm Corinthô, để gắng lập lại quyền của ngài. Có khi vào thời đó, việc xúc phạm nói trên đã diễn ra.

 Việc xúc phạm đó có khi do một Tông đồ thượng đẳng (11:5). Để dàn xếp việc dở dang đó, thánh Phaolô viết bức thư mai một rồi. Bức thư đã đem đến hiệu quả mong muốn, nhưng không hẳn trăm phần trăm. Cùng với thư đó, thánh Phaolô còn phái Titô đi nữa để thu xếp công việc và tổ chức quyên trợ, hẹn với Titô mau mau công việc để về báo tin ở Tro-a, nhưng khi sang đến Makêdonia, thánh Phaolô mới gặp được Titô về. Để thanh toán vấn đề và tái lập quyền Tông đồ trên Giáo hội Corinthô, thư 2Cor được viết ra. Duyên do những điều xãy ra là sự chống đối của một phe nghịch với Phaolô và Phaolô phải đả kích mạnh (2Cr 2:5-9  7:9  11 và nhất là các đoạn 10-13.

Tính cách duy nhất của 2Corinthô.

Có 3 khúc rất được bình luận đến:        
     - 6:14  7:1 Phá rối liên tục tư tưởng (7:2 nối ngay với 6:12t). Từ ngữ có vẻ khác văn của thánh Phaolô. Thái độ nói đây không hoàn toàn đi với 1Cor 5:9tt  10:27tt.
     - Đoạn 9: Nhiều tác giả coi như trùng với đoạn 8 và thực sự cũng lạ vì cả hai đoạn đều bàn đến quyên trợ mà như thể không biết nhau.
     - Vấn đề khó giải thích hơn là các đoạn 10-13. Thay đổi thình lình về giọng nói : Đang hiền lành, yêu thương thì lại gặp những lời ngăm đe, đả kích. Có những điều khá vấp váp trong đoạn nầy và các phần khác trong thư. Thí dụ : 1:24/13:5  7:4 . 14-16  8:7/ 10:2  13:2tt (coi Rigaux, St Paul et ses letters, 154-157).

Thư chia làm 3 phần.

     -  1-7     : Biện hộ cho sứ vụ Tông đồ của Phaolô.
     -  8-9      : Về sự quyên trợ cho Yêrusalem.
     - 10-13 : Biện hộ cho sứ vụ của Phaolô (có tính cách bút chiến).

2Cor có những điểm đạo lý quan trọng về liên lạc giữa 2 Giao ước (1Cor 3-4), về mầu nhiệm Giáng sinh cứu chuộc (3:4  6  5:14t  18t  8:9), về Thánh thần (3:3  8  13:10, về tín hữu sau khi chết (5:6-10)
Nhưng quý hơn cả, 2Cor cho biết công việc truyền giáo của Phaolô, và nhất là con người của Phaolô.

2Cor 1:1-11   NHẬP ĐỀ.

Lời chào không nhấn đến tính cách phổ cập của Tin Mừng như trong 1Cor, nhưng có nới rộng để bao gồm cả các tín hữu Akhaia.
Không có lời tạ ơn : Báo trước nội dung của thư (một bức thư có kèm quở mắng. Ngược lại có lời chúc tụng Thiên Chúa – nhân dịp những tai ương khốn khó thánh Phaolô đã ngang qua.
Tai ương khốn khó đó là gì ?
Có thể là một cơn bệnh trầm trọng hay là cấm cách bắt bớ do bởi người ngoại hay Do Thái. Không thể xác định được. Điều quan trọng là nhân đó mà thánh Phaolô – bởi kết hợp với Chúa Kitô – lại được thêm an ủi và thông được sự an ủi đó cho tín hữu Corinthô.

1:12 – 7:16 Phần I – Biện hộ cho sứ vụ Tông đồ của Phaolô.
Lời biện hộ nầy gồm có 3 phần :
     - 1:12 – 2:13  Đáp lại lời trách là đã nhẹ dạ nông nổi, mưu mẹo xuyên tạc Tin Mừng.
     - 2:14 – 6:10  Vinh dự của sứ vụ Tông đồ.
     - 6:11 – 7:16  Lời kêu gọi tâm hồn tín hữu.

1:12 – 2:13 Thánh Phaolô đã phải thay đổi dự định hành trình.
Người ta trách ngài nhẹ dạ. Những lời thanh minh đầy tâm tình, nhưng khá phức tạp. Phải chính người trong cuộc mới biết các tiếng nói có ám chỉ đến những gì. Các nhà chú giải phải đoán mà hiểu, nhưng không thể dựa trên những dữ kiện của 1Cor, vì hoàn cảnh khác.

Thánh Phaolô nói ngài đã thay đổi hành trình, không phải vì nông nổi. Là Tông đồ của Chúa Kitô, tức là lời đáp của Thiên Chúa ( Chúa Kitô là thực hiện lời hứa của Thiên Chúa, là cái Ừ của Thiên Chúa) cho mọi Lời Hứa, ngài đã không dụ dựa giữa Có có Không không (Kiểu lập lại Có có Không không là kiểu để thề của Do thái). Kỳ thực, ngài đã nể nang tín hữu Corinthô và muốn tránh cho mình một nổi ưu phiền, như đã diễn ra trong cuộc viếng thăm mới trước đây.

Câu 2:4 Nhắc lại cái thư đẫm lệ.

Câu 2:5tt Nhắc lại sự xúc phạm và người xúc phạm đã trừng phạt do cộng đoàn.
Thánh Phaolô xin cộng đoàn hãy khoan dung với người đó.

Điều đáng chú ý:
Câu 17 chắc có ngụ ý đến logion của Chúa : Mt 5:37 / Yc 5:12. Theo hình thức logion, thì hình thức Yc 5:12 cựu trào hơn cả. Còn trong 2Cor 1:17 có điều khó cắt nghĩa về việc lập lại 2 lần Có có Không không : Hiểu là Có thì thật là có, Không thì thật là không, thì không đi với mạch lạc (nghịch với Hofmann, Zahn, Schlatter). Baljon,Schmiedel muốn đổi : Có lại Không, Không lại Có – Đúng với mạch lạc, nhưng chứng chỉ văn kiện không có giá trị. Vậy hãy hiểu Có có Không không như những kiểu nói nhấn mạnh thôi.

Câu 1:20-22 Một điểm đạo lý quan trọng.
Hình như ám chỉ đến các bí tích, nhưng khó mà hiểu rõ rệt. Xức dầu, niêm ấn chỉ các bí tích Thanh tẩy, Thêm sức. Nên để ý đến ám chỉ về Chúa Ba Ngôi.

2:14 – 6:10 Sứ vụ Tông đồ. (Thư 2Cr viết cách bộc phát, không dọn trước như Rm hay Ep)
Một cách đột ngột, thánh Phaolô bỏ trình thuật hành trình để mãi đến 7:5 mới tiếp tục. 7:5 có thể ăn khớp với ngay vào 2:13 – Bởi đó có tác giả muốn coi 2:14 – 7:4 như một thư riêng , chêm vào đây bởi lầm lẫn – Nhưng ức thuyết đó không cần thiết.
Không thể các nghĩa các thư thánh Phaolô theo kiểu cắt rồi dán lại cho có liên tục theo cái hợp lý của chúng ta. Những gián đoạn có thể do nhiều nguyên do, mà tâm tình của thánh Phaolô là một nguyên do phải châm chước. Có thể ngài muốn trút cả tâm hồn đã để rồi lấy lại mạch lạc về hành trình của Titô. (có tác giả cho rằng 2:12-13 không đúng chỗ, nhưng trước tiên ở trước 7:5)

2:14 – 3:6  Sự trung tín của Tông đồ.
Thừa sai của Tin Mừng là hương thơm của Chúa Kitô giữa người ta. Người ta có thể tin cậy vào lời Ngài. Ngài không cần đến thư giới thiệu. Chính tín hữu, Giáo hội của Ngài lập, là bức thư sống tỏ cho thấy Ngài là người phục vụ Giao ước mới, dưới sức huy động của Thần khí Thiên Chúa.
Tiếng hương thơm sự biết là một kiểu nói đã có trong Cựu Ước (Sách Huấn ca Ben Sira 24:15  39:14), trong thế giới Do Thái (Khải huyền Barúc). Hương thơm đó lấy từ hương thơm của tế lễ, và công việc Tông đồ được coi như một lễ tế (Rm 15:16). Nhưng hương thơm đó lại có những hiệu quả nghịch nhau (nên so với 1Cor 1:18  23-24).

Câu 17: Thánh Phaolô không ngại ngùng phân biệt mình với các người khác trong việc thi hành sứ mệnh. Bên họ - hạng con buôn (chính nghĩa làm theo kiểu chủ quán : vị lời, pha chất, giả mạo, xuyên tạc).
Từ đây, thánh Phaolô bắt đầu bác một lời vu cáo từ đối phương : Kiêu ngạo. Nhưng tay vì bác lý suông, thánh Phaolô trình bày quan niệm sứ vụ Tông đồ.

Câu 3:1-3 : Nếu có những giảng viên phải viện đến chứng thư nầy khác để cho người ta biết mình có quyền gì thì thánh Phaolô dám nói mình không cần đến chứng thư của ai cả. Những việc Thiên Chúa đã làm nhân sứ vụ của ngài là chứng thư không thể mạo được. Chứng thư đó cuối cùng là sự liễu thành Giao Ước mới (nhờ Thần khí của Thiên Chúa hằng sống) nơi tín hữu Corinthô.

Câu 4-6: Nhưng sự chắc chắn nơi lương tâm thuần khiết của thánh Phaolô dựa tất cả vào công việc cứu rỗi của Chúa Kitô. Sự cán đáng được trách vụ Tông đồ, người ta không thể có bởi sức mình. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể kêu gọi vào một công việc lớn lao như thế. Chính Thiên Chúa đã gọi Phaolô cùng các kẻ cộng sự đến phục vụ giao ước mới – đối chọi với Giao Ước cũ viết trên một văn kiện – Giao Ước mới dựa cả trên mãnh lực của Thánh Thần và được gọi là Thần Khí.

Nên hiểu ý nghĩa Kinh Thánh đối với thánh Phaolô : Kinh Thánh là sấm ngôn của Thiên Chúa (Rm 3:2  11:4). Kinh Thánh có tính cách những Lời Sấm : Huyền bí, hóc búa, khó hiểu. Muốn hiểu phải cần có một ơn giải thích. Ông Yuse, Daniel được ơn giải mộng triệu,  Thánh Thần cũng ban cho tín hữu được hiểu Kinh Thánh. Trong đoạn nầy, thánh Phaolô bàn đến việc hiểu Kinh Thánh đó. Người Do Thái loay hoay nơi văn tự của Lề luật. Họ không nhận ra Lề luật, nguyên chỉ là Lề luật, thì thành ra như bức màn che ý nghĩa. Lề luật là văn tự, đối chọi với Thần Khí. Phản đề Văn tự / Thần Khí (tinh thần) được chuyển vào mạch lạc đạo lý Lề Luật / Thánh Thần. Lề luật chỉ là chữ viết, rặt là những lệnh truyền, những công thức không sức lực gì cả. Trái lại, Thần khí là mãnh lực, là thông hiểu. Bo bo nơi chữ viết, tức là khước từ Thần Khí, mà Thần Khí lại là mãnh lực đã gầy tạo nên Kinh Thánh.

Chỉ bởi bo bo vào tư cách Lề luật, một luật phạt nghiêm nhặt mà lại không ban sức, thì phải nhận Luật đó thế nào cũng đem cái chết (tử hình) cho con người bị phó mặc cho sự tội không sức gỡ thoát.
2Cor 3: 7-18   4:1-6        CHỨC VỤ TÔNG ĐỒ.

Tất cả sự cao trọng của chức vụ Tông đồ đều dựa trên tư cách phục vụ Giao Ước mới. Nghĩa là sự cao trọng đó do tự Thiên Chúa mà đến thôi, và sự yếu đuối của những dụng cụ là người ta chỉ làm nồi bật sự cao trọng đó. Công việc phục vụ Giao Ước củ đã là vinh hiển lắm, chứng chỉ là sự rạng ngời chiếu ra tự mặt Môsê, sau khi ông được gặp gỡ Thiên Chúa trên núi Sinai. Dẫu vậy, đó vẫn còn là phục vụ chữ viết, án phạt, sự chết, và hướng tất cả đến một điều nhất thời. Như vậy thì phải nói làm sao về vinh quang riêng của việc phục vụ Thần Khí vĩnh tồn ?
Thực sự thì nhiệm vụ của Tông đồ là chiêm ngắm như thể trong gương vinh quang của Chúa, tức là Thần Khí, và được biến hình đổi dạng theo hình ảnh Ngài, được chiếu sáng do từ Chúa Kitô để có thể thông ra, không màn che, như một phản ảnh, sự biết vinh quang được của Thiên Chúa đã lộ diên nơi dung nhan Chúa Kitô.
Để so sánh Giao Ước cũ và Giao Ước mới, thánh Phaolô suy nghĩ về vinh quang của Môsê được, chiếu theo Xh 34:29-35. Ngài giải thích theo kiểu Midrash và vạch ra liên lạc giữa hai nhiệm cục cứu rỗi.

Câu 4:7 Nhiệm cục cũ được gọi vắn tắt là việc phục vụ giới sự chết.
Nhưng cũng phải nhận rằng nhiệm cục đó do bởi Thiên Chúa và cốt là vì mục đích cứu rỗi. Do cái vinh quang nhiệm cục đó có, thánh Phaolô thấy vinh quang đó được biểu tượng nơi sự rạng ngời nơi mặt Môsê.
Thánh Phaolô có thể đối chiếu Doxa nơi mặt Môsê và Doxa của sứ vụ Tông đồ là vì Kabôd (doxa) trong Cựu Ước thường được hiểu về thực tại Thần linh của Thiên Chúa, dưới phương diện nhìn thấy được và nên hiện tại để cứu dân Israel, hay để thông ra cho dân một cách nào. Như thế, Kabôd được liên lạc mật thiết với việc cứu thoát, tế độ của Thiên Chúa. Khía cạnh đó càng rõ hơn trong bản dịch LXX (Ys 12:2 – Sức mạnh của tôi lại dịch bằng Doxa. Ys 44:23 LXX : Doxasthesetai / δοξάσθησεται (Glorificalibur Israel/ Rạng vinh trong Israel). TM – Et glorificabit se in Israel. Ys 63:12-14 TM brachio majestatis suae – Cánh tay uy nghi của Ngài / LXX brachio gloriae suae – Cánh tay vinh quang của Ngài).

Câu 8-11 Một lý luận theo kiểu các rabbi.
Qal wahomer (Qal : Nhẹ Wahomer : Nặng) – cũng như a fortiori – Đối chọi những tư cách của 2 Giao Ước và doxa hơn kém do bởi những tư cách đó.
Đây có cả một vấn đề - Nghĩa tượng trưng của Kinh Thánh :
Trình thuật Xh 34:33-35.
     - Xét về bình luận tôn giáo (Tôn giáo tỉ hiệu).
Có những tác giả coi như dọi lại một trình thuật cựu trào hơn, theo đó thì khi nào Môsê nói  với dân nhân danh Thiên Chúa thì dùng mặt nạ (Có người nói đến Têraphim (thần hộ mệnh gia đình,  một từ khó hiểu), nhưng Têraphim đã được đúc ra để khinh rẻ tượng thần bằng gỗ của gia đình). Thời sau lấy làm chướng nên đã đổi ý nghĩa.
     - Trình thuật Xuất Hành hiện tại P :
Không rõ ý hướng về điều gì trong 2 giả thiết :
                 + Đề phòng cho dân khỏi bị tiêu diệt trong Vinh quang của Thiên Chúa (cho dẫu chỉ bằng một phản ảnh nơi mặt Môsê)
                 + Tránh cho Vinh quang của Thiên Chúa (dù là phản ảnh) khỏi mắt phàm tục coi đến (một sự phạm thánh nào)
Có thể cả hai ý có thể ngụ đến một trật. Trình thuật cốt cho thấy khoản cách giữa Thiên Chúa và người ta. Một trật, cũng đã có nhịp cầu giao thông phát xuất từ ý định Thiên Chúa muốn mặc khải.
     - Thánh Phaolô dùng trình thuật :
Để minh họa ưu điểm của Tin Mừng trên Cựu Ước: 2Cr 3:7-18. Việc sử dụng trình thuật theo lối tượng trưng và theo hai hướng :

                 + Thánh Phaolô tự mình đem vào ý tưởng : Khăn chùm mặt là cốt không cho dân nhìn thấy lúc sự rạng ngời kia tan biến đi (Câu 13 – Theo kiểu chú giải của đại đa số các học giả). Ngài thấy đó có ngụ ý về tính cách nhất thời (sự sẽ bị hủy) của vinh dự Cựu Ước (Của việc phục vụ Cựu Ước).Việc phục vụ đó, dù sao cũng đã được vinh quang lớn lao đến đỗi con cái Israel không thể nhìn vào mặt chói sáng của Môsê (Câu 7). Kết luận : Thế thì việc phục vụ cho điều vĩnh tồn là Tân Ước sẽ được vinh quang lớn biết chừng nào (8-11). Bởi đó mà những người phục vụ Tân Ước có thể đầy lòng tín thị mà ra mặt. Họ không cần phải che dấu gì cả.

                 + Câu 14a đổi hướng thình lình. Thánh Phaolô đề cập đến vấn đề cứng tin, không nói đến trong đoạn Xuất hành trên, nhưng là trong cả trình thuật về thời sa mạc và áp dụng cho những người Do Thái không tin trong thời ngài. Cho đến bây giờ, mỗi khi đọc Cựu Ước – Môsê như thể đấng mặc khải suốt thời gian – cũng cái màn ấy còn đó (tiên trưng và phản ảnh). Việc áp dụng gây thắc mắc vì doxa Israel phải nhìn thấy đây không còn là doxa của Thiên Chúa chiếu dọi nơi mặt Môsê, nhưng là doxa của Chúa Kitô. Nhưng xác tín căn bản Thiên Chúa cứu rỗi chỉ là một cho dù là trong Cựu Ước hay Tân Ước. Lời Cựu Ước hiểu cho nhằm thì phải nói đến doxa của Chúa Kitô. Nhưng ý tưởng : Màn lại ở nơi mặt Môsê, có thể quấy rối mục đích của lối tượng trưng. Vì thế nên câu 15 tỉ dụ được quay qua phía khác nữa : Màn rủ xuống những người Do Thái cứng tin. Chuyển được như thế , vì dù sao, thì màn vẫn choán giữa một bên là doxa của Thiên Chúa và bên kia là Israel, ngăn cản không cho Israel thấy. Điều đó chỉ chấm dứt một khi Israel trở lại (Rm 11:25). Điều nầy, Phaolô cũng đọc thấy trong Xh 34:34a. Tuy nhiên, muốn lợi dụng xuất xứ, thánh Phaolô đã thay đổi :

                 * Hiểu tiếng đi đến (Môsê vào trướng Tao phùng) theo nghĩa trở lại (hối cải)
                 * Hiểu mệnh đề nói về Môsê như ám chỉ đến dân cứng tin.
                 * Mệnh đề quá khứ đem về vị lai. Bởi đó ý nghĩa khi nào Israel trở lại quay về Chúa (Yahvê trong Xuất hành), nhưng Chúa Kitô trong ý thánh Phaolô, thì màn che kia sẽ cất đi. (Ý tưởng : coi Rm 10:2tt  11:25tt  2Cr 4:3).

Câu 12: Vấn đề parrèsia / παρρησία/ bộc trực   của sứ vụ Tông đồ (Lòng đầy dạn dĩ)
Parrèsia : Một quan niệm đặc biệt của trường chính trị tiểu quốc Hy lạp, có đặc điểm của dân chủ, của tinh thần tự do nơi nền dân chủ đó. Ý niệm có 3 khía cạnh :

     - Quyền được nói mọi sự : Một công dân chính thức được quyền lên tiếng nói công khai.
     - Trong khi sử dụng quyền đó, người ta có thể nhấn đến sự có thực của điều nói ra và như vậy Parrèsia có thể ngụ ý đến sự thành thật, sự mở toang ra cho sự thật, sự cởi mở, bỏ ngỏ, trái với khuynh hướng của sự vật bưng kín, hay của người ta muốn che dấu sự vật.
     - Trong việc sử dụng quyền ăn nói, người ta có thể gặp cản trở bởi những người phải nghe lời nói cách ấy, nên Parrèsia còn hàm ẩn sự bạo dạn, can đảm mà thẳng thắn trong lời nói, không sợ uy lực muốn hạn chế sự mở tung sự thật ra.

Quan điểm chính trị đó đã được chuyển thành một đức tính của hiền nhân quân tử theo môn Khắc kỷ (Khuyển nho). Trong các thư thánh Phaolô, parrèsia là một tư cách đặc biệt của sinh hoạt nơi tín hữu và nhất là nơi thừa sai Tin Mừng : Một sự dạn dĩ đối với Thiên Chúa (Eph 3:12) và đối với người ta (Eph 6:20  1Th2:2  2Cr 7:4  1Tm 3:13). Vậy dạn dĩ (2Cr 3:12) vừa đối với Thiên Chúa vừa đối với người ta : Đối với Thiên Chúa đã không màn che mặt, thì đối với người ta cũng thế được.

Sự dạn dĩ đó của đời sống Tông đồ căn cứ trên ân huệ của Tin Mừng : Được phục vụ Doxa bất diệt, doxa gây nên một tín thị không gì lay chuyển nổi (3:4tt). Tiêu cực : Không phải che dấu gì cả. Tích cực :Phản ảnh của Doxa vĩnh tồn đã nắm được trong lòng trông cậy.

Câu 17: Một câu gây tranh luận nhiều.
Thư tịch :
     - RB 59 (1952) 129-131. Recension de B. Schneider : Dominus autem Spiritus est.
     - Allo, 2Cor, 93-96 (ad loc.) Excursus VII 103-111
     - L. Cerfaux , Le Christ dans la théologie de St Paul, 220-223.
                             Le chrétien dans la théologie paulinienne 320-323
     - Lyonnet (Manuscriptum).
     - F. Prat , Théologie de St Paul , II note T (522-529) (Học về Chúa Ba Ngôi)
     - G. Lebreton , Histoire du Dome de la Trinité  I Nota F (611-615)
     - RSR 1951 / 2 (Mélanges Lebreton I) 338-352 J. Daniélou: Christos Kyrios.
        Une citation des Lamentations de Jérémie dans les testimonia.

Các giải thích :
     1. Các Giáo phụ : Phần đông hiểu tiếng Thần Khí (Pneuma) là Chúa Thánh Thần, còn Kyrios chỉ Thiên Chúa (theo bản tính), nhưng cũng có Giáo phụ hiểu về Chúa Kitô.
     2. Thế kỷ 19 : Các học giả duy lý dùng xuất xứ để bác tính cách ngôi vị của Thánh Thần.
     3. Hiện tại : Các nhà chú giải, nhất là Công giáo theo hai hướng :
                 - Pneuma đây không phải là Thánh Thần (F. Prat, G. Lebreton, Allo, Bonsirven, Spicq) nhưng là ở trong mạch lạc văn tự / thần khí ( Allo : Seigneur était l’esprit de la Révélation au d’objet, (p. 109)…mais au sens propre, formel, dans ce verset  17a comme dans toutes la page, c’est “ l’esprit ” opposé à la “lettre”).
                 - Kyrios đây không phải là Chúa Kitô nhưng chỉ Thần tính của Thánh Thần.
                 - Sự đồng nhất trong tác động thiêng liêng.
L. Cerfaux :  A cause de l’article (tò pneũma), nous croyons que St Paul désigen par ce mot L’Esprit Saint. Le contexte traite de la lecture de l’A.T. L’apôtre fait allusion à la doctrine chrétienne primitive : nous ne pénétrons le sens de l’écriture que lorsque Le Christ nous en ouvre l’intelligence et que la gnose nous est communiquée…Paul comprend Le Seigneur comme étant Le Christ, et il note : Le Seigneur, c’est Esprit-Saint. C’est-a-dire que celui qui convertit au Seigneur, par le fait même, entre communication avec L’Esprit-Saint. Le contexte ne suggère pas du tt que St Paul voudrait donner une définition du “Seigneur” et l’identifierait à L’Esprit-Saint. (Le Christ…221s).

Theo các xuất xứ như 1Cor 15:45 và mạch lạc trong 2Cor 3 thì giải thích cuối cùng nầy mới nhằm ý của văn bản.

Câu 18 : Cũng lại là một câu tranh luận.
Thư tịch :
- RB56(1949) 392-411 : J. Dupont, Le chretien, mirroir de la gloire divine d’apres 2Cr3:18.
- Hugede (thệ phản). La metaphore du mirroir dans les epitres de St Paul aux Cor, p.17-36.

Chiêm ngưỡng như trong gương (Hy lạp : Katoptrizómenoi – κατοπτριζόμενοι)
Nhiều tác giả hiểu chiếu lại. Tín hữu mặt không màn che phủ như Mose chiếu lại vinh quang Thiên Chúa (Théodoret. EB. Allo, Bachmann, Lietzmann, A. Plummer, Héring – hiểu theo passif : traités comme un mirroir – réfléter).

Nhưng tiếng Hy lạp của tiếng dùng : Nhìn ngắm như bằng cái gương. Nên để ý đến hướng của 2Cor – so sánh được chuyển từ Môsê và tín hữu sang Israel và tín hữu, để vạch ra ưu điểm của Tân ước. Từ câu 14 trở đi, ý tưởng nhắc cả tới Israel có màn ngăn cản không cho nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa. Còn tín hữu được đi thẳng không gì cản trở để đến cùng Thiên Chúa. Sự so sánh giữa tín hữu và Do Thái nhằm vào chỗ chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa.

Có điều lạ là sao đang khi nói đến ưu điểm của tín hữu, thánh Phaolô lại dùng hình ảnh gợi đến sự khiếm khuyết của việc nhìn ngắm đó. (1Cor 13:12 – Nhìn trong gương là thấy một cách khiếm khuyết). Vấn đề trong đoạn 2Cor 3 nhấn đến cái màn, sự ngăn cản không cho Do Thái nhìn thấy sự vinh quang của Chúa, nhưng tín hữu được không màn che mặt, đó là ưu điểm. Nhưng Phaolô vẫn xác tín rằng – Không ai sống trên trần mà lại được nhìn thấy chính Thiên Chúa – dĩ nhiên chưa phải là diện đối diện trong thời phúc lạc đời sau, nhưng tín hữu đích thực đã được chiêm ngưỡng, trong đó ánh sáng chói lọi của dung nhan Chúa Kitô dọi đến tín hữu và biến đổi tín hữu theo “cùng hình ảnh đó” – Biến đổi vào doxa Chúa Kitô.

Tín hữu được biến đổi vào hình dạng mình chiêm ngắm. Hình ảnh đó chính là Con Thiên Chúa. Mà tín hữu là viator/ người chiêm ngắm nên việc biến đổi bắt đầu kia sẽ cứ tiếp tục mãi, để đạt thấu ngày kia điều nói đến trong 1Yn 3:2 – Khi điều ấy đã tỏ, thì ta sẽ được giống như Người, vì Người thế nào, ta sẽ được thấy như vậy.

Đoạn 4:1-6 -  CÓ THỂ NỐI LIỀN VỚI 3:6
Sau những lời giải thích đối chọi Tin Mừng - Giao Ước củ.
Tông đồ đứng trước trách nhiệm Thiên Chúa bởi nhân từ thương xót trao cho thì phải đứng vững, không nhụt chí trước những đau khổ và thử thách.

Câu 2: Sự thật Tin Mừng.
Bày giải ra thế nào thì cách xử thế của Tông đồ cũng bày ra trước mặt mọi người. Cho nên, những công kích, hoài nghi người ta đã gieo rắc trong Giáo hội Corinthô để hạ giá công việc của ngài đều mất cả hiệu lực. Còn địch thủ với những hành động ám muội của họ không thể nào giữ thế được trước ánh sáng.
Trước những dị nghị về hạnh kiểm của mình, thánh Phaolô nói mình an tâm mà nại vào uy tín của lương tâm ngay thẳng của bất cứ ai. Người không thành kiến, ắt không thể luột được mãnh lực của lời giảng thuần khiết của Tông đồ, hằng hoạt động không sợ sệt trước mặt Thiên Chúa, và hằng đứng trước sự hạch hỏi của Thiên Chúa.

Câu 3-4: Giả như Tin Mừng Phaolô rao giảng có ẩn khuất (mù tối, không hiểu được).
Sự đó không  do chính sự thật Phaolô rao giảng, nhưng là do sự mù quáng của những kẻ thanh trách đó. Đâu thần của đời nầy thao túng được, ở đó người ta đóng lòng của mình lại cho ơn Thiên Chúa và hư đi, và sự thật Tin Mừng không thể lãnh hội được.
Một bí nhiệm là ý định cứu rỗi của Thiên Chúa nơi những kẻ được cứu rỗi lại bị chống cự kịch liệt. Điều đó làm cho lòng tin nhận ra một mãnh lực hắc ám – Mãnh lực Satan thống trị trên đời nầy. Đâu mãnh lực mù quáng của ma quỷ thống trị, thì ánh sáng của Tin Mừng (tức lời rao giảng đem đến ánh sáng cho người ta) sẽ không thể xuyên qua được. Tin Mừng đó nói ra vinh quang của Chúa Kitô, và một trật nói đến cả vinh quang của ta nữa. Điều chúng ta biết được về Thiên Chúa siêu vượt quá tầm sức của ta, chính do bởi mặc khải nơi Chúa Kitô. Trong Chúa Kitô, một hào quang rực rỡ đã chói lên, đã được tỏ bày ra : Chúa Kitô là hình ảnh Thiên Chúa. Chúa Kitô là tất cả nội dung lời rao giảng.

Câu 4 có hai điểm đáng lưu ý :

     - Satan được gọi là thần của đời tạm nầy. Đời tạm nầy đối chiếu với Thời sẽ đến. Đời nầy – tức là thời hiện tại – thời trước ngày của Đức Mêsia (Coi Ga 1:4  Col 1:13  Cv 26:18)
Satan : Yn 12:31  14:30  16:11 – được gọi là đầu mục (arkhôn : Princeps). Ep 2:2  6:12 – cũng nói kiểu đó – nhưng gọi Satan là thần (Theos : Deus) thì chỉ có câu nầy trong Tân Ước. Bởi có sự gì là Nhị nguyên, các Giáo phụ đã muốn hiểu Theos đây là Thiên Chúa đích thật, và đời tạm nầy là trần gian. Hoặc hiểu Thiên Chúa đã làm cho lòng trí những kẻ không tin thuộc đời nầy ra mù quáng. Tuy nhiên, không thể nào nhận những giải thích đó. Đây có một quả quyết mạnh và đáng chú ý về hiện tình của đời tạm nầy trong nhãn giới Thánh sử.

     - Chúa Kitô là hình ảnh Thiên Chúa (Eikôn)
Coi  L. Cerfaux , Le Christ dans la theologie de St Paul   324-328, 386s
        TWNT  II , 378-396 (Eikôn) (Von Rad, Kittel, Kleinknecht)
Mạch lạc tư tưởng trong 2Cor 3:18  4:4 không còn chỉ là đối chọi với Ađam (Tín hữu được giống Thiên Chúa bởi thông chia đặc tính của Người Thiên thai – Người Thiên thai đích thực là hình ảnh Thiên Chúa 1Cr 15:49), nhưng là chính trong đặc tính của Ngài. Chỗ nầy, đạo lý của thánh Phaolô đụng chạm với những suy luận của đạo Do Thái về sự Khôn Ngoan, hình ảnh của Thiên Chúa ( coi Khngoan 7:25tt).

Câu 5: Thánh Phaolô trong cách xử thế với tín hữu.
Không coi tín hữu như kẻ dưới làm tôi mình, phục tùng cái tự quyền của mình (nghịch lại, coi 11:20). Trái lại, Tông đồ muốn phục vụ, nên đầy tớ, nô lệ cho Cộng đoàn. Trong việc phục vụ Chúa và mưu ơn ích cho tín hữu, Tông đồ muốn tận hiến thân mình đến hết sự có thể nơi mình.

Câu 6: Bởi đã được mặc khải về Vinh quang Thiên Chúa nơi dung mạo Chúa Kitô.
Rõ ràng là thánh Phaolô nói đến thị kiến căn bản đời ngài, trên đường Damas (Coi Cerfaux , Le chretien…337-339) – thánh Phaolô và tư cách căn bản của các Tông đồ là thế. Được chiếu rạng bởi vinh quang Chúa sống lại hiện ra, được soi sáng và một trật được biến đổi giống hình ảnh Chúa Kitô, đến đỗi, mình cũng trở nên như hừng đông rạng đến cho kẻ khác. Chức vụ Tông đồ đòi có một sự tiếp xúc gần gủi với Thiên Chúa và Chúa Kitô. Sự tiếp xúc đó sẽ được chuyển đến tín hữu. Contemplata tradunt.

Đoạn 4:7 – 5:10  ĐỜI SỐNG TÔNG ĐỒ.
Thư tịch :
     - L.Cerfaux : L’Antinomie de la vie apostolique (RSR 39 (1951) 221-235
                          : Le Chrétien… 176-186
     - J.Dupont   : Sun Christô  (115ss)
     - RSR 44 (1956) 161-192   360-402
       (A.Feuillet . La demeure céleste et la destinée des chrétiens)

Thánh Phaolô nói lên 2 tâm tình tương phản : Một đàng là sự bất cập của con người làm Tông đồ, nhưng đàng khác lại có ý thức về quyền năng mãnh lực sứ vụ Tông đồ ban cho,vai trò làm đại diện và làm dụng cụ cho Chúa Kitô.

Trước tiên là một bức họa về sứ vụ Tông đồ. Hùng hồn và phấn khởi không kém gì những chương đã viết trong 1Cr 4:9-13…và những khúc sau trong thư nầy (6:3-10). Sinh hoạt Tông đồ có 2 mặt, cũng như đời của Chúa trên trần gian : Một đàng là một cái chết kéo dài, nhờ đó mà sinh hoạt Tông đồ diễn lại và giúp vào việc hoàn thành nơi người ta công việc của sự Thương khó thục tội. Đàng khác là sự thắng nổi mọi khốn khó, thành công thiêng liêng, tỏ bày ra hiệu lực của ơn Cứu chuộc, để ơn thánh và vinh quang Thiên Chúa nên tỏ rõ nơi người ta, cho đến cuộc sống sau hết.

Đoạn 4:7-15 CHẾT VÀ SỐNG TRONG SINH HOẠT TÔNG ĐỒ.

Đầu thư 2Cr 1:3-11, chúng ta thấy thánh Phaolô còn hồi hộp bởi vừa mới thoát một cái nguy chí tử. Điều xãy ra đã làm ngài cảm thấy cái chết trước ngày Quang lâm không phải là một ức thuyết suông mà thôi, mà là một điều rất có thể xãy đến, có khi lại là chắc chắn nữa. Điều đó làm ngài suy nghĩ. Những suy nghĩ đó bây giờ được thành hình trong những chương nầy.
Trước hết, thánh Phaolô biết mình mang một sứ mạng cao cả, vinh hiển hơn sứ mạng của Môsê. Điều nghịch nhiên là kho tàng (sứ mạng bởi mặc khải, hầu như một tạo thành nơi tâm hồn Tông đồ nói trong 4:6) đó lại tàng ẩn trong một sinh hoạt đầy yếu đuối (Bình sành – Hình ảnh về tính cách mong manh, ngụ ngôn của Esope về nồi sành, nồi sắt, nhưng không chỉ là hình ảnh của Hy lạp, Sách thánh cũng năng dùng đến, khởi từ Kn 2:7, và một hình ảnh ý nhị chỗ nầy : đèn của Ghideon). Sau đó, thánh Phaolô kê ra một loạt tương phản, theo kiểu Khắc kỷ (coi Dupont : Sun Christô, 118ss) : Đời sống Tông đồ là đời sống đau đớn, cực khổ, nhưng trong công việc lướt thắng mọi hiểm nguy. Tông đồ cũng như kẻ khác nhận được rằng có mãnh lực siêu phàm Thiên Chúa ban cũng hoạt động nơi mình ngài.

Vậy cũng như Chúa chịu chết trong sự sống trần gian, Tông đồ cũng phải nên giống như Ngài trong sự liều chết thường xuyên. Trong sự chết thân xác, vì Chúa Kitô và sự hợp nhất với Ngài, mãnh lực toàn thắng của Chúa Kitô cũng tỏ hiện ra. Điều đó thấy được trong sự kháng cự không gì lay chuyển được của Tông đồ trong khốn khó. Sự thống khổ đó không vô ích : Sự chết đó là nguồn sống cho Cộng đoàn tín hữu.

Đoạn 4:16-18.

Chiếu theo lòng tin của ngài, thì sự sống lại (của Chúa) đã có hiệu quả, đã hoạt động nơi ngài, nơi thân xác cũng như trong bản ngã sâu thẳm (con người bên trong). Đối với người trí thức Hy lạp, thì giá trị chân chính của người ta dựa trên tính cách linh tính, học vấn tri thức : Trí khôn – một mãnh của Trí khôn đại đồng. Con người bên trong chứ không phải lực sĩ là chân nhân, lướt thắng được những nông nổi và những chật vật bên ngoài. Thánh Phaolô đem kiểu nhìn về con người đó có gì khả dĩ thâu nạp được để diễn tả một chiều của con người tín hữu.

Nhưng đây, trí khôn được chuyển qua một mãnh lực khác : Thần Khí. Con người bên trong theo kiểu Platô, bây giờ trở nên con người trong Chúa Kitô, con người có sự sống là Chúa Kitô (Pl 1:21). Bên ngoài vẫn sống trong xác thịt, nhưng sự thật trong sâu thẳm là sống trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, con người nhờ đó Chúa Kitô tỏ mình ra (Ga 2:20). Thay cho ý thức tự nhiên, nghĩa là trí khôn suy nghĩ về chính mình, thì có một ý thức mới của người tín hữu, một cái bản ngã bỏ ngỏ cho một người khác – Một bản ngã xác định bởi liên lạc với Chúa Kitô. Đối với cái bản ngã đó thì trong khi thử thách, cái đa đoan của mạng người trần gian, đả phá, đày đọa thân xác, con người bên trong kia cứ thêm cường mạnh. Xác già mỗi ngày thêm để đi đến tàn tạ, nhưng con người bên trong kia lại được hồi xuân thêm mãi, hơn nữa, được canh tân đổi mới ngày nầy qua ngày khác.

Thiên Chúa luôn luôn tái tạo con người đó theo hình ảnh Chúa Kitô (Co 3:10). Tín hữu mặc lấy con người mới (co 3:10). Đó là những kiểu nói khác nhau để diễn tả cũng một tác động siêu nhiên : Cắm chặt, cũng cố, dẫn bản ngã của con người tín hữu vào mầu nhiệm sự sống Thiên Chúa. Xét về phía con người, đó là biến cố liên tục bên trong. Xét cho sâu hơn, đó là một sự tái tạo, công việc của Thiên Chúa. Xét về bản tính của ân huệ nơi con người, đó là vinh quang bao trùm và thấm nhuần cả cái bản ngã tự nhiên của người Kitô hữu.

Câu 17: Khi đứng từ bình diện đó mà nhìn lại cuộc đời, thì mọi cay cực hiện ra quá nhẹ : Miễn là nhận ra được hậu quả vô cùng của mọi đau khổ chịu trong hợp nhất với Chúa Kitô.

Câu 18: Nghịch với điều mắt trần thấy. Tín hữu được sự chắc thực lạ lùng.

Đoạn 5:1-10  KẾT HỢP VỚI CHÚA YÊSU SAU KHI CHẾT.
                         (Bài tiền tấu Các linh hồn lấy ở đây)
Một khúc danh tiếng trong 2Cor. Nhiều điều khó giải. Nhưng cốt thiết, thánh Phaolô lướt được sự bồi hồi lo âu không thể hoàn tất công việc của mình, nhờ sự đành lòng nhận cả hai giả thiết : Tiếp tục hoạt động nơi trần gian hay là được hội ngộ bên Chúa.

Câu 1: Dẫu con người bên ngoài tan nát.
Dẫu con người bên ngoài tan nát với trăm nổi chiết ma, nhưng Tông đồ (tín hữu) chỉ nhắm đến điều không trông thấy, những sự hằng có đã dọn sẵn. Vì biết (dĩ nhiên là bởi tin 4:14 rằng cái nhà / lều dưới đất (cái thân xác trần gian mong manh và tạm bợ nầy) có bị đập phá đi, thì có sẵn một lâu đài do tự Thiên Chúa – Lâu đài ở trên trời – không do tay phàm làm ra : Akheiropoiètos. Tiếng Kheiropoètos / χειροποιητος / được làm bằng tay - được dùng để nói đến các đền thờ, LXX dùng để chỉ các tượng thần. Còn Akheiropoiètos / αχειροποίητος - được dùng để chỉ thực tại thiên thai, cánh chung, do Thiên Chúa dựng nên. Trong Tân Ước, tiếng nầy làm nhớ đến Mc 14:58 – một lời mà Yn 2:14 đã hiểu về Mình Chúa Kitô : Đền thờ Cánh chung. Bởi đó, tiếng có thể hướng ý tưởng đến Lâu đài do tự Thiên Chúa, ở trên trời, chính là thân xác Chúa Kitô sống lại.(Coi RSR 44, 361ss).

Còn một tiếng lạ ở chỗ nầy nữa là Dưới đất (epigeios). Tiếng nầy gợi đến 1Cor 15:47-48 phản đề 2 Ađam (Coi RSR 44, 370ss).
Vậy 2Cor 5:1 gợi đến đạo lý Chúa Kitô, Đền thờ Cánh chung. Chúa Kitô Ađam mới, người bởi trời : Chúa Kitô sống lại và vinh hiển, căn cứ, nền tảng và là nguyên nhân cho sự sống lại của tín hữu.

Câu 2: Bắt đầu bằng  gar (enim).
Tức là một kiểu dẫn chứng : Vì trong một thân phận như thế, trong cái lều mong manh, ta rên lên (đau đớn bởi một ước mong không được thỏa nguyện – coi Rm 8:22t – bởi ước ao mong – ước ao một cái gì khiếm diện).
Mặc trùm ngay lấy :
Tiếng khác thường để chỉ áo gì mặc trùm lên cái áo khác. Tiếng nầy gợi đến đạo lý 1Cor 50-56 – về hai cách mặc lấy hình ảnh Ađam bởi trời :
     - Những kẻ đã chết sẽ sống lại. (bất hoại).
     - Những kẻ còn sống vào tận thế sẽ được biến đổi trong chốc lát.

 Và câu 1Cor15:53t – Đồ mục nát mặc lấy sự bất hoại, cái thây chết mặc lấy trường sinh bất tử:  Đồ mục nát, cái thây chết có thể chỉ chính xác đã chết, nhưng dễ hiểu hơn trong mạch lạc là những người còn sống đó, những kẻ không bị lột trần (chỉ phận của hồn lìa khỏi xác) nhưng vẫn mang thân xác mà bỗng lại được mặc trùm lên ngay tính của xác sống lại – Trường sinh bất tử.

Câu 3: Như thế thì câu 3 đã nên dễ hiểu.
Một khi ta đã mặc lấy đặc tính của xác phục sinh, sự trường sinh bất tử, phản ảnh của xác sống lại của Ađam bởi trời, thì mọi sự thuộc mục nát thế gian nơi ta được tan biến đi bởi sự sống ban cho ta. Bấy giờ, tất nhiên ta chẳng còn phải sợ gì nữa số phận bị lột trần (thân phận của xác chết trong mồ và hồn lìa khỏi xác). (Coi Osty)

Câu 4: Cũng song hành với câu 2, cũng dùng lại ngần ấy ý tưởng.

Câu 5: Cắt nghĩa tại sao cái mong mỏi kia không phải là chuyện hão.
Cái mong mỏi đó do Thiên Chúa ban cho ta. Thiên Chúa đã khiến ta có khuynh hướng được thấy cái mong  manh hay chết nơi ta được biến vào trong sự sống. Lúc nào ? Một điều rất tương đối. Và sau đó còn một lý khác nơi lòng tín hữu : Ta đã được bảo chứng của Thần Khí (bảo chứng tức là Thần Khí), tức là nguồn mạch ban sự sống Thiên Chúa.

Câu 6: Một khía cạnh mới với câu 6 nầy.
Làm sao tín hữu chẳng những không sợ chết phần xác mà lại còn ao ước nữa. Ý tưởng cũng được diễn trong hai câu đi song song với nhau : 6 /8 (Cũng như trên kia, 2 song hành với 4).
Vậy :
Nghĩa là kết luận bởi được bảo chứng thần khí, bảo đảm cho sự sống lại vinh hiển, Tông đồ được phấn chấn : Can đảm không nao núng (trong khốn quẫn và nhất là đứng trước sự chết) bởi biết rằng cư trú (có nơi nương ngụ ở chốn quê hương mình) trong thân xác, thì tức là xuất ngoại (Ekdèmeĩn : người lên đàng khi tha phương – hành trình, hay đày ải) đối với Chúa. Sinh sống trong thân xác hay chết là một kiểu sinh sống khiếm khuyết đối với sự sống đã được trong Chúa Kitô.

Câu 7: Cho lý do.
Sống trong Chúa Kitô trong lòng tin mà thôi không sao sánh bì được với sống trong hưởng kiến (như 1Cor 13:12).

Câu 8: Lấy lại ý tưởng trong câu 6.
Bây giờ Tông đồ thà xuất ngoại đối với thân xác để cư trú bên Chúa, còn hơn mọi giả thiết khác. Chỗ nầy thánh Phaolô giả thiết rằng sau khi chết tín hữu được hưởng sự có mặt của Chúa…một cách nào đó ngay trước khi sống lại về thân xác.
(Dupont, L. Cerfaux nhấn vào ảnh hưởng Hy lạp, nhưng phải nhớ rằng, trong thế giới Do Thái cũng có gì tương tự, do bởi ảnh hưởng bên ngoài. A. Feuillet – RSR 44 , 388ss – R. de Langhe : Đạo lý Kinh Thánh)

Câu 9 : Kết luận thiết thực.
Cho dẫu ước ao được ở bên Chúa, thánh Phaolo hoàn toàn vâng theo ý Thiên Chúa, không có tham vọng nào khác là làm đẹp lòng Chúa.
Chúng tôi ở lại, ra đi.
Có thể hiểu về cũng một người theo 2 giả thiết cư trú và xuất ngoại, hay cũng có thể hiểu về 2 hạng người. Nếu thế thì đẹp lòng Chúa đem về lúc tận thế, lúc mà người ta phải lãnh nhận phán quyết của Thiên Chúa trên mình.

Câu 10: Câu nầy cũng vì vậy mà có thể hiểu :
                 - Phán xét tận thế (J. Dupont, Lyonnet)
                 - Phán xét riêng (Allo, Windisch, A.Feuillet)
Thánh Phaolô không nói rõ. Điều chắc chắn là có nói đến thưởng phạt tùy theo công việc làm khi còn sống, và bởi đó có một sự kính sợ Chúa, bảo đảm và duy trì một đời sống xứng đáng.
Nhưng nên để ý : Không nhấn vào điều Làm sao được một phần thưởng lớn lao, mà dồn cả vào lòng trông cậy phó mặc trong tay Chúa. Dẫu có những nỗi sợ hãi, ước mong nầy khác trong lòng, tín hữu đặt tất cả niềm tín thị vào Đấng đã ban Bảo chứng Thần Khí cho mình.

Đoạn 5:11 – 6:10  BIỆN HỘ SỨ VỤ TÔNG ĐỒ.

Đấng ký thác cho Tông đồ sứ vụ giảng hòa và ban cho Tông đồ một địa vị vô song, nhưng cũng đòi hỏi cả một đời tận tụy. Đoạn trước có tính cách lạc đề nào đó, bây giờ thánh Phaolô trở lại vấn đề cốt yếu của phần I : Biện hộ cho sứ vụ Tông đồ của Ngài.

Câu 11: Liên lạc với khúc trước bằng ý tưởng Thiên Chúa phán xét và tiếng Lộ diện.
Có ý thức đầy đủ về sự kính giới phải có đối với Thiên Chúa, Tông đồ hoạt động : Thuyết phục người ta. Nhưng không phải bằng bất cứ phương kế nào (vì có ý thức kính sợ Thiên Chúa là gì). Hoàn toàn lộ diện trước mặt Thiên Chúa. Thánh Phaolô cũng mong rằng trước lương tâm mỗi tín hữu cũng thế (để đừng ai nghĩ ngài có những mục đích ám muội như có kẻ vu khống.

Câu 12 :Nói thế hình như tự tuyên dương công trạng để giới thiệu chính mình.
Nhưng thánh Phaolô muốn (thêm một lý do mới) tín hữu phải biết đối đáp làm sao với những Tông đồ giả hiệu.

Câu 13: Đằng sau lời lẽ đây thấy được một vu cáo chưa thấy nói đến :
Họ cho là Phaolô điên tàng thể nào đó (Tiếng có thể chỉ Xuất thần, ngất trí, nhưng đây phải hơn có nghĩa xấu như Mc 3:21, coi 2Cor 11:11) Thánh Phaolô đáp : Có thể thế, nhưng đó là việc Thiên Chúa. Còn đối với anh em, tôi hằng xử trí tỉnh táo trí khôn.

Câu 14-21:Diễn giải ý tưởng gồm trong câu 13 :
Gương mẫu, lý do đời sống Tông đồ là chính Chúa Kitô.

Lòng mến Chúa Kitô.
Có thể - Lòng chúng tôi yêu mến Chúa Kitô (genitif objectif) (Lietzmann, Windisch, Allo, Hering, Spicq), nhưng chiếu theo mạch lac thì phải hơn hãy hiểu : Lòng yêu mến của Chúa Kitô đối với người ta (subjectif).
Áp bách (Sunekhei – giữ làm một với nhau : chứa đựng, hãm hại, ép lại, câu thúc)
Agapè do đó Chúa Kitô yêu mến và chịu chết, như thấy tỏ hiện trên thập giá gây nên một áp lực không thể nào cưỡng lại được : Chính đó là động lực của sinh hoạt Tông đồ.

Bởi vậy Xác tín – Một phán đoán vì hiểu biết, nhận chân.
Vậy thì mọi người đều đã chết : Có thể hiểu
     - Vậy thì mọi người phải coi như mình đã chết cho tội, và phải sống hành động sao cho phù hợp với điều tế nhận đó.
     - Nhưng phải hiểu sâu hơn đến thực hữu của mầu nhiệm cứu chuộc chiếu theo Ga 2:19t  Rm 6:10t – Một sự chết thay, để đền thay.
Chỗ nầy cho thấy sự liên lạc tự bên trong giữa Tín điều và Luân lý. Tín điều nền tảng : Sự chết thập giá. Mọi người đã chết, kết luận là không ai còn được sống cho mình, nhưng sống cho Đấng đã chết cho mình. Cái chết của Ngài trong Agapè, nên Agapè của Ngài  nên động lực thúc đẩy hiến toàn lực : Câu 15.

Câu 15: Sự chết bí nhiệm kia đòi một đời sống phù hợp, tương xứng.
Đừng sống cho mình nữa :
Sự sống bây giờ là là sự sống thông cho, không còn phải ta là nguồn, là kẻ phải bảo tồn duy trì, nên không còn phải kiếm cách ấp ủ, tăng cường như thể chính mình làm chủ. Bởi đó, không còn tìm ích kỷ, thõa mãn ước muốn riêng tư, nhưng cho Ngài.
Đó là tác động Agape nơi ta :
Chết cho tự ái (vì quý cái bản ngã của mình) và những hậu quả bởi đó (tội lỗi), sống cho kẻ khác đã nên cái mình sâu thẳm đối với tín hữu hơn là tín hữu đối với chính mình.

Câu 16: Điều đó nhất thiết kéo đến một đời sống hoàn toàn mới.
Không còn có gì giống với sinh hoạt trong xác thịt nữa. Chúng ta hết thảy, từ khi thời mới khai mạc, đã chết cho mọi sự thuộc ngoài mặt (câu 12). Bởi đó, trong đối xử với người ta, tín hữu không lấy xác thịt (lý lẽ căn cứ vào tự nhiên người ta mà thôi) làm tiêu chuẩn. Ngay cả liên lạc người ta và chính Chúa Kitô cũng thế. Cực đoan có thể nói (nói cùng ra thì) cả những kẻ đã biết Ngài cách đó, đã có liên lạc hay quen biết nào với Ngài theo kiểu xác thịt, ngoài mặt (như câu 12 trên), thì bây giờ đây, họ cũng như bất cứ ai khác giữa hàng tín hữu (đến cả các Tông đồ cũng thế), không còn biết Chúa Kitô theo cách đó nữa.

* Biết ở đây không phải là cái biết theo trần gian. Biết đây là giới đức tin. Chỉ có Đức Tin mới có autorité trong Hội Thánh. Vì thế nguy hiểm ! ( Các ghi chú thêm bên ngoài tài liệu chính thức)
Thư tịch :
     - Allo, 2Cor , 179-182
       (Excursus XI : Ce qui signifie ne plus connaitre le Christ selon la chair).
     - J.Dupont, Gnosis , 180-186 Note : Avoir connu le Christ selon la chair.
     - Recherches bibliques V 72-92.
        J.Cambier : La connaissance charnelle et spirituelle du Christ dans 2Cor 5:16.
     - L.Cerfaux : Le Christ dans la théologie de St Paul , 137s
Câu 17:
Khi xưa và hiện bây giờ, có những người đặt Chúa Kitô vào một trật tự, một vũ trụ lỗi thời (theo xác thịt) rồi theo phán đoán của Thiên Chúa, theo giai đoạn Thánh sử Thiên Chúa đã dẫn đến. Tức là, đặt Đấng đã chết và sống lại làm điểm tựa của tất cả tạo thành.. Bây giờ, ai ở trong Chúa Kitô (sống bằng sự sống của Đấng đã chết và sống lại) thì không còn dính dự với vũ trụ cũ dưới quyền năng của sự tội và sự chết nữa. Người ấy đã nên tạo thành mới (một tận thế đã đến, và một Fiat lux mới khai mạc rồi). Thánh Phaolô dùng tiếng đáng kinh hoàng đó để nói lên tất cả những gì Thiên Chúa thực hiện nơi một kẻ tin.

Câu 18: Tất cả sự đổi mới, vì là một việc tạo thành nên chỉ có thể do tự Thiên Chúa mà
              đến.  Đấng giảng hòa ta lại với Người.
Tiếng dùng  ngoài khúc nầy còn Rm 5-10t  Co 1:20-22  Ep 2:16. 
Cựu Ước 2M 1:5  7:35 – và đạo Do Thái : Nói người ta phải làm hòa cùng Thiên Chúa. Như thế, Thiên Chúa chiếu theo sự thay đổi của ta mà thay đổi thái độ (thịnh nộ) của Người. Ngược lại, Tân Ước : Thiên Chúa luôn luôn là chủ thể của hành vi giảng hòa, còn người ta là kẻ được giảng hòa. Quan niệm hàm ẩn tình trạng thù nghịch giữa Thiên Chúa và người ta (người ta ghét Thiên Chúa Rm 8:7)
Cái tình trạng đó phải hủy bỏ đi. Lập trường phải tái lập trong thân nghĩa. Đây cho thấy giảng hòa có một hiệu quả trong thực thể, chứ không phải pháp lý : Vì  người được giảng hòa đã nên một tạo thành mới. Đằng khác, người ta không hoàn toàn thụ động, chiếu theo câu 20 sau nầy.

Câu 19: Nhãn giới bao la hơn.
Trong Chúa Kitô, vũ trụ được làm hòa cùng Thiên Chúa. Thiên Chúa không còn kể những tội phạm trước kia, và trong công việc của sứ giả Tin Mừng, Thiên Chúa nới rộng việc thương xót của Người đến cả vũ trụ.

Câu 20: Họ là sứ thần Thiên Chúa sai đi mang lời hiệu triệu của Thiên Chúa.
Để người ta lãnh nhận lấy Thiên Chúa đã dọn sẵn cho họ từ Thập giá của Chúa Kitô.

Câu 21: Câu vẫn tiếp tục, không có một từ ngữ phân chia tư tưởng :
Câu nầy coi được như đứng song song với trước để làm như toát yếu cho lời khuyên răn trong lúc Tông đồ Nài xin anh em hãy làm hòa cùng Thiên Chúa. Thiên Chúa tỏ bày cho ta lòng yêu mến của Người một cách lớn lao hơn cả là khi ta còn là tội lỗi, thì Đấng không hề biết tội, Thiên Chúa đã làm thành sự tội vì ta…

Một câu rất danh tiếng trong thần học về việc cứu chuôc.
Thường có những giải thích nầy :
                 - Sự tội (Hamartia) ở đây chỉ lễ tế đền tội, chiếu theo nghĩa tiếng hattát trong Cựu Ước (thí dụ Tv 40:7 - hăta’âh (peccatum) song song với Ôlâh (Lễ toàn thiêu).
Nhưng tiếng Hamartia trong LXX không hề dùng theo nghĩa đó. Tân Ước cũng vậy. (Nếu trừ chỗ nầy ra).
                 - Sự tội – Tức cùng một nghĩa như trong Rm 8:3 – Trong hình dung xác thịt tội lỗi, liên đới với nhân loại tội lỗi, để chịu mọi hậu quả của tội lỗi, trừ ra chính việc tội.
                 - Sự tội – Như thể người tội lỗi nhất thiên hạ. Giải thích nầy nhận thuyết ơn cứu chuộc là ở nơi việc Chúa Yêsu lãnh nhận lấy hình phạt tương xứng với tội lỗi loài người đáng phải chịu. Trong đó có những quả quyết nầy : Chúa Kitô là người tội lỗi đại đồng – đã bị Thiên Chúa bỏ đến đỗi một cách nào đó đã chịu cả hình phạt  poena damnationis đã nên đối tượng cho sự thịnh nộ của Thiên Chúa.
Nhưng những điều đó không nhận được vì ngay trước đó nói Đấng không hề biết sự tội. Muốn lãnh nhận ý nghĩa phải nhớ đến đây là mầu nhiệm giải thích Thập giá theo lời tiên tri Ys 52:13  53:12 và phải đặt trong câu văn biền ngẫu Sự công chính / Sự tội.

* Giải thích Chúa Yêsu như thể người tội lỗi nhất thiên hạ là giải thích của Thệ phản trước tiên – Thí dụ Luther, Calvin. Sau đó, những nhà diễn thuyết Công giáo cũng lợi dụng suy nghĩ trên như Bossuet, Bourdalorie. Không đúng hẳn ! Cf  Art “Expiration” trong Supplement de Dict. Biblique. (Các ghi chú thêm bên ngoài tài liệu chính thức).

Sự công chính của Thiên Chúa:
Theo cũng một nghĩa như Rm 1:17  3:5  3:21-26  10:3 – Không phải là phẩm tính của người ta, nhưng trước tiên là hoạt động đem ơn cứu thoát đến cho người ta.
Sự tội (Hamartia) :
Trong thánh Phaolô có tính cách bao quát chứ không chỉ là một hành vi phạm tội. Sự tội : Năng lực do đó người ta chống đối với Thiên Chúa, và tách khỏi Thiên Chúa.
Người ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa :
Không đồng nghĩa với người ta thành những người công chính của Thiên Chúa, nhưng là người ta nên chỗ mà sự công chính của Thiên Chúa được tỏ hiện. Tức là những kẻ chịu lấy nơi mình những hậu quả phúc hậu của hoạt động cứu thoát của Thiên Chúa. Nếu thế thì Thiên Chúa đã làm thành sự tội cũng phải hiểu đối chiếu lại là Chúa Yesu phải chịu lấy nơi mình Ngài những hậu quả khốc hại của năng lực hắc ám kia. Ngài là chỗ mà năng lực sự tội thi thố ra tất cả cái áp lực của nó.

Và nguyên lý làm Chúa Kitô có thể nên sự tội là nguyên tắc liên đới hổ tương giữa Chúa Kitô và người ta :
     - Câu 21b – Người ta được nên sự công chính của Thiên Chúa trong Ngài.
     - Câu 21a – Chúa Kitô nên sự tội vì ta (vì phần ích chúng ta, thay cho chúng ta. Như vậy, trong sự liên đới với ta.

Đây chúng ta cũng có một công thức vắn gọn, quá súc tích, cũng như Chúa chính là Thần Khí. Điều ít nhất phải nói là Chúa Kitô thực sự đã mang lấy tội lỗi của cả nhân loại. (Ga 3:13 cũng là một châm ngôn đanh sắt như 2Cor 5:21 nầy).

Đoạn 6:1-2
Trong khi thi hành nhiệm vụ Thiên Chúa giao cho, sứ giả Tin Mừng cộng tác vào sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Sống trong một Thánh sử, người Israel đạo đức muốn cho sinh hoạt đạo đức  của mình đúng theo khuôn mẫu những dung mạo Cựu ước. Rồi những nhân vật mang trách nhiệm cũng nhìn nhận sứ mạng của mình dưới ánh sáng của quá khứ ( David, Aharon, Pinhas, Mose). Chúa Yêsu tả công việc của Ngài bằng những lời tiên tri. Phaolô cũng thấy sứ mạng của mình diễn ra nơi dung mạo người tôi tớ, được Thiên Chúa kêu gọi, và sứ vụ nhắm hẳn về phía Dân ngoại.

Những câu nầy phải hiểu theo dung mạo Người tôi tớ. Lời Kinh Thánh trưng ra là Ys 49:8. Thánh Phaolô đến Corinthô, mang Tin Mừng với mình là ân huệ Thiên Chúa báo trước trong Ysaya, ân huệ chỉ ban có một lần mà thôi. Nếu ân huệ là ơn báo trước trong lời tiên tri, thì kẻ đem đến là Người tôi tớ đã báo trước đó nữa.
Bây giờ, thời thực hiện lời tiên tri, tức là thời Cánh chung, viên thành vạn sự mà thời xưa kia mong chờ một cách luống công.

Câu 3 : Tín hữu Corinthô không thể vin vào một cớ nào tránh né lời kêu gọi khẩn thiết.
Tông đồ đã lo sao nên vô phương trách cứ trong sứ mạng của mình, cho dẫu bao nhiêu trắc trở muốn chặn ngang công việc.

Câu 4-10: Một khúc danh tiếng.
Văn già dặn, thuộc những đoạn nổi nhất.
Nhưng xét về con người của Phaolô, đoạn nầy cho ta thấy lòng tin lớn lao và khí khái lạ lùng của vị Tông đồ Dân ngoại.
Để xứng đáng với chức vụ cao quý, Tông đồ đã không lùi bước trong bất cứ hoàn cảnh thuận nghịch, giữa một thế giới nhiều cừu địch, một lòng kiên nhẫn không gì lay chuyển được.

Câu 4b-5: Những khó khăn nguy hiểm trong sinh hoạt Tông đồ (kê từng bộ ba)

Câu 6-7a:
Những ân huệ bên trong chuẩn bị cho Tông đồ thi hành sứ vụ và ứng đối được với lòng thù ghét của thế gian.

Câu 7b-8a: Trước hết nói đến khí giới công chính.
Khí giới của sự công chính : (Sự công chính ban cho, hay là khí giới để chống đỡ sự công chính) – Bên đăm (bên phải – Khí giới công kích như gươm, giáo) Bên chiêu (tay trái – Khí giới phòng vệ như thuẫn đỡ), ý nói vạn sự cụ bị, không để sơ suất.

Câu 8b-10: Chóp đỉnh của một sinh hoạt quá nghịch lý.
Dáng vẻ và sự thức đối nhau chan chát. Cả kinh nghiệm một đời tông đồ được đúc lại trong một nghịch lý nẩy lửa, cho thấy một vị Tông đồ đầy hiên ngang mà không ngạo mạn, vì cảm thấy ngay nơi công việc của mình, có cả vinh quang và vấp phạm của Thập giá.

Đoạn 6:11 – 7:4  LỜI KÊU GỌI TÍN HỮU CORINTHÔ.
Thánh Phaolô đã bỏ ngỏ cả tâm hồn mình ra, bây giờ cũng xin tín hữu đối với ngài cũng kiểu đó. Họ làm sao mở lòng ra.
Đoạn nầy có khúc 6:14 – 7:1 gây thắc mắc về lên tục ý tưởng. Bởi đó có nhiều ức thuyết : Mạo nhập (do một người nào viết vào sau). Xác thực , nhưng đã lạc chỗ - một khúc của một bức thư đã mai một. Mọi ức thuyết đều đứng trước một điều khó giải : Mọi thủ bản và bản dịch đều đồng ý là khúc nầy luôn luôn đọc ở đây trong thứ 2Cor. Thành thử phải nói rằng văn của Phaolô có sao giữ vậy, vì có những hoàn cảnh (cơ hội bên ngoài hay tâm tình) ta không thể lường được.
Coi : L.Cerfaux  La théologie de l’Eglise suivant St Paul , 115s.
                              Le chrétien dans la théologie paulinienne , 260-265 .

Câu 7:5-16  Trở lại vấn đề hành trình của Titô.
Thánh Phaolô vui mừng đã gặp Titô tại Makêdonia, với những tin khả dĩ làm tan biến được những gay cấn trước kia. Thư nghiêm nghị trước đã gây nên những hậu quả tốt lành. Thánh Phaolô có thể tin vào Giáo đoàn Corinthô.

PHẦN II  2Cor 8-9  VẤN ĐỀ QUYÊN TRỢ.

Vấn đề quyên trợ có một tầm quan trọng lớn trong sứ vụ Phaolô. Các đoạn văn nói đến : Ga 2:10  1Cor 16:1-3  2Cor 8-9  Rm 15:25-27.

Ga 2:10 – Sự thỏa thuận giữa các Tông đồ tại Yêrusalem và Phaolô : Phaolô hoàn toàn tự do trong việc truyền giáo Dân ngoại. Chỉ có một điều họ xin ngài là nhớ đến những người nghèo của Giáo hội Yêrusalem. Theo 1Cor 16:1 – Việc tổ chức quyên trợ đã khởi sự ngay đầu thời gian gọi là hành trình truyền giáo thứ ba. Bắt đầu từ vùng Galat. Có thể vấn đề đó đã được nói đến cho một thư cho Corinthô đã mất (thư I), rồi thư 1Cor 16:1-3 nhắc nhủ lại. Nhưng hình như vào thời viết 2Cor, Giáo hội Corinthô đã bỏ rơi tất cả, tâm lực để vào những cái lủng củng xãy ra.

Bây giờ, thánh Phaolô lại đốc thúc công việc đó.Xét thói thường, trong những trắc trở mới xãy ra, thì thực không phải là dịp. Nhưng thánh Phaolô lại lấy đó làm điều quan trọng. Có lẽ nổi túng quẫn của Yêrusalem đã nên trầm trọng. Nhưng quyên trợ cũng là một chứng chỉ Giáo hội Corinthô hoàn toàn nhìn nhận quyền của Phaolô, và siết chặt liên lạc giữa hai khối tín hữu Do Thái và Dân ngoại. Cũng là một cách xoa dịu mối cừu địch giữa ngài và Do Thái phiệt.

Bình luận văn chương:

Hai đoạn một phần trùng nhau. Nên có tác giả coi như một thư riêng gửi cho tín hữu khắp vùng Akhaia. Trong đoạn 9. Hay, người ta cắt nghĩa, Phaolô lặp lại bởi có đứt quãng trong khi đọc cho thư ký viết.
2Cor 8: Gởi gắm việc quyên trợ và những đặc phái viên lo việc.
Nêu gương tín hữu Makêdonia, sai Titô đôn đốc việc quyên trợ sao cho thành công lớn. Khuyên tín hữu đại độ theo gương Chúa – Không phải để ra túng thiếu, nhưng nhắm đến quân phân (Lý tưởng Hy lạp yêu chuộng trong tình bầu bạn). Cùng với Titô có hai người khác.

2Cor 9 : Tín hữu Corinthô hãy nhanh chóng làm phúc.
Để cho anh em Makêdonia biết là Phaolô có lý mà khoe lòng sốt sắng của họ. Họ hãy cho nhiều, đó là gieo để mà gặt lấy sau nầy. Việc trợ cấp nầy có tính cách một lễ tế. Đằng khác gây thiện cảm và tri ân nơi anh em Yêrusalem.

2Cor 8:9 :Một câu danh tiếng về nêu gương Chúa Kitô.
Ý tưởng thấm nhuần lời tiên tri Ys 53. Đồng hàng với những đoạn như Rm 1:3t  Pl 2:6-11 – đối chọi hai đoạn đời Chúa Yêsu : Sinh thời và sau sống lại. 2Cor 8:9 nói thẳng đến sự tín hữu được nên giàu có, nhưng sự giàu có đó giả thiết sự Phục sinh của Chúa, làm cho Ngài được quyền thông chia những kho tàng ân sủng của Thiên Chúa.

PHẦN THỨ III : 2Cor 10-13 - BIỆN HỘ SỨ VỤ TÔNG ĐỒ.

Coi : Robert – Feuillet , Introd. à la Bible  II  441-443 về những ức thuyết văn chương.

Vấn đề khó giải là giọng điệu nghiêm khắc sau khi các đoạn trước đã cho có cảm tưởng là mọi sự đã ổn thỏa. Nhưng đó là vấn đề tâm lý và lịch sử mà chúng ta không thể rõ biết được nữa.
Trong các đoạn nầy : Những kẻ được nhắm đến trong bút chiến là một số nhỏ, Phaolô đã vạch mặt một cách tàn nhẫn (10:2  7  10  11tt  11:4  5  12t  15…) Họ là ai ? Những người tự ngoài đến (thư giới thiệu 3:1) lấn khu vực người khác, khoe mình với công người khác (10:15t), thợ gian giảo (11:13-15), kiêu căng và tham lam (11:20). Để khỏi bẽ mặt thì vu Phaolô không dùng quyền Tông đồ bởi không chắc về quyền của mình (11:7-12  12:13-17). Họ khoe gốc Hipri…(11:22). Như vậy là Do Thái phiệt, nhưng có tài khẩu thiệt (11:6).

Tông đồ thượng đẳng (11:5  12:11)
Yoan kim khẩu và các Giáo phụ Hy lạp, nhiều học giả : Đó là nhóm 12 (so với Ga 2:2  6  98. Nhưng đại đa số các học giả thì đồng nhất họ là những Do Thái phiệt nói trên. Chương biện hộ có thể chia thế nầy :

     - 2Cor 10                     Đáp lại những đả kích của đối phương.
     - 2Cor 11 + 12:8          Trình bày những thành tích của Phaolô.
     -          11:1-21a           Xin miễn xá nếu tôi phải khoe mình.
     -          11:22-12:10      Tự thuật đời Tông đồ.
     - 2Cor 12:19-13:10      Cảnh cáo nhân việc sắp đi Corinthô lần thứ 3.
                       11-13         Những lời kết thúc.

No comments: