Saturday 14 November 2015

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR : Khải huyền của thánh Yoan



                                                            KHẢI HUYỀN THÁNH YOAN

Thư tịch : Các tự vị :

DBS I. 306-325 (Allo). Dict. Encyclopédique de la Bible ; Catholicisme – DTC.
R. H. Charles  : The revelation of  St John (I-II) (ICC) (1920).
A. Gelin,                       : Apocalypse (1936) ( La sainte Bible Pirot-Clamer )
Allo                               : L’ Apocalypse ( Ed, abrégée par Lavergne ) 1948
Chasles ( Madeleine ) Voici, je viens  (1946)
H. M. Feret : L’ Apocalypse de saint Jean. Vision Chrétienne de l’ histoire (1946).
J. de Monleon            : Le sens mysthique de l’ Apocalypse (1948).
M. E. Boissmard         : L’ Apocalypse (Bible de Jérusalem)  (1950).
Bonsirven J.                 : L’ Apocalypse (Verbum salutis) (1951).
Cerfaux – Cambrier    : L’ Apocalypse de St Jean lue aux chrétiens (lectio divina 17) 1953.
Lohmeyer  E.               : Die Offenbarung des Johannes (1953)
Lilje H.                          : L’ Apocalypse, le dernier livre de la Bible (1959)
Lohse E.                       : Die Offenbarung des Johannes (Das. N.T.Deutsch) (1960)
A. Feuillet                     : L’ Apocalypse (Studia  Neotestamentica) (1953) 
    -                                : Les diverses methodes d’ interprétation de l’Apocalypse et
                                      les commentaries récents ( Ami du clergé 1961, p. 257-270)
E. Stauffer                   : Le Christ et les Césars (p. 165-214 : Jean et Domitien)

Về loại văn Khải huyền :

D.B. Suppl. I  326-354  (L’Apocalyptique , par  .JB Frey).
Dict. Encyclopedique de la Bible , l” Apocalyptique

Toát yếu các đặc điểm.
 1/. Mạo danh (gán cho những nhân vật cổ thời).
 2/. Bí truyền (giả thiết như sách được giữ kín trong một nhóm người được khai tâm)
 3/. Tượng trưng (số, hình ảnh…để ngụ ý)
 4/. Trình thuật có tính cách cầu kỳ, giả tạo.
 5/. Quá khứ hay tương lai diễn ra một cách máy móc, theo một biểu thức nhất định.
 6/. Vai trò quan trọng của các thiên thần.

Về việc chú giải Khải huyền.

Coi cách riêng về sách các nhập đề :
            Introduction à la Bible II (708-742 par M.E Boissmard           )
            Wilkenhauser,  Einleitung in das N.T. (384-405)
            W. Michaelis,   Einleitung in das N.T. 9303-319)
            A. Feuillet (Ami du Clergé 1961 , 257-270

Kế tiếp nhau trong lịch sử chú giải, đã có những cách nầy:
            1/. Chú giải theo thuyết Ngàn năm
            2/. Thuyết  Tổng Ước (recapitulation / Tóm lại     
            3/. Giải thích theo lịch sử Hội Thánh và Thế giới.
            4/. Giải thích theo đạo lý Chung luận..
            5/. Giải thích theo lịch sử đương thời.
            6/. Phân tích văn kiện.
            7/. Phương pháp tỉ hiệu (hay Tôn giáo tỉ hiệu)

Hiện bây giờ, các tác giả không áp dụng thuyết nào rạch ròi hay độc nhất, nhưng thường áp dụng nhiều kiểu khác nhau. Hướng các tác giả - cách riêng Công giáo – là khai thác các xuất xứ ngấm ngầm hay minh bạch của Cựu Ước để hiểu hướng đi của tác giả và bối cảnh là lịch sử đương thời ấy. Như thế, nói được rằng : Sách Khải huyền đọc lại Cựu Ước và hoài vọng Khải huyền Do Thái dưới ánh sáng của sự kiện Tân ước.

                                                      KHẢI  HUYỀN

Khải huyền 1-3 : Nhập đề - Bảy thư cho Bảy Giáo Hội.

1: 1-3 : Nhập đề
Hầu như một cái đề giải rộng nói lên:
            - Nguồn gốc của mặc khải (Apokalypsis) ba đợt : Thiên Chúa-Chúa Kitô- Yoan.
            - Nội dung gồm ba yếu tố, tương chiếu với ba đợt của Mặc khải trên Lời Thiên Chúa – Chứng của Chúa Kitô – Các điều Yoan thấy.
            - Lời chúc phúc cho những kẻ chịu lấy và nắm giữ các lời dạy.

Vấn đề quan trọng nên để ý ngay là Làm chứng, Chứng tá, Chứng chỉ.

Chứng tá: Một tiếng thuộc tư pháp.
Chứng là lời tuyên bố của một người được gọi ra trước tòa kiện, và phải (bắt buộc) cam đoan về điều mình đã có kinh nghiệm, đã thấy.

Trong Cựu Ước – Chứng tá đã mặc một ý nghĩa đạo lý : Israel cách riêng được gọi là chứng tá, phải tuyên xưng  trước thiên hạ về những việc Thiên Chúa đã làm (Cách riêng trong Ys II 43:1-12  44:8). Chứng chỉ nầy Israel phải diễn bày ra là : Tuyên xưng về Thiên Chúa đã chọn Israel và là Thiên Chúa độc nhất.

Trong Tân Ước – Công vụ và những thư tịch Yoan nhấn đặc biệt đến Chứng : Cv 1:8 1:22t  2:32  3:15  5:31t  10:40t  13:31. Để ý cách riêng Cv 22:20 – quan niệm làm chứng được đặt trong liên lạc với khổ thống và chết - Stêphanô được gọi là chứng nhân, vì đã đoan chắc về sự thật của Tin Mừng. Và bởi đã làm chứng như thế, thì đã bị bắt bớ và bị ném đá.
Liên lạc giữa làm chứng và thống khổ càng nên rõ ràng hơn trong Khải huyền. Tiếng còn có âm hưởng tư pháp và cốt thiết là công khai tuyên ngôn về sự thật (Kh 1:9  6:9  12:17  19:10  20:4). Nhưng, chính bởi tuyên ngôn đó mà bị cấm cách bắt bớ (12:17). Yoan – Vì lời Thiên Chúa và chứng của Chúa Yêsu – bị bắt đem đến Patmos (1:9). Vì chứng chỉ của họ, sứ giả của Chúa Yêsu bị giết (6:9  20:4). Những  tiên tri chứng tá của Chúa Yêsu cũng đồng một số phận như các tiên tri Cựu Ước (19:10  22:8). Cách riêng, Khải huyền nói đến những nố cụ thể: 2:13 (Antipas) 11:3 (hai tiên tri) 117:6  18:20  24 (Babylon say máu các chứng tá của Chúa Yêsu). Tuy nhiên, không phải hễ chết vì Đức Tin là chứng tá ngay – nhưng là tiếng vẫn dành cho các sứ giả Tin Mừng tuyên xưng chứng về Chúa Yêsu và lấy cái chết niêm ứng lời tuyên xưng. Bởi đó, họ dõi theo Chúa Yêsu : Chứng tá trung thành (1:5  3:14) – Ngài đã làm chứng cho sự thật (Yn 18:37) và đã phải chết thập giá. Nơi chứng của Chúa Yêsu có nguyên nhân tại sao các chứng tá của Ngài phải chịu đau khổ và chết như Chúa của họ. Trong Khải huyền : Làm chứng và bắt bớ chứng nhân phải chịu liên kết chặt chẽ với nhau.

1:4-8 Đề thư.
Đây có lời chào theo kiểu các thư (Coi các thư của thánh Phaolô). Có các yếu tố chung: Tên người gửi, danh tính người được thư, lời chúc lành và lời cảm tạ. Đối chiếu lại 22:21 là lời từ biệt cuối thư.
Lời chúc lành cũng được đặt theo nguồn gốc: Các thư thánh Phaolô thường là do Thiên Chúa và Chúa Kitô. Đây – chúng ta  hầu như có công thức về Ba Ngôi, nhưng vẫn không hẳn Ba Ngôi vì Bảy Thần Khí là gì, là điều còn bị tranh luận.

Câu 4: Đấng đang có, đã có và sẽ đến (coi 1:19)
Lời lấy lại Xh 3:14 và giải rộng ra. Đáng để ý : Trong bản Hi lạp, tiếng không có déclinaison / biến cách – Cốt để chỉ Thiên Chúa bất di bất dịch trong sự siêu việt của Người. Người luôn luôn là một trong suốt cả lịch sử bao quát cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng điều lạ là thực tại của Thiên Chúa đó không phải là trơ trơ, bất động như là Đến. Do đó, chủ đề của cả sách  đã được ám chỉ đến : Sách bàn đến sự Thiên Chúa đến trong thời cùng tận.
Bảy Thần khí :
Đây có nhãn giới tôn giáo tỉ hiệu để cho ta biết lai lịch – Đó là kiểu chiêm tinh đời xưa : Mặt trời, mặt trăng và năm hành tinh được thờ như những thần linh, chi phối thời gian. Tại Israel, tinh tú không còn là thần, nhưng là tạo vật của Thiên Chúa. Trong thế giới Do Thái, người ta nói đến Bảy Tổng lãnh Thiên Thần hằng túc trực trước mặt Thiên Chúa và vâng theo lệnh Người (Tob 12:15). Vậy Bảy Thần Khí đây cũng thuộc loạt tư tưởng thiên về tinh tú vả Tổng lãnh Thiên Thần (3:1  4:5  5:6). Tác giả Khải huyền chắc không còn ngờ đến gốc chiêm tinh của kiểu nói, nhưng đã noi theo truyền thống sẵn có mà nói đến Bảy Thần khí để ám chỉ đến sự viên mãn đầy đủ về Thần Khí Thiên Chúa đã được ban xuống cho Hội Thánh (Bảy Thần khí - Bảy Giáo hội).

Câu 5 : Chúa Yêsu với Ba phẩm tính.
Ám chỉ đến Đấng đã chết – Sống lại – và được Tôn dương

Câu 6 : Hội Thánh của Chúa Kitô được kế thừa những đặc tính của Israel (Xh 19:6)

Câu 7-8: Được kéo liền với lời chào trên một cách đột ngột.
Mục đích dẫn vào nội dung sách. Một câu tả đem về Chúa Kitô – Đấng sẽ đến phán xét – Do Thái cũng như dân ngoại.
Và một câu Thiên Chúa xưng Danh của Người.
ALPHA-OMEGA : Cũng như Đệ nhất và Cùng tận (Ys 41:4  44:6  48:12)
Thiên Chúa là Đấng không hề biến đổi qua hết mọi thời, nhưng đây dùng chữ vần ABC làm tượng trưng. Cựu Ước không biết nhưng thế giới Hi lạp năng dùng. Sau đó, kiểu tượng trưng đó cũng nhập vào thế giới Do Thái. Vần ABC chỉ vạn vật. Người ta đã chỉ 24 giờ trong ngày bằng 24 chữ cái Hi lạp, hay chỉ 24 chùm sao hai bên 12 cung hoàng đạo (Zodiaque).
Do Thái dùng 2 chữ đầu và cuối (Aleph và Tau) để chỉ toàn thể vạn vật, toàn bộ. (Adam đã vi phạm lề luật từ Alef đến Tau, Abraham ngược lại đã giữ luật từ Alef đến Tau).

1:9-20 Thiên triệu của Yoan

Trình thuật có tính cách một chương thiên triệu tiên tri (Coi Ys 6 Yr 1 Eze 1-3). Bởi đó, ý định muốn nói lên tư cách tiên tri của tác giả Khải huyền. Kiểu trình bày dựa theo Ezechiel nhiều hơn.

Thư tịch về Patmos :
            Dict. Biblique IV (Patmos)
            Dict. Biblique supp. VIII 73-81 (Patmos, par G. Camps  osb)
            Dict. Arch. Et de liturgie chrétienne (Patmos) (Vol. XIII)
            NTS 9 (1962/3) 75-85 J.N. Sanders : St John on Patmos
            Etudes 299 (1958) 194-208 Jean Décarraux, Silencieuse P.
            Bible et  Terre Sainte, No 59 (Oct. Nov. 1963) : Apocalypse p. 8-21
            ( Irina Gorainoff : Patmos )

Chi tiết chú giải:
            Câu 10: NTS 12 (1965/6) 70-75 Wilfrid Stott : A note on the word KYRIAKE in
                         Rev . 1: 10.
            Câu 19: NTS 9 (1962/3) 86-94 W.C.Van Unnick: A formula describing  prophecy

Đảo Patmos – Một đảo trong biển Egée thuộc nhóm Sporades (Xưa), bây giờ là Dodécanèse. Chiều dài hơn hết 12,500km rộng 8,500km. Yoan đến Patmos – Chắc không phải bị khổ sai ad metalla  (Vì không có mỏ), có thể bị bày với nhiều người khác để tăng dân trong đảo, hay có thể phát lưu khỏi vùng hoạt động vì chính quyền Roma sợ gây rối. Tiếng nói Kh 1:9 – Có thể hiểu, vì việc rao giảng Lời Chúa, nhưng truyền thống có lý mà nhận là vì cấm cách.

Câu nầy đặt trạng huống cho lời tiên tri Tân Ước : Yoan viết cho Bảy Giáo hội Tiểu Á (hướng đến toàn thể Hội Thánh), xưng mình là anh em, kẻ đồng phận, đặt vị trí mình : Đảo Patmos – nói lên lý do căn bản tại sao lại ở đó : Lời Thiên Chúa và Chứng…
Như người anh em và như tù nhân, Yoan nhấn đến đồng phận, giây liên lạc giữa mình và kẻ đọc lời tiên tri. Sự đồng phận đó được nói là trong Đức Yesu, và cốt ở ba yếu tố : Trong gian truân, Nước (hay Vương quyền), kiên nhẫn.

Ba điều nầy là đặc điểm cho thời Cánh Chung gian khổ, và như vậy mang tính cách Cánh chung. Nhưng những điều đó cũng hoàn toàn thuộc lịch sử, thuộc thời gian hiện tại về kinh nghiệm. Tại Patmos hay nơi Bảy Giáo hội trong các thành Tiểu Á, thực tại Cánh chung và thực tại lịch sử đã hòa lẫn vào nhau trong việc Tiên tri và tín hữu đồng phận với nhau trong Đức Yesu.

Điều nầy hướng dẫn ta hiểu Khải huyền và cũng hướng ta trong việc nhìn đến Hội Thánh trong thời gian. Yoan , cùng một trật, nhìn bao quát cả hữu hình và vô hình, lịch sử và Cánh chung, sự chóng qua và điều tồn tại. Cả hai không thể phân tách, như chính việc tiên tri ở tại Patmos và ở trong Đức Yêsu. Điều đó có thật cho tiên tri, mà cũng là thật cho Hội Thánh, và Hội Thánh mọi thời ( Bảy Hội Thánh = Toàn thể Hội Thánh)

Câu 10: Ngày Chúa nhật (Kuriakê hêmera) :

Có tác giả hiểu như Yôm Yahweh trong Cựu Ước – tức là ngày cùng tận – hay hiểu về lễ Vượt qua. Nhưng phải hiểu về Ngày của Chúa. Chúa tức là Chúa Yêsu – Ngày thứ nhất trong tuần dâng kính mừng quyền Làm Chúa của Chúa Kitô trong sự sống lại, tôn dương Ngài. Đó cũng là ngày cử hành bữa tối của Chúa(deipnon kuriakon) Ngày Chúa Kitô đã chấm lấy, đã niêm dấu bằng sự Ngài hiện ra và là ngày tín hữu ngóng tới cuộc tái lâm, lúc thiên hạ vạn vật lụy phục quyền Ngài, và Ngài sẽ là Chúa trên các Chúa một cách đầy đủ.
Thị kiến được cử hành như một phụng vụ (Tế tự Do Thái, cũng như những Triều yết của hoàng đế)
Loa :
Ban nhạc khi triều yết, tiếng loa của lễ bái Do Thái.
Bảy trụ đăng :
Đèn Bảy nhánh tại Đền thờ Yêrusalem ; những trụ đăng thắp trước tượng hoàng đế.(Tiên khởi là 7 ngôi sao – và sau: Tiền của Roma cũng có 7 ngôi sao như dấu chỉ quyền tối thượng của Hoàng đế
Con Người
Ám chỉ đến Daniel 7:13
Áo chùng (Podêrês: Áo dài đến chân)
Chỉ địa vị Thượng tế (Xh 28:4  27 Kng 18:24)
Đai vàng :
Chỉ địa vị Hoàng vương (1Macabê 10:8-9)
Tóc trắng như len như tuyết :
Đn 7:9 – Nói về Đấng Lão niên ngự trên tòa Thiên thai. Đặc tính của Thiên Chúa được chuyển cho Chúa Yêsu : Ngài là Con Người trong quyền năng phán xét và đồng hàng với Thiên Chúa.
Mắt như lửa chói lòa:
Mắt Đấng phán xét thấu suốt mọi sự và không gì ẩn khuất được trước mắt Ngài.
Chân : Đn 10:6  Ez 1:4  8:2
Tiếng : Đn 10:6  Ez 43:2

Câu 16: Cầm Bảy ngôi sao
Tay hữu :
Quyền năng, uy lực.
Bảy ngôi sao :
Theo chiêm tinh xưa, chỉ Bắc Đẩu – tượng trưng cho quyền tối thượng (Thần Mithra có Bắc đẩu bên hữu – Tiền hoàng đế) Đây muốn nói : Không phải những kẻ cầm quyền trên trần gian mà chính là Con Người mới chính là Chúa trên tất cả vạn vật.

Thanh kiếm hai lưỡi.
Hình ảnh không thể tưởng tượng, nhưng ngụ ý đến Lời phán xét của Thẩm phán Cánh chung.
Câu 17 : Cử chỉ.
Coi Kn 32:31  Xh 33:20 Thp 6:22 13:22 Ys 6:5
Như chết điếng : Coi Đn 10: 9-11

Câu 18: Nói theo lời tuyên tín của Hội Thánh.
Đấng đã chết và sống lại, và ám chỉ cả đến việc Chúa Kitô xuống hạ ngục và tiêu diệt sự chết.

Câu 19: Coi Van Unnik.
Kiểu nói nầy đáng lẽ là những điều đã có, đang có và sẽ có. Đó là một công thức thông dụng trong văn chương Hi lạp, La tinh và nhiều nơi khác để nói đến thời gian vô hạn, nhưng kèm thêm một sắc thái vượt thời gian, tức là cái bí nhiệm của sinh mạng, và lịch sử trong tính cách tổng quát của nó. Đặc ân của tiên tri do sự linh hứng của thần linh là được nhìn vào trong bí nhiệm đó, để họ có thể nói ra không phải là một phần mà là tất cả.

Kh1-19 đã đổi từ ngữ để nhấn mạnh vào tính cách thị kiến của lời tiên tri viết trong sách.

Câu 20: Cắt nghĩa Bảy ngôi sao và Bảy trụ đăng.
Vấn đề tranh luận về cắt nghĩa : Bảy thiên thần của Bảy Giáo hội – Nhiều cách giải thích. Vấn đề có liên quan đến quan niệm thiên thần trong Bảy thư sau.

Kh 2-3 : Bảy thư cho Bảy Giáo hội.

Thư tịch :
            A. Feuillet : L’Apocalypse p.31-32  34-36  40-42
            RB 67 (1960) 349-353 M. Hubert : L’Architecture des letters aux sept Eglises.
            Bible et Terre Sainte No 43 (Janvier 1962) :
            L’Apocalypse. Les letters de Jean aux sept Eglises.

Vấn đề soạn tác:
Trước kia, thường người ta coi như thư thực sự đã viết để gửi riêng cho từng Giáo hội kê đó, rồi sau được kết làm một với sách Khải huyền. Bình luận hiện tại đã  bắt phải kết luận là các thư đó không hề có riêng biệt ngoài sách Khải huyền. Nhưng, các thư đó cũng không phải là hư tạo vì thực sự có ám chỉ đến hoàn cảnh cụ thể của các Giáo hội. Các thư đó có tính cách Lời sấm ( Có thể so với những chiếu chỉ của Domitiano (Stauffer, Le Christ et les Cesar p.202) : Không phải chính Yoan viết thư, mà là Chúa Kitô thanh tra các Giáo hội và Thần Khí của Ngài khuyên răn họ.
Các thư đó gợi lại lời rao giảng của các tiên tri (Amos 7- Lời sấm đầu sách) về thể văn, còn về mục đích thì khác : Các Lời sấm báo những hình phạt của Thiên Chúa – Các thư Khải huyền có tính cách khuyên lơn và hứa lời an ủi.

Các thư đó có tính cách tiên tri không ?
Xưa các Giáo phụ và các tác giả Trung cổ đã muốn hiểu như thế về Bảy thời đại của Hội Thánh. (Nay cũng có ít nhiều tác giả : L. Poirier – Coi Feuillet, op. c. 35, Ami du Clergé 1961, 261s…J. du Pleissis Athon Bileham – Coi Ami du Clergé loc. C.)
Tất cả những kiểu giải thích đó không có gì chắc chắn cả.
Điều quan hệ ở đây là Quan niệm về Hội Thánh. Bảy thư của Chúa Kitô cho bảy Giáo hội Tiểu Á có nhiều ý nghĩa vì các cộng đoàn đó vừa là những địa điểm lịch sử, vừa là Hội Thánh. Các Cộng đoàn được thánh Phaolô viết thư cũng đã có ý nghĩa tương tự. Nhưng tình trạng Bảy Giáo hội trong Khải huyền không phải là mới thành lập. Các Giáo hội đó đã có một dĩ vãng đến vài chục năm rồi. Cho nên, thần học về Hội Thánh trong Khải huyền quan hệ hơn cho các Giáo hội và giáo đoàn địa phương hơn.

Hội Thánh không có tính cách một tổng số. Mỗi cộng đoàn đại diện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Kitô. Một giáo đoàn địa phương với lịch sử riêng của mình không phải chỉ là một thành phần của Hội Thánh, mà là Hội Thánh. Điều đó đã thấy ngay trong thị kiến tiên khởi (Kh 1:9-20). Bảy trụ đăng chỉ toàn thể Hội Thánh. Trong Cựu Ước – Đèn bảy nhánh chỉ Dân Chúa. Nhưng trong Tân Ước, mỗi Hội Thánh riêng biệt, mỗi giáo đoàn cụ thể có thiên triệu làm Hội Thánh, Dân đích thực của Thiên Chúa. Đằng khác, mỗi Giáo hội địa phương không chu toàn nhiệm vụ Hội Thánh của mình, bị loại đi khỏi địa vị. Đèn của họ bị truất khỏi chỗ được. Khi Giáo hội đó bị loại đi rồi – tuy rằng tiêu biểu cho cả Hội Thánh – Giáo Hội đó cũng chẳng làm mất mát gì, chẳng làm ra bạc nhược thiếu thốn gì cho Hội Thánh Chúa Kitô. Đó là điều nghịch nhiên. Điều đó dựa trên Ý nghĩa Chúa Kitô có đối với Hội Thánh. Đâu có Chúa Kitô giữa nhóm người nào, thì đó có Hội Thánh. Yoan thấy Con Người ngự giữa Bảy trụ đăng.

Bảy thư còn cho thấy phải có một quan niệm thực tế về Hội Thánh. Bảy Giáo hội rất khác biệt nhau. Coi những lời phê phán về các Giáo hội : Được khen có, bị chê cũng có, mà vừa được khen vừa bị chê cũng có. Đằng sau hình ảnh đó, nếu ta giữ luôn ý nghĩa số 7 – Toàn thể, Sung mãn – thì Hội Thánh chân chính là Hội Thánh hối cải (Metanoia). Hết hối cải thì hết làm Hội Thánh. Có hối cải là khi cộng đoàn trở lại lòng yêu mến buổi đầu, hồi tưởng lại là đã chịu lấy và đã nghe thế nào…Phải luôn luôn trở lại như lúc ban đầu. Đó là dấu chỉ có sự sống. Sự trở lại đó cũng là lời kêu gọi căn bản của các tiên tri cho Israel. Toàn dân phải làm. Bây giờ toàn thể Hội Thánh phải làm, chứ không phải theo chủ nghĩa cá nhân, chỉ có từng tín hữu trở lại thôi. (Kh 2:5  16  21)

Tính cách lưỡng diện của Hội Thánh : Lịch sử và Cánh chung, Cộng đoàn trần gian và một trật cũng là Thánh hội thiên thai. Đây phải đề cập đến vấn đề Thiên thần của Giáo hội (Đầu các thư và 1:20). Có lắm giải thích (Coi Feuillet, L’Apoc. 41) : Thiên thần bản mệnh của Giáo đoàn (Cũng như các dân tộc trong Đn 10:13  12:1) – Vị Giám mục coi sóc Giáo đoàn, hay cái vía thiên thai của Giáo đoàn. Không có giải thích nào là nhất thiết hiển nhiên. Thiên thần với Giáo hội không thể dùng lẫn lộn cho nhau. Chúa Kitô nói với Thiên thần là nói với Giáo hội. Thư viết cho Thiên thần, những lời khen, trách, khuyên nhủ, đều nói với Giáo hội. Hội Thánh như vậy tuy ở dưới đất, nhưng chiếu theo tư cách Cánh chung, Hội Thánh đã là cộng đoàn Thiên thần, tham dự phụng vụ của các Thiên thần trên trời (Kh 8:1-5). Như vậy, mỗi Cộng đoàn chân chính của hững kẻ tin đều có hai mặt, hai phương diện trần ai và thiên thai, lịch sử và siêu lịch sử, nhân loại và thần linh, thời gian và Cánh chung đó.
Bố cục các thư : Cũng một kiểu.

            - Nhập đề long trọng – Trình diện Đấng phán bảo Hội Thánh ( Lấy lại một tư cách đã tả trong thị kiến Kh 1:9-20, có liên lạc với nội dung của thư)
            - Phần chính có tính cách lời sấm hay chiếu chỉ : Khen, quở trách, khuyên nhủ.
            - Kết thúc : Lời chúc lành, lời hứa phần thưởng cho kẻ thắng trận (đem về đời sau, nhưng có thể đã thực hiện).


                             








No comments: