Friday 9 October 2015

Lm Nguyễn Thế Thuấn DCCT Về Kinh Lạy Cha



                                                                                CHƯƠNG SÁU

                                                                           KINH LẠY CHA

Kinh Lạy Cha có hai hình thức : Một hình thức trong thánh Mattheu 6: 9-13 như chúng ta thường đọc, và một hình thức trong thánh Luca 11: 2-4.

Hình thức Kinh Lạy Cha trong thánh Luca rất đơn giản. Một điều chúng ta thấy rõ rệt là không có lời xin về ý Thiên Chúa, cũng không có lời xin cứu chúng tôi khỏi mọi sự dữ. Do đó, thường chúng ta nói Kinh Lạy Cha trong thánh Luca chỉ có 5 lời xin, còn trong thánh Mattheu có 7 lời xin. Nhưng nói thế vẫn chưa đủ.

Xét về bình luận, ngoài 2 hình thức mà chúng ta có trong Tân Ước, Kinh Lạy Cha còn một hình thức thứ ba trong sách Didachè, sách giáo huấn của các Tông đồ. Nhưng thật sự, sách Didachè là một sách chỉ định những nghi thức nầy khác trong cộng đoàn vào cuối thế kỷ thứ I, trong đó có một hình thức Kinh Lạy Cha cũng sát như thánh Mattheu. Vào cuối thế kỷ thứ I, trong những Giáo hội mà sách Didachè cho chúng ta thấy, Kinh Lạy Cha là một kinh nguyện thông thường đòi tín hữu một ngày đọc 3 lần.

Xét về mặt Nhất lãm, chúng ta phải hỏi : Bản Kinh Lạy Cha nào tiên khởi hơn ? Gần Chúa Yêsu hơn ? Cứ xét trong văn mạch hiện tại, tức chỗ tác giả đặt Kinh Lạy Cha, chúng ta thấy Mattheu và Luca đều kéo vào mạch lạc cầu nguyện. Luca đoạn 11 là một chương dạy về cầu nguyện. Cả hai bên, Mattheu và Luca đều ở trong mạch lạc cầu nguyện. Không có bên nào cho chúng ta một biến cố nào rõ rệt để biết Chúa đã dạy Kinh Lạy Cha trong cơ hội nào. Không có một biến cố rõ định nào. Thường chúng ta ngạc nhiên hỏi rằng : Tại sao một điều căn bản đã thành như luật điều và quy cũ trong Hội Thánh để cầu nguyện mà lại có 2 hình thức như vậy ? Thực sự cả 2 bản đều dọi lại trược giác của Chúa Yêsu. Cả hai đều chính đáng, xét về mặt tinh thần, nghĩa là không phản với tinh thần của Chúa Kitô. Nhưng còn về công thức thì thế nào ? Vậy muốn hiểu chi tiết, thì phải đi từ cơ cấu, từ sự tổ chức chung của kinh nguyện. Thực sự, Luca cho chúng ta thấy cơ cấu ấy rõ rệt hơn. Đằng khác, nó cũng không y hệt như những hình thức mà người Do Thái thường có. Hình thức của Luca ít có tính cách phụng vụ hơn là Mattheu. Vì thế, thường các tác giả chú trọng vào hình thức tiên khởi như của Luca hơn.

Vậy, trong Luca, chúng ta chỉ có một tiếng rất đơn giản là Lạy Cha mà thôi. Dó là một tiếng gọi : Cha ! Pater ! Rồi đi đến một lời cầu chúc : Ước gì Danh Cha hiển thánh ! Và một lời xin độc nhất về Thiên Chúa : Nước Cha trị đến. Kế đến là ba lời xin nối với nhau:

                     Xin cho chúng tôi mỗi ngày có bánh ngày nầy,
                     Xin tha tội chúng tôi, vì chúng tôi cũng tha cho mọi khách nợ,
                     Và đừng để chúng tôi sa cơn thử thách.

Đó là ba mối bận tâm lớn của những người còn sống trong một thế giới biến chuyển và thực trạng trần gian còn xa cách lý tưởng của mình.

Đó là ba mối bận tâm lớn mà các môn đệ đều phải có.
Trong Mattheu, chúng ta thấy chắc Mattheu đã thêm một ít điều vào, nên đã đổi cơ cấu của hình thức tiên khởi đi, và có một lời xin theo sự long trọng của Phụng vụ : Lạy Cha chúng tôi, Đấng ngự trên trời.

Đó là một lời long trọng, được chia làm 2 phần : Một phần về những ước nguyện của Thiên Chúa :              Danh Cha hiển thánh,
                                 Nước Cha trị đến,
                                 Ý Cha thành sự.
Một phần về 3 hay 4 lời xin. Thực sự là 3 lời xin, nhưng lời xin cuối cùng được nới rộng ra để cho khỏi thấy cái vẻ dựng đứng hay đột ngột quá. Và như vậy, biến thành một lời xin thứ tư : Và chớ để chúng tôi sa cơn thử thách, nhưng xin cứu lấy chúng tôi thoát khỏi quỷ dữ. (Mt 6:13).

HÌNH THỨC KINH LẠY CHA TRONG LUCA

                     Lạy Cha,
                     ước gì Danh Cha hiển thánh.

Tiếng Cha nối với câu Danh Cha hiển thánh, thành một lời nhập đề. Tiếp theo là một lời xin về Thiên Chúa : Nước Cha trị đến. Còn về người ta thì có 3 lời xin :
                     1. Bánh           Xin cho chúng tôi mỗi ngày có bánh ngày nầy.
                     2. Tội              Xin tha tội chúng tôi.
                     3. Cám dỗ      Xin chớ để chúng tôi sa cơn thử thách.

Đó là 3 mối bận tâm của con người trên đời.

HÌNH THỨC KINH LẠY CHA TRONG MATTHEU.

Đổi hẳn cơ cấu. Đã thêm vào nhiều điều khác. Trước tiên là lời mở đầu, nói đến Danh hiệu của Thiên Chúa:
                    
                     Lạy Cha chúng tôi, Đấng ngự trên trời.

Sau đó là ba lời ước nguyện :
                     1. Danh          Ước gì Danh Cha hiển thánh.
                     2. Nước          Nước Cha trị đến.
                     3. Ý                 Ý Cha thành sự.
Phần thứ hai là ba hay bốn lời xin về : Bánh, Tội, Cám dỗ và (thêm) Quỷ dữ.
Nếu tiếng quỷ đi với sự cám dỗ, thì quỷ hay cám dỗ như nhau, do đó chỉ là một lời xin. Còn nếu tiếng quỷ dữ có nghĩa là sự dữ, thì đó là một lời xin thứ tư. Về bình luận, người ta còn phân vân về điểm trên, vì theo nguyên ngữ Hy Lạp, tiếng quỷ dữ có thể hiểu cả hai là con quỷ và sự dữ.

Về sự tổ chức Kinh Lạy Cha, chúng ta thấy bản của Mattheu có tính cách phụng vụ long trọng, điều hòa hơn, giống kiểu của người Do Thái hơn. Thực sự, phải nói rằng Mattheu đã dọi lại Kinh Lạy Cha như đúng trong cộng đoàn Palestine.

                                                             HOÀN CẢNH NÀO
                                             CHÚA YESU ĐÃ DẠY KINH LẠY CHA.

Chúng ta thấy Mattheu không cho biết hoàn cảnh bào cả. Còn Lc 11:1 có thể dọi lại cho chúng ta một hoàn cảnh, khi chúng ta xét chung vể thái độ cầu nguyện trong Dân Do Thái : Lần kia, Ngài cầu nguyện ở một nơi nọ… Luca nói quá trống. Một lần kia là một lần bất định nào đó. Và nơi nọ, là một nơi bất định. Luca không thể xác định được thời gian và không gian. Đó chẳng qua chỉ là soạn tác của tác giả, khi chẳng biết phải đặt Kinh Lạy Cha vào chỗ nào về thời buổi và nơi chốn. Vậy Lc 11:1 là một câu khuôn khổ, nói về một khung cảnh trống. Tuy nói có vẻ rõ rệt, nhưng chẳng rõ rệt gì cả. Một lần kia, một nơi nọ là lúc nào chẳng được trong đời Chúa Yêsu. Nhưng vì trong Hội Thánh, từ thời đầu đã có câu Lc 11:1 ngay sau việc Martha và Maria đón Chúa :

                     Ngài đã vào một làng kia ; một phụ nữ tên là Martha đã đón Ngài vào nhà.
                     Bà có người em gái, gọi là Maria.                                    (Lc 10:38-39)

Sự việc nầy đã xãy ra trước. Maria nầy là Maria tại Bêthania, trên sườn núi Cây Dầu ở gần Yêrusalem. Bởi Luca đã đặt như thế, nên ở gần núi Cây Dầu, từ xưa đến nay có một Vương Cung Thánh Đường về Kinh Lạy Cha (Basilique du Pater), do một dòng nữ coi sóc. Trên tường Vương cung Thánh đường ấy được khắc bằng gạch men Kinh Lạy Cha củ mọi thứ ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt Nam của chúng ta.

Vì Luca đẫ đặt Kinh Lạy Cha ngay sau việc Martha và Maria đón Chúa vào nhà, nên người ta đã dựa vào đó để xác định thời gian và nơi chốn của Kinh Lạy Cha. Tuy nhiên, chúng ta không thể rút kết luận về nơi chốn và thời buổi như vậy được, vì nếu đúng như thế thì về nơi chốn chúng ta đã quá rõ : Đó là ở gần Bêthania, và thời buổi là lần cuối cùng Chúa Yêsu lên Yêrusalem. Nhưng không có gì bảo đảm được điều đó.

Khi bình luận văn chương, chúng ta thấy được rõ rệt điều nầy là Luca có một mớ tài liệu riêng, chung chung trùng hợp với Marco. Luca đã dựa theo khuôn khổ của Marco mà viết từ đoạn 3 cho đến đoạn thứ 9 câu 50. Đó là những tài liệu Luca trùng với Marco, trong đó, Luca đã Báo thương khó lần thứ 2 (Lc 9:44), tức là trên đường Chúa Yêsu đi Yêrusalem. Và theo Marco, chỉ một thời gian ngắn nữa, Chúa Yêsu sẽ vào thành Yêrusalem (Mc 11:1) một cách trọng thể vào ngày Lễ lá.

Thời xưa người ta không bình luận, nên người ta cho rằng đoạn Lc 9:51 trở đi cũng tiếp tục cuộc hành trình như vậy. Vì thế, từ Lc 9:51 đến Lc 18:14, Luca gặp lại trình thuật của Marco vào cuối hành trình.

Vậy, từ đoạn Lc 9:51 đến Lc 18 là tài liệu riêng của Luca. Đó là phần tổ chức Tin Mừng riêng của Luca, trong đó có nhiều đề tài đụng chạm riêng với Mattheu, như trường hợp Kinh Lạy Cha. Nhưng vì không thể chêm vào một chỗ nào trong mạch lạc Marco, Luca đã đổ dồn vào một chỗ. Vì thế, chúng ta thấy đi đi lại lại ở vùng Perée, trên con đường đi Yêrusalem. Điều đó chứng tỏ Luca đẫ có một mớ tài liệu riêng biệt, ở ngoài văn bản và hình thức như có trong Marco. Vì thế, ngài đã đặt riêng một chỗ theo hình thức như chúng ta thấy. Vì đó, chúng ta không thể nào xác định được nơi chốn và thời gian.

Tuy nhiên, chúng ta có chi tiết cụ thể nầy là (Lc 11:1) 
                     Ngài xong rồi, thì môn đồ thưa với Ngài:
                     Lạy Ngài ! Xin dạy chúng tôi cầu nguyện,
                     như Yoan đã dạy cho các môn đồ của ông.

Chi tiết cụ thể nầy cho thấy Kinh Lạy Cha được hình thành do lời xin của một môn đồ và nêu lý do Như Yoan đã dạy các môn đồ của ông. Đằng khác, lại đặt điều đó sau khi Chúa Yêsu cầu nguyện. Tuy cũng cũng chỉ là một chi tiết không thuộc thời gian nào, nhưng ít ra chúng ta thấy được hoàn cảnh trong đó người ta đặt Kinh Lạy Cha.

Môn đồ cùng nhau xin Chúa Yêsu dạy họ cầu nguyện. Đó là tính cách cộng đoàn của việc xin chỉ dẫn cầu nguyện. Vậy việc xin cầu nguyện ấy trước tiên không nhắm đến lợi ích cá nhân, theo như kiểu trình bày của Luca. Các môn đồ đã vịn cớ là Yoan TG đã làm thế, nên chúng ta có thể khai thác lịch sử của chi tiết nầy về 2 khía cạnh : Gốc tích của Kinh Lạy Cha và gốc tích của các môn đệ. Họ là những người có liên lạc nhiều với Yoan TG, nên đã biết những chuyện xãy ra trong nhóm của Yoan TG. Có thể họ là những môn đồ tiên khởi của Yoan TG và sau nầy đã theo Chúa Yêsu. Công việc của Yoan TG, ngoài việc thanh tẩy, ông còn huấn luyện đàng tu đức và cầu nguyện cho những kẻ theo ông. Yoan rửa tội cho toàn dân rồi, ông còn kết nạp một số môn đồ đặc biệt. Kiểu kết nạp môn đồ nầy là kiểu thường tình trong các nhóm đạo đức tại Palestine. Biệt phái được tổ chức theo kiểu dòng tu ở đời gồm khoản 30 người, có bề trên bề dưới, có nhà tập có thử luyện đàng hoàng. Nhóm Essenien thì tổ chức như một tu viện. Yoan có lẽ cũng có những nhóm môn đồ mật thiết và kiểu Chúa Yêsu làm bề ngoài cũng giống như kiểu Yoan và các nhóm đạo đức khác làm. Có lời giảng cho đại chúng, rồi có lời giảng riêng cho những kẻ đi theo Ngài. Vì thế, hình thức của Chúa Yêsu làm thì cũng y hệt như các nhóm đạo đức khác ở trong dân.

Vì thế, trong thời đầu của Hội Thánh, chính thánh Phaolô nói đó là một bè Do Thái như người ta nói. Ngài tả cộng đoàn tiên khởi như một bè đạo đức:

Nhưng tôi thú thật với ngài điều nầy là : Noi theo Đạo, mà họ gọi là một bề phái, tôi phụng thờ Thiên Chúa của tổ tiên, tin mọi điều đã viết trong Lề luật và nơi các tiên tri.                                                                                 
                                                                                                                     (Cv 24:14)

Vậy muốn hiểu lời của các môn đồ xin Chúa Yêsu chỉ dẫn cầu nguyện, nên nhớ các nhóm khác trong đạo Do Thái cũng có những thói tục và quy định riêng về cầu nguyện như vậy. Đối với họ, chí hướng chung của nhóm được nhắc nhở lại mỗi khi người tar a trước mặt Thiên Chúa và cầu nguyện theo một kiểu. Lời cầu nguyện theo một kiểu ấy trở nên nền tảng của nhóm họ. Như vậy, việc môn đồ vô danh xin Chúa Yêsu chỉ giáo cho chúng ta thấy rằng nhóm môn đồ của Chúa Yêsu có ý thức về tư cách riêng của họ. Điều đó có lợi mà cũng có hại.  Có lợi là họ đã ý thức, đã có những đặc điểm riêng biệt của nhóm họ, nhưng lại trái nghich với tinh thần của Chúa Yêsu là chia rẻ và bè phái. Khi nêu hình thức của nhóm mình ra, tức là có một thứ ích kỷ công cộng nào đó, để mình khác kẻ khác (singulariser), chỉ biết chiêm ngắm nhóm của mình và chỉ có cái liên đới của nhóm mà thôi. Vì thế Chúa Yêsu đã kháng cự lại tinh thần bè phái ấy, như Yoan một lần kia đã nói với Chúa Yêsu :
                     Thưa Thầy, có một người cứ lấy Danh Thầy mà trừ quỷ,
                     Nhưng chúng con đã cấm nó.
Chúa Yêsu nói :    
                     Không ! Đừng cấm cản nó…
Vậy, Yoan cũng thế. Ông có tinh thần bè phái như vậy, Vì Danh Thầy phải thuộc về nhóm của mình cơ. Họ nói :
                     Nó dám lấy Danh Thầy để trừ quỷ, mà lại không theo chúng con.
Chúa Yêsu đã trừng trị (Mc 9:38-40) : Không ! Không được như thế.

Trong đoạn Tin Mừng nầy cũng vậy, Chúa Yêsu vừa nhận lời các môn đồ để dạy Kinh Lạy Cha, vừa dạy Kinh Lạy Cha để một tinh thần hoàn toàn bao quát mọi người và mọi ước nguyện của Thiên Chúa và của người ta làm của mình. Chứ không phải lấy việc của nhóm làm đầu.

Chúa Yêsu đã nhận lời, đồng thời Ngài cũng mở toan tính cách bế quan tỏa cảng của các môn đồ, chỉ cốt thiết bên chữa sự lập dị của nhóm mình, để họ mang lấy lại những nổi ưu tư căn bản của Thiên Chúa và của người ta, chứ không phải xin của nhóm mình. Chúng ta cũng nên để ý là các môn đồ đã xin, sau khi họ thấy Chúa Yêsu đã cầu nguyện xong rồi, vì thế mà lời cầu nguyện mà Ngài dạy là Ngài trút lời cầu nguyện của chính lòng Ngài cho chúng ta. Thế thì chúng ta phải nói rằng, Kinh Lạy Cha phải lấy những ý đã làm Chúa Yêsu sống trước mặt Cha Ngài, hơn là cái công thức. Vậy, khi giải thích, phải nghĩ đến những ý chủ chốt và trực giác của Chúa Yêsu trong khi Ngài đứng trước mặt Cha Ngài, hơn là coi những công thức đó như một lời phù chú linh nghiệm.

Vì thế, trong Hội Thánh sơ khởi, có thể đã thêm vào những lời xin nầy khác mà không phản lại tinh thần Chúa Kitô, tuy rằng từ đầu đã thành công thức về những tiếng không thể nói khác được. Vì lời cầu xin quá đơn giản, nên không thể thêm được một cái gì một cách đặc biệt nữa.

Đây là một kinh nghiệm của môn đồ Chúa Yêsu : Họ thấy Chúa Yêsu cầu nguyện và thấy Ngài cầu nguyện sốt sắng đến thế, nên họ cũng thấy ham muốn cầu nguyện như Ngài. Chúa Yêsu không áp đặt trước một hình thức cầu nguyện nào, nhưng Ngài chờ cho người ta thèm muốn bởi Ngài đã cầu nguyện.

Nhiều khi trong lúc dạy đạo cho người ngoại, chúng ta chỉ giáng lên đầu họ một câu kinh nào đó. Thành thử cuối cùng ra, họ chỉ đổi hình thức, nghĩa là trước kia họ đọc Nam mô a di đà Phật thì bây giờ họ đọc Kính mừng Maria. Tâm hồn của họ, hay đức tin của họ có thay đổi gì không ? Vậy chúng ta phải cầu nguyện thế nào đó, để người ta thấy và tự nhiên thèm muốn cầu nguyện như vậy. Chúng ta nhận thấy rằng anh Charles de Foucauld không có ra luật cầu nguyện nào cả, nhưng thực sự dòng của anh đã trở thành một dòng nguyện ngắm, tuy là dòng hoạt động. Vì anh Charles de Foucauld và những người đi sau anh đều là những người ham muốn sự cầu nguyện của anh.

Chúa Yêsu đã dạy Kinh Lạy Cha cho các môn đồ, và chính Ngài cầu nguyện làm cho các môn đồ của Ngài thèm muốn cầu nguyện. Và khi họ đã them muốn cầu nguyện như thế, họ mới xin Ngài khai tâm cho họ về việc cầu nguyện.

No comments: