Monday, 5 October 2015

Lm Vĩnh Sang DCCT NGỌT NGÀO LÀNG BƯỞI TÂN TRIỀU




Tôi đến Tân Triều, Biên Hòa, vào một ngày nắng rực rỡ, bán đảo xanh mướt bởi những vườn bưởi nổi tiếng của phương Nam, con đường duy nhất xuyên đảo làm sống dậy trong lòng tôi tiếng vó ngựa năm xưa của cha ông đi be bờ mở nước, dòng nước trong xanh uốn lượn cuốn hút bước chân của chinh nhân. Có một cộng đồng người Việt, xưa lắm rồi, đến và lập nghiệp nơi đây, cộng đồng ấy mang theo cả niềm tin và sự sống, họ hình thành và phát triển cộng đồng niềm tin. Đã có những giọt máu của những anh hùng kiên cường làm chứng cho Đức Tin, Thánh Phaolô Trần Văn Hạnh. Giáo Hội Công Giáo xây dựng Tòa Giám Mục Đàng Trong và Chủng Viện được thiết lập từ thế kỷ 18.
Ngôi Nhà Thờ nằm giữa cù lao phố như chứng tích và đánh dấu sự hiện diện của cộng đồng tôn giáo. Nhìn chung về kiến trúc, quy hoạch, quần thể các công trình Nhà Thờ Tân Triều cho chúng ta cái cảm giác của sự nhếch nhác, rối loạn và hỗn độn. Cái tháp chuông cao là dấu ấn của biểu tượng cho chúng ta nhận định chính xác nhất, thật sự là hỗn độn, nhếch nhác và rối loạn ! Cầu thang uốn quanh tháp không cần thiết và không biết để làm gì, hai cái chuông treo lơ lửng chen lấn trong cái không gian rối loạn không đáng có. Hẳn đó là hình ảnh của một giai đoạn trong lịch sử của cộng đồng Tân Triều. Một địa danh cổ xưa nhất của phương Nam ngang qua những thử thách.
Tôi đi tham dự Lễ Tạ Ơn kỷ niệm 27 năm Linh Mục của cha Chính xứ, một người bạn thân thiết của tôi, và cũng là ngày giỗ thứ 6 của ông cố thân sinh cha ngài, ông cố lại là thấy cũ của tôi nữa. Lễ Tạ Ơn được bắt đầu bằng buổi sinh hoạt “Truyền Giáo”, ở buổi sinh hoạt này, tôi bị lôi vào một cảm giác thật bất ngờ, đơn giản chỉ là một bài trình bày của cha Chính Xứ, nhưng lột tả được hết trọng tâm và ý nghĩa của ngày lễ này.
Hai năm nay, cuối năm 2013, 2014 và 2105, bắt đầu từ tháng 11 năm 2013, khi về nhận Tân Triều, cha Chính Xứ xác định con đường của Tân Triều là con đường Tái Phúc Âm hóa và là con đường Truyền Giáo. Những anh chị em của cộng đoàn hợp ý chung sức cùng với cha Chính Xứ dấn thân vào lãnh vực này, mọi nhân tài vật lực được tổng động viên để đầu tư vào chương trình này. Từ việc cầu nguyện chung ở Nhà Thờ, kinh gia đình, tài liệu giáo lý, đào tạo, tổ chức sự kiện, thăm viếng, từ thiện… tất cả cho công cuộc Truyền Giáo và Tái Phúc Âm hóa. Anh em Tân Triều vận động sự góp sức từ bên ngoài, các nhà hảo tâm, các tình nguyện viên nhiệt thành Phúc Âm đến từ các vùng miền khác, cùng với anh em tại chỗ hợp thành một tổng lực không ngừng lan tỏa và cuốn hút người khác.
Từ con số tham dự Lễ mỗi ngày chỉ có 15 người, nay đã lên 100, có ngày thứ năm lên trên 100 người. Từ con số Giáo Dân trên 1.000 người ( báo cáo cuối năm 2013 ) nay đã là 1.736 người. Điều đặc biệt là hiện nay Giáo Xứ có 56 gia đình Dự Tòng, trong đó có 84 người lớn và 43 trẻ em. Cần nhấn mạnh rằng đây là những Dự Tòng tin theo Chúa không phải vì để lập gia đình với người có đạo. Ngoài việc tiếp nhận Dự Tòng, Giáo Xứ trở mình mạnh mẽ bằng việc trở lại của nhiều gia đình nguội lạnh khô khan, nhiều gia đình lâu nay xa vắng Nhà Thờ vì muôn ngàn lý do. ( trích báo cáo Truyền Giáo ở Tân Triều, 1.10.2015 ).
Cha Chính Xứ Tân Triều hé lộ con đường Truyền Giáo mà ngài chọn đó là con đường đến với người nghèo, người bị bỏ rơi hơn cả. Ở nơi những người này, họ có một nỗi khát khao tìm kiếm Thiên Chúa một cách lạ kỳ, họ rất bén nhạy với ân sủng và họ sẵn sàng đón nhận Tin Mừng một cách dễ dàng. Ở đây chúng ta thấy vang vọng sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô, vang vọng nỗi thao thức vùng ngoại biên của Giáo Hội, ít là hôm nay và ở đây, tiếng kêu gọi của Đức Thánh Cha đã được đáp trả một cách cụ thể.
Chỉ với hai năm nỗ lực, gần 700 tín hữu được Thanh Tẩy, dĩ nhiên con số chỉ nói lên một phần, vì con số hạt giống này đã được ấp ủ bao nhiêu năm trong lòng đất, và cũng còn nhiều hạt giống khác đã được gieo mà chưa nẩy mầm. Chúa chờ đợi người tưới tắm cho những bông hạt nảy chồi xanh tươi.
Nhớ lại chuyện năm 1990, Linh Mục Chân Tín DCCT bị quản thúc tại Nhà Thờ Cần Thạnh, huyện đảo Cần Giờ, duyên may đến trong việc CA chỉ định cư trú này là hai gia đình tại xã An Thới Đông, xã trắng, hoàn toàn không có ai theo đạo. Một Dự Tòng đầu tiên được cha Chân Tín rửa tội vào năm 1994. Vậy mà 10 năm sau, năm 2004, An Thới Đông đã có gần 500 tín hữu, năm 2005 đã chính thức công nhận là một cộng đoàn Giáo Hữu và được giấy phép xây Nhà Thờ. Đơn giản như vậy, Chúa chỉ cần những con người có lòng với công cuộc Truyền Giáo của Giáo Hội, rồi mọi sự Chúa sẽ lảm hết.
image004Đã có thông tin từ những vị có trách nhiệm trong Giáo Hội về một cuộc viếng thăm Việt Nam của Đức Thánh Cha, nghe đâu sẽ vào năm 2017. Nếu thật vậy thì việc chuẩn bị đón tiếp phải khởi động ngay từ bây giờ, biết bao nhiêu vấn đề được đặt ra. Trong các vấn đề phải quan tâm, có ai quan tâm đến "món quà" chúng ta cần phải có để dâng tặng ngài ? Chúng ta sẽ tặng Đức Thánh Cha cái gì ? Những công trình đồ sộ ? Những cuộc đón rước long trọng cờ xí rợp trời ? Những buổi tiếp tân tràn trề… sữa và mật ?!?
Có ai nghĩ rằng "món quà" ý nghĩa nhất sẽ phải là 10% Giáo Dân Công Giáo thay vì chỉ có 6,95% như hiện nay ? ( 6 triệu tín hữu ). Để là 10%, chúng ta cần phải tiếp đón thêm được 3 triệu tín hữu nữa. Chúng ta có gần 5.000 Linh Mục triều và dòng, và có được trên dưới 15.000 Tu Sĩ ( Theo https://vi.wikipedia.org/wiki/ ), chưa kể lực lượng Giáo Lý Viên ( 54.000 người ). Chẳng lẽ với 20.000 Tu Sĩ và Linh Mục ân cần tận tụy, trong hai năm, chúng ta lại không loan báo cho được con số 3 triệu người hay sao ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 2.10.2015

No comments: