Có
một câu chuyện về việc xây Nhà Thờ, chuyện hấp dẫn bởi nó xảy ra ngay trên đất
nước Việt Nam
chúng ta. Sau năm 1975, quan niệm “đất là sở hữu của toàn dân” nên Nhà Nước
quản lý đất rồi phân phối theo nhu cầu, vậy Nhà Thờ nào muốn xây dựng thì làm
đơn, lên quy hoạch, nhà nước cứu xét cấp dất theo nhu cầu. Các tôn giáo không
là những tổ chức pháp nhân nên không có quyền giao dịch mua bán. Từ quan niệm
này dẫn đến nhiều tình trạng tréo ngoe, thí dụ: Nhà Thờ mua đất của dân chúng,
lập kế hoạch xây dựng Nhà Thờ, rồi làm thủ tục hiến đất cho nhà nước, nhà nước
xem xét rồi mới cấp đất trở lại cho Nhà Thờ thực hiện. Một quy trình vô lý và
gian dối nhưng vẫn vận hành nhiều năm nay như thế ở Việt Nam.
Một vấn đề khác. Một số các cơ sở tôn giáo (Nhà
Thờ hoặc Tu Viện) sau năm 1975 bị nhà nước trưng dụng, có nơi là mượn, có nơi
là chiếm không giấy tờ… Sau này có nhu cầu xin lại, không dễ gì có thể xin lại
một cách thẳng thắn, thường sẽ phải vòng vo nhiều cách, nói theo kiểu một vị
đại biểu Quốc Hội khóa 13 vừa qua là “Hoàng hôn nhiệm kỳ – chuyến tàu vét” (
đại biểu Lê Như Tiến ). Đó là cơ hội cho hai bên đều có lợi, bên Nhà Thờ có đất
để xây dựng, bên "hoàng hôn nhiệm kỳ" có "chuyến tàu vét"
khấm khá bảo đảm tương lai.
Tham
những đã trở thành quốc nạn, xảy ra ở khắp nơi, ở mọi lãnh vực và mọi cấp độ,
chẳng cần đợi đến chuyến tàu vét, ngày nào trong cuộc đời cũng đều là những
ngày lái tàu vét vậy. Chuyện thường ngày, Công An giao thông thổi vào, chìa ra
mấy tờ màu xanh thì đi (video quay và phổ biến đầy trên mạng), giấy phép xây
dựng nhà, đố có ai xin được mà không phải mất tiền bôi trơn, thủ tục hoàn công
nhà (xây xong phải hoàn công mới có giấy sử dụng) không ai mà tự nhiên có được
nếu không chi tiền, trong quá trình xây, nay anh này vào thăm kiểm tra, mai anh
kia vào thăm kiểm tra… Chủ nhà cứ vậy mà chi, khó làm dự toán chính xác lắm,
cha ông ta đã có câu “làm ruộng thì ra làm nhà thì tốn” mà, nhưng ngày xưa tốn
vì vụng tính, ngày nay tốn vì tác động bôi trơn !
Có
một câu chuyện giữa hai vị đáng kính nói với nhau, một vị cứ chậm rãi mà liên
tục thực hiện được việc có phép xây dựng chỗ này chỗ kia, một vị hay lên tiếng
phản ứng, cơ sở không lấy lại được mà còn bị mang tiếng là quấy nhiễu, phá hoại
tình đoàn kết. Vị thành công trong lãnh vực phép tắc khuyên bạn mình nên nhẹ
nhàng, đôi bên đều có lợi, nhờ vậy mà ta mới có thể xây Nhà Thờ phục vụ Dân
Chúa. Vị kia nghiêm khắc trả lời, đất mà lấy lại theo cách đó là đất… bẩn rồi,
không xứng đáng để xây nơi thờ phượng Thiên Chúa, thà không có Nhà Thờ chứ dứt
khoát không xây Nhà Thờ theo cái kiểu mờ ám ấy. Vị này được một số người kính
nể, nhưng nhiều anh em khác lại bực bội lên án cụ là không khôn ngoan và cố
chấp, lắm khi Giáo Dân biết chuyện cũng tham gia vào việc nói xấu cụ.
Vậy đất nào là đất “sạch”, xứng đáng để xây dựng nơi thờ phượng Thiên
Chúa ? Có câu chuyện kể rằng:
Một
nhà kia có hai anh em mồ côi cả cha lẫn mẹ, hai anh em thương nhau lắm, khi
người anh lập gia đình ra ở riêng thì chú em ở một mình. Sau mùa gặt lúa, nằm
đêm thao thức, người anh thương em mình cô đơn, không biết thu hoạch có đủ ăn
không, nghĩ rồi anh ta lặng lẽ ra khỏi giường, vác bao lúa bên mình sang bỏ vào
kho thóc nhà chú em. Chú em cũng nằm thao thức không ngủ, nghĩ anh mình có gia
đình nên cần nhiều lúa hơn, mình độc thân ăn chẳng bao nhiêu, bèn nhổm dậy vác
bao lúa bên mình sang quăng vào kho thóc nhà người anh. Một thời gian sau, hai
anh em lấy làm lạ, sao kho lúa của mình không hề vơi đi.
Rồi
một đêm, hai anh em đang vác lúa sang nhà nhau thì "đụng nhau" ở ngay
hàng rào giữa hai nhà, họ chợt hiểu vì sao kho thóc của họ không hề vơi. Hai
bao lúa trên hai hai anh em buông rơi xuống, họ ôm nhau khóc. Nơi hai bao lúa
rơi xuống ấy chính là "đất sạch", đất đã được tắm gội bằng tình
thương, đất tràn ngập tình chia sẻ, và như thế, đất ấy xứng đáng là nơi dựng
lên ngôi Từ Đường của dòng tộc hai anh em mà thờ phượng tạ ơn Trời Đất và ông
bà tổ tiên của họ.
Chuyện
đất đai quý đến mấy đi nữa cũng chỉ là chuyện thế gian, chẳng ai trong chúng ta
mang được một tấc đất sang bên kia thế giới, nó quý đến đâu cũng không phải là
lý do để chúng ta gây căng thẳng hận thù, càng không đến nỗi phải kéo nhau ra
ngăn chặn bằng cách đọc kinh cầu nguyện tại hiện trường. Nhưng điều quan trọng
là Sự Thật và lẽ Công Bằng, mà điều này thì chính Chúa Giêsu sẵn sàng sống chết
để làm chứng, mảnh đất không là gì cả, nhưng mảnh đất là biểu tượng của Sự Thật
và Công Bằng, đấy là sự suy xét lương tâm của mỗi người trước mặt Chúa. Không
để sự thật và công bằng bị chà đạp.
Lm. VĨNH SANG,
DCCT, 20.11.2015
No comments:
Post a Comment