Wednesday, 7 October 2015

Lm Lê Quang Uy DCCT : MẸ MARIA VÀ NHỮNG NGƯỜI MẸ KHỔ ĐAU



MẸ MARIA VÀ NHỮNG NGƯỜI MẸ KHỔ ĐAU
“MỘT LƯỠI GƯƠM ĐÂM THÂU TÂM HỒN...”
Đoạn Tin Mừng Lc 2, 34 – 35 được chọn công bố trong Thánh Lễ kính Thánh Nữ Monica rất ngắn, chỉ vỏn vẹn hai câu thôi, nhưng lại phác họa cả một chuỗi thời gian rất dài của cuộc đời Mẹ Maria. Đoạn Tin Mừng dừng lại ở câu: “...Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà”. Tin Mừng mà lại nói đến “lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn”, đau đớn quá, xót xa quá ! Vậy mà đây vẫn là “Tin Mừng” cho muôn người ở mọi thời, cho chính chúng ta, đặc biệt cho tất cả những ai là mẹ. Có mâu thuẫn không nhỉ ? Thưa, chắc là không đâu ! Thiên Chúa đã đặt vào nơi môi miệng cụ già đạo đức Simêôn một lời tiên tri về cuộc đời Maria, một người mẹ, một người vợ với cả một chuỗi những khổ đau ngang trái không thể tưởng tượng được. Thế nhưng, hậu vận của Mẹ lại là hạnh phúc vĩnh cửu trong Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Mẹ.
Làm người, sống ở trên đời ai cũng phải trải qua đau khổ, thế nhưng công bằng mà nói, phận đàn bà bao giờ cũng chịu đau khổ hơn người đàn ông nhiều lắm. Bởi cái đau khổ mà người phụ nữ phải gánh chịu thường là những nỗi đau khổ lặng lẽ, âm thầm, nuốt ngược nước mắt vào trong, nhẫn nại chịu đựng đến cùng. Người phụ nữ khổ vì chồng, lại khổ vì con, có khi còn phải khổ cả vì cháu chắt. Một gia đình hạnh phúc đến đâu đi nữa thì vẫn có những nỗi khổ, và nỗi khổ ấy, người phụ nữ, người mẹ, người vợ gánh lấy hết vào cho mình.
Chúng ta thấy Đức Maria cũng khổ cả một đời. Những nỗi đau của Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Mẹ, trở thành những nỗi đau của chính Mẹ. Mẹ không hiểu hết các biến cố xảy đến trong cuộc đời của con mình. Mẹ tin con của mình là Thiên Chúa làm Người, chỉ có ban phúc chứ không gây họa, chỉ có yêu thương và tha thứ chứ không loại trừ và trả đũa cho những ai gây khổ cho mình. Mẹ cứ suy đi gẫm lại mãi. Mỗi một nỗi đau ập đến, Mẹ lại nhẫn nhục đón lấy mà suy gẫm.
Thường tình, con người ta cứ miên man gậm nhấm nỗi đau để rồi tủi thân, tuyệt vọng, chán chường, có khi lại oán trách, lại phản kháng, vùng vẫy nổi loạn. Còn Mẹ thì như muốn tìm cho ra xem Thiên Chúa muốn gửi gấm ý nghĩa gì qua từng nỗi đau cứ dồn dập chồng chất trong đời. Mẹ đã trở thành hiện thân của người mẹ nhân loại, gánh lấy tất cả mọi nỗi đau của mọi người mẹ trên thế gian, trong đó có nỗi đau của cả chúng ta nữa. Mẹ là tấm gương của niềm tin, của một niềm cậy trông bất chấp tuyệt vọng. Cứ ngỡ đau khổ như thế ắt phải ngã quỵ, nhưng lạ thay, từ trong tuyệt vọng, Mẹ vẫn cứ vươn lên mà kiên vững trong niềm tin.
Chúng ta có thể nghĩ rằng, ồ, Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa cơ mà ! Đương nhiên Thiên Chúa phải ban ơn cho Mẹ thế nào đấy, làm sao mà tuyệt vọng cho được ? Vâng, chắc chắn Mẹ đã lãnh nhận những ơn đặc biệt của Thiên Chúa, nhưng đó lại là ơn dũng cảm chịu đựng để không ngừng gánh lấy những nỗi khổ ngày càng đớn đau hơn, xót xa hơn, chứ không phải là ơn đặc cách miễn trừ mọi nghịch cảnh ngang trái đâu !
Chúng ta cũng có thể lý luận: chúng ta làm sao mà giống Đức Mẹ được, làm sao mà đạo đức bằng Đức Mẹ, làm sao mà có đủ can đảm vững tin như Đức Mẹ ! Chúng ta có ngay một lời giải đáp cho vấn đề: cứ nghiệm lại cuộc đời bà Monica, một Giáo Dân, một bà mẹ bình thường như mọi người.
Bà Monica sinh năm 352, qua đời năm 387 ở tuổi 56 tuổi. Bà là người Công Giáo Phi Châu, đất nước Algérie, da ngăm ngăm đen, đôi mắt sâu thăm thẳm. Bà lập gia đình thì tội nghiệp quá, lấy ngay phải một ông chồng bản tính hung bạo, lại có thói xấu ưa nhậu nhẹt say sưa. Hung bạo cộng với men rượu, thành ra vũ phu. Bà sinh được ba người con. Người con trưởng là Augustino, học giỏi lắm, thông minh lắm, đầy tài năng, nhưng lại rơi vào nếp sống phóng đãng, ăn chơi bạt mạng, lại còn chạy theo bè lạc giáo Maniché nữa chứ.
Trời ơi, làm sao đây ? Khóc lóc vật vã ư ? Không thay đổi được gì ! Người vợ và người mẹ khốn khổ ấy đã chọn con đường của Mẹ Maria. Đó là cứ nhận lấy nỗi đau ấy vào trong mình, cho mình, rồi suy đi gẫm lại, rồi hòa tan tất cả trong lời cầu nguyện:
“Lạy Chúa, Chúa muốn điều gì nơi gia đình con, Chúa muốn điều gì nơi con trai yêu dấu của con, nơi chồng của con, Chúa muốn điều gì nơi chính con đây ? Con xin trao hết tất cả vào trong tay Chúa, xin Chúa lo liệu quan phòng... Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã từng là người mẹ, đã gánh chịu bao nhiêu nỗi đau khổ, mà nỗi đau khổ kinh khủng nhất là phải đứng dưới chân thập giá nhìn người con vô tội của mình phải chết tủi nhục. Nỗi đau của con giờ đây có thế nào chăng nữa cũng không thể nào bằng với nỗi đau của Mẹ. Vậy thì xin Mẹ cho con được đón nhận những nỗi đau đời con với một sự can đảm như Mẹ đã từng can đảm...”
Và sự kiên trì trong cầu nguyện ấy, lòng đạo đức vững tin ấy, gương sáng chịu đựng ấy cuối cùng đã chiến thắng. Anh trai Augustino gặp Giám Mục Ambrosio, được thánh nhân hoán cải. Vào dịp Phục Sinh năm 387, Augustino đã nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, quay trở về với đạo Công Giáo, rồi sẽ quyết định đi tu, rồi sẽ trở thành một vị Giám Mục lừng danh, một vị Tiến Sĩ vĩ đại của Hội Thánh. Không bao lâu sau, đến phiên ông chồng cũng trở lại đạo, thay đổi hẳn tính tình. Và cũng trong năm 387 ấy, bà Monica xuôi tay nhắm mắt lìa đời, chấm dứt mọi nỗi khổ đau trong đời không phải bằng nỗi đau nào khác nữa, mà là bằng một niềm hạnh phúc trọn vẹn, bằng một lời tạ ơn Thiên Chúa !
Thực tế cuộc sống hôm nay của chúng ta cũng có không biết bao nhiêu những người phụ nữ phải chịu đau khổ như Đức Maria, cũng không có biết bao nhiêu người vợ, người mẹ đau khổ như Monica. Nỗi đau từ bên ngoài đánh vào đã đau lắm, nhưng nỗi đau nổ ra từ trong gia đình còn đau hơn gấp bội. Vợ chồng bất hòa xung khắc, rồi bạo hành, rồi ngoại tình, rồi ly hôn ! Người vợ luôn là nạn nhân gánh chịu nỗi đau lớn hơn, đau nơi thể xác đã ghê, đau về tình cảm và tinh thần còn khủng khiếp hơn nhiều. Đến khi già yếu, lại chuyện lục đục, xâu xé, tranh giành, chia rẽ giữa các con trong cùng một nhà càng khiến cho gánh nặng khổ đau thêm oằn xuống trên đôi vai gầy của người mẹ.
Sau cái thời người đàn bà từng phải gánh chịu những cái tang cha, tang chồng, tang con trong chiến tranh, sau cái thời người phụ nữ phải đơn thân chèo chống với đời để thăm nuôi chồng đi học tập cải tạo biền biệt xa nhà, để nuôi con ăn học giữa bao nhiêu kỳ thị phân biệt, thì giờ đây, đến thời kinh tế thị trường nở rộ, có thoáng hơn, thoải mái tinh thần hơn, có nhiều vận may hơn, hưởng được nhiều tiện nghi hơn, hiểm họa trong xã hội hiện tại lại càng gay cấn hơn.
Có thể nói không quá đáng, là gia đình nào bây giờ cũng đều có ít là một nạn nhân của rượu bia, của bài bạc, của chơi bơi, của phá thai, của ly hôn, của xuất khẩu lao động vô tội vạ, của ma túy và AIDS, đủ thứ tệ nạn ! Gia đình giàu có, trí thức, sang trọng, hoặc ngược lại, gia đình lao động nghèo, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được đồng tiền, cũng đều không thoát khỏi những nỗi đau kinh khủng ấy !
Vậy thì tại sao chúng ta, những người vợ, những bà mẹ Công Giáo lại chọn bà Monica làm Bổn Mạng của mình và cho mình ? Phải chăng chúng ta muốn tìm thấy nơi Thánh Nữ Monica một tấm gương người vợ người mẹ dám cắn chặt răng với những nỗi đau của mình, không la lối, không nguyền rủa, không chua xót, mà cứ âm thầm lặng lẽ, cứ suy đi gẫm lại, cứ kiên trì cầu nguyện nài xin Thiên Chúa để đọc ra cho được dấu chỉ nào, ý nghĩa gì trong những biến cố đau đớn nhất đời mình.
Nếu như Thiên Chúa chấp nhận để cho một người mẹ là Maria, Mẹ của Đức Giêsu, đã phải đau khổ tột cùng như thể “một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn” như thế, thì đến phiên chúng ta, những nỗi khổ đau của chúng ta chắc chắn cũng có một ý nghĩa nào đấy, chắc chắn Thiên Chúa cũng muốn gửi gắm một lời cảnh báo thức tỉnh gì đây cho chúng ta.
Những đổ vỡ tang thương trong gia đình chúng ta, không phải bỗng dưng trên trời ập xuống, mà luôn có một phần trách nhiệm lỗi lầm của chính chúng ta. Đã có những lơi lỏng mất cảnh giác nào đó của chúng ta. Đã có những ích kỷ nhỏ nhen hoặc tham lam ngạo mạn nào đó nơi chúng ta. Nhiều khi chúng ta rất đạo đức thánh thiện, vẫn đi lễ Nhà Thờ, vẫn tham gia các Hội Đoàn, vẫn nhiệt tình làm việc Tông Đồ. Nhưng tại sao gia đình chúng ta vẫn cứ xảy ra chuyện này chuyện kia, lúc đầu không đến nỗi nào, rồi cứ rạn nứt dần, đi đến sụp đổ lúc nào không ngờ ?
Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa soi sáng để nhận biết và sám hối, thay đổi chính mình. Lúc đó mới có cơ may lần ra đầu mối mà chữa trị tận căn, can thiệp kịp thời, quan tâm thật sự đến những người thân trong gia đình. Người chồng có thể là bộ óc, có thể là đôi tay vùng vẫy tung hoành trong xã hội để gầy dựng sự nghiệp cho gia đình. Nhưng người mẹ, người vợ phải là con tim nhạy cảm tinh tế, biết yêu, biết bao dung tha thứ. Và một khi con tim ấy lại phó dâng vào trong con tim của Mẹ Maria, con tim ấy lại soi rọi từ con tim bà Monica, thì lúc đó chúng ta mới có cơ may vượt qua những nguy cơ khổ đau, đổ vỡ và tuyệt vọng của gia đình.
Bà Mônica đã noi gương Mẹ Maria, thì mỗi dịp mừng lễ Bổn Mạng của các bà, cái tích cực nhất không phải là chuyện lễ lạc hội hè, tiệc tùng liên hoan, mà là cùng với bà Mônica hướng lòng, dõi mắt nhìn về Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu cùng Thiên Chúa cho chúng ta, để chúng ta có đủ bình tĩnh, đủ chân thành, đủ khiêm tốn nhìn lại chính mình, nhìn lại chồng mình, nhìn lại các con của mình.
Và đổi đời !
Lm. LÊ QUANG UY, DCCT

No comments: